Tín Đồ Của Chúa, bài 32

Ê-phê-sô 4:17–32

Sinh lại là một biến cố thần thượng, mà người nhận chỉ có thể biết khi sự thay đổi từ bản tính cũ sang tính chất mới diễn ra, kết quả của sự đổi mới trong tâm linh.

Người nào trông đợi sự đổi mới ấy tạo ra một cảm giác của thân thể hay cảm xúc đặc biệt thì thường thất vọng vì không thấy có gì đặc biệt xảy ra cả. Thư 2Côrinhtô 5:17 thường được trích để khẳng định sự đổi mới: “Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, người ấy là tạo vật mới, những gì cũ đã qua đi, nầy, mọi sự đều trở nên mới.

Tuy nhiên, sự áp dụng về sự đổi mới mà câu nầy nói tới đòi hỏi một điều kiện là người đó phải “ở trong Đấng Christ.” Nếu người nào thật sự ở trong Đấng Christ, thì người ấy đã được đổi mới rồi.

Chúng ta phải xét tới hai trường hợp có thể xảy ra: 1) Tin Chúa nhưng chưa được sinh lại. 2) Tin Chúa, được sinh lại, được ở trong Đấng Christ vì đã được đổi mới.

Khi nói về những sự việc không thấy được bằng mắt, người trong Hội-thánh thường coi việc đó như đương nhiên phải xảy ra. Ví dụ, hễ ai là tín đồ thì đương nhiên xem là người đang ở trong Đấng Christ; do đó, đã được hoàn toàn đổi mới. Nhưng thực tế thì thường không phải như thế mà ngược hẳn lại; bởi vì những bằng chứng về sự đổi mới không thấy biểu lộ, chỉ thấy tánh nết băng hoại cũ vẫn còn làm chủ trên con người.

Ông Phao-lô nói rằng “nếu” ai đang ở trong Đấng Christ thì người ấy mới là tạo vật mới. Xem ra trong nhiều Hội thánh, số người đang được ở trong Đấng Christ có lẽ không đông lắm; bởi vì phần lớn tín hữu vẫn còn bị tâm tánh cũ cai trị.

Nếu như vậy thì Hội thánh phải làm gì? Các Hội thánh thật của Đức Chúa Jesus sẽ không thể nào tiếp tục tình trạng giả dối khi ánh sáng Ngài rọi vào. Vì ai không ăn năn sẽ bị Ngài loại bỏ.

Để biết những gì cần phải được thay đổi mới, chúng ta cần phải biết những điều gì là xấu xa trong tâm tánh con người cần phải bị loại trừ.

Kinh thánh nói đến một số điều là bản chất của con người xác thịt là đầy dẫy mọi thứ “bất chính, gian ác, tham lam, hiểm độc, lòng đầy ganh tị, giết người, gây gổ, dối trá, nham hiểm; nói hành, vu khống, thù ghét Đức Chúa Trời, xấc xược, kiêu ngạo, khoe khoang, chuyên làm điều ác, không vâng lời cha mẹ; dại dột, bội tín, không có tình người, không có lòng thương xót” (Rôma 1:29-31); cộng thêm “gian dâm, ô uế, buông tuồng, thờ hình tượng, phù phép, thù oán, ghen ghét, giận dữ, ích kỷ, bất bình, phe đảng, say sưa, chè chén, và những việc tương tự khác” (Galati 5:19-21).

Nếu người nào chưa được biến đổi, thì sở hữu hầu hết các tánh xấu vừa nêu, thậm chí còn thêm các tật gian lận, lường gạt, cờ bạc, nghiện hút, ham mê danh vọng hão huyền; phụ nữ còn thêm tội nhõng nhẽo vô lý nữa.

Các tánh xấu của con người có thể chia ra làm ba loại:

1) Thuộc về bản chất con người: gian ác, hiểm độc, ganh tị, ghen ghét, dối trá, nham hiểm, xảo quyệt, ô uế, ích kỷ, bội tín, và các tính giống như vậy.

