Vương-quốc Đức Chúa Trời, bài 02

Luca 4:43

Hầu hết các học giả Kinh-thánh đều đồng ý rằng, Vương quốc Đức Chúa Trời là trung tâm trong các sứ điệp của Đức Chúa Jesus. Những ký thuật trong các sách Phúc-âm là bằng chứng rõ ràng về điều nầy.

Sứ đồ Mathiơ kể: “Đức Chúa Jesus đi khắp miền Galilê, dạy dỗ trong các nhà hội, rao giảng Tin Lành của Vương-quốc thiên đàng, và chữa lành mọi thứ tật bệnh, đau yếu trong dân chúng” (Mathiơ 4:23).

Sách Mác chép: “Sau khi Giăng bị bỏ tù, Đức Chúa Jesus đến Galilê rao giảng Tin Lành của Đức Chúa Trời. Ngài phán: ‘Giờ đã trọn, Vương-quốc Đức Chúa Trời đã đến gần, các ngươi hãy ăn năn và tin nhận Tin Lành” (Mác 1:14–15).

Luca tường thuật rõ thêm: “Ngài phán với họ: ‘Ta cũng phải công bố Tin Lành của Vương-quốc Đức Chúa Trời cho các thành phố khác nữa, vì Ta được sai đến với mục đích đó’” (Luca 4:43).

Qua các sự tường thuật trên, thì trung tâm sự giảng dạy của Đức Chúa Jesus là Vương-quốc Đức Chúa Trời.

Nhưng sự đồng thuận của các học giả dừng lại ở điểm đó; họ không đồng ý với nhau về cách định nghĩa Vương-quốc ấy là gì hoặc ra sao.

Có lẽ người ta ít để ý tới trung tâm của sứ điệp Đức Chúa Jesus giảng dạy hoặc những việc Ngài làm; đa số chỉ chú trọng vào công tác cứu chuộc mà Ngài đã thực hiện trên thập tự giá.

Vì lý do ấy, ít có bài giảng về Vương-quốc Đức Chúa Trời để trang bị cho con dân Chúa trong Hội-thánh hiểu và áp dụng vào đời sống đạo của họ. Có thể là vì chưa có định nghĩa rõ ràng về Vương-quốc Đức Chúa Trời, cho nên đề tài nầy ít thu hút sự chú ý của nhiều người.

Nhưng hiện nay, sự trở lại của Đức Chúa Jesus đã gần kề, thì việc đặt ưu tiên học hỏi để Hội-thánh hiểu rõ về Vương-quốc Đức Chúa Trời là hết sức cần thiết.

Ý tưởng của Kinh-thánh về Vương-quốc Đức Chúa Trời đã ăn sâu trong Cựu-ước và đặt trên niềm tin chắc chắn rằng Đức Chúa Trời hằng sống đời đời đã mặc khải chính Ngài cho nhân loại, và Ngài có một mục đích cho loài người mà Ngài dùng dân Israel để thực hiện.

Vì thế các tiên tri đã công bố về một ngày mà người ta sẽ sống trong hoà bình. Lúc ấy Đức Chúa Trời sẽ là quan án xét xử các dân tộc, bấy giờ, họ sẽ lấy gươm rèn lưỡi cày, lấy giáo rèn lưỡi liềm. Các nước không còn vung gươm đánh nhau, chẳng luyện tập chinh chiến nữa (Ê-sai 2:2–4).

Rồi các loài thú cũng sống chung hoà bình, và khắp thế giới sẽ hiểu biết về Đức Chúa Trời (Ê-sai 11:6–9).

Nhưng khi đọc lời Đức Chúa Jesus loan báo: “…hãy ăn năn, vì Vương-quốc thiên đàng đã đến gần” (Mathiơ 4:17), và “…nếu Ta nhờ Thánh Linh của Đức Chúa Trời mà đuổi quỷ, thì Vương-quốc Đức Chúa Trời đã đến với các ngươi rồi” (Mathiơ 12:28), thì các phái thần học lại bất đồng ý kiến nhiều hơn.

