Chúa Nhật, December 21st, 2014

Mùa Giáng Sinh, 03


Lu-ca 2:1–20

Những người đã tìm hiểu, hay nghe giảng các chuyện tích giáng sinh, đều đã biết truyện tích thiên sứ hiện ra báo Tin Mừng cho các mục tử rằng: Chúa Cứu Thế đã vào đời trong hình ảnh một hài nhi được quấn bằng khăn, nằm trong máng cỏ (8–12).

Vô số người cũng thuộc hai câu hát của các thiên thần: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, Bình-an dưới đất người người được ơn” (13–14). Chủ đề Bình-An của mùa Giáng-sinh thường được trình bày trên khắp các tòa giảng dựa trên sự tích nầy.

Bình-an là ước vọng của mọi người ở mọi thời đại. Dù cho các nhân vật có tính tình tàn bạo, thích gây chiến khắp nơi, vẫn muốn chỗ họ ở và cả trong giấc ngủ có sự bình an. Vì chẳng ai muốn sau những giờ phút dữ dội ở chiến trường, nơi họ về nghỉ ngơi lại không yên ổn. Bình an là được yên ổn, ấm êm, không có tai hoạ hay sự lộn xộn nào xảy ra.

Bài ca của các thiên thần trong đêm Đức Chúa Giêxu giáng sinh là một thông điệp vô cùng độc đáo. Từ trước chưa hề có một bài ca nào như thế; sau đó cũng chẳng bao giờ xảy ra giống như vậy.

Trong vô số chuyện cổ tích và thần thoại của loài người truyền lại cho những thế hệ sau, chẳng tích nào mang nội dung tuyệt diệu như thông điệp đêm giáng sinh năm xưa: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới đất người người được ơn.

Sự bình an mà các thiên sứ rao truyền là một thông báo trọng thể về sứ mệnh của Ngôi Lời sẽ thực hiện ở trần gian. Nhưng hơn hai ngàn năm đã trôi qua kể từ đêm Đức Chúa Giêxu giáng sinh, chiến tranh và loạn lạc vẫn còn hoành hành trên khắp địa cầu.

Nếu lời từ thiên đàng chẳng bao giờ vô lý, thì sự bình an ấy phải có một ý nghĩa khác sâu nhiệm hơn.

Trước khi kết thúc thánh vụ của Ngài nơi thế hạ, Đức Chúa Giêxu nói tới sự bình an một lần nữa “Ta để sự bình an lại cho các con. Ta ban sự bình an của Ta cho các con. Sự bình an Ta cho các con không giống như thế gian cho. Lòng các con chớ bối rối và đừng sợ hãi” (Giăng 14:27).

Ý của Chúa trong lời hứa nầy rõ ràng không phải là sự bình an trong cõi thể chất như người ta nghĩ; nhưng là sự bình an trong tâm linh cho những ai tin và nhận Ngài vào làm Chủ trong lòng mình.

Tương tự như sự thánh hoá không xảy ra cách tự động, mà phải có sự cộng tác của người tin, thì việc tiếp nhận sự bình an của Đức Chúa Giêxu để lại cũng cần một số điều kiện cộng tác của ta.

Hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau suy nghĩ kỹ càng hơn về sự bình an của chương trình giáng sinh đem đến cho mỗi người tin nhận ơn cứu độ của Đức Chúa Trời.

Trong cuộc đời bước đi với Chúa của mỗi tín hữu, hễ khi nào gặp phải khó khăn, hoạn nạn, hay những điều không vừa lòng của cuộc sống riêng tư, chúng ta thường cho rằng Đức Chúa Trời đã cho phép những việc đó xảy ra. Hay nói cách khác là chúng ta đổ thừa cho Chúa.

Ít khi nào tín hữu nhận biết rằng tâm lý hay thái độ ấy là bằng chứng của một số vấn đề nào đó không vâng lời Chúa trong đời sống chúng ta, mà vẫn chưa chịu từ bỏ.

Nếu sự bình an trong lòng, mà chúng ta mong mỏi, vẫn chưa có được, thì quý anh chị em hãy xét xem hiện nay mình đang phục vụ bao nhiêu chủ trong đời sống mình?

Hễ ngày nào chúng ta còn phục vụ hai chủ, tức là phục vụ bản ngã của mình và phục vụ Đức Chúa Trời đồng một lúc, thì những sự khó khăn cùng với bối rối, nghi ngờ vẫn khuấy động trong đời sống thể chất bên ngoài và nếp sống tâm linh bề trong.

Anh chị em cần phải biết rõ điều nầy: Mọi công việc của Đức Thánh Linh hành động trong tâm linh và đời sống chúng ta đều nhằm ích lợi cho con dân Ngài. Bất cứ một lãnh vực không vâng lời nào đều là sự cố ý của chúng ta muốn lấn át thẩm quyền của Đức Thánh Linh. Kết quả là những sự khó khăn, thất bại, thua lỗ cứ xảy ra mà chúng ta không biết tại sao.

Chúng ta phải luyện tập một thái độ hoàn toàn nương nhờ và tin cậy Chúa. Ai đã đạt tới điểm đó, thì việc sống đời thánh đồ là chẳng có gì khó khăn hết.

Làm thế nào để biết mình đã đạt tới tình trạng như thế? Dấu hiệu Đức Chúa Trời chuẩn nhận sự vâng lời của chúng ta là sự bình an mà Ngài ban vào lòng ta. Một sự bình an sâu đậm không thể diễn tả được. Nó không phải là một sự bình an thông thường trong cõi thể chất của thế gian; mà là sự bình an của Đức Chúa Giêxu, khi Ngài ngự vào lòng.

