VBC, Chúa Nhật, June 5th, 2011

Ngày Không Còn Thắc Mắc

Giăng 16:23–27

Đa số tín hữu đều đã được học biết rằng Đức Chúa Giêxu là Đầu của Hội Thánh, Hội Thánh là thân thể của Ngài, và mọi tín hữu thật của Chúa là các chi thể của thân thể ấy. Biết là một việc, còn có đủ đức tin để tin mình là chi thể của thân thể Chúa hay không lại là chuyện khác.  Những người tin thì biết thêm là mọi chi thể đều hưởng uy quyền của Đầu, vì được Đầu điều khiển.  Vì vậy, chúng ta vẫn nhân danh Đức Chúa Giêxu ở Nazarét để truyền lệnh cho tật bệnh, tà ma phải bị trục xuất ra khỏi những người bị chúng khuấy phá, hãm hại.  Nhưng một số tín hữu hiểu chưa tới, nên tưởng rằng có thể dùng Danh của Chúa như một thứ thần chú.  Họ cần phải biết Danh Chúa chỉ hiệu quả khi người dùng có mối tương giao thông suốt với Ngài.  Ngày mà chúng ta có được mối tương giao đó thì Đức Chúa Giêxu gọi là ‘ngày ấy.’  Vậy thì ‘ngày ấy’ bao giờ sẽ đến?

Điều chắc chắn ‘ngày ấy’ không phải là sau khi chúng ta đã qua đời, mà phải thuộc thời hiện tại.  “Ngày ấy các con sẽ không còn hỏi Ta điều chi nữa” (23).  Nhưng mà hiện nay tôi còn quá nhiều thắc mắc chưa hiểu hết, thì ‘ngày ấy’ bao giờ sẽ đến? Thời mới tin Chúa, chúng ta có vô số thắc mắc về đủ thứ việc trong đời sống, trong Hội Thánh, trong Kinh Thánh, trong các bài giảng, trong thiên nhiên, trong các hoàn cảnh vv.  Nhưng khi chúng ta càng gần gũi Chúa hơn thì những câu hỏi ấy dần dần biến mất.  Đến một thời điểm, chúng ta không còn dựa vào sự hiểu biết riêng của mình nữa, nhưng trong mọi việc đều nương cậy hoàn toàn trên cách suy nghĩ của con người mới trong ta mà Đấng Christ đang làm Chủ, nghĩa là sự sống phục sinh của Đức Chúa Giêxu Christ được biểu lộ cách đầy đủ trong chúng ta, đó chính là ‘ngày ấy.’ Bởi vì, sự sống ấy sẽ hợp nhất chúng ta với mục đích của Đức Chúa Trời.  Chúng ta bắt đầu hiểu biết ý muốn của Ngài.

Đến ‘ngày ấy,’ có thể vẫn còn nhiều điều là bí ẩn đối với trí hiểu của bạn, nhưng chúng sẽ không thể chen vào giữa tấm lòng bạn với Đức Chúa Trời.  “Ngày ấy các con sẽ không còn hỏi Ta điều chi nữa”––bạn không cần phải hỏi, vì biết chắc rằng Đức Chúa Trời sẽ khải thị nhiều việc theo ý chỉ của Ngài.  Đức tin và sự bình an chép ở Giăng 14:1 đã trở thành thái độ thật của lòng bạn, và không còn thắc mắc nào để hỏi nữa. Nếu có bất cứ điều chi là bí ẩn đối với bạn và xen vào giữa bạn với Đức Chúa Trời, đừng bao giờ tìm lời giải thích trong tâm trí mình, nhưng tìm nó ngay trong tâm linh bạn, bản chất thật bề trong của bạn, là chỗ chứa sự trục trặc ấy.  Khi nào bản chất tâm linh bề trong của bạn sẵn lòng suy phục sự sống của Đức Chúa Giêxu, sự hiểu biết của bạn sẽ trở nên hoàn toàn sáng tỏ, và bạn sẽ đạt đến chỗ không còn khoảng cách giữa Đức Chúa Cha với bạn, là con của Ngài, bởi vì Chúa đã hợp nhất bạn (với Ngài).Ngày ấy các con sẽ không còn hỏi Ta điều chi nữa” (trích dịch My Utmost for His Highest, 05/28–Oswald Chambers).

