Chúa Nhật, August 23rd, 2015

Trở Về Nền Tảng, bài 17

Côlôse 1:26–27

Khi chưa hiểu và chưa biết về niềm hạnh phúc vô bờ và các phước hạnh vô cùng lớn của đời sống tín hữu được thánh hóa, ở các bước đầu tiên của tiến trình thánh hóa, nhiều người sợ hãi và ngã lòng khi nghe đến các phương diện trong con người cũ của mình phải bị trừ khử.

Sự ngã lòng và sợ hãi nảy sinh từ tâm lý tiếc nuối những mất mát về mọi điều vô cùng gần gũi hoặc qúy báu, mà người ta buộc phải từ bỏ, nếu người đó muốn nhận lãnh sự sống đời đời.

Ai cũng muốn được sống vĩnh viễn ở thiên đàng hạnh phúc, nhưng đa số chưa sẵn sàng buông bỏ những điều họ biết là không phù hợp với cõi thiên đàng.

Sự nghịch lý nầy cứ còn trong lòng các tín hữu, bởi vì nhiều người chưa biết rõ hạnh phúc cụ thể trong Nước Trời là những gì.

Điều đó sẽ tan biến khi con cái Chúa không còn lo lắng về những điều phải bị loại trừ, tức là các phương diện chết, mà chú trọng tìm hiểu phương diện sự sống trong tiến trình thánh hóa.

Bởi vì những phước hạnh mà các thánh đồ sẽ nhận được trên đường thánh hóa thì quá lớn, vô cùng cao trọng, vô cùng hạnh phúc so với những điều nhỏ nhoi phải từ bỏ.

Việc đầu tiên chúng ta cần phải làm để có thể đánh tan những nỗi ngại ngùng ngăn cản bước tiến của mình là hiểu biết ơn cứu rỗi mà sự chết chuộc tội của Đức Chúa Giêxu đem đến cho chúng ta, là những người tin Ngài, chứa đựng những ơn phước nào.

Những điều đầu tiên, ai cũng biết, là ơn tha tội, ơn cứu chuộc, ơn giải thoát khỏi tội lỗi, và sự sống đời đời cho những ai bền lòng ở trong Ngài.

Nhưng điều rất cao trọng hơn các ơn phước vừa nói là sự sống sung mãn của Ngài được ban vào lòng người tin, và tâm hồn họ được thánh hóa để dần dần trở nên giống như Đức Chúa Giêxu vậy. Tức là được trở nên giống như Vị Chúa Tể của cả vũ trụ, và điều đó là sự thật.

Bởi vì huyền nhiệm của sự thánh hóa là Đức Chúa Giêxu truyền các phẩm chất toàn hảo của Ngài vào trong linh và hồn chúng ta, như là những món quà tặng miễn phí.

Đừng ai nghĩ rằng sự thánh hóa là một phẩm chất tâm linh đạt được do sự luyện tập hay bắt chước. Mọi nỗ lực của sức phấn đấu và ý chí của con người chỉ có thể sinh ra lối sống thánh thiện theo quan điểm phàm trần đầy khiếm khuyết. Đức Chúa Giêxu gọi điều đó là “xác thịt sinh ra xác thịt” (Giăng 3:6).

Sự truyền các phẩm chất của Đức Chúa Giêxu vào lòng thánh đồ không diễn ra từ từ, nhưng là đặt ngay lập tức vào tâm linh, khi người nhận, bởi đức tin, ý thức (biết) chính Đức Chúa Giêxu là sự thánh hóa của mình.

Thánh hóa không có nghĩa gì khác hơn là sự thánh khiết của Đức Chúa Giêxu trở thành sự thánh khiết của chúng ta, và các phẩm chất thánh khiết ấy bày tỏ qua đời sống của chúng ta.

