Tín Đồ Của Chúa, bài 33

Êphêsô 5:1–7

Sau khi được đổi mới, bước kế tiếp là phải biết cách áp dụng những tính chất mới mình vừa nhận được. Sự tái sinh đã biến chúng ta từ những người ‘ngoại’ được vào đại gia đình Đức Chúa Trời và trở thành con cái Ngài.

Con cái luôn luôn bắt chước cha mẹ và những người gần gũi với chúng vì mối liên hệ yêu thương tự nhiên. Người nào là con của Chúa đều yêu thương Cha thiên thượng và sẽ bắt chước mọi điều tốt đẹp Cha làm.

Vì thế Phao-lô khuyên: “Vậy, anh em hãy trở nên những người bắt chước Đức Chúa Trời như các con yêu dấu của Ngài.” (1). Gương phải bắt chước đầu tiên là “bước đi trong tình yêu thương như Đấng Christ đã yêu thương chúng ta” (2).

Ai vẫn bị bản tính cũ cai trị thì không thể bắt chước đức tính yêu thương của Chúa; nhưng khi tính tình vẫn thường cay đắng cùng mọi điều hiểm độc đã bị loại trừ rồi, thì việc bắt chước gương yêu thương hi sinh của Đức Chúa Jesus không phải là khó khăn như nhiều người thường nghĩ.

Nói đến tính hay bắt chước của trẻ con, những bậc làm cha mẹ cần phải hết sức cẩn thận, bởi vì có một số thói xấu học từ người lớn lúc còn thơ dại, mà tới bây giờ vẫn còn cư xử cách vô tình, sẽ là gương xấu cho con cái làm theo, vì chúng nhìn thấy cách hành xử của cha mẹ.

Trẻ con ăn cắp vặt vì chúng thấy cha mẹ chôm chĩa của người khác; trẻ con xả rác nơi công cộng vì cha mẹ xả rác ngoài đường. Trẻ con hoang phí tiền bạc khi thấy cha mẹ mang nợ vì mua sắm những món không cần thiết; trẻ con nói dối vì thấy cha mẹ nói dối mà không ngượng miệng; thiếu niên mới lớn cư xử thô lỗ vì học thói thô lỗ của người lớn trong gia đình, hoặc chứng kiến cha mẹ nguyền rủa người khác, nhiếc móc chửi bới nhau rất nặng lời.

Tất cả những thói giành giật, ích kỷ, chen lấn, không nhường nhịn, bất lịch sự của nguyên một nhóm dân tộc nào đó là hậu quả của các thế hệ đi trước làm gương rất xấu cho các thế hệ trẻ tiếp theo sau, và sẽ còn ảnh hưởng nhiều đời.

Mặc dù không ai trong loài người có thể giữ vai trò như Đức Chúa Jesus xả thân vì nhân loại làm sinh tế chuộc tội, nhưng bất cứ người nào là con cái Chúa, vì lòng yêu mến Ngài, hi sinh cho người khác, thì hành động hi sinh, dù nhỏ nhặt, cũng là một lễ vật toả ngát hương thơm dâng lên Đức Chúa Trời và được Ngài đẹp lòng.

Ví dụ cụ thể là hành động bố thí, giúp đỡ người đang gặp khó khăn, trợ giúp người bị tai nạn, vv. Bất cứ cách hành xử nào phát xuất từ tình yêu thương của Đức Chúa Trời đặt trong lòng mình, cũng đều là kết quả của sự đổi mới mà Đức Thánh Linh thực hiện cho người thuộc về Ngài. Đó là thái độ “bước đi trong tình yêu thương” mà sứ đồ Phao lô khuyên chúng ta.

Tuy nhiên, anh chị em cần phải hiểu rằng sự tái sinh không phải là phương thuốc mầu nhiệm giúp ta tự động được miễn nhiễm tư tưởng và lời nói ô uế của thế gian.

Bởi vì những điều gian dâm, bất khiết và tham lam vẫn vây quanh cám dỗ mọi người, không chừa một ai hết. Cho nên, hãy hết sức cảnh giác không cho phép môi miệng hoặc tư tưởng mình dính líu tới những điều tối kỵ đó; chúng ta phải có thái độ dứt khoát để xứng đáng làm thánh đồ của Đức Chúa Jesus (3).

Lời dặn dò nầy phải có, vì trong chỗ riêng tư, kín đáo, một số người vẫn bị cám dỗ xem phim ảnh gian dâm nhớp nhúa, hoặc ưa thích các minh tinh màn bạc có cách sống bị Đức Chúa Trời tởm lợm. Đối với họ thì các việc đó là chuyện bình thường trong xã hội nên có thể chấp nhận được.

Trước kia, không một chính khách hay nhân vật đại chúng nào dám mở miệng công khai nói lời tục tĩu, thô bỉ của giới dao búa giang hồ. Nhưng thời nay chẳng những họ nói công khai mà còn hãnh diện về ngôn từ tục tĩu của họ nữa.

Chúng ta không thể như thế! Trái lại, hãy nhận ra mọi lý do khiến ta có thể mở miệng tạ ơn Chúa (4) thì tốt hơn nhiều.

Nguyên nhân khiến chúng ta tránh xa tư tưởng, hình ảnh gian dâm, bất khiết và tham lam, vì những thứ đó không thuộc về Vương quốc của Đấng Christ và Đức Chúa Trời; cho nên ai vẫn có các tư tưởng ấy thì không được thừa hưởng cơ nghiệp trong Vương-quốc.

Cơ nghiệp của con cái thuộc Vương quốc chính là Đức Chúa Trời: A-sáp, tác giả Thi thiên 73 viết: “Ở trên trời con có ai trừ ra Chúa? Còn ở dưới đất con chẳng ước ao người nào khác hơn Chúa” (Thi-thiên 73:25).

