Xuất Ai Cập, bài 35

Xuất Ai-Cập 36:8 – 40:38

Từ 36:8 trở đi cho tới hết 39:31, ngoại trừ các câu 38:21–31, thì đã được giải nghĩa ở đoạn 26 trước đây. Bởi vì phần nầy chỉ thuật việc các người thợ thực hiện và chế tạo tất cả các món Đức Chúa Trời chỉ dẫn cho Môi-se về Đền Tạm và mọi thứ liên quan; cho nên, không cần phải nói gì thêm về những món đã được giải nghĩa hoặc đề cập trong các bài học trước.

Riêng các số liệu về trọng lượng của vàng, bạc và đồng đã được dùng để chế tạo và xây dựng đền tạm thì được liệt kê là 29 talents (ta-lâng) và 730 shekels vàng, tức là nhỉnh hơn một tấn, 100 talents và 1,775 shekels bạc (khoảng 3.4 tấn), 70 talents và 2,400 shekels đồng (khoảng 2.4 tấn); cộng thêm số nam đinh từ 20 tuổi trở lên phải nộp thuế là sáu trăm lẻ ba ngàn năm trăm năm mươi người, thì được kể tới trong các câu 21–31 của đoạn 38.

Như vậy, tất cả công việc của Đền Tạm, tức là Lều Hội Kiến, đã được hoàn tất. Dân Israel đã làm mọi việc đúng như Đức Giê-hô-va đã truyền dạy Môi-se” (39:32).

Vì toàn thể các câu 39:1–31 mô tả lại bộ lễ phục của thầy tế lễ thượng phẩm và lễ phục của các thầy tế lễ, là những chi tiết đã được nói đến trong bài giải nghĩa đoạn 28, nên bài học nầy chỉ chú trọng vào các chi tiết diễn biến sau khi những người làm công tác chế tạo và xây dựng Đền Tạm đã làm xong mọi việc, rồi đem trình cho Môi-se (39:33–43).

Có lẽ không phải là sau khi làm xong hết mọi món thì các người thợ cả mới đem trình cho Môi-se, nhưng mỗi khi làm xong một món thì họ đem trình cho Môi-se xem, để ông phán định có đúng như kiểu mẫu đã chỉ dẫn cho ông trên núi hay không.

Tác giả nói họ “hoàn tất mọi việc đúng như những gì Đức Giê-hô-va đã truyền dạy Môi-se. Môi se xem xét tất cả các công việc và thấy họ đã hoàn tất đúng như lời Đức Giê-hô-va truyền dạy” (39:42-43).

Như sẽ nói đến ở phần cuối về hiện tượng đám mây bao phủ và vinh quang của Đức Giê-hô-va đầy dẫy Đền Tạm (40:34–35), thì Đền Tạm là biểu tượng về Đức Chúa Jesus Christ. Bởi vì như Chúa Tối Cao ngự xuống cách rõ ràng và vinh quang Ngài đầy dẫy Đền Thánh, thì Ngài cũng cư ngụ trong thân thể và bản chất nhân loại của Con yêu dấu Ngài, như có chép: “Vì sự đầy trọn của thần tính hiện diện trong thân thể hữu hình của Ngài” (Côlôse 2:9).

Đền Tạm cũng là biểu tượng về mọi Cơ-đốc-nhân chân thật. Bởi vì Đức Chúa Cha ngự trong tâm linh của mỗi con cái thật của Chúa, Ngài là mục tiêu mà họ thờ kính và là tác giả của mọi phước lành. Đền Tạm cũng tiêu biểu cho Hội-thánh của Đấng Cứu Chuộc, là Hội mà Cha rất yêu quý.

Đền Tạm cũng là biểu tượng về Đền Thờ thật vô cùng thánh khiết ở trên thiên đàng (Khải Huyền 21:3).

Dân Israel rời khỏi Ai-cập vào ngày mười bốn tháng Abib, tức là tháng Giêng. Khoảng tháng Ba, Sivan, họ đến hoang mạc Sinaii và đóng trại tại đó đối diện với núi Sinaii.

