Chúa Nhật, April 29th, 2012

Các Vấn Đề Tâm Linh, 24


Những Cách Thức Cầu Nguyện

Công Vụ 4:24–31

Trong vòng các Hội Thánh người Việt, cầu nguyện đồng thanh là một sinh hoạt không mấy phổ biến, chưa được nghiên cứu tìm hiểu kỹ càng hoặc vận dụng cách hiệu quả như Hội Thánh của Đức Chúa Giêxu Christ thời sơ lập ở thế kỷ đầu tiên AD. Rồi vấn đề huấn luyện cho tân tín hữu biết áp dụng sinh hoạt cầu nguyện riêng ở nhà cũng không được quan tâm bao nhiêu; mặc dù mục sư nào cũng kêu gọi tín hữu phải tập tành sự cầu nguyện có nề nếp trong đời sống mỗi ngày, hoặc giảng về ích lợi và sự cần thiết của sinh hoạt cầu nguyện. Sự thiếu sót nầy có nhiều nguyên nhân từ mọi phía, của mục sư, của tín hữu; nhưng có thể quy trách nhiệm nặng nhất là khả năng yếu kém, tinh thần tắc trách của giới lãnh đạo, cộng với thì giờ eo hẹp của tín hữu trong cuộc sống đầy bon chen bận rộn, và sự tổ chức quá lỏng lẻo của Hội Thánh địa phương, vv.

Chúng ta phải khắc phục và chấn chỉnh nhược điểm nầy nếu muốn kiện toàn sự an nguy và phúc lợi đời sống tâm linh cũng như thể chất của cá nhân và tập thể chúng ta. Học và tập luyện sự cầu nguyện sao cho đúng cách và hiệu quả thì không bao giờ thừa hoặc vô ích. Hãy biết rằng lòng Đức Chúa Trời mong mỏi viếng thăm con dân Ngài trong các Hội Thánh địa phương mãnh liệt bội phần hơn nỗi khát khao của chúng ta mong được Ngài thăm viếng (chuyện nhà quý tộc Anh độc thân, cô đơn, vì quá nặng không dám vào thăm nhà ai). Vinh quang Đức Chúa Trời đi theo Ngài mọi nơi. Chúng ta phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự thăm viếng của Ngài bằng sự cầu nguyện với tình tương giao thân mật, để Ngài có thể bày tỏ sự hiện diện vinh quang giữa Hội Thánh, mà sức nặng của vinh quang Ngài (kabod) không làm tổn hại chúng ta.

Tân tín hữu hoặc những người theo Chúa đã lâu mà chưa biết cách cầu nguyện, sẽ bắt chước cách cầu nguyện của những người đi trước trong các buổi cầu nguyện chung. Sự cầu nguyện tập thể hoặc đồng thanh cầu nguyện sẽ nâng cao khí thế của người tham dự (Công vụ 4:24,31). Hãy để ý cách cầu nguyện của các môn đồ; họ đồng cất tiếng cầu nguyện, nhưng lời cầu nguyện của họ có chung một nội dung. Cầu nguyện tập thể cũng nên bắt chước mô thức nầy. Một bài mẫu cần được soạn sẵn để mọi người nắm vững nội dung của bài cầu nguyện và đồng thanh lớn tiếng đọc bài ấy với nhau. Những tân tín hữu sẽ dựa vào bố cục của bài mẫu để thay các nội dung chi tiết mà mình muốn cầu xin cho gia đình riêng hay việc riêng. Sự tập luyện nhiều lần như vậy sẽ giúp họ thuần thục trong sự cầu nguyện, không cần dựa vào bài mẫu khi cầu nguyện riêng nữa.

