Tín Đồ Của Chúa, bài 24

2 Timôthê 1:6-10

Có khi nào anh chị em tín hữu suy nghĩ về ý định và mục đích của Đức Chúa Trời cho con cái Ngài, nói chung, và cho cá nhân ta, nói riêng, không? Có bậc cha mẹ nào sinh con ra rồi chỉ muốn nó chỉ thụ động ngồi chờ bữa ăn chứ không làm gì hết chăng?

Bây giờ hãy suy nghĩ xem Chúa có ý định và mục đích gì khi Ngài ban ơn cứu rỗi và đem chúng ta vào gia đình Ngài.

Theo lời Kinh thánh thì Ngài muốn mọi con cái Ngài “từ bỏ sự không tin kính và dục vọng trần gian để sống một cách tiết độ, công chính và tin kính trong đời nầy. …..Phải học tập chú tâm vào việc lành, để cung ứng những trường hợp có nhu cầu cấp bách, chứ đừng sống một cuộc đời không kết quả” (Tít 2:12; 3:14).

Sứ đồ Phao-lô cũng nói rõ là: “Vì ý muốn của Đức Chúa Trời là anh em phải được thánh hoá, tức là phải lánh xa sự gian dâm, mỗi người phải biết gìn giữ thân thể mình cho thánh sạch và tôn trọng, đừng sa vào tình dục phóng đãng như người ngoại” (1Têsalônica 4:3-5).

Những lời chỉ dẫn trên đều tóm tắt trong lời khuyên anh chị em tín hữu hãy “sống một cách xứng đáng với Đức Chúa Trời, là Đấng gọi anh em vào Vương quốc và vinh quang của Ngài” (1 Têsalônica 2:12). Mục đích của Đức Chúa Trời gọi chúng ta vào Vương quốc và vinh quang Ngài là chúng ta phải được đổi mới để sống một cách xứng đáng với Vương quốc và vinh quang rạng ngời ấy.

Vậy, nếu ai đã được Đức Chúa Trời đem vào gia đình Ngài thì người ấy không thể sống một cách thụ động để chờ được ban phước, nhưng là một đời sống kết quả.

Để có thể biết Chúa muốn mình sống như thế nào thì phải siêng năng nghe tiếng Chúa phán qua Kinh-thánh mỗi ngày và suy gẫm lời Ngài; rồi phải biết cầu nguyện, tức là trò chuyện tương giao với Chúa.

Khi một người thực sự hiểu biết ơn cứu rỗi của Chúa và tiếp nhận ơn ấy vào lòng bằng quyết tâm ăn năn tội lỗi, thì người ấy được tha tội và được tái sinh thành người mới, bắt đầu tiến trình thánh hoá.

Những điều căn bản trên phải trở thành sự hiểu biết kỹ càng và vững vàng của mỗi tín hữu; cho nên, không những chỉ là biết mà còn phải biết rõ từng vấn đề.

Ví dụ như, tại sao chúng ta cần được tha tội? Nếu tội lỗi chưa được tha thì ơn cứu rỗi có đến với mình không? Rồi chúng ta phải làm gì để được tha tội? Chúng ta phải biết và hiểu rõ vấn đề căn bản nầy để có thể giải thích cho những người mình muốn dẫn đến với Chúa.

Người ta phải được tha thứ hết tội lỗi trong quá khứ thì Đức Thánh Linh mới ngự vào lòng và ban cho sự tái sinh.

Nhiều người theo đạo lâu năm mà đời sống chưa được biến đổi vì vẫn còn dính líu với tội lỗi của thời quá khứ; sự dính líu ấy nhốt tâm linh người đó trong ngục tù của quyền lực tội lỗi nên vẫn tiếp tục phạm tội, không thể sống một đời tự do được giải thoát khỏi tội lỗi với quyền lực của nó và chưa bao giờ được sinh lại.

Nếu tội lỗi của ai chưa được tha thì người đó chưa thể nhận được ơn cứu rỗi của Chúa.

Mặc dù sự chết của Đức Chúa Jesus chuộc tội cho nhân loại có giá trị phổ quát, nhưng sự tha tội chỉ ban cho người nào biết ăn năn quá khứ của mình và quyết tâm từ bỏ tội lỗi, không còn ôm ấp quá khứ ấy nữa. Lúc đó ơn cứu rỗi mới hữu hiệu cho người nhận.

Người được tha tội là người sẽ không dám phạm tội nữa vì không muốn bị mất sự thánh sạch mà mình được Chúa ban.

Những người chưa hiểu điều nầy thì thắc mắc không biết tại sao anh chị em khác biết rõ tình trạng tâm linh mình là bạc nhược, tưởng rằng người trong Hội-thánh không thấy đời sống riêng tư của mình thì chắc không biết.

Tín hữu phải thật lòng hối cải thì mới được tha tội để tâm linh nhận được ơn tái sinh, từ đó mới có thể bước trên tiến trình thánh hoá. Người nào không chịu hối cải thì chẳng bao giờ là một môn đồ thật của Chúa; thiên đàng vẫn rất xa vời đối với người như vậy.

Hãy thử hình dung ý nghĩ của Đức Chúa Trời về Hội thánh của Ngài như thế nào, có phải là như tình trạng của chúng ta hiện nay không?

Khi Đức Chúa Jesus cho biết các cửa âm phủ không thể thắng Hội-thánh (Mathiơ 16:18); rồi Ngài truyền cho các môn đồ Ngài: “Tất cả thẩm quyền trên trời dưới đất đã giao cho Ta. Vậy, hãy đi khiến muôn dân trở nên môn đồ Ta” (Mathiơ 28:18b-19a), thì Hội thánh trong ý tưởng của Chúa phải đầy những người đã được biến đổi, được đầy dẫy Đức Thánh Linh, sống trong sự vâng phục Chúa, và chiến thắng tính lười biếng của bản ngã cũng như mọi sự cám dỗ của trần gian.

