Hiểu Biết Sự Sáng Tạo, bài 03

Sáng Thế 1:9–19

Sau YOM sáng tạo thứ nhì, cả trái đất vẫn còn bị nước bao phủ. Để có thể nắm vững ý nghĩa thật của chữ YOM trong tiếng Hebrew, chúng ta sẽ xem xét một chữ Hebrew khác ‘Vayhiy‘ (phát âm va-di-hy) là chữ được dịch thành “và đã có” trong các câu 5, 8, 13, 19, 23, và 31. Qua sự hiểu biết mới nầy, chúng ta sẽ cố gắng để hiểu lý do tại sao các buổi tối được đặt trước các buổi sáng. Nói vắn tắt, sau khi nghiên cứ kỹ chữ ‘vayhiy,’ các học giả Kinh Thánh thấy rằng có lẽ đã có các thời kỳ lâu dài chen giữa các YOM; cho nên, các buổi tối và buổi sáng nói ở đây không phải là các buổi tối và buổi sáng của một ngày bình thường có 24 giờ. Chúng có thể được hiểu là sự kết thúc của một thời kỳ lâu dài và hồi khởi đầu của một thời kỳ lâu dài khác.

Một trong vài lỗi lầm mà độc giả Kinh Thánh thời nay thường mắc phải là họ tưởng rằng các ngày sáng tạo trong sách Sáng Thế là những ngày bình thường như hiện nay, và Đức Chúa Trời phải tạm nghỉ công việc của Ngài để ngủ đêm; rồi Ngài sẽ thức dậy bắt đầu việc sáng tạo của Ngài vào buổi sáng của một ngày mới. Thật ra, công tác sáng tạo của Chúa trên trái đất không bao giờ ngừng cho đến khi Ngài hoàn tất công việc của Ngài. Với sự hiểu biết đó, chúng ta có thể hiểu dễ dàng hơn về công việc của Ngài trong các Yom kế tiếp. Ở Yom thứ ba (Sáng 1:9–10), Đức Chúa Trời muốn tất cả nước đang bao phủ khắp trái đất phải tụ lại một chỗ, và đất khô phải xuất hiện. Trước khi xem xét các câu tiếp theo, chúng ta cần ôn lại vài chi tiết của các bài học trước.

Trong các chuyện tích sáng tạo, Kinh Thánh không mô tả nước, đất, khí trời, khoảng không vũ trụ, và thời gian được tạo nên như thế nào, chúng đã có sẵn rồi. Từ đó trở đi, Chúa sẽ làm thành mặt đất theo chương trình của Ngài, sắp đặt môi trường của nó để duy trì sự sống sẽ được tạo nên về sau. Khí trời để thở trong bầu không khí đã được sắm sẵn trong Yom thứ nhì. Lúc khởi đầu của Yom thứ ba, Đức Chúa Trời không tạo thêm nguyên tố hay vật chất mới nào. Công việc của Ngài trong Yom ấy là làm cho nước tụ lại thành biển và đất khô phải xuất hiện. Để làm điều đó, Chúa phải tạo ra nhiều đáy biển sâu và rộng để nước tụ lại. Cũng vậy, để đất khô xuất hiện, Chúa phải nâng nhiều chỗ trên mặt trái đất lên cao hơn mực nước. Tất cả những việc đó đòi hỏi các sự chuyển động vật lý của nước và đất. Chắc chắn rằng những sự chuyển động đó không xảy ra trong nháy mắt, chúng phải cần một khoảng thời gian để hoàn tất. Không ai biết phải mất bao lâu.

Và những việc kế tiếp xảy ra dòi hỏi thời gian dài hơn hoặc bằng với lượng thời gian của các công việc trước. Hãy đọc Sáng Thế 1:11–12. Tôi tin răng 2 câu nầy là bằng chứng cho thấy mỗi Yom không phải ngày 24 giờ. Cần phải có thời gian để cây cỏ mọc lên, kết hột, và cây ăn trái kết quả có hột ở trong. Chúng ta có thể hiểu rằng Chúa định các tiền lệ cho cây cỏ thực vật tuân theo định luật vật lý của Ngài. Ngài làm cho cây cối mọc lên thế nào, Ngài tạo nên bao nhiêu cây cho mỗi loại, chúng ta chỉ có thể đoán hay tưởng tượng. C.12 ghi “Đất sinh cây cỏ: cỏ kết hạt tùy theo loại, cây ra trái và trong trái có hạt, tùy theo loại.” Không phải chúng tiến hóa từ chỗ không có gì. Cho tới ngày nay với tất cả tri thức tân tiến của khoa học, người ta đã thất bại không thể pha trộn các loại cây khác nhau để làm thành loại cây mới. Đức Chúa Trời đã sáng tạo ra chúng tùy theo loại. Loại nào phải theo loại đó.

