Tín Đồ Của Chúa, bài 31
Giăng 3:1-7
Thỉnh thoảng Hội thánh phải nhắc lại đề tài tái sinh, hay sanh lại, để giúp cho những người mới tin Chúa và mới nhận phép báp têm hiểu rõ về đức tin mà họ hứa nguyện sẽ theo đuổi trọn đời.
Sanh lại là một biến cố diễn ra bởi quyền phép tái tạo của Đức Thánh Linh, không phải do khả năng chủ quan của con người; cho nên, người ta vẫn thường thắc mắc việc đó diễn ra như thế nào, hoặc làm sao để được tái sinh. Như ông Nicodemus hỏi Đức Chúa Jesus: “Người đã già thì sinh lại làm sao được?” (3:4).
Tái sinh không phải là tân trang, sửa đổi tô điểm cái cũ thành đồ mới, nhưng là sự sống của con người cũ phải chết đi nhường chỗ cho sự sống của con người mới được sinh ra.
Biến cố tái sinh diễn ra khi một người sẵn sàng bỏ đi mọi điều vốn rất quý trọng, kể cả quyền lợi, danh giá, đạo đức, và tôn giáo của gia đình vì nhận ra chúng là vô giá trị; rồi sẵn lòng nhận vào mình một đời sống mới rất quý báu mà mình chưa bao giờ kinh nghiệm trước đây.
Sự sống mới nầy tự biểu lộ qua sự ăn năn có ý thức, rồi đức tánh thánh khiết diễn ra cách tự nhiên không cần phải suy tính hay cố gắng gì cả. Vì quyền phép tái sinh của Chúa khiến cho con người mới trong Chúa không còn là bản ngã cũ đầy các suy tính ích kỷ nữa.
Không ai điều khiển được thời điểm diễn ra biến cố tái sinh của mình; bởi vì việc đó do quyền năng của Chúa thể hiện trong tâm linh của người nào lập quyết định tin Đức Chúa Jesus Christ là Đấng Cứu Thế đã chết thay cho tội lỗi của người ấy và tội lỗi của cả nhân loại.
Đây là vấn đề rất khó hiểu đối với bất cứ ai nghe lần đầu tiên. Như ông Nicodemus hỏi Đức Chúa Jesus rằng: “Làm thế nào điều ấy có thể xảy ra được?” sau khi nghe Ngài cho biết là: “Gió muốn thổi đâu thì thổi, ngươi nghe tiếng gió, nhưng không biết gió đến từ đâu và đi đâu. Người nào sinh bởi Thánh Linh thì cũng như vậy” (Giăng 3:8-9). Vậy, người ta nhận ra mình được tái sinh khi thấy các kết quả tự biểu lộ.
Quyền lợi của người được tái sinh là vô cùng lớn; bởi vì, ai được tái sinh, người ấy được ban quyền lợi trở nên con cái Đức Chúa Trời, tức là quyền công dân thiên đàng ngay lập tức.
Nhưng để cho việc đó xảy ra, người muốn được tái sinh phải tiếp nhận Đức Chúa Jesus vào làm Chủ và Chúa của đời mình; bởi vì: “Bất cứ ai tiếp nhận Ngài, tức là tin Danh Ngài, thì Ngài ban cho họ quyền trở nên con của Đức Chúa Trời” (Giăng 1:12).
Tiếp nhận là một quyết định mạnh mẽ và dứt khoát hơn là chỉ tin mà thôi. Người ta phải hiểu biết về ai đó tới một mức độ nhất định nào đó để nhận người ấy vào tình cảm đặc biệt của mình.
Cho nên, ai đặt niềm tin vào Đức Chúa Jesus, rồi nhận Ngài vào lòng làm Chủ, thì sự hiểu biết về Ngài phải là kết quả do lòng đã nhận thức Ngài thật là Chúa Cứu Thế; không phải vì nghe người khác nói, chưa hiểu rõ mà đã vội nói mình tin.
Đương nhiên, người ta nghe người khác nói mới biết về Đức Chúa Jesus, nhưng người ấy chỉ thật sự biết Đức Chúa Jesus sau khi gặp Ngài.
Như trường hợp ông Nathanael được bạn mình là Philip nói cho biết đã gặp Chúa Cứu Thế, là Đức Chúa Jesus người Nazareth; Nathanael hỏi: “Có điều gì tốt ra từ Nazareth được sao?” Nhưng vừa gặp Đức Chúa Jesus và nghe Ngài nói: “Đây là một người Israel thật, trong người không có điều dối trá.” Nathanael ngạc nhiên hỏi, thì Chúa trả lời: “Trước khi Philip gọi ngươi, Ta đã thấy ngươi dưới cây vả.” Nathanael thất kinh, thưa: “Thầy là Con Đức Chúa Trời! Thầy là Vua Israel!” (Giăng 1:45-49). Ông Nathanael kinh nghiệm về Chúa sau khi ông gặp Ngài và được Ngài cho biết thấy ông đứng dưới cây vả. Có lẽ Nathanael ở dưới cây vả của người khác, đang đói và thấy trái chín; là người chính trực, ông thà đói chứ không hái trái ăn; và Đức Chúa Jesus nhìn thấy sự suy nghĩ chính trực trong ông mà chỉ một mình ông biết.
Như vậy, nhận Đức Chúa Jesus vào lòng là có một lịch sử hiểu biết riêng tư về Ngài như nền tảng của sự sống tâm linh mình. Được sanh lại là sẽ trở nên thân thiết với Đức Chúa Jesus Christ xuất phát từ lòng biết ơn Ngài, rồi được Ngài nhận lời mời ngự vào tâm linh làm Chủ để dẫn dắt mình.
