Chúa Nhật, April 15th, 2012

Các Vấn Đề Tâm Linh, 22


Uy Quyền Của Chúng Ta

Côlôse 2:12–15

Khi Chúa muốn dùng Hội-Thánh, là thân thể Ngài, để loại trừ quyền lực, ảnh hưởng của ma quỷ và nọc độc của tội lỗi khỏi thế giới loài người, thì Ngài ban cho các chi thể của Hội Thánh – là mỗi tín hữu – nền tảng pháp lý và uy quyền của chính Ngài. Côlôse 2:12–15 là nền tảng pháp lý mà trên đó chúng ta dựa vào để biết và hành động. Nền tảng đó nói rằng: Đức Chúa Trời đã khiến chúng ta sống lại với Đấng Christ, vì đã tha thứ hết mọi tội chúng ta. – Như vậy, sự được tha tội bảo đảm rằng chúng ta đã được sống lại với Đấng Christ (là sự tái sanh). Nhờ sự tái sanh, được sống lại với Đấng Christ, chúng ta mới được trở thành các chi thể của thân thể Ngài, và hưởng mọi thứ uy quyền mà cái đầu đang có.

Để đạt được tình trạng đó, chúng ta phải chịu bị chôn với Ngài “bởi phép báp têm” (12), rồi được sống lại với Ngài “nhờ đức tin đặt vào năng quyền hành động của Đức Chúa Trời” (13b). Vì thế, để có thể được trở thành các chi thể của thân thể Đấng Christ, thì điều quan trọng trước tiên là chúng ta phải sẵn lòng chịu chết, để cho con người cũ xác thịt của mình phải bị đóng đinh trước đã, hầu cho chúng ta có thể thoát khỏi quyền cai trị của tội lỗi và được tha thứ mọi tội; sau đó, do đức tin của chúng ta đặt vào năng quyền hành động của Đức Chúa Trời, thì Ngài khiến cho chúng ta được sống lại để hiệp thông với Đấng Christ và đồng hưởng uy quyền của Ngài trên hết thảy tà ma của thế giới tối tăm.

Chúng ta không thể nào thắng được ma quỷ trong trận chiến tranh ở cõi linh nếu vẫn còn ở dưới quyền cai trị của chúng, nghĩa là còn nuôi dưỡng tội lỗi. Bất cứ điều gì không chính đáng, thiếu lương thiện, đều là tội lỗi. Các chiến sĩ thập tự đánh trận với tà ma của thế giới tối tăm phải biết rõ điều đó. Đây là lý do mà Kinh Thánh dặn chúng ta phải “đứng vững, thắt lưng bằng chân lý, mặc sự công chính làm giáp che ngực” (Êphêsô 6:14).

Chúa thực hiện việc loại trừ quyền lực, ảnh hưởng của tà ma và nọc độc của tội lỗi theo cách nào? “Ngài huỷ bỏ tờ giấy nợ có các điều khoản bất lợi cho chúng ta, nghịch với chúng ta; Ngài loại bỏ nó đem nó đóng đinh vào cây thập tự”(14). Chúa sẽ không xóa tờ khế ước nghịch cùng chúng ta [do Ađam lập với satan], nếu quyền cai trị của ma quỷ vẫn còn nguyên. Vì thế, “Ngài đã truất bỏ các chủ quyền cùng phó quyền,” nghĩa là không phải chỉ truất bỏ quyền hạn của sa-tan, mà còn truất bỏ quyền cai trị của các thứ tà thần cao cấp dưới quyền hắn nữa.

Đức Chúa Trời không sử dụng quyền phép toàn năng của Ngài để làm việc ấy, vì nếu thế, lũ ma quỷ sẽ kiện cáo là Ngài không công chính. Ngài làm chi? Ngài “dùng thập tự giá chiến thắng chúng nó, và công khai bêu mặt chúng nó trong cuộc diễn hành chiến thắng của Ngài” (15). Sử dụng thập tự giá nghĩa là Đức Chúa Trời trong thân vị Đức Chúa Giêxu Christ phải chịu chết, đổ huyết ra, làm sinh tế chuộc tội cho nhân loại. Khi dòng huyết thánh vô tội đó bắt đầu tuôn ra, thì quyền lực kềm kẹp của ma quỷ trên nhân loại bị phá vỡ tung; chúng bị thảm bại cách không ngờ.

Công khai bêu mặt chúng nó trong cuộc diễn hành chiến thắng” là hình ảnh vị tướng Lamã chiến thắng hạ nhục những người bại trận trước mắt đoàn dân đi xem. Sự bại trận của satan và bè lũ đã công bố tỏ tường. Tuy nhiên, kẻ đã thua chỉ chịu lép vế trước địch thủ nào biết rõ chúng đã bị thua. Vì bản chất lừa dối, tà ma tảng lờ sự thua của chúng đối với những người chưa biết. Cho nên, nắm vững chân lý nầy là một sức mạnh khủng khiếp đối với ma quỷ; là nền tảng mà trên đó con cái Chúa phải đứng vững để chiến đấu và chiến thắng.

Thế thì, qua thập tự giá Đấng Christ, chúng ta nhận được uy quyền của phía thắng trận đối với thế giới tối tăm của ma quỷ. Sự biết rõ uy quyền của mình đang có là rất quan trọng. Tuy nhiên, mọi sự biết của chúng ta phải căn cứ trên các nền tảng pháp lý mà Lời Đức Chúa Trời đã cung cấp cho chúng ta. Để có thể đứng vững vàng trong cuộc giao tranh, dù là tấn công hay tự vệ, các chiến sĩ phải biết rõ những câu Kinh Thánh làm nền tảng cho uy quyền của mình:

Mathiơ 16:18-19 – các cửa âm phủ không thể thắng Hội-Thánh – Hội Thánh được giữ các chìa khóa nước thiên đàng cùng với thẩm quyền trói và mở.