Môi-se lên núi gặp Đức Chúa Trời hai lần với vài ngày cách quãng, mỗi lần ở trên núi bốn mươi ngày. Thời gian của hai lần đó cộng lại thì gần ba tháng.

Như vậy, lúc những người thợ bắt đầu làm công việc chế tạo Đền Tạm thì đã là tháng Sáu hoặc tháng Bảy trong năm. Thời gian mà họ làm xong mọi việc mất hết năm tháng. Nghĩa là lúc hoàn tất mọi món của Đền Tạm thì đã là cuối tháng Mười Một hoặc tháng Mười Hai. Cho nên Đức Chúa Trời căn dặn Môi-se: “Vào ngày mồng một tháng Giêng, con hãy dựng Đền Tạm, tức Lều Hội Kiến” (40:2). Năm mới đang tiến đến; ngày đầu của năm mới thì rất thích hợp để khánh thành một công trình hoàn toàn mới và rất quan trọng.

Món quan trọng nhất phải được đem vào Đền trước hết; vì thế, Rương Giao Ước được mang vào đặt trong gian Chí Thánh rồi giăng màn che ngăn cách gian Thánh với gian Chí Thánh (40:3).

Kế đến là bàn trưng bày bánh cung hiến ở vách phía Bắc và chân đèn bảy nhánh với bảy cái đèn ở vách phía Nam của gian Thánh (40:4). Sau đó bàn thờ bằng vàng dùng để xông hương được đặt ngay chính giữa gian Thánh, sát với bức màn che, đối diện Rương Giao Ước (40:5); rồi giăng tấm màn che cửa Đền Tạm.

Cũng cần nhắc lại rằng chỉ có các thầy tế lễ được chỉ định mới được phép vào trong gian Thánh, nhưng trong gian Chí Thánh thì chỉ thầy tế lễ thượng phẩm mới được vào mỗi năm một lần.

Môi-se cũng phải đặt bàn thờ dâng tế lễ thiêu cách cửa Đền Tạm khoảng chừng ba mươi thước, để đủ chỗ đặt bồn rửa nằm giữa cửa đền với bàn thờ tế lễ thiêu. Việc cuối cùng là dựng các bức màn bốn phía chung quanh Đền làm hành lang và treo màn cửa hành lang (40:6–8).

Có rất nhiều công việc phải làm để dựng Đền Tạm, và mọi việc đều cần có đủ thời gian để hoàn thành. Ví dụ như những người thợ phải chuẩn bị khoảng trống và mặt bằng sẵn sàng, trước khi bắt đầu dựng cột rồi kết nối các tấm vách, tấm lợp và màn.

Rất có thể là các công việc chuẩn bị đã làm sẵn từ vài ngày trước, rồi tới mồng một tháng Giêng Môi-se mới khởi sự dựng Đền Tạm. Mỗi toán thợ làm công việc của họ một cách tuần tự nhịp nhàng thì mới nhanh chóng hoàn thành.

Tuy vậy, nghi lễ xức dầu cho Đền Tạm và mọi vật dụng, xức dầu phong chức cho A-rôn với các con trai của ông vào chức tế lễ, thì có lẽ phải làm vào một ngày khác, theo sự tường thuật ở Lê-vi-ký đoạn 8.

Mặc dù 40:16 chép: “Môi-se thi hành mọi việc đúng như những gì Đức Giê-hô-va đã truyền dạy mình,” thì cũng không có nghĩa là mọi việc ghi chép ở đoạn 40 phải diễn ra trong một ngày; vì công tác dựng Đền Tạm và sắp xếp tất cả các vật dụng đều cần rất nhiều thời gian để hoàn thành.

