Tìm Biết Ý Chúa, bài 15

Mathiơ 26:49–52

Trong tuần nầy, con cái Chúa khắp nơi đều kỷ niệm về sự thương khó của Đức Chúa Jesus. Mọi chi tiết của các chuyện tích trong đêm Chúa chịu thương khó đều là những bài học quý báu vô song cho con cái Chúa ở mọi thời đại.

Với một bối cảnh ảm đạm trên thế giới hiện nay, những con cái Chúa quan tâm tới tương lai của Hội-thánh, của chính mình và sự cứu rỗi linh hồn của vô số người đang hư vong trong biển trầm luân, đều nên chú ý một số sự kiện vô cùng độc đáo để từ đó rút ra các bài học hết sức hữu ích cho đời sống đạo của mình, cho tương lai phát triển của Hội-thánh và cho sự cứu rỗi của nhiều người thân quen chưa tiếp nhận Chúa.

Có hai sự kiện hết sức độc đáo trong đêm Đức Chúa Giêxu chịu bị bắt: Chúa nêu gương rửa chân cho các môn đồ để dạy họ về tinh thần phục vụ (Giăng 13:1-15); Phierơ chém đứt vành tai của Manchu nhưng bị Chúa cấm dùng gươm và Ngài chữa lành cho Manchu (Mathiơ 26:49–52).

Chúng ta sẽ cùng nhau xem xét hai sự kiện vô cùng đặc biệt nầy để rút ra các bài học cho mình. Cảnh tượng Đức Chúa Jesus rửa chân cho các môn đồ với hình ảnh Phierơ rút gươm chém Manchu thì hoàn toàn tương phản:

Một bên là cái khăn phục vụ, một bên là thanh gươm tấn công. Người ta có thể thấy rõ là Phierơ cố ý chém cụt đầu Manchu, có lẽ là tên hung hăng trong nhóm người đến bắt Đức Chúa Jesus, nhưng vì Manchu né tránh kịp nên chỉ bị lưỡi gươm xớt đứt vành tai.

Sở dĩ ít có bài học rút ra từ hai sự kiện nói trên là vì nhiều người không thấy chúng liên hệ gì với nhau. Tuy nhiên, khi chúng ta nhìn các sự kiện trong Kinh-thánh theo quan điểm từ vị trí của người đang được “đồng ngồi với Đức Chúa Jesus trong các nơi trên trời” (Êphêsô 2:6), tức là thấu hiểu vấn đề theo con mắt linh giới, thì chúng ta sẽ thấy sự thật phía sau điều đang diễn ra không phải như mắt trần nhìn thấy.

Để có thể hiểu vấn đề cách dễ dàng hơn thì tín hữu cần phải nhớ rõ là: Ai đã chọn tiếp nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời và bước đi theo Ngài, thì người ấy đang tham gia vào trận chiến tấn công và phản công chống các thế lực quỷ quyệt của thế giới tối tăm.

Bởi vì trong linh giới chỉ có hai phía đối nghịch nhau chứ không có đất trung lập; cho nên, linh hồn tín hữu hoặc ở bên nầy hoặc thuộc bên kia.

Gươm tượng trưng cho vũ khí tấn công thời xưa; mà gươm trong tay của Cơ-đốc-nhân là Lời của Đức Chúa Trời (Êphêsô 6:17).

Vũ khí thuộc linh để dùng trong cõi linh chứ không hiệu quả trong cõi trần (2Côrinhtô 10:4), vì chúng được dùng để đánh bại các quyền thống trị, các thế lực, các kẻ nắm quyền bá chủ thế giới mờ tối, và các thần dữ ở các nơi trên trời (Êphêsô 6:12).

Người nào biết vận dụng đúng loại vũ khí, đúng chỗ và đúng lúc thì sẽ phá đổ được các đồn luỹ của ma quỷ. Vậy, Lời của Đức Chúa Trời là gươm của Đức Thánh Linh sẽ rất hiệu quả khi được dùng trong chiến tranh linh giới. Nếu người nào vung gươm ấy trong trần giới thì chẳng hiệu quả gì mà còn bị người ta tưởng là khùng điên.

