Truyền Giáo Vững Vàng, bài 12

2 Sử ký 5:2-14

Chúng ta đã nghiên cứu và học được rằng tín hữu nào muốn được trang bị đầy đủ để truyền giáo thành công, người ấy phải là một người chân thành thờ phượng Chúa và có mối tương giao thông công với anh chị em khác trong Hội Thánh, vì người ấy là một cành nho dính liền với thân cây nho, nhận nhựa sống từ thân cung cấp để mình có sức sống mạnh mẽ từ Chúa ban và kết quả nhiều cho Vương quốc Đức Chúa Trời.

Chúng ta cũng được biết rằng Đức Chúa Trời không xem hình thức bề ngoài, mà Ngài tìm kiếm người chân thành thờ phượng Ngài bằng tâm linh và chân lý.

Sở dĩ sự thờ phượng có liên quan chặt chẽ tới lãnh vực truyền giáo là vì người có đời sống đã được tái sinh, thân mật với Chúa qua nếp sống thờ phượng chân thành, là người có sức sống tâm linh mạnh mẽ, có khả năng trình bày ơn cứu rỗi của Chúa một cách rõ ràng và đáng tin cậy.

Đời sống thờ phượng của tín hữu không dựa vào số lần dự các buổi nhóm thờ phượng chung của Hội Thánh, cũng không phải là hình thức bề ngoài trước mặt người khác, mà căn cứ trên thái độ trong lòng của người tin trước mặt Chúa của mình.

Nếu ai đã biết Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hoá tối cao, ngoài Ngài chẳng có thần nào khác đáng được thờ kính; thì cũng phải biết quyền cai trị và quyết định tối thượng về tương lai thế gian là của Đấng Tạo Hoá, không phải của chúng ta. Vì thế chẳng ai trong loài người biết chắc chắn tương lai của mình sẽ như thế nào.

Một số người tưởng họ có thể lèo lái đời mình theo ý mình muốn, nhưng trong đời luôn luôn có các biến cố bất ngờ làm đảo lộn mọi dự định hoặc lái đời sống người ấy theo một hướng hoàn toàn khác ngoài ý muốn, người bị đẩy đưa theo dòng đời mà chẳng có quyền thay đổi chi hết.

Kinh Thánh ghi: “Đức Giêhôva phán: ‘Ý tưởng Ta không phải là ý tưởng các ngươi. Đường lối các ngươi chẳng phải là đường lối Ta. Vì các tầng trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối Ta cao hơn đường lối các ngươi, ý tưởng Ta cao hơn ý tưởng các ngươi cũng bấy nhiêu.’” (Êsai 55:8-9).

Ai hiểu được rằng Đức Chúa Trời cao cả, vĩ đại và quyền lực vô biên trên khắp vũ trụ, lại cho loài người, là sinh vật được Ngài dựng nên, một ý chí tự do chọn lựa vâng lời Ngài hoặc làm theo ý riêng; trong khi đó Ngài vẫn tiếp tục tôn trọng, chăm sóc người với lòng yêu thương vô bờ bến và không ép buộc, thì bất cứ ai đã nhận lãnh ơn cứu rỗi và nhận biết tình yêu thương đó, phải có thái độ thờ phượng đáp ứng thích đáng với Chúa của mình. Vì Đức Chúa Trời tìm kiếm người thờ phượng Ngài bằng tâm linh và sự thật, nên chúng ta cần hiểu thêm phương diện đó.

Khác với tín đồ của các tôn giáo thế gian không thể nào có mối tương giao thân mật với thần không có thật của họ, con cái Chúa chẳng những biết Chúa của mình là Thần Tối Cao có thật, lại được dạn dĩ đến với Ngài bằng tình thân mật qua Đức Chúa Jesus.

Nhưng vì thiếu hiểu biết, hoặc chưa được chỉ dẫn đúng mức, nhiều người chưa bao giờ được kinh nghiệm ở trong nơi thánh với Chúa để tương giao với Ngài. Hầu hết chỉ lởn vởn ở bên ngoài vì chưa phải là người thờ phượng chân thật mà Chúa tìm kiếm để được Ngài cho phép vào trong nơi thánh của Đức Chúa Trời.

Sự thật đó là điều chúng ta phải tìm hiểu, để tất cả tín hữu đều được gần gũi thân mật với Chúa trong nơi thánh của Ngài. Việc đầu tiên cần phải biết điều gì là lỗi lầm chung để chúng ta có thể tránh lỗi ấy trong tương lai. Trái ngược với giới tín đồ luôn sợ hãi Đức Chúa Trời, người Tin Lành đối với Chúa thì quá suồng sả và vô phép.

Sự thiếu tôn kính đối với Chúa trong sự thờ phượng qua tinh thần thiếu kỷ luật, sự trễ nải, cư xử ích kỷ với nhau, và keo kiệt đối với Chúa, là một trong các nguyên nhân chính cầm giữ không được Chúa cho phép vào nơi thánh của Ngài.

Mặc dù lòng nhân từ của Đức Chúa Trời vẫn bao la vô bờ bến, nhưng Ngài chưa bao giờ để cho sự vinh quang oai nghi của Ngài bị khinh thường. Vì nhiều người không hiểu điều đó nên chẳng biết nguyên nhân nào khiến mình không bao giờ được nghe tiếng Chúa trò chuyện.

Tình thân mật với Chúa sẽ phát triển khi người thờ phượng biết kính trọng bất cứ điều gì thuộc về Đức Chúa Trời, xem chúng là quý báu; giống như sự ôm ấp gìn giữ các kỷ vật của người yêu mà một số người cất giữ rất cẩn thận, vì chúng là vô giá. Tinh thần kính thờ Chúa cũng vậy; người thờ phượng chân thật không dám xúc phạm đức thánh khiết của Chúa.