Làm sao để sự sống phục sinh của Đức Chúa Giêxu Christ được biểu lộ đầy đủ trong chúng ta?  Điều đó chỉ có thể có được qua phép báptêm bằng Đức Thánh Linh, Đấng Đức Chúa Trời đã hứa ban cho mọi thánh đồ.  Phierơ, người đã nhận được Đức Thánh Linh, giải thích: “Ngài đã được rước lên ngồi bên phải ngai Đức Chúa Trời, nhận lãnh Đức Thánh Linh mà Đức Chúa Cha đã hứa, và Ngài đổ Thánh Linh xuống …” (Công vụ 2:33).  Trước hết, phải biết rõ rằng ơn ban Đức Thánh Linh vào trong chúng ta, (để Ngài giúp chúng ta biểu hiện được sự sống phục sinh của Đức Chúa Giêxu), là lời hứa của Đức Chúa Trời.  Các môn đồ ngày xưa của Đức Chúa Giêxu được dặn phải ở trong thành để chờ mặc lấy quyền phép từ trên cao.  Trước đó, Giăng viết rằng ‘Đức Thánh Linh chưa ban xuống vì Đức Chúa Giêxu chưa được vinh hiển’ (Gi.7:39).  Câu nầy không áp dụng cho chúng ta ngày nay, vì Đức Thánh Linh đã được ban xuống rồi.

Sự chờ đợi của chúng ta bây giờ để được ban quyền phép–sự báptêm bằng Đức Thánh Linh– thì không tuỳ thuộc vào ơn cung ứng của Đức Chúa Trời, nhưng dựa trên mức độ thích đáng của tâm linh riêng mỗi người.  Không phải sự báp têm bằng Đức Thánh Linh làm biến đổi chúng ta, nhưng là quyền phép của Đấng Christ phục sinh đã về trời, vào trong đời sống của chúng ta qua Đức Thánh Linh.  Nhiều người đã tách rời những điều Kinh Thánh chẳng bao giờ phân biệt.  Sự báptêm bằng Đức Thánh Linh không phải là một sự kiện tách rời khỏi Đức Chúa Giêxu Christ–phép ấy là bằng chứng về Đấng Christ đã sống lại và đã về trời. Nếu Đức Chúa Giêxu Christ không phục sinh và không trở về ngôi của Ngài, thì Đức Thánh Linh chưa được ban xuống.

Ngày ấy các con sẽ không còn hỏi Ta điều chi nữa” có nghĩa là khi chúng ta hết sức thân mật với Ngài, thì được hợp nhất với Ngài, hiểu ý muốn của Ngài.  Đức Chúa Giêxu không hứa là đời sống của con cái Ngài sẽ được miễn trừ khỏi những khó khăn, hoạn nạn và bất trắc trong trần gian.  Dầu vậy, giống như Ngài biết rõ tấm lòng và tâm trí của Đức Chúa Cha, thì qua ơn báptêm bằng Đức Thánh Linh, tín hữu cũng được đưa vào các nơi trên trời–linh giới–để Ngài có thể giãi bày những sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời cho chúng ta.  ‘Ngày ấy’ là ngày bình an và tương giao thông suốt giữa các thánh đồ với Đức Chúa Trời, cho nên nếu muốn bước vào ‘ngày ấy,’ chúng ta phải đạt đủ điều kiện để Chúa có thể dạy dỗ chúng ta mà không bị trở ngại.  Những điều gì có khả năng ngăn trở sự hiệp thông giữa chúng ta với Chúa?  Rôma 8:35–39 cho biết không điều gì có thể ngăn cách tình yêu của Đức Chúa Trời đối với con cái Ngài; nhưng tội lỗi trong chúng ta là nguyên nhân ngăn cản ơn phước Chúa (Êsai 59:1–2).  Nói cách khác, những tội lỗi chưa ăn năn, từ bỏ là lý do khiến nhiều người chưa nhận được sự thăm viếng của Đức Thánh Linh.