Câu tuyên bố nầy đặt ra một thắc mắc khác; bởi vì một người thừa hưởng cơ nghiệp là sở hữu cái gì đó làm tài sản riêng của người ấy. Vậy, làm sao người ta có thể sở hữu Đức Chúa Trời được?

Sự thừa hưởng cơ nghiệp ở đây không phải là tài sản, nhưng là hai tâm hồn hoà hợp yêu thương và thuộc về nhau. Vì thế, thừa hưởng cơ nghiệp trong vương quốc là được các đức hạnh vinh quang, thanh khiết của Đức Chúa Trời đồng hoá và đổi mới để hoà hợp với Chúa và kính mến Ngài (5).

Trong văn cảnh nầy, sự tham lam bị kể đồng nghĩa với hành động thờ thần tượng; cũng được lặp lại ở Côlôse 3:5vì tham lam là một hình thức thờ hình tượng.” Tại sao? Bất cứ mục tiêu chủ yếu nào mà người ta ao ước, cũng là điều mình yêu quý và sợ bị mất, thì cái đó là thần tượng của mình.

Chúng ta yêu mến Chúa, Đấng không thấy được, đã ban cho chúng ta ơn phước vật chất có thể thấy được. Rồi tới một giai đoạn chúng ta sợ bị mất các thứ vật chất ấy vì nó quá quý báu nên ôm giữ bằng mọi giá; mà tiền bạc là phương tiện để thủ đắc bất cứ thứ gì mình thích.

Người ta có thể thực hiện mọi thủ đoạn để có tiền; cho nên, sự tham tiền chính là cội rễ của mọi điều ác. Như sứ đồ Phao-lô viết: “Vì lòng tham tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác, một số người vì đeo đuổi nó mà lìa bỏ đức tin, tự chuốc lấy nhiều nỗi đau nhức nhối” (1Timôthê 6:10). Cho nên, tánh tham lam tiền bạc của cải là nguyên nhân chính của mọi thứ tội ác trên thế gian.

Đừng để ai lấy những lời rỗng tuếch lừa dối anh em” (6). Để có nhiều thành viên và giữ họ ở một giáo hội hay hội chúng nào đó, những tay chăn bầy giả dối vẫn thường dùng lời rỗng tuếch ru ngủ giáo dân.

Trên thế gian có vô số lời rỗng tuếch, phù phiếm và vô giá trị, nhưng vì câu trước nói đến các thứ tội ác khiến người phạm tội bị loại trừ khỏi Vương quốc của Chúa, nên ở đây lời rỗng tuếch là những lời nguỵ biện nhảm nhí, cho rằng chỉ cần tin Chúa là đủ, có phạm các tội kể trên sẽ không ảnh hưởng gì đến số phận vĩnh cửu của người đã tin Chúa; vì vậy, những người nầy dung túng đủ thứ tội lỗi trong hội chúng của họ.

Đó là thứ giáo lý nguỵ biện về ơn tiền định, cho rằng nếu tín hữu có lỡ chiều chuộng xác thịt, cũng sẽ không bị trừng phạt, mà vẫn được cứu rỗi vì con cái Chúa được phép làm, hoặc Đức Chúa Trời không bắt lỗi những tội như vậy.

Những lời rỗng tuếch cũng là những thứ giáo lý nguỵ biện về việc sẽ được các thánh cầu bầu, được giáo phẩm đại diện Chúa tha tội, nên chỉ cần xưng tội với người chủ chăn của mình. Kẻ nói những lời rỗng tuếch ấy thuộc dòng dõi không vâng phục sẽ bị cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời hình phạt. Kinh thánh nói rõ là ai phạm các tội gian dâm, bất khiết hay tham lam sẽ bị trừng phạt và không thể thừa hưởng Vương-quốc.

Giáo lý và giáo điều rỗng tuếch dụ dỗ giáo dân, nguỵ biện rằng được giáo hội tha thứ thì người ta được cứu rỗi; rồi sự thờ lạy hình tượng là đúng, các tội lỗi nhỏ nhặt là không quan trọng gì; vì thế, các giáo lý và giáo điều ấy là lời rỗng tuếch chẳng có giá trị gì hết.

Điều đáng buồn là vô số tín hữu và giáo hữu không biết họ đang tự huỷ phá tương lai của chính họ bằng thói lười biếng không chịu suy gẫm Kinh thánh, bằng tâm lý mê tín theo truyền thống của gia đình, dòng họ, chưa bao giờ biết các lời dạy của giáo hội trái ngược với lời Chúa.

Con cái thật của Chúa không thể nào thông đồng với những giáo lý và giáo điều mình biết rõ là sai lạc so với lời dạy của Kinh thánh. Bất cứ giáo lý hay luật lệ nào do người ta nghĩ ra, không phù hợp với Kinh thánh, thì đều là vô giá trị.

Bởi vì có một số giáo hội xưng là Cơ-đốc-giáo chủ trương rằng truyền thống, mà họ gọi là tông truyền, thì có thẩm quyền ngang bằng với Kinh thánh; nhưng hễ truyền thống nào trái ngược với Kinh thánh, thì truyền thống chiếm ưu thế.

Đó là các lời nguỵ biện rỗng tuếch nhằm mục đích biện hộ cho các hình thức thờ phượng và giáo điều sai trật, vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời, đã trở thành thói quen của họ. Vì thế sứ đồ Phao lô căn dặn: “Vì vậy, đừng thông đồng với họ” (7).

Điều mà chúng ta cần thực hành là bắt chước gương yêu thương của Đức Chúa Jesus, thì sẽ được an toàn trong ơn gìn giữ của Ngài.

TinDoCuaChua33.docx

Rev. Dr. CTB