Trong sự cầu nguyện cũng phải để ý đến lãnh vực xưng tội cá nhân và tập thể (Đaniên 9:4-16). Đaniên dù là người rất được Chúa yêu quý, nhưng ông vẫn xưng tội mình và thay cho toàn dân tộc để xưng tội của tổ tiên với dân sự, cùng cầu thay cho họ. Hiệu quả của tinh thần cầu nguyện kiểu ấy là khi Đaniên vừa cất tiếng cầu nguyện thì Lời được ban ra, và thiên sứ Gabriel được sai bay nhanh đến báo tin, chỉ bảo cho ông những việc sẽ xảy ra. Lời cầu nguyện xưng tội của Đa-niên dấy động một trận chiến dữ dội trong linh giới liên quan đến những tà thần khu vực với các thiên sứ trưởng từ thiên đàng. Như vậy sự cầu nguyện xưng tội của Đaniên có hiệu quả làm thay đổi vận mệnh của cả một dân tộc đã bị người đời định cho bị diệt vong. Hội thánh ngày nay ít quan tâm đến những chuyển biến trong linh giới khi tập thể Hội Thánh cùng cầu nguyện. Tâm lý chỉ tin hoặc nhìn nhận những gì người ta có thể thấy bằng mắt thể chất chính là nguyên do tạo ra tình trạng yếu kém, bạc nhược trong nếp sống cầu nguyện của tín hữu ở nhiều nơi.

So sánh bài cầu nguyện của tiên tri Đaniên thời đế quốc Babylôn với lời cầu nguyện của các sứ đồ thời Hội Thánh sơ lập hồi đầu công nguyên, thì hai bài có nội dung khác hẳn nhau, nhưng đều được thiên đàng can thiệp vào. Chúng ta học tập các khuôn mẫu ấy để tìm hiểu các bí quyết dùng làm nền tảng cho sự cầu nguyện của mình phải đạt hiệu quả tương tự.

Hãy luôn luôn ghi nhớ trong lòng rằng sự cầu nguyện tập thể của chúng ta có tính cách chiến đấu chống thế giới tối tăm. Vì vậy, sự ăn năn tội lỗi để giữ vững nền tảng pháp lý của chúng ta là điều vô cùng cần thiết. Chúng ta không nên để cho satan có lý cớ nào để cáo kiện chúng ta trước ngai của Đức Chúa Trời (Khải Huyền 12:10b). Nền tảng pháp lý là được Đức Chúa Trời kể là vô tội. Chúng ta đạt được điều đó nhờ sự ăn năn, xưng tội trước khi bước vào trận chiến cầu nguyện (1Giăng 1:9). Thể loại cầu nguyện nầy không cầu xin Chúa ban ơn phước cho những người tham dự cầu nguyện. Đây là thể loại cầu nguyện chiến trận (warfare prayer). Những lời công bố tấn công thế giới tối tăm phải căn cứ trên nền tảng thắng trận của thập tự giá Đấng Christ; là những lời nhân Danh Đức Chúa Giêxu Christ để truyền khiến tà ma, công bố sự thất bại và thua trận của chúng. Tuy nhiên, những mệnh lệnh phải hợp lý và hợp pháp. bởi vì những lời nói sai trật sẽ không bao giờ thành tựu (vd: ta truyền tiêu diệt ngươi; ta phá huỷ quyền lực ngươi, vv.).