Ví dụ như, dùng lời Kinh-thánh để tranh luận về các vấn đề thế tục với người chưa tin sẽ khiến họ có cớ chế giễu. Nhưng nếu dùng lời Chúa tranh đấu với ma quỷ trong linh giới sẽ khiến chúng chạy trốn.

Hãy xem gương của Đức Chúa Jesus, Ngài chẳng bao giờ dùng gươm Thánh Linh tấn công ai cả. Ngài chỉ đối phó với thế lực tối tăm ẩn núp sau lưng những người ấy mà thôi.

Ví dụ như, khi Phierơ khuyên can Chúa đừng hi sinh thì Ngài vung gươm thẳng vào satan ẩn sau lưng Phierơ mà không làm ông bị tổn thương (Mathiơ 16:21-23). Trong khi đó thì Ngài nặng lời phê phán bọn người Pharisi và các luật gia giả hình (Luca 11:37–52).

Sử dụng gươm trong linh giới sẽ đem lại hiệu quả tốt, nhưng nếu dùng gươm trong cõi trần thế thì chỉ đem đến đau khổ và thiệt hại mà thôi.

Điển hình là sự chống báng nhau tận tình giữa các Cơ-đốc-nhân thuộc các chi hội và hệ phái khác nhau. Nhiều người trong Hội-thánh quên mất rằng lời nói của mình giống như lưỡi gươm tai hại tấn công anh chị em (Thi-thiên 57:4; 59:7; 64:3).

Họ phao tin đồn thất thiệt, vu khống, nói xấu anh em mình trong Chúa. Có thể là vì tinh thần phe đảng hoặc bảo vệ truyền thống, tín lý không được Kinh-thánh hỗ trợ; cũng có thể vì sợ “mất chiên,” mất thu nhập; hay xét đoán người khác vì cách họ thờ phượng Chúa không giống mình, hoặc vì nhiều lý do tế nhị khác.

Những người hành xử như thế vẫn không biết rằng họ đang chặt, chém, chia cắt thân thể của Đức Chúa Jesus thành nhiều mảnh, và làm hại Hội-thánh cũng như chính họ mà không hề biết.

Đức Chúa Jesus bảo Phierơ nạp gươm vào vỏ để ông nhớ lại vũ khí cái khăn mà Ngài đã dùng làm gương về tinh thần phục vụ trong cõi trần. Thật vậy, cái khăn phục vụ vẫn luôn là thứ vũ khí rất hiệu quả trong trần gian để thu phục lòng người.

Sở dĩ sự truyền giáo thiếu hiệu quả vì người chưa tin Chúa nghe các Hội-thánh nói rất nhiều về tình yêu thương, nhưng thực hiện rất ít về những điều họ nói! Mà có ai tận tuỵ bày tỏ tình yêu thương thì bị anh chị em mình chê bai là dại dột!

Tại sao vũ khí cái khăn phục vụ sẽ chiến thắng trong cõi trần? Bởi vì tinh thần phục vụ mới thu phục được những tấm lòng cứng cỏi trong loài người. Tuy cái khăn rất mềm mại và tầm thường, nhưng nó làm tan chảy những ác tâm và có khả năng biến đổi tâm tánh nhiều người.

Chúng ta hãy nhìn lại tinh thần của cộng đồng tị nạn Việt Nam đã biến đổi ra sao trước lòng bao dung và hi sinh của các con cái Chúa người Mỹ ngay sau khi họ đến đất Hoa-kỳ. Chẳng ai bị buộc phải theo đạo để được giúp đỡ tận tình. Tinh thần trật tự, tôn trọng pháp luật, tôn trọng người chung quanh đã thành hình trong cộng đồng người Việt hải ngoại.