2) Thuộc thái độ: xấc xược, gian dâm, giận dữ, thù oán, bất bình, không có tình người, không có lòng thương xót, thù ghét Đức Chúa Trời.

3) Thuộc hành vi: vu khống, gây gổ, khoe khoang, nói hành, làm điều ác, giết người, phù phép, buông tuồng, thờ hình tượng, say sưa, phe đảng, ngoại tình, ham mê danh vọng, đâm bị thóc thọc bị gạo, thích nói dối, vv.

Vậy thì, nếu ai tự cố gắng để thay đổi những tính xấu nói trên, thì nỗ lực đó chỉ là vô vọng, không ai làm nổi. Mặc dù công tác biến đổi tâm tánh con người bề trong của chúng ta là do Đức Thánh Linh thực hiện, nhưng nếu tín hữu không cộng tác với Ngài, chỉ thụ động chờ đợi thì việc đó không thể tới.

Vậy, chúng ta phải làm gì để thay đổi? Trước hết, mỗi người phải nhận ra tính xấu của mình và biết xấu hổ về các tính xấu ấy thì mới có đủ nghị lực và động lực muốn được thay đổi.

Sứ đồ Phao-lô nói tới một số điều cần phải bỏ tức khắc: Để có thể không tiếp tục sống như người ngoại thì phải quyết tâm “lột bỏ người cũ thuộc về lối sống ngày trước, vốn bị hư hỏng bởi những ham muốn dối trá” (Êphêsô 4:22).

Chữ dối trá nầy có nghĩa là hão huyền, không ích lợi gì cả. Bởi vì sự ham muốn của lòng người thì muôn mặt; có ước muốn về nhu cầu chính đáng, nhưng cũng ham thích nhiều điều chỉ nhằm phục vụ danh vọng hão huyền của cái tôi đầy ích kỷ.

Chính vì những sự ham muốn đó mà sinh ra đủ điều tranh chấp hoặc đau khổ. Phao-lô gọi những sự ham muốn ấy là dối trá, làm cho con người bị hư hỏng. Đấy là những tính xấu phải bị lột bỏ.

Trong ba lãnh vực, hành vi, thái độ và bản chất, thoạt nhìn thì hành vi là lãnh vực mà người ta cảm thấy dễ thay đổi hơn hết. Nhưng nếu thái độ chưa được biến đổi thì không thể uốn hành vi theo nỗ lực của mình. Mà thái độ của con người có trong tâm tánh là do bản chất bề trong làm ra thái độ rồi hành vi.

Vì lãnh vực cần được thay đổi trước tiên là bản chất; cho nên, ông Phao-lô chỉ dẫn tín hữu ở Êphêsô hãy nhờ Đức Thánh Linh đổi mới tâm trí của họ (Êphêsô 4:23).

Chúng ta làm được điều nầy bằng cách cộng tác với Đức Thánh Linh, tức là tự xem xét bản tính của mình có gì đáng xấu hổ cần phải từ bỏ; vì chưa thấy xấu hổ về bản chất tạo ra thái độ dẫn tới hành động, thì chưa muốn tánh xấu trong bản chất đó bị loại trừ; ví dụ như ai chưa thấy sự tham lam, kể cả tánh tham ăn, hoặc tính thích khoe khoang, là đáng xấu hổ, thì chưa khi nào muốn từ bỏ chúng. Chưa muốn từ bỏ thì sự đổi mới rất chậm tới.

Chúng ta chỉ có thể mặc lấy người mới khi người cũ đã bị lột bỏ. Ông Phao-lô chỉ dẫn chúng ta những điều cần phải làm trước tiên, đó là từ bỏ sự giả dối (Êphêsô 4:25).