Các môn đồ của Chúa đã vâng lời, nên họ được đầy dẫy Đức Thánh Linh làm đảo lộn cả thế giới. Từ một nhóm người không đáng kể, đạo của Ngài đã bắt đầu truyền ra khắp nơi, đem Tin Mừng về sự sống mới tới cho hàng tỉ người.

Đức Chúa Trời sẵn sàng trang bị cho con cái Ngài cả ý chí lẫn quyền năng để sống đắc thắng và thánh khiết, hầu cho Hội thánh thành công trong công tác truyền giáo.

Một trong các mục đích Chúa giải thoát chúng ta ra khỏi quyền lực của tội lỗi là giúp chúng ta có thể truyền rao phúc âm một cách có hiệu quả. Không ai chịu nghe lời giảng đạo đức của những người mà họ biết đang có đời sống không thể làm gương cho họ.

Cho nên, sự trục trặc của Hội-thánh ngày nay là có quá ít người bằng lòng cho Đức Thánh Linh biến đổi mình thành những người thanh sạch và đầy quyền năng; cũng có quá ít những gương đắc thắng tội lỗi trong thế gian; không có nhiều gương về nếp sống được giải thoát khỏi quá khứ nô lệ cho tâm tánh xấu xa, ích kỷ.

Người ta chỉ thấy một nhóm tín đồ đang cố gắng giấu giếm ôm ấp tội lỗi riêng, vẫn còn bị thói hư tật xấu trói buộc chứ không chịu từ bỏ để được chữa lành; vì vậy, không thể dẫn người khác đến với Chúa được.

Đức Chúa Jesus đã định Hội-thánh của Ngài phải là một ngọn đuốc soi sáng cho thế gian noi theo. Thế mà, trong thời gian qua việc xây dựng Hội thánh chúng ta trở nên mạnh mẽ vẫn còn là ước mơ xa vời, chưa biết bao giờ mới đạt được. Công tác chứng đạo của chúng ta bị ngăn trở bởi đời sống tâm linh bạc nhược và lười biếng.

Từ chỗ yếu đuối, đa số tín hữu không dám chứng đạo vì hổ thẹn! Sứ đồ Phao-lô khuyên Ti-mô-thê: “con chớ hổ thẹn khi làm chứng về Chúa chúng ta” (2Timôthê 1:8).

Theo tâm lý bình thường thì những người có niềm tin thuộc nhóm thiểu số hổ thẹn khi nói về niềm tin của mình cho những người thuộc nhóm đa số.

Anh chị em phải rũ bỏ thứ tâm lý sai trật ấy; bởi vì vinh dự của chúng ta là lớn vô cùng, tương lai của chúng ta cực kỳ tươi sáng rạng rỡ. Hãy nhìn xem những việc Chúa đã và đang làm để chứng minh Ngài đang thống trị trên toàn vũ trụ.

Đừng hổ thẹn, vì những người sẽ bị hình phạt vĩnh viễn mới phải hổ thẹn.

Mục đích của Đức Chúa Trời cho đời sống hiện tại của con cái Ngài là vinh danh Ngài bằng cách phản ảnh sự sống vinh quang và thánh thiện của Con Ngài đang ngự trong chúng ta; rồi kết quả của công tác truyền giáo là mỗi tín hữu đều góp sức làm cho Hội thánh tăng trưởng mạnh về mọi mặt; nhưng nguyên nhân nào khiến chúng ta chưa thực hiện được mục đích đó?

Có phải các vết thương lòng trong quá khứ vẫn đang hoành hành chưa được chữa lành chăng? Tại sao có quá ít người bằng lòng cho Đức Thánh Linh biến đổi con người bề trong của mình? Tại sao chúng ta bất năng trên mặt trận truyền giáo?

Xin mỗi người hãy tự xét để thấy phần trách nhiệm của mình trong việc không hoàn thành mục đích của Chúa cho chính mình và Hội-thánh. Bởi vì tình trạng yếu đuối và thất bại của một Hội thánh phản ảnh đời sống thất bại của tín hữu thuộc Hội thánh ấy mà thôi. Mục đích của Chúa cho chúng ta là có đủ năng quyền để đánh bại các cửa âm phủ.

Bí quyết của các Hội thánh truyền giáo thành công là họ khám phá ra cách mời sự hiện diện quyền năng của Đức Chúa Trời ngự đến và lưu lại trong Hội thánh.

Nguyên nhân chính khiến tín hữu không dám truyền giáo vì bị đại bại về đạo đức trong đời sống riêng; nhưng ai đã đượcChúa thực sự giải thoát khỏi gánh nặng tội lỗi, đời sống tâm linh được tự do hạnh phúc, thì rất khó giữ sự vui mừng ấy cho riêng mình, mà sẽ chia sẻ niềm vui ấy cho những người quanh họ được biết.

Chúng ta sẽ cùng nhau nghiên cứu ba đề tài: Quyền phép, sự thánh khiết và truyền giáo.

Thiếu sự hiện diện quyền năng của Chúa, không ai có thể sống thánh khiết, sự truyền giáo thì yếu ớt; thiếu sự thánh khiết, chúng ta không thể bày tỏ tính cách của Đức Chúa Trời, còn sự truyền giáo chẳng có sức thuyết phục. Thiếu truyền giáo thì khó sống đời thánh khiết cũng không thể bày tỏ quyền năng của Chúa.

Chúng ta sẽ cùng nhau nghiên cứu ba lãnh vực đan quyện chặt chẽ nầy.

TinDoCuaChua24.docx

Rev. Dr. CTB