Phái đầu tiên giải nghĩa Vương-quốc Đức Chúa Trời là quyền năng Chúa ngự vào trong hồn người. Phái thứ nhì tin ấy là trật tự thiên đàng sẽ thành hình sau khi tận thế.

Phái thứ ba giải nghĩa đó là Hội-thánh phổ thông; theo họ thì Vương-quốc Đức Chúa Trời tăng trưởng theo sự phát triển của Hội-thánh. Quan điểm nầy chiếm ưu thế trong giáo lý thần học của giáo hội Công giáo và vài hệ phái Tin-Lành.

Phái thứ tư thì hơi giống với phái thứ ba, nhưng tin rằng bổn phận của Hội-thánh là phải chinh phục cả thế gian về cho Đấng Christ rồi biến đổi thế gian ấy thành ra Vương-quốc Đức Chúa Trời.

Phái thứ năm thì cột Vương-quốc Đức Chúa Trời với sự công bằng xã hội, chứ không quan tâm gì đến sự cứu rỗi cá nhân. Nghĩa là Hội-thánh có nhiệm vụ xây dựng Vương-quốc Đức Chúa Trời trên đất qua các công tác cứu trợ nhân đạo.

Thất vọng với sự bất đồng ý kiến của nhiều khuynh hướng thần học, một số người không chấp nhận cách giải nghĩa nào hết; họ quay về nghiên cứu Kinh-thánh để tìm câu giải đáp, cũng giống như chúng ta ở giai đoạn nầy vậy; nhưng họ thấy vấn đề không đơn giản như họ nghĩ mà khá phức tạp.

Vì lời Kinh-thánh có nói rằng Vương-quốc Đức Chúa Trời là một thực tế thuộc linh ở thời hiện tại: “Vì Vương-quốc Đức Chúa Trời không phải là chuyện ăn uống, nhưng là sự công chính, bình an, vui mừng trong Đức Thánh Linh” (Rôma 14:17).

Trong lúc đó thì sách Mathiơ cho biết Vương-quốc là sản nghiệp mà Đức Chúa Trời ban cho con dân Ngài khi Đấng Christ trở lại thế gian trong vinh quang:

.. Hỡi những người được Cha Ta ban phước, hãy đến thừa hưởng vương quốc thiên đàng đã chuẩn bị sẵn cho các con từ khi tạo dựng trời đất” (Mathiơ 25:34).

Một phương diện khác của sự thật về Vương-quốc Đức Chúa Trời là một “cõi” mà người tin Đức Chúa Jesus được đem vào: “Ngài đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực của bóng tối và đem chúng ta vào Vương-quốc của Con yêu dấu Ngài”(Côlôse 1:13).

Nghĩa là những người được chuộc đang ở trong Vương-quốc rồi, vì Vương-quốc Đức Chúa Trời và Vương-quốc Đấng Christ chỉ là một (Êphêsô 5:5; Khải 11:15).

Nhưng chỗ khác trong Kinh-thánh thì cho biết Vương-quốc Đức Chúa Trời không phải thời hiện tại mà là một cõi tương lai chúng ta sẽ vào khi Đấng Christ trở lại:

“… hãy cố gắng hơn nữa để xác định sự kêu gọi và sự chọn lựa của mình …. nhờ đó, con đường vào Vương-quốc đời đời của Chúa và Cứu Chúa chúng ta là Đức Chúa Jesus Christ được rộng mở cho anh em” (2Phierơ 1:10–11).

Vì vậy, sự khẳng định thời điểm của Vương-quốc là khó khăn.

Đức Chúa Jesus cũng nói về Vương-quốc tương lai sẽ đến trong vinh quang, vì “Con Người sẽ sai thiên sứ Ngài nhặt mọi kẻ gây vấp phạm và mọi kẻ làm ác khỏi Vương-quốc Ngài, … Khi ấy những người công chính sẽ toả sáng như mặt trời trong Vương-quốc của Cha mình” (Mathiơ 13:41, 43).