Nếu đời sống thể chất và tâm linh của chúng ta vẫn chưa có sự bình an ấy, hãy chờ đợi nó đến. Trong khi đó, hay xét xem lý do nào đã ngăn trở sự bình an, mà Chúa đã hứa ban, lại chưa đến trong lòng ta được.

Có nhiều nguyên nhân vẫn thường cản trở không cho tín hữu nhận lãnh sự bình an mà Chúa đã hứa. Ta thường hành động hoặc nói theo bản tánh chủ quan, bộp chộp, nông nổi, mà không chịu suy nghĩ chín chắn, làm cho người chưa tin có ác cảm với đạo Chúa. Nhiều người thì tìm cách khoe khoang, mong người khác thấy công trạng của mình để được khen ngợi.

Phao-lô đưa ra bí quyết được bình an là: “Hễ điều gì chân thật, điều gì đáng trọng, điều gì công chính, điều gì thanh sạch, điều gì đáng yêu chuộng, điều gì đáng biểu dương; nói chung là điều gì đức hạnh, đáng khen ngợi thì anh em phải nghĩ đến. Những gì anh em đã học đã nhận, đã nghe và đã thấy trong tôi, hãy làm đi, thì Đức Chúa Trời của sự bình an sẽ ở với anh em” (Phi-líp 4:8–9).

Đừng bao giờ nghĩ rằng nhờ các quyết định mình sẽ thực hiện trong đời sống đạo, ví dụ như sẽ đọc Kinh-thánh nhiều hơn, sẽ cầu nguyện nhiều hơn, sẽ đi nhóm siêng năng hơn, vv. Mọi việc đó đều là tốt và cần phải làm, nhưng chúng không phải là nguyên nhân hay phương cách đem bình an của Chúa tới cho ta.

Đoàn kết hiệp nhất với các anh chị em tín hữu khác sẽ đem đến bình an, vì tinh thần đoàn kết hợp nhất là do Đức Thánh Linh sinh ra trong lòng con dân chân thật của Ngài. Điều đó trái ngược với những việc ý riêng chúng ta muốn làm. Đức Thánh Linh vẫn kêu gọi con cái Ngài hãy đơn giản, đừng rắc rối, hãy hiệp nhất với nhau, và đừng chia rẽ.

Nhiều vấn nạn hay nan đề trong đời sống nổi lên khi chúng ta không còn vâng lời Chúa nữa. Bất cứ nan đề hay sự khó khăn nào chen giữa chúng ta với Đức Chúa Trời đều là hậu quả của sự không vâng lời Chúa.

Khi chúng ta vâng lời Đức Chúa Trời thì các nan đề vẫn tới, nhưng chúng không thể chen giữa chúng ta với Chúa, mà trở thành các phương tiện giúp cho tâm trí chúng ta thấy được ơn kỳ diệu của Đức Chúa Trời; Ngài thực hiện các lời hứa của Ngài, như tiên tri Ê-sai chép:

Người nào để tâm trí mình nương cậy nơi Chúa, thì Ngài sẽ gìn giữ người trong sự bình an trọn vẹn, vì người tin cậy Ngài” (Ê-sai 26:3).

Vua David làm chứng: “Ngài đã đổi nỗi buồn rầu của con ra hoan lạc, Ngài mở áo tang con và thắt lưng con bằng sự vui mừng” (Thi-thiên 30:11).

Những nan đề, hoạn nạn và khó khăn thay vì khiến chúng ta nghi ngờ Chúa, lại làm cho chúng ta tin cậy Ngài nhiều hơn; lúc ấy, sự bình an không mô tả nổi cứ tràn ngập trong lòng.

Xin biết rõ điều nầy: Việc tin và theo Chúa không miễn trừ chúng ta khỏi những nan đề bình thường trong đời. Chúng sẽ đến và đến rất nhiều.

Đức Chúa Giêxu phán với các môn đồ Ngài: “Ta đã bảo các con những điều nầy để các con có sự bình an trong Ta. Các con sẽ gặp hoạn nạn trong thế gian, nhưng hãy vững lòng, Ta đã thắng thế gian rồi” (Giăng 16:33).

Khi nào có nan đề hay hoạn nạn kéo tới đang lúc chúng ta vâng lời Chúa, thì sự bình an Chúa ban sẽ khiến chúng ta vui mừng thay vì lo lắng buồn rầu. Bởi vì sự bình an ấy giúp chúng ta thấy rằng Cha trên trời biết rõ mọi điều, và Ngài rất quan tâm chăm sóc chúng ta. Người đã nhận sự bình an sẽ theo dõi đời mình với sự vui thích, vì biết trước cách Chúa sẽ giải quyết sự việc.

Hãy nhận ra chân lý tuyệt vời trong bài hát của các thiên thần năm xưa: Khi nào chúng ta đặt Đức Chúa Trời lên ngôi vinh quang cao nhất trong lòng ta: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời,” thì sự bình an mà Đức Chúa Giêxu từ trời đem đến và để lại cho hàng tỉ con dân Ngài, sẽ chiếm hữu lòng ta: “Bình an dưới đất cho người được ơn.

Một sự bình an vô cùng sâu lắng; như các thánh tử đạo xưa nay vẫn thản nhiên nhận cái chết thể xác để được về với Chúa vô cùng yêu thương và tôn quý của họ.

Chúng ta hãy cùng nhau suy nghiệm huyền nhiệm về chương trình giáng sinh của Đức Chúa Giêxu. Hãy suy gẫm chân lý tuyệt vời trong bài ca của các thiên thần.

Hãy dùng đời sống mình vinh danh Thiên Chúa, chúng ta sẽ nhận được sự bình an từ thiên đàng.

MuaGiangSinh03.docx

Rev. Dr. CTB