Theo lệnh truyền của Chúa thì Môi-se phải xức dầu cho Đền Tạm và tất cả những gì ở trong đó. Có hai điểm phải phân tích kỹ ở chỗ nầy: Chúa phán “hãy biệt ra thánh Đền Tạm và các vật dụng trang trí trong Đền Tạm để Đền Tạm trở nên thánh” (40:9), và “xức dầu bàn thờ dâng tế lễ thiêu và các dụng cụ của bàn thờ, rồi biệt bàn thờ ra thánh, để bàn thờ trở nên rất thánh” (40:10).

Điều nầy không có nghĩa là chúng ta phải xem bàn thờ dâng tế lễ thiêu là thánh hơn Đền Tạm và các vật dụng trong đó, nhưng ý nghĩa rất thánh của bàn thờ là do máu của sinh tế chuộc tội hàng năm “là một lễ rất thánh cho Đức Giê-hô-va” (30:10).

Bởi vì các thầy tế lễ phải giữ bàn thờ tế lễ thiêu và các dụng cụ trong sự thánh khiết để chúng trở nên rất thánh; bất cứ vật gì chạm đến đều sẽ được thánh (30:29). Ý nghĩa rất thánh của bàn thờ tế lễ thiêu và các vật dụng là người ta có cơ hội chạm đến chúng, chứ không khi nào họ được tiếp xúc với các vật dụng trong Đền Tạm.

Môi-se cũng phải xức dầu cho bồn rửa và chân bồn để biệt chúng ra thánh (40:11); dẫn A-rôn và các con trai người đến cửa Đền Tạm để tẩy rửa họ, mặc lễ phục thánh cho A-rôn, xức dầu cho ông để biệt riêng ông ra thánh, mặc áo lá cho các con trai ông, xức dầu phong chức tế lễ cho họ (40:12–15). Vì thế, Môi-se thi hành mọi việc đúng như những gì Chúa dặn ông phải làm.

Như trên đã đề cập, Môi-se phải giao cho những người chỉ huy công việc là Bezaleel và Aholiab chia công việc cho từng toán thợ; bởi vì họ biết phải lắp ráp các tấm rời lại với nhau ra sao. Cho nên, họ thi hành mọi công việc theo lệnh của Môi-se để dựng Đền Tạm và đặt mọi thứ vào đúng chỗ của nó. “Như thế, Môi-se đã hoàn thành mọi công việc” (40:16–33).

Đám mây mà dân Israel thấy vẫn ngự trên đỉnh núi Sinaii, bây giờ ngự xuống trên mái Đền Tạm. Sau khi tế lễ thiêu và tế lễ chay đã được dâng lên trên bàn thờ trước cửa Đền, hương thơm cũng đã được xông trên bàn thờ vàng trong gian thánh (40:27–29), thì đám mây bao phủ bên ngoài Đền Tạm và vinh quang của Đức Giê-hô-va đầy dẫy phía trong Đền (40:34).

Biểu hiện nầy chứng tỏ rằng Đức Chúa Trời chấp nhận Đền Tạm và mọi thứ mà dân Israel đã làm đúng theo kiểu mẫu đã được chỉ dẫn cho Môi-se trên núi.

Dù Môi-se trước đây được trò chuyện với Chúa và mặt ông được phản chiếu vinh quang Ngài, nhưng bây giờ thì “Môi-se không thể vào Lều Hội Kiến được vì đám mây bao phủ trên đó; vinh quang của Đức Giê-hô-va đầy dẫy Đền Tạm” (40:35).

Thế thì, kể từ ngày đó “đám mây của Đức Giê-hô-va ngự trên Đền Tạm vào ban ngày và có lửa trong đám mây vào ban đêm trước mặt cả nhà Israel” (40:38).

Trong suốt cuộc hành trình của họ, hễ khi nào đám mây cất lên thì dân Israel nhổ trại ra đi theo sự hướng dẫn của đám mây. Nếu đám mây không cất lên thì họ cứ ở chỗ đó cho đến ngày đám mây cất lên (40:36–37).

XuatAiCap35.docx
Rev. Dr. CTB