Nhưng lúc người Pharisi chất vấn Ngài khi nào Vương-quốc Đức Chúa Trời mới đến, thì Ngài đáp: “Vương-quốc Đức Chúa Trời không đến một cách rõ ràng để có thể quan sát được; người ta sẽ không nói, kìa nó ở đây hay ở đó! Vì Vương-quốc Đức Chúa Trời ở giữa các ngươi” (Luca 17:20-21).

Nghĩa là phái Pharisi nghĩ sai khi tưởng rằng Vương-quốc Đức Chúa Trời sẽ đến đầy vinh quang trong tương lai, nhưng Chúa bảo Vương-quốc ấy đang ở giữa loài người.

Ý nghĩa vài ẩn dụ về Vương-quốc Đức Chúa Trời cho biết Vương-quốc ấy đang hiện diện và hoạt động ở thế gian. Đức Chúa Jesus ví Vương-quốc như hột cải rất nhỏ mọc thành cây um tùm, hay một chút men làm cả đống bột dậy lên (Luca 13:18–21).

Nhưng lúc Phi-lát hỏi về sự dạy dỗ của Ngài, thì Ngài trả lời: “Vương quốc của Ta chẳng thuộc về thế gian nầy” (Giăng 18:36).

Thế thì, tính chất phức tạp của ý nghĩa về Vương-quốc Đức Chúa Trời trong Kinh thánh, là một trong các nguyên nhân chính tạo ra nhiều lối giải nghĩa khác nhau ở các lý thuyết thần học.

Một mặt vương quốc của Chúa là một thực tế đang có (Math.12:28), nhưng nó là ơn phước trong tương lai (1Côr. 15: 50).

Nó là ơn phước tâm linh của ơn cứu chuộc (Rôma 14:17) chỉ trải nghiệm được qua đời sống tái sinh (Giăng 3:3), nhưng sẽ trị vì các nước ở trần gian (Khải-huyền 11:15).

Nó là món quà Chúa sẽ ban trong tương lai (Luca 12:32), nhưng phải tiếp nhận ngay bây giờ (Mác 10:15).

Vì sự phức tạp đó, cho nên chẳng thể dùng câu trả lời đơn giản nào làm thoả mãn người đọc.

Tuy nhiên, có một giải pháp căn bản cung cấp bí quyết để mở ra cánh cửa hiểu biết đầy ơn phước cho nan đề nầy. Bí quyết ấy thường bị bỏ qua vì sự khác nhau giữa cách hiểu hiện đại với cổ xưa về chữ vương quốc.

Để giải thích ý nghĩa chữ vương quốc, thì cách hiểu tân thời che lấp chân lý cổ xưa của Kinh-thánh.

Theo đặc ngữ tây phương thì vương quốc chủ yếu là một cõi mà trên đó ông vua thi hành quyền cai trị của mình; hoặc là thần dân ở dưới quyền cai trị của vua.

Cả hai đều không diễn tả được Vương-quốc Đức Chúa Trời. Vì vừa là một cõi thuộc linh hiện nay, vừa sẽ đến trong vinh quang với uy quyền tối thượng khi Đấng Christ trở lại.

Vương-quốc ấy sẽ đăng quang khi Đấng Christ tái lâm, nhưng hiện nay là một thực tại trong tâm linh của mọi tín hữu.

Chúng ta phải gác qua một bên cách hiểu hiện nay của chúng ta về một vương quốc trên trần gian. Vì Kinh-thánh được viết vào thời cổ xưa, sách cuối cùng được viết cũng đã gần hai ngàn năm trước.

Ngôn ngữ Kinh thánh nhằm phục vụ sự hiểu biết của người đương thời ấy; vì thế, ý nghĩa của vương quốc không nói về lãnh thổ nhưng mô tả thẩm quyền cai trị, hay là quyền cai trị tối cao của một vị vua.

Từ ý nghĩa nầy, chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ lưỡng để làm sáng tỏ ý nghĩa Vương-quốc Đức Chúa Trời, là trung tâm của các sứ điệp mà Đức Chúa Jesus đã giảng dạy.

VuongQuocDCT02.docx
Rev. Dr. CTB