Ai đã theo đạo mà vẫn không biết mình đã được tái sinh hay chưa, thì cần phải tự xét xem mình có từng thực hiện quyết định nào để hợp nhất với Đức Chúa Jesus và được Ngài trở thành Vị Cứu Tinh thân thiết của cá nhân mình không?
Khi mình theo đạo, có phải mình tìm bằng cớ về Vương quốc Đức Chúa Trời có thật hay không thật, để bảo đảm được vào nơi đó, hay thật lòng công nhận quyền tể trị tuyệt đối của Chúa trên đời sống mình? Đức Chúa Jesus nói cho ông Nicodemus biết là: “Nếu một người không được sinh lại, thì không thể thấy Vương quốc Đức Chúa Trời” (Giăng 3:3). Vậy, có phải được thấy Vương-quốc của Chúa là khi tận thế sẽ vào đó không?
Nếu không phải ý nghĩa đó, thì ý nghĩa chính xác của việc thấy Vương-quốc Đức Chúa Trời là gì? Theo lời Đức Chúa Jesus giải thích thêm: “Nếu một người không nhờ nước và Thánh Linh mà sinh ra thì không thể vào Vương-quốc Đức Chúa Trời” (3:5).
Vậy, thấy có nghĩa là vào, hoặc được hưởng. Nếu người tiếp nhận Đức Chúa Jesus, ngay lập tức trở nên con của Đức Chúa Trời, thì việc “thấy” hoặc “vào” Vương quốc của Chúa phải xảy ra liền, không chờ tới ngày tận thế rồi mới được vào.
Như thế, các tín hữu đã được sinh lại đều được ban thẩm quyền của vương quốc thiên đàng ngay trong lúc còn đang sống ở thế gian, trong thời hiện tại chứ không phải tương lai xa vời. Nhưng tại sao là người mà được vào Vương-quốc Chúa? Dựa trên lời giải thích của Đức Chúa Jesus, chúng ta biết con người mới được Đức Thánh Linh sinh ra là thần linh, không phải là xác thịt nữa, nên có đủ điều kiện để thấy và vào Vương quốc của Đức Chúa Trời (3:6).
Vì được vào Vương quốc của Chúa nên các tín hữu được tái sinh bắt đầu nhận ra quyền điều khiển và cai trị của Đức Chúa Trời trên đời sống mình; do đó, họ biết phân biệt giữa điều gì đúng với điều sai, giữa thanh sạch với ô uế, giữa chính trực với tà vạy, giữa thiện hảo với gian ác.
Tâm linh được tái sinh sẽ tự nguyện áp dụng các nguyên tắc của thẩm quyền thiên đàng và sống đúng theo các nguyên tắc ấy. Người đã thật được tái sinh vâng phục Đức Chúa Trời một cách dễ dàng vì nhận được bản tính của Ngài ban cho, nhờ bản chất thần linh của con người được Đức Thánh Linh sinh thành.
Điểm quan trọng nầy sẽ giúp tín hữu nhận diện các mưu chước cám dỗ và chiến thuật của kẻ thù, là ma quỷ, mà chúng biết sẽ thành công khi tín hữu rơi vào cái bẫy đòi quyền tự điều khiển đời mình, mà chúng luôn luôn giăng ra. Ai nhớ lại bài học con rắn cám dỗ bà Eva hái trái cây biết thiện và ác ăn để có tri thức ngang hàng với Đức Chúa Trời, thì sẽ hiểu điều nầy.
Ông Adam và bà Eva còn giữ sự vâng lời Đức Chúa Trời thì vẫn được tương giao với Ngài. Nhưng từ khi không vâng lời thì ông bà khiến cho dòng giống loài người bị xa cách Chúa, không còn được tương giao với Ngài nữa.
Đức Chúa Trời đã sắm sẵn kế hoạch đem loài người trở vào mối tương giao với Ngài bằng sự hi sinh chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ; để khi loài người nhận được sự tái sinh nhờ tin và tiếp nhận Đức Chúa Jesus, thì mối tương giao với Ngài được nối liền trở lại. Qua sự tái sinh, người sẽ khám phá bản chất của Đức Chúa Trời khi trở lại trò chuyện với Ngài.
Khi Đức Thánh Linh sinh ra tâm linh mới qua sự tái sinh, bản chất thần linh được Ngài truyền vào tâm linh người (Giăng 3:6), để người được tái sinh đủ điều kiện nhận bản tính của Đức Chúa Trời, là thánh thiện, không muốn dính dấp tới tội lỗi nữa. Bởi vì người được Đức Chúa Trời sinh ra thì nhận được khả năng siêu nhiên của Ngài để ngừng, không phạm tội như người chưa tin.
Đức Chúa Trời phải ban sự tái sinh cho con cái thật của Ngài để họ có khả năng không phạm tội. Những người tu hành là người cố gắng ngưng khuynh hướng phạm tội và mong sẽ thành công.
Sở dĩ họ không bao giờ thành công vì vài lý do; thứ nhất là chưa biết điều kiện thánh thiện phải đạt tới để có thể ngừng phạm tội; thứ nhì là không một ai thắng nổi khuynh hướng hay phạm tội của tâm tính con người; và thứ ba là không có sự sống của thiên đàng để giúp sức thoát khỏi dục vọng của xác thịt.
Vì vậy, Đức Chúa Trời phải tái sinh chúng ta, để chúng ta có đủ sức vâng lời Ngài mà tiến bước trên con đường thánh hoá. Tái sinh không có nghĩa là vì được Chúa sinh thành thì sẽ không phạm tội nữa – mà có nghĩa là nhờ vâng theo sự sống của Chúa đặt vào trong con cái Ngài, chúng ta không cần phải phạm tội nữa.
TinDoCuaChua31.docx
Rev. Dr. CTB