Tín Đồ Của Chúa, bài 36
Philip 3:1–11
“Hãy vui mừng trong Chúa, tôi không ngại mà nhắc lại những điều nầy với anh em, vì đó là sự an toàn của anh em” (1). Sứ đồ Phao-lô đã nói những gì trước đây mà ông phải nhắc lại? Điều gì là sự an toàn cho Hội thánh Philip lúc ấy? Chúng có còn là sự an toàn cho chúng ta ngày nay không?
Khi xem xét những điều tiếp theo câu Phao lô bảo tín hữu ở Philip phải cẩn thận, thì người đọc thấy các điều ấy chưa được nói tới trong phần trước của bức thư; cho nên, các thắc mắc đó cần được giải thích để biết lý do nào các sự an toàn của tín hữu khiến họ vui mừng trong Chúa, hoặc sự vui mừng trong Chúa khiến họ được an toàn đến từ lý do nào.
Loài người chưa bao giờ hiểu rõ ràng mọi vấn đề của thiên đàng; thế nhưng, vẫn có nhiều bộ óc tưởng mình biết hơn người khác. Vì vậy mới sinh ra nhiều tôn giáo, mà mỗi đạo lại chia nhiều môn phái khác nhau.
Ở thời kỳ phôi thai, Cơ-đốc-giáo chẳng những phải chống chọi sự tấn công của Do-thái-giáo và thế quyền chư hầu của La mã, mà còn phải đương đầu với sự dạy dỗ sai lầm của những người từ Do-thái-giáo cải đạo nhưng vẫn muốn áp dụng các quy luật của Do-thái-giáo vào niềm tin mới.
Trong đó sự cắt dương bì cho nam tín hữu trở nên vấn đề tranh cãi dữ dội giữa những người ở trung tâm truyền giáo Antioch, xứ Syria, với một số tín đồ của Hội thánh tới từ xứ Judea, dẫn tới cuộc hội nghị đầu tiên của Hội-thánh diễn ra tại Jerusalem giữa phái đoàn đại diện nhóm Antioch với các sứ đồ và trưởng lão tại Hội thánh Jerusalem (Công vụ 15:1-6).
Mặc dù Đức Thánh Linh đã chỉ dẫn hội nghị lập quyết định về bốn việc tín hữu bị buộc phải tuân theo là: đừng bị ô uế bởi các thần tượng hoặc sự gian dâm, cũng không được ăn thịt thú vật bị chết ngộp, hoặc ăn huyết (Công vụ 15:20, 29), ngoài ra, họ không bị buộc làm điều chi khác (28).
Tuy vậy, những người muốn tiếp tục giữ các giáo quy và giáo điều của Do-thái-giáo thì hăng hái đi khắp các Hội-thánh ở ngoài xứ Judea, dạy rằng tín hữu dân ngoại phải giữ nghi lễ cắt bì (Công vụ 15:1), thì mới được cứu rỗi.
Vì sự dạy dỗ ấy mâu thuẫn với giáo lý sự cứu rỗi đến bởi đức tin; cho nên, sứ đồ Phao-lô viết thư cho các Hội-thánh ở Tiểu Á và xứ Macedonia giải nghĩa rõ ràng quyết định của giáo hội nghị đầu tiên về các quy định của Do-thái-giáo, mà Phao-lô, Banaba và các tín đồ vùng Tiểu Á có tham dự hội nghị, phải trình bày cho tân tín hữu trong dân ngoại.
Nếu họ áp dụng điều mà Đức Thánh Linh cậy Phaolô và Banaba dạy dỗ, thì đời sống đức tin họ được an toàn; mặc dù sự nhắc lại các quyết định của giáo hội nghị Jerusalem có vẻ là chỉ trích những người chủ trương phải giữ luật pháp Môi-se thì mới được cứu rỗi. Tên gọi, mà sứ đồ Phao lô đặt cho phe giữ luật Do-thái-giáo, cho thấy sự gian ác và nguy hiểm của lý thuyết sai trật ấy.
