Ngày Chúa Tái Lâm, bài 07

1Têsalônica 4:13–17

Thưa anh em, chúng tôi không muốn anh em không biết về những người đã ngủ, để anh em không đau buồn như người khác không có hi vọng. Vì nếu chúng ta tin Đức Chúa Jêsus đã chết và sống lại, thì cũng vậy, Đức Chúa Trời sẽ đem những người ngủ trong Đức Chúa Jêsus đến với Ngài. Đây là điều chúng tôi nhờ lời Chúa mà nói với anh em: Chúng ta là những người đang sống mà còn ở lại cho đến ngày Chúa quang lâm, thì sẽ không đi trước những người đã ngủ. Vì khi có hiệu lệnh ban ra, với tiếng gọi của thiên sứ trưởng, cùng tiếng kèn của Đức Chúa Trời thì chính Chúa từ trên trời sẽ giáng lâm. Bấy giờ, những người chết trong Đấng Christ sẽ sống lại trước tiên. Kế đến, chúng ta là người đang sống mà còn ở lại sẽ cùng được cất lên với những người ấy trong đám mây để gặp Chúa tại không trung, và chúng ta sẽ ở với Chúa mãi mãi.

Trong phần Kinh Thánh vừa đọc, sứ đồ Phaolô nói rõ rằng mọi tín hữu còn sống tới ngày Đức Chúa Jesus trở lại thế gian sẽ cùng với các thánh đồ chết trong Đấng Christ, đã sống lại, đều được cất lên gặp Chúa nơi không trung để ở với Chúa mãi mãi (17) “Kế đến, chúng ta là người đang sống mà còn ở lại sẽ cùng được cất lên với những người ấy trong đám mây để gặp Chúa tại không trung, và chúng ta sẽ ở với Chúa mãi mãi.” Vậy, tại sao vẫn còn phải thảo luận việc Hội Thánh có được đem đi hay không? Khi nói đến những việc liên quan tới Hội Thánh vào ngày tận thế thì không đơn giản như cách hiểu của một số người. Bởi vì một số sự kiện trong sách Khải Huyền có ý nghĩa biểu tượng, tức là nghĩa bóng, thì không rõ ràng như điều các sứ đồ trình bày trong thư tín của họ. Hơn nữa, một số người chế giễu khái niệm Hội Thánh được đem đi (tiếng Anh là ‘rapture’); họ không tin việc ấy sẽ xảy ra, vì trong Kinh Thánh không có chữ đó.

Vậy, ý tưởng Hội Thánh sẽ được đem đi (rapture) từ đâu ra? Chữ Hy-lạp “harpazo” mà sứ đồ Phaolô viết (cất lên) ở câu 17 được dịch ra tiếng La-tinh trong bản Kinh Thánh Vulgate là “rapare” hay “raptus.” Từ chữ đó mới có “rapture” (được cất lên, đem đi thình lình) trong Kinh Thánh tiếng Anh. Cho nên, việc Hội Thánh của Đức Chúa Jesus sẽ được Ngài đem đi theo Ngài không phải là một khái niệm bịa đặt. Sứ đồ Phaolô viết cho tín hữu tại Côrinhtô (1Côrinhtô 15:51–53) “Nầy, tôi tỏ cho anh em một sự mầu nhiệm: Chúng ta sẽ không ngủ hết, nhưng tất cả sẽ được biến hóa trong khoảnh khắc, trong nháy mắt, vào lúc tiếng kèn cuối cùng. Vì kèn sẽ thổi, người chết sẽ sống lại, không còn hư nát nữa, và chúng ta sẽ được biến hóa. Vì bản chất hay hư nát nầy phải mặc lấy bản chất không hay hư nát; bản chất hay chết nầy phải mặc lấy bản chất không hay chết.

Được biến hóa để làm gì? Hãy xem (1Côrinhtô 15:50) “Thưa anh em, tôi muốn nói rằng, thịt và máu không thể hưởng vương quốc Đức Chúa Trời được; sự hay hư nát không thể hưởng sự không hay hư nát được.” Vậy, được biến hóa để phù hợp với đòi hỏi của thiên đàng.Thân thể xác thịt của chúng ta cần phải ăn, uống, hít thở, và bài tiết. Nhưng khi thân thể xác thịt được biến hóa thành cơ thể bất tử và bất diệt rồi thì không còn cần những nhu cầu thể chất hoặc sinh hoạt như lúc còn làm người ở trần gian nữa. Vì thân thể của mọi loài xác thịt đều có thịt và máu. Để thịt và máu giữ sự sống thì mọi loài đều phải ăn, uống, hít thở, và bài tiết. Mà thịt và máu sẽ bị già lão, rồi chết và hư hoại. Chúng ta được biến hóa để được đem đi khỏi thế gian đến nơi không còn hư hoại nữa.

Tội lỗi của loài người đã làm ô uế trái đất; cho nên, trái đất rồi đây sẽ bị thiêu hủy tan tành (2Phierơ 3:10) “Tuy nhiên, ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm; bấy giờ các tầng trời sẽ biến đi trong tiếng vang rền, các nguyên tố sẽ bị tan chảy trong lửa, đất và mọi công trình trên đó đều sẽ bị thiêu