Bí quyết tuyệt diệu của việc có thể sống một đời sống thánh khiết thì không phải là bắt chước sự thánh khiết hay nếp sống thánh khiết của Đức Chúa Giêxu. Bởi vì không ai trên đời có thể bắt chước sự thánh khiết của Con Đức Chúa Trời được.

Nhưng khi Đức Chúa Giêxu đã đặt các phẩm chất tuyệt vời của Ngài vào trong chúng ta rồi, thì các phẩm chất ấy sẽ tự động biểu lộ qua nếp sống mỗi ngày trong thân thể xác thịt của tín hữu trong Hội-thánh.

Những ai đã được hiểu biết và bắt đầu trải qua bí quyết của huyền nhiệm nầy, sẽ hiểu và có khả năng giải thích cho người khác hiểu lời tuyên bố rất quan trọng của sứ đồ Phao-lô, “Đấng Christ ở trong anh em, là niềm hi vọng về vinh quang” (Cô-lô-se 1:27b).

Như vậy, thánh hóa là Đấng Christ ở trong chúng ta với tất cả bản tính thánh khiết của Ngài, không bỏ một khía cạnh nào hết!

Vì Đấng Vinh Quang vào trong chúng ta để thánh hóa con cái Ngài, thì dù tín hữu ở đâu hay làm gì, đều biết chắc mình đang nắm vững sự sống vĩnh cửu, chẳng bao giờ sợ bị mất.

Nhưng nếu Đức Chúa Giêxu đặt các phẩm chất thánh khiết của Ngài ngay lập tức vào chúng ta, thì tại sao các thánh đồ không được giống Ngài ngay tức khắc, mà tiến trình thánh hóa diễn ra từ từ từng giai đoạn?

Nếu tín hữu để ý thì thấy có người được thánh hóa nhanh, người khác chậm hơn. Như thế, tín hữu phải hiểu rằng mọi điều diễn ra trong tiến trình thánh hóa đời sống chúng ta đều bị tác động bởi yếu tố ý chí của từng người đầu phục Chúa nhanh hay chậm.

Vì mỗi người phản ứng khác nhau khi nghe tiếng gọi của Chúa; cho nên, thời gian đạt tới đời sống thánh hóa dài hay ngắn không phải là do áp dụng một công thức cố định, mà tuỳ theo mức đầu phục của tín hữu nhanh hay chậm, nhiều hay ít.

Tin-mừng của Đức Chúa Giêxu đem đến là “lẽ huyền nhiệm đã được giấu kín qua nhiều thời đại và thế hệ”(26).

Lẽ huyền nhiệm về Tin-mừng là chân lý không thể dùng trí khôn để hiểu, chỉ có thể được biết qua sự mặc khải mà thôi. Nhiều khía cạnh trong kế hoạch của Đức Chúa Trời đã không được mặc khải rõ trong thời Cựu-ước. Bây giờ nó đã được khải thị cho các thánh đồ.

Bởi lẽ “Đức Chúa Trời vui lòng bày tỏ cho họ biết lẽ huyền nhiệm vinh quang phong phú vô cùng nầy đã đến với dân ngoại, đó là Đấng Christ ở trong anh em, là niềm hi vọng về vinh quang.

Thời Cựu-ước, chưa ai dám mơ tưởng được Đức Chúa Trời đến cư ngụ trong lòng họ. Hơn nữa, dân ngoại không có hi vọng gì được tham dự vào giao ước thánh của Chúa lập với người Do -thái.

Bây giờ, chẳng những chúng ta được tham dự giao ước mới, mà Đấng Christ còn đem sự thánh khiết theo Ngài vào lòng chúng ta, thì sự thánh hóa là hi vọng vinh quang của thánh đồ.

Sự thánh hóa không phải do công đức hay lòng sùng kính, hoặc năng lực tâm linh của mình, nhưng ấy là sự hiện diện thánh của Đấng Christ trong lòng con dân Ngài.