Người Giu-đa xem dân Canaan không hơn loài chó. Nhưng ý nghĩa của loài chó ở đây không nói về dân ngoại Canaan, mà nói về loại người tự ra khỏi giao ước mới do Đức Chúa Jesus thiết lập.
Ý nghĩa thứ nhì của loài chó là tình trạng nửa thuần nửa hoang của loài chó vùng trung đông; chúng ở gần người nhưng nhe răng đe doạ hay tấn công những ai tới gần lãnh địa chúng chiếm giữ. Nghĩa nầy áp dụng cho những người muốn được cứu rỗi qua Đức Chúa Jesus nhưng vẫn giữ luật Do-thái, và sẵn sàng tấn công, bắt bớ những tín hữu không làm theo ý của họ.
Kẻ làm công gian ác (2) là những người hăng hái giảng đạo dối gạt, chú trọng công đức bề ngoài, nhưng đó là công đức gian ác. Đồng thời tín hữu cũng phải cẩn thận về sự cắt bì giả, là cắt bì ngoài xác thịt nhưng chưa lột bỏ tính xác thịt trong lòng.
Tín hữu phải cẩn thận coi chừng là vì người ta dễ bị dẫn dụ bởi hình thức bên ngoài, trong khi thực chất không phải là điều Chúa ưa thích. Tại sao sự giữ hình thức cắt bì là nguy hiểm cho đời sống đức tin? Sứ đồ Phao-lô chăm chỉ giải thích cho tín hữu ở Galati:
“Đấng Christ đã giải thoát cho chúng ta được tự do. Vậy hãy đứng vững, đừng đặt mình dưới ách nô lệ một lần nữa. … nếu anh em phải chịu cắt bì thì Đấng Christ không ích gì cho anh em cả. … Anh em nào muốn được xưng công chính bởi luật pháp thì đã lìa khỏi Đấng Christ, đánh mất ân điển rồi. Còn chúng ta thì bởi đức tin và nhờ Đức Thánh Linh mà trông đợi niềm hi vọng về sự công chính” (Galati 5:1-2, 4-5).
Theo sứ đồ Phao-lô thì những người được cắt bì thật là những người phục vụ Đức Chúa Trời bởi Thánh Linh, hãnh diện trong Đấng Christ Jesus, và không để lòng tin cậy vào xác thịt (Philip 3:3).
Tức là những người đã được đổi mới, lột bỏ tâm tánh xác thịt rồi, nên được Đức Thánh Linh dẫn vào sự thờ phượng Đức Chúa Trời bằng tâm linh, không hãnh diện chút nào về hình thức bề ngoài hay lợi thế tài năng đặc biệt, cũng chẳng dựa vào bất cứ sự trình diễn nào không được đẹp lòng Đức Chúa Trời; chỉ hãnh diện vì đã được Đức Chúa Jesus chiếm hữu, được Ngài chuộc tội và xưng là người thuộc về Ngài.
Đây là điểm vô cùng quan trọng cho bất cứ ai muốn được Chúa kể là thuộc về thiên đàng. Sứ đồ Phao-lô cũng nói: Người ta “được xưng công chính không phải nhờ vào những công việc của luật pháp mà bởi đức tin trong Đức Chúa Jesus Christ. ….. Vì nếu nhờ luật pháp mà được xưng công chính thì Đấng Christ chịu chết là vô ích” (Galati 2:16, 21).
Mọi người cần hiểu biết rõ nguyên tắc nầy để áp dụng vào đời sống theo Chúa của chúng ta. Sống đạo không có nghĩa chỉ là hoàn thành mọi bổn phận của một thành viên trong Hội thánh; mà mọi việc thiện lành ta làm, hoặc mọi bổn phận chúng ta hoàn tất đều là kết quả của sự đổi mới do lòng tin vào ơn chuộc tội của Đức Chúa Jesus trong ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời.