Côlôse 2:12–15 – mọi quyền lực tối tăm của ma quỷ đã bị thập tự giá hủy bỏ. Khế ước trói buộc của tội lỗi trên con cái Chúa đã bị xé bỏ, không còn hiệu lực.

Rôma 8:14–17– quyền kế tự là một sự bảo đảm về thẩm quyền (uy quyền). Không biết quyền kế tự là không biết về uy quyền mình đang có. Dấu hiệu xác nhận quyền kế tự là đời sống được Đức Thánh Linh dẫn dắt (14). Chúng ta được Ngài dẫn dắt khi chịu đau đớn của cái chết con người cũ để được đồng hưởng vinh dự của con người mới đã được tái sinh.

2Côrinhtô 10:3–5 Chúng ta được cấp cho khí giới để chiến đấu, là quyền năng của Đức Chúa Trời có sức mạnh đạp đổ các đồn lũy. Nghĩa là chúng ta có quyền sở hữu loại khí giới mà thế giới tối tăm phải run sợ, là một sự bảo đảm nữa!

1Giăng 3:8b Đức Chúa Giêxu Christ đã đến thế gian làm người và đã hủy phá công việc của ác quỷ rồi. Chúng ta không phải đương đầu với các thế lực có quyền phép chưa bị đánh đổ, mà chỉ thi hành uy quyền của phía thắng trận đối với phía đã bại trận.

Khải huyền 1:17b-18 Đức Chúa Giêxu Christ, cái đầu của Hội Thánh đang cầm chìa khóa của sự chết và âm phủ. Hiện giờ chúng ta thuộc về Nước của Ngài cùng với mọi quyền lợi cặp theo.

Đã biết nền tảng Kinh-Thánh về uy quyền và thẩm quyền của con dân thiên đàng rồi, nhưng chúng ta cũng cần phải biết nền tảng Kinh-Thánh về nhiệm vụ của Hội-Thánh, thì mới có thể sẵn sàng chiến đấu. Kinh Thánh nói về địa vị của tín hữu trong Đức Chúa Giêxu Christ và mọi thứ phước lành của linh giới ở Êphêsô 1:3–14; các câu 17–23 nói về việc chúng ta phải có linh của sự khôn ngoan và sự khải thị để nhận biết quyền tối thượng của Đấng Christ trên mọi thứ quyền lực. Và sau khi nhận ra rằng mình là thân thể của Đấng Tối Thượng ấy thì phải thực hiện trách nhiệm của thân thể đối với mọi mệnh lệnh của cái đầu giao cho; Êphêsô 3:10 cho biết Đức Chúa Trời đã giao cho Hội Thánh nhiệm vụ công bố những chương trình cứu rỗi tuyệt đối khôn sáng của Ngài cho mọi tà thần cao cấp trong cõi linh. Các chương trình ấy nhằm mục đích cứu linh hồn người ta ra khỏi xiềng xích của ma quỷ, bằng cách dùng uy quyền thập tự giá Đấng Christ để vô hiệu hóa quyền lực và mọi mánh lới làm mù lòng người của lũ tà ác linh. Êphêsô 6:10–18 không phải là một sự khích lệ mà là mệnh lệnh chiến đấu. Chúng ta phải đứng vững để chiến đấu trên nền tảng rất rõ ràng là thế giới tối tăm đã thảm bại trước thập tự giá của Đấng Christ.

2Côrinhtô 4:3–4 cho biết chúa đời nầy đang làm mù lòng những người bị chúng kềm kẹp để họ không biết chi về vinh quang chói lọi của phúc âm Đấng Christ. Đức Chúa Trời muốn sự sáng phải soi trong tối tăm (4:6), và Ngài ban sự sáng Ngài chói lòa trong lòng chúng ta, để khi chúng ta tiến vào khu vực nào còn bị ảnh hưởng của thế giới tối tăm, thì đời sống tâm linh của chúng ta phản chiếu được dung nhan rạng ngời của Đức Chúa Giêxu qua sự thông biết của chúng ta về sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, nghĩa là chương trình cứu rỗi khôn ngoan tuyệt đối của Ngài. Hơn nữa, Hội-thánh của Chúa phải có nhiệm vụ và biết cách mở mắt cho người đang ở trong tối tăm (Công vụ 26:17–18).  Điều nầy xảy ra khi vâng lời Chúa áp dụng Luca 24:49 và Công vụ 1:8.

Đức Chúa Trời giao nhiệm vụ tích cực chiến đấu cho Hội Thánh. Đức Thánh Linh đã phán 7 lần rằng Hội-Thánh phải thắng (nikao) trong cuộc tranh chấp với kẻ thù (Khải Huyền 2–3). Đây là mệnh lệnh xung trận mà Chúa là đầu, truyền cho Hội Thánh Ngài, là thân thể thi hành. Nếu Hội-Thánh không cần phải chiến đấu thì Chúa không cần truyền cho chúng ta phải thắng. Thế thì, sự chiến đấu là nhiệm vụ và uy quyền của mọi chi thể trong thân thể của Đức Chúa Giêxu.

VanDeTamLinh22.docx

Rev. Dr. CTB