Điều gì các con nhân danh Ta cầu xin Đức Chúa Cha, Ngài cũng ban cho”(23b). Giống như Đức Chúa Giêxu đứng không tì vết và thanh sạch trước mặt Đức Chúa Cha, chúng ta sẽ được quyền phép của Đức Thánh Linh và tính hiệu quả của phép báp têm trong Ngài nâng chúng ta lên mối tương giao như lời cầu xin của Đức Chúa Giêxu “để họ hợp làm một, như Chúng Ta là một”(17:22b). ‘Ngày ấy’ là ngày bình an và tương giao thông suốt giữa Đức Chúa Trời với các thánh đồ.  Lời hứa của Đức Chúa Giêxu là khi chúng ta nhân danh Ngài mà cầu xin, thì Đức Chúa Trời sẽ nhìn nhận Danh ấy và đáp lời cầu nguyện. Vậy thì, Danh Ngài không phải là một thứ thần chú mà nhiều tín hữu xưa nay vẫn sử dụng cách thiếu hiểu biết hoặc thiếu cẩn trọng.  Được Chúa cho phép sử dụng Danh Ngài là một đặc quyền. Đức Chúa Giêxu đã đề nghị, mời gọi chúng ta hãy nhân danh Ngài mà cầu xin Đức Chúa Cha; nhưng chúng ta chưa hiểu điều kiện phải có, nên số lần được đáp lời so với số lần không được đáp lời cầu xin, thật là quá ít.

Lý do là vì nhiều tín hữu chưa chịu nghiên cứu kỹ các điều kiện mình phải đạt để có thể nhân danh Đức Chúa Giêxu mà cầu nguyện.  Hãy xem lại 16:26–27; chúng ta phải đạt đến ‘ngày ấy,’ là ngày mà qua quyền phép của Chúa phục sinh đã thăng thiên, và qua Đức Thánh Linh mà Ngài đã sai vào lòng chúng ta, chúng ta sẽ được nâng lên một trình độ tương giao mới.  Từ địa vị tuyệt vời mà Đức Chúa Giêxu đã đặt chúng ta vào, ta có thể nhân danh Ngài, tức là dựa vào bản tính thánh khiết vô tội của Ngài, để cầu nguyện với Đức Chúa Trời.  Đây là một món quà được ban cho chúng ta qua Đức Thánh Linh, là Đấng mà chúng ta đã nhận được sau khi nhận ơn cứu độ và sự tái sanh; rồi quyết tâm nương dựa Ngài sống đời thánh sạch để tâm linh chúng ta luôn luôn ở trong tình trạng khoẻ mạnh, thích đáng, đủ điều kiện nhận sự báptêm bằng Đức Thánh Linh.

Như vậy, mục tiêu của nỗi khát khao được báp têm bằng Đức Thánh Linh không phải để phô diễn ơn tiếng lạ, ơn tiên tri, hoặc các thứ ơn siêu nhiên khác; nhưng là để được bước lên một mức độ cao hơn trong sự hiểu biết và tương giao thân mật với Đức Chúa Trời.  Từ vị trí cao diệu đó, mỗi lần chúng ta nhân danh Đức Chúa Giêxu để cầu nguyện với Đức Chúa Cha, thì lời cầu xin ấy lúc nào cũng có hiệu quả và được đáp lời.  Hãy vất bỏ sự sợ hãi.  Hãy củng cố đức tin đang bị bạc nhược của chúng ta.  Hãy cùng nhau chuẩn bị tâm linh khoẻ mạnh bằng quyết định ăn năn từ bỏ bất cứ điều nào đang làm yếu mỏn nếp sống Cơ-đốc trong ta, hầu cho đủ điều kiện tiếp nhận phép báp-têm bằng Đức Thánh Linh, bước lên trình độ tương giao cao hơn với Chúa. ‘Ngày ấy’ chúng ta không còn thắc mắc hỏi Đức Chúa Giêxu điều chi nữa vì đã được hợp nhất với Ngài, sự sống phục sinh của Ngài sẽ biểu lộ cách đầy đủ trong chúng ta.

NgayKhongConThacMac.docx

Rev. Dr. CTB