Ở bước đầu của đời sống theo Chúa, chúng ta thường bối rối không biết làm thế nào để được Đức Chúa Giêxu ngự vào lòng. Tín hữu học Kinh-thánh và nghe các bài giảng rồi mường tượng một cách mơ hồ về sự hiện diện của Đấng Christ trong lòng, vì họ thấy có một chút thay đổi nào đó không rõ nét lắm trong đời sống họ.

Anh chị em cần nắm vững sự thật rằng, chúng ta chỉ nhận được sự sống của Đức Chúa Giêxu qua sự thánh hóa. Được thánh hóa tức là được Đức Chúa Giêxu truyền sự sống của Ngài vào trong ta.

Chúng ta nhận được sự truyền vào của Ngài bằng đức tin. Đó là một món quà tặng do ân điển của Đức Chúa Trời, không phải do công lao gì của người nào hết.

Hễ ai tin nhận Đức Chúa Giêxu là Chúa Cứu Thế của mình, rồi bằng lòng cho Ngài biểu lộ các phẩm chất thánh khiết của Ngài qua mình, thì người ấy sẽ nhận được.

Thánh hóa không phải là nhận lãnh hay hút quyền năng từ Đức Chúa Giêxu để sống một đời thánh khiết, nhưng là biểu lộ sự thánh khiết mà Ngài đã đem theo vào trong ta khi Ngài ngự vào lòng chúng ta.

Người đã thật sự kinh nghiệm về nếp sống thánh hóa, bởi sự thánh khiết của Đấng Christ biểu lộ qua mình, thì người ấy chẳng còn tưởng tượng hay mơ hồ về việc Đức Chúa Giêxu có ở trong lòng mình hay không. Vì thánh hóa chính là Đức Chúa Giêxu đến ở trong lòng người tin, để tất cả các phẩm chất tuyệt diệu của Ngài tự động biểu lộ qua người ấy.

Một cái máy điều hòa không khí dù chạy bình thường khi có điện vào, nhưng nó không thể tiết ra hơi lạnh nếu nó không được bơm khí lạnh vào trong “ruột” của nó. Nó chỉ tiết ra hơi lạnh khi bên trong ruột của nó có khí lạnh.

Cũng vậy, chúng ta chẳng thể nào biểu lộ được những phẩm chất thánh khiết của Đức Chúa Giêxu khi chưa sở hữu các phẩm chất như: Tình yêu thương vô điều kiện, đức nhẫn nại, đức tin, sự thanh sạch, sự thánh thiện, vv., cùng vô số các phẩm chất thánh khiết khác (1Cô-rinh-tô 13:4–7).

Cho nên, muốn được thánh hóa, chúng ta phải chịu đầu phục Đức Chúa Giêxu trước đã. Vâng lời Ngài để loại trừ những gì cần phải bị loại trừ trong bản chất con người xấu xa của chúng ta, trước khi Ngài có thể ngự vào trong ta.

Khi Ngài ngự vào thì Ngài đem theo các phẩm chất thánh thiện của Ngài truyền vào trong ta, để con dân của Ngài có thể tự động biểu lộ những phẩm chất thánh khiết ấy qua nếp sống thường ngày của họ ở trần gian. Chúng ta được thánh hóa là như vậy.

Thánh hóa là một sự truyền vào trực tiếp, không phải là sự bắt chước. Huyền nhiệm của đời sống được thánh hóa là tất cả các phẩm chất toàn hảo của Đức Chúa Giêxu trở thành sở hữu của chúng ta, để các thánh đồ có toàn quyền biểu lộ qua đời sống họ.

Vì vậy, các thánh đồ chân thật sẽ chậm rãi, nhưng chắc chắn sống một đời ngăn nắp, lành mạnh và thánh thiện không giải thích được.

Con dân của Chúa có một hi vọng đầy vinh quang, vì họ sẽ được “gìn giữ bởi quyền phép Đức Chúa Trời” (1Phi-e-rơ 1:5) để sống một đời được thánh hóa.

TroVeNenTang17.docx

Rev. Dr. CTB