Nó trái hẳn với tính ích kỷ, bon chen, giành giật, man trá, quỷ quyệt, tham lam, và không ngay thẳng cố hữu của bao đời cha ông người Việt và Trung Hoa lúc còn ở quê nhà!

Qua lâu ngày ở quê người, nhiều người đã được thay đổi, quen với cách hành xử lịch sự của tinh thần phục vụ, quên mất tâm tính ngày trước mà tưởng rằng do tánh tình họ tự có. Họ rất ngạc nhiên và khó chịu khi phải đương đầu với đồng bào từ quê hương vẫn mang bản chất cũ.

Ngược lại, vũ khí cái khăn không thể dùng để chiến đấu trong linh giới với lũ tà linh, tà thần và các thứ ác linh khác. Hãy xem gương của Đức Chúa Jesus khi Ngài đối phó với lời dụ dỗ của Satan. Ngài phán: “Có lời chép rằng…” và mỗi lần như vậy Ngài đều toàn thắng.

Những ai ngây thơ tưởng rằng có thể dùng vũ khí cái khăn trong cõi linh đều bị satan đè bẹp, vì hắn chẳng bao giờ sợ cái khăn; hắn chỉ sợ gươm của Đức Thánh Linh.

Dùng khăn trong cõi linh nghĩa là gì? Có bao giờ anh chị em đem tinh thần phục vụ để tham dự các sinh hoạt có thờ cúng của người ngoại giáo chưa? Nếu có, thì anh chị em đến đó để phục vụ ai, tranh chiến với ai? Đừng ngây thơ mà bị các thứ lý luận bịp bợm gạt gẫm. Ai dùng vũ khí ‘cái khăn’ ở các nơi đó sẽ bị thất bại não nề.

Vũ khí là dụng cụ tiêu biểu cho quyền phép vô cùng lớn hơn. Tại sao satan vội vàng bỏ chạy khi nghe Danh Đức Chúa Jesus? Bởi vì Danh Đức Chúa Jesus là vinh quang của Đức Chúa Trời (2Côrinhtô 4:4) có hiệu lực gọi hàng hà sa số thiên sứ xuất hiện; vì vậy, tất cả đẳng cấp tà thần, tà linh đều sợ hãi khi nghe Danh Đức Chúa Jesus, vũ khí mà mọi tín hữu đều có sẵn trong kho của họ.

Thế thì, nguyên tắc quan trọng hàng đầu về vũ khí thuộc linh là ‘gươm’ chỉ dùng trong cõi linh, ‘khăn’ là vũ khí mà Đức Chúa Jesus chọn để dùng trên đất. Sử dụng vũ khí cách sai trật và không đúng chỗ sẽ gây ra biết bao điều tai hại.

Tranh cãi về tôn giáo với những người chủ tâm chống Chúa chỉ gây thêm thù hận chứ không thuyết phục được ai cả. Nhưng đức khiêm nhu và tinh thần của người đầy tớ thì chinh phục được vô số người vốn chống trả phúc âm.

Từ các sự nhận xét trên, chúng ta có thể quả quyết rằng uy quyền đích thực trong cõi người không phải là lưỡi gươm. Còn cái khăn phải là vũ khí dùng để đối phó với những người đối địch chúng ta.

Hãy dùng gươm để đánh trả các quyền thống trị, các thế lực, các kẻ nắm quyền bá chủ thế giới mờ tối, và các thần dữ ở các nơi trên trời.

Chúng ta hãy xem gương Đức Chúa Jesus đối xử với những người phạm tội: Ngài chẳng quở trách tội nhân nào cả, nhưng dịu dàng và nghiêm trang nói với họ rằng Ngài không định tội họ, hãy đi và đừng phạm tội nữa! (Luca 7:48, 50; Giăng 8:11).

Hãy cùng nhau suy gẫm bài học về các vũ khí thuộc linh và cách sử dụng chúng trong mùa thương khó. Truyền giáo, là đánh trận, mà không biết sử dụng vũ khí thì có ích lợi gì không?

TimBietYChua15.docx
Rev. Dr. CTB