Tính giả dối gồm cả nói dối lẫn hành vi giấu giếm sự sai trật của mình. Tính ấy vẫn tiềm ẩn trong lòng người ta và bộc lộ ra trong một thoáng không ngờ khi mình vô tình nói quá sự thật về điều chi đó nhằm thuyết phục người khác về việc mình muốn nói. Đây là tính ác rất tinh vi của tội lỗi, vì người kể chuyện hoặc nói chẳng có ý muốn lừa gạt ai cả, nhưng nó lộ ra rất bất ngờ.

Người đã được biến đổi sẽ nhận ra lỗi lầm của mình ngay tức khắc và quyết tâm sẽ không tái phạm; trong khi người chưa được thay đổi chẳng thấy điều đó là xấu nên nó không tạo một chút ảnh hưởng nào trong cách ăn nói tương lai của người đó.

Chúng ta cần phải hiểu và biết nguồn gốc của sự ác nằm trong cái tôi của mình. Khi cái tôi bị diệt thì tội lỗi và sự ác không có chỗ dùng làm đồn luỹ cố thủ nữa. Chúng dễ bị bứng ra khỏi đời sống, nên lòng ta không còn nguy cơ bị chúng tác quái.

Đó là điều mà ông Phao lô nói rằng: “Khi anh em nóng giận thì đừng phạm tội; đừng căm giận cho đến lúc mặt trời lặn, đừng tạo một cơ hội nào cho ma quỷ” (Êphêsô 4:26).

Trộm cắp hoặc cố ý gian lận là hành vi quá rõ ràng, trong khi đó có những việc ta vô tình vi phạm hoặc được hưởng lợi do sự sai sót của người khác cũng bị liệt vào tội trộm cắp.

Đối với luật pháp nước Mỹ, ai lượm được tiền của người khác đánh rơi mà không trả lại, nếu có người biết và tố cáo thì người lượm bị kết tội ăn trộm. Đừng kể mình may mắn khi lượm được tiền rơi. Cứ đem giao cho cảnh sát địa phương, họ sẽ tìm người bị mất tiền để trả lại. Nếu sau một thời gian nhất định không có ai tới nhận, thì cảnh sát sẽ giao của rơi đó cho người bắt gặp, vì đã lập biên bản rõ ràng.

Tính ác của con người cũ cũng nằm trong lời nói nữa. Vì lời ăn tiếng nói là nguyên nhân của nhiều sự xung đột không đáng có. Cho nên, “hãy nói những lời tốt đẹp, có tính xây dựng để đem ơn phước đến cho người nghe” (Êphêsô 4:29).

Sự thay đổi cách ăn nói đòi hỏi sự tích cực cộng tác của chúng ta; người muốn thay đổi lời nói mà vẫn giữ tính nết cũ thì không thể thành công. Điều nầy dẫn tới một quyết tâm kế tiếp là “loại bỏ khỏi anh em những sự cay đắng, phẫn nộ, tức giận, la lối, lăng mạ, cùng mọi điều hiểm độc” (Êphêsô 4:31), vì những điều ác nầy là nguồn gốc của các lời nói xấu xa.

Nếu chúng ta thực sự muốn được đổi mới thì hãy chăm chú vào các gốc ác tội lỗi mà mình phải quyết tâm loại bỏ. Hãy thành tâm “nhờ Thánh Linh đổi mới tâm trí” (Êphêsô 4:23) của mình trước, rồi sau đó mới có đủ quyết tâm để loại bỏ các tính ác ra khỏi lòng mình.

Đời sống mới trong Đức Chúa Jesus là một ơn phước rất thực tế, không phải là ước mơ hão huyền. Người nào thật lòng tin Chúa và muốn sống một đời sống được Chúa đẹp lòng, thì người ấy sẽ cố gắng không làm cho Đức Thánh Linh buồn lòng (Êphêsô 4:30) qua thái độ và hành vi của mình; hầu cho ấn chứng của Ngài cứ tiếp tục in sâu trong lòng chúng ta.

TinDoCuaChua32.docx

Rev. Dr. CTB