Chúng ta hãy cùng nhau xem cảnh tượng thầy tế lễ thượng phẩm của Do-thái-giáo đi vào nơi chí thánh của Đền thờ, để nhắc lại sự thánh khiết mà Đức Chúa Trời đòi hỏi (Xuất Ai-cập 28:31-35).

Để khỏi bị chết trong lúc thi hành phận sự, thầy tế lễ không dám khinh xuất khi vào nơi chí thánh của Đền-thờ.

Đức Chúa Trời cũng dặn Môise không được làm các bậc thang cho các thầy tế lễ đi lên bàn thờ dâng tế lễ thiêu: “Con không được đi lên bàn thờ Ta bằng các bậc thang để thân thể con không hở hang trước bàn thờ” (Xuất Ai-cập 20:26). Các thầy tế lễ phải mặc quần lót phía trong lễ phục, thế mà nếu bước lên các bậc thang vẫn bị xem là hở hang, thì những đòi hỏi về sự thánh khiết phải vâng theo trong lễ thờ phượng là vô cùng nghiêm khắc.

Ngày xưa nghiêm như thế, mà người thời bây giờ thì có rất ít ý thức về sự thánh khiết của nhà Chúa phải như thế nào.

Hầu hết tín hữu chỉ tới nhà thờ để dự lễ; rất ít người ước mong được thấy sự hiện diện quyền năng của Đức Chúa Trời giữa Hội thánh Ngài, vì vậy, tinh thần chân thành thờ phượng bằng tâm linh và sự thật vẫn thường xuyên bị thiếu vắng.

Mà nơi nào Chúa không tìm được người biết thờ kính Ngài bằng tâm linh thành thật, thì Ngài không thể ngự đến nơi đó.

Vậy, làm thế nào để được Chúa hài lòng? Muốn đạt tới mục tiêu ấy, chúng ta hãy cùng nhau xem xét một thứ ngôi mà mọi người đều nắm giữ rất chắc, không cho một ai khác có quyền trên ngôi ấy: Đó là ngôi trong lòng của mỗi người chúng ta.

Vô số người tôn kính Chúa bằng môi miệng qua các lời hát hay ho tuyệt diệu xin Chúa đến cai quản đời sống chúng ta. Nhưng trong thực tế thì không được như vậy. Bởi vì chẳng ai chịu tuột xuống khỏi cái ngai trong lòng mình để nhường cho Chúa quyền cai trị.

Ngày xưa, chỉ các thầy tế lễ thượng phẩm mới biết cảnh tượng trong gian chí thánh là ra sao, mọi thầy tế lễ khác chỉ biết những gì thầy tế lễ thượng phẩm nói cho họ biết; còn dân chúng càng mù mờ hơn nữa, vì họ chỉ được héo lánh tới hành lang đền thờ, chẳng ai được thấy bên trong như thế nào. Nếu ai được nghe thầy tế lễ nào đó kể lại điều đã nghe từ thầy tế lễ thượng phẩm, thì sự biết của họ cũng chỉ giới hạn qua những điều họ nghe.

Ngày nay, con cái Chúa được phép đi vào nơi chí thánh qua huyết hi sinh của Đức Chúa Jesus (Hêbơrơ 10:19-20), và được khuyên giục rằng: “Hãy lấy lòng chân thật với niềm tin vững chắc, lòng được tẩy sạch khỏi lương tâm ác, thân thể rửa bằng nước tinh khiết mà đến gần Chúa” (Hêbơrơ 10:22); nhưng không có bao nhiêu người thực hiện được vinh dự nầy, vì hầu hết đều không chịu rời khỏi cái ngai trong lòng mình, nhường cho Chúa quyền hướng dẫn đời sống tâm linh lẫn thể chất, nên không sẵn lòng vào nơi chí thánh.

Hãy trở thành người thờ phượng mà Đức Chúa Trời tìm kiếm, tức là tập sống làm sao thành một nếp sống thờ phượng bằng tâm linh chân thành trước mặt Chúa.

Nếp sống thờ phượng không có nghĩa là phải lìa bỏ trần tục, tìm nơi vắng vẻ để tu hành. Vì người thờ phượng chân thật là người có ích cho xã hội qua các hành động từ thiện kín đáo phát sinh từ động lực bác ái đối xử với những người kém may mắn hơn mình.

Như các hành động của những người được Đức Chúa Jesus miêu tả: “Vì Ta đói, các con cho Ta ăn; Ta khát, các con cho Ta uống; Ta là khách lạ, các con tiếp rước Ta; Ta trần truồng, các con mặc cho Ta; Ta ốm đau, các con chăm sóc Ta; Ta bị tù, các con thăm viếng Ta” (Mathi ơ 25:35-36). Khi các người ấy hỏi, thì Ngài phán: “Khi các con làm điều ấy cho một người thấp kém nhất trong những anh em nầy của Ta, tức là đã làm cho Ta” (40).

Vào trong nơi thánh của Đức Chúa Trời không khó như nhiều người lầm tưởng. Nó chỉ khó đối với người không chịu nhường cái ngai trong đời mình cho Chúa cai trị và điều khiển.

Nhường cho Chúa thì không bao giờ lỗ lã, vì Ngài sẽ dùng chúng ta theo cách vừa có lợi nhất cho xã hội, vừa cho bản thân người ấy. Vì tương lai của những người như vậy là vô cùng huy hoàng trên cõi thiên đàng, ơn phước thì đầy tràn khi còn sống trên đất, khi Chúa gặp được người thờ phượng mà Ngài ưa thích.

Vậy, hãy theo đuổi nếp sống đạo đức của người được vào trong nơi thánh.

TruyenGiaoVungVang12.docx

Rev. Dr. CTB