Đức Chúa Trời thấy điều đó là tốt đẹp. Vậy, có buổi tối và buổi sáng. Đó là ngày thứ ba.” (Sáng. 1:12b–13). Chúng ta lại gặp “vậy có buổi tối và buổi sáng.” Tôi tin Kinh Thánh muốn dùng các câu nầy để miêu tả hồi kết thúc của một thời kỳ lâu dài và hồi khởi đầu của một thời kỳ lâu dài khác. Nó không phải là ngày bình thường có 24 giờ; bởi vì chẳng cây nào có thể mọc lên và kết hột hoặc kết trái có hột trong vòng 24 giờ. Thông thường, hầu hết cây ăn trái cần bảy năm để sinh trái; vài cây khác sớm hơn một chút, vài thứ lâu hơn. Và để cho cỏ cây và thực vật bao phủ cả đại lục, cần thời gian rất lâu dài; nhất là khi chưa có các loài động vật đem hột giống ra xa khỏi cây mẹ. Sự lan rộng của rừng cây phải mất một thời gian rất lâu để thành rừng. Lẽ dĩ nhiên, Đức Chúa Trời biết làm thể nào để cây mọc thành rừng và hoàn thành chương trình của Ngài trên trái đất.

Đức Chúa Trời phán: Phải có các vì sáng trên vòm trời để phân biệt ngày với đêm, để làm dấu hiệu xác định các mùa, ngày và năm; và để làm các vì sáng trên vòm trời soi sáng quả đất, thì có như vậy” (Sáng 1:14–15). Các thần học gia và học giả Kinh Thánh đều gặp rắc rối với hai câu nầy. Khi nhà vật lý học Galileo Galilei dùng viễn vọng kính khám phá thái dương hệ và dải Ngân Hà, người ta biết mặt trời phải có trước hoặc cùng lúc với trái đất; và mặt trăng có thể có trễ hơn một chút. Và, trái đất đi vòng quanh mặt trời và nhận ánh sáng của nó, không phải mặt trời chạy quanh trái đất. Cho nên, hai thiên thể nầy và các ngôi sao, là các thiên thể khác, đã không cần phải chờ tới Yom thứ tư mới xuất hiện trên bầu trời. Vậy, tại sao Môise lại viết như sau:

Đức Chúa Trời tạo nên hai vì sáng lớn: Vì sáng lớn hơn để cai quản ban ngày, vì sáng nhỏ hơn để cai quản ban đêm. Ngài cũng tạo nên các ngôi sao. Đức Chúa Trời đặt các vì sáng đó trên vòm trời để soi sáng quả đất, cai quản ban ngày và ban đêm, và phân rẽ ánh sáng khỏi bóng tối. Đức Chúa Trời thấy điều đó là tốt đẹp” (Sáng 1:16–18). Các câu nầy không nói rằng Đức Chúa Trời ‘bara‘ (sáng tạo) mặt trời và mặt trăng ở Yom thứ tư. Ngài ‘asah‘ (lập) chúng cai trị ban ngày và ban đêm; chức năng của chúng là làm dấu hiệu xác định của mùa, ngày và năm, và để soi sáng quả đất. Nhiều thần học gia thời xưa đã cố gắng giải thích lấp liếm ý nghĩa vô lý của Yom sáng tạo nầy; nhưng các lời giải thích ấy không làm thỏa mãn những bộ óc hoài nghi.

Cuối cùng, một số học giả Kinh Thánh có cái nhìn khá hơn về bản văn nầy và tìm một lối khác để dịch bản văn Hebrew của Sáng 1:14a như sau: “Các nguồn sáng trên bầu trời phải phân cách ngày và đêm …” Thật ra, những vị học giả ấy nghĩ rằng câu đó là cách Môise cố trình bày chức năng của các thiên thể. Họ lý luận rằng câu 1 của Sáng Thế đoạn 1 đã nói rõ rằng vũ trụ, trong đó có mặt trời, mặt trăng, và các ngôi sao đã được tạo dựng rồi. Cho nên, c.14 chỉ nói cho độc giả biết chức năng của chúng mà thôi. Nhưng đối với người đọc Kinh Thánh thời nay, thì rất khó cho chúng ta hiểu và chấp nhận cách giải thích bản văn như vậy. Xin hãy nhớ rằng những việc miêu tả ở các câu 14–19 cần phải mất một Yom để hoàn thành. Có cách hiểu nào khác tốt hơn không?

Hugh Ross, học giả Kinh Thánh hiện nay, đưa ra sự giải thích như sau, “một khoảng thời gian sau khi tầng khí quyển trái đất biến đổi thành dưỡng khí, những sự thay đổi về nhiệt độ và áp suất không khí cùng với tình trạng rất ẩm ướt đã ngăn cản lớp mây che mở ra; các hoạt động núi lửa cũng đã góp phần vào tình trạng mây phủ nầy … Qua thời gian, những sự thay đổi trong các đặc tính môi trường khác nhau – sự ổn định của nhiệt độ và áp suất không khí, cây cối thực vật hấp thụ bớt thán khí, và các hoạt động núi lửa suy giảm – có thể tất cả những điều đó góp phần mở lớp mây che. Kết quả là sự xuất hiện của ánh sáng trên khoảng không của bầu trời phân cách ban ngày khỏi ban đêm … để phục vụ chức năng làm dấu hiệu xác định mùa, ngày và năm.

Bất cứ cách giải thích nào mà người ta cố gắng làm cho Yom thứ tư có thể hiểu được, chúng ta có thể xác nhận một điều là hầu hết các học giả hiện đại đều tin rằng mỗi Yom sáng tạo trong sự tạo dựng của Đức Chúa Trời trên trái đất là những thời kỳ lâu dài. Trong bài học tiếp theo, chúng ta sẽ học thêm về hai Yom sáng tạo kỳ diệu cuối của Đức Chúa Trời.

HiểuBiếtSựSángTạo03.docx

Rev. Dr. CTB