Sự đổi mới ở bề trong mới là điều quan trọng chứ không phải sự thực hiện các nghi lễ bề ngoài; bởi vì cách sống hàng ngày của mỗi người mới phản ảnh sự thật ở bên trong.
Người nào tưởng rằng làm trọn các lễ nghi bề ngoài của Hội thánh là có thể an tâm vì được Chúa hài lòng, trong khi đó tánh tình chẳng thay đổi chút nào so với bản tính trước khi tin Chúa, thì mọi hành động thờ phượng của người đó chẳng đem tới lợi ích gì cho linh hồn, cũng chẳng ích lợi gì cho Vương quốc của Đức Chúa Trời.
Những người ưa thích thành tích, để có thể hài lòng hoặc hãnh diện với anh chị em, cần phải suy nghĩ kỹ về thái độ của tâm tánh mình. Sứ đồ Phao-lô xác quyết, “vì cớ Đấng Christ, tôi xem những lợi lộc mình có như là lỗ. Hơn thế, tôi cũng xem tất cả mọi sự như là lỗ, vì sự nhận biết Đấng Christ Jesus, Chúa tôi, là quý hơn hết. Vì Ngài, tôi đành chịu lỗ tất cả, và xem những điều đó như rác rưởi, để được Đấng Christ và được ở trong Ngài” (Philip 3:7-9a).
Sự lỗ lã còn tệ hơn là vô giá trị. Chữ lỗ nầy có thể ví như hàng chở trên thuyền có thể khiến chiếc thuyền chìm khi bão tố; người ta ném bỏ không tiếc nuối chỉ mong cứu được mạng sống.
Thế thì, nếu ai hãnh diện về thành tích bề ngoài, hay tưởng rằng sẽ được Đức Chúa Trời hài lòng khi mình chịu đủ các phép bí tích của Hội thánh, mà không được ở trong Đức Chúa Jesus, thì mọi việc ấy chẳng ích lợi gì hết.
Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta tiếp nhận ơn cứu rỗi của Ngài rồi đặt chúng ta vào chỗ Ngài muốn chúng ta đem người đang hư vong trở lại với Ngài. Thế mà, sau khi truyền giáo thất bại quá nặng ở địa phương vì áp dụng cách thức không còn hiệu quả và có vô số sai lầm, nhưng người ta chẳng khi nào chịu ngồi lại thảo luận rút kinh nghiệm, lại rủ nhau về Việt Nam truyền giáo ngắn ngày rồi hân hoan với thành tích chóng tàn lụi.
Anh chị em đừng để bị quyến rũ vào con đường vô ích, hão huyền, chẳng được Đức Chúa Trời khen ngợi. Hãy nhờ Đức Thánh Linh đổi mới tư tưởng và tâm tánh mình, để tiến tới chỗ nhận biết Đức Chúa Jesus là quý hơn bất cứ thứ gì ở trần gian.
Ai đã tiến tới điểm đó, sẽ được Đức Chúa Trời sử dụng để tác động trên người khác tại địa phương mình đang sống, chỗ mình đang làm việc và hội đoàn mà mình đang tham gia sinh hoạt.
Phao lô nói rằng ông được ở trong Đấng Christ không phải nhờ thực hiện những việc luật pháp đòi hỏi mà nhờ đức tin nơi Đấng Christ, tức là sự công chính đến từ Đức Chúa Trời dựa trên đức tin (Philip 3:9). Tin và nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus thì mới được xem là vô tội và được ở trong Ngài, chứ không phải nhờ các lễ nghi của giáo hội.
Thái độ của chúng ta đối với ơn cứu chuộc của Đức Chúa Jesus ra sao và mức quý trọng quyền phép biến đổi của Đức Thánh Linh đến đâu, sẽ chứng nhận sự công chính của Đức Chúa Trời có hiệu quả trên đời ta hay chưa. Vậy, hãy làm thế nào để được Đấng Christ và được ở trong Ngài.
TinDoCuaChua36.docx
Rev. Dr. CTB