Sự chúc phước lành, chúc bình an và cầu thay cho láng giềng, bạn hữu hoặc thân nhân cũng nằm trong thể loại cầu nguyện chiến trận. Vì lời chúc bình an đầy uy quyền thiên đàng sẽ đẩy lui các hoạt động tội lỗi ra khỏi khu vực (Rôma 16:20); cho nên, sự chúc phước ấy cũng là hành động tấn công thế giới tối tăm. Sự chúc phước lành, chúc bình an như vừa nói là yếu tố vô cùng quan trọng và cần thiết, nếu chúng ta muốn sức kháng cự của thế giới tối tăm bị suy yếu trước khi thực hiện các hình thức cầu nguyện chiến trận khác, như cầu nguyện di hành, trói buộc các quyền lực của tà ma, đuổi quỷ, vv. Thế giới tối tăm không dùng các hoạt động ma quái để cầm giữ các nạn nhân trong vòng cương toả của chúng. Chúng dùng các tệ đoan xã hội, dùng người thực hiện các hành vi tội ác, sự mê tín dị đoan tà đạo bùa ngải, dùng các thế lực chính trị, truyền thông báo chí, phim ảnh ca nhạc giải trí, và các thứ chủ nghĩa, triết thuyết vô thần thù nghịch với phúc âm. Nếu những thế lực ấy không bị sự bình an của Đức Chúa Trời làm cho suy yếu, thì chúng ta sẽ gặp vô số trở lực khi tiến hành chiến tranh chống kẻ thù trong cõi linh.

Cầu nguyện chiến trận là đứng vững trên uy quyền của phía thắng trận mà ra lệnh cho phía thua trận (Êphêsô 3:10; Công vụ 3:6; 13:10-11). Chúng ta là các chi thể trong thân thể của Đức Chúa Giêxu, đã biết mệnh lệnh từ Ngài, là cái đầu, ban ra là phải đánh thắng. Thân thể đừng bao giờ cầu xin cái đầu đánh trận thay cho mình, vì chiến đấu là nhiệm vụ của thân thể. Chúng ta đã được trao cho uy quyền, vũ khí, và khả năng chiến đấu. Hơn nữa kẻ thù đã thua, cho nên nhiệm vụ của Hội Thánh là nhân Danh Đấng đã chiến thắng, sử dụng quyền phép thiên đàng truyền cho kẻ thù phải rút lui khỏi khu vực. Hãy nhớ rõ rằng: “Cuộc chiến đấu của chúng ta không phải với thịt và máu, nhưng với các chủ quyền, các phó quyền, các quyền lực của thế giới tối tăm, các tà linh gian ác ở các miền trên trời” (Êphêsô 6:12). Chúng ta phải có đức tin vững vàng vào uy quyền của Đức Chúa Giêxu Christ, là cái đầu của chúng ta, thì mới có đủ dũng khí mà ra lệnh. Chúng ta cũng dùng Kinh Thánh, là Lời của Đức Chúa Trời, để làm vũ khí tấn công ma quỷ.

Cầu nguyện chiến trận là áp dụng nguyên tắc trói và mở (Mathiơ 16:19). Trói nghĩa là làm cho kẻ địch bị tê liệt không hoạt động được. Khải Huyền 20:1–2 mô tả hình ảnh thiên sứ cầm xiềng trói satan lại. Khi con dân Chúa trong Hội-Thánh Ngài đồng lòng ra lệnh trói buộc thứ linh nào đang cai trị trong khu vực hoặc đang chỉ huy điều động các hoạt động chống trả phúc âm, thì thiên sứ của Chúa sẽ trói tà linh ấy ở linh giới. Và các quyết định trói mở cũng phải vâng theo nguyên tắc công chính cõi thiên đàng. Lấy cái gì làm xiềng xích để trói tà ma? Các gương mẫu mà các sứ đồ thực hiện và thành công là cậy Danh của Đức Chúa Giêxu Christ (Công Vụ 3:6; 13:10–11; 16:18). Để có đức tin và khí thể thực hành thể loại cầu nguyện chiến đấu, tập thể Hội Thánh phải quyết tâm xin Chúa ban sự can đảm và xin Ngài dùng quyền phép cùng hành động với Hội-Thánh (Công Vụ 4:29-30). Cũng phải biết dùng thẩm quyền trong Huyết Đức Chúa Giêxu Christ để đình chỉ và giải toả các hậu quả những vấn đề liên quan đến tội nặng của tiền nhân (Galati 3:13; 2Samuên 21:1-2). Ví dụ gương phục hưng ở quần đảo Fiji.

VanDeTamLinh24.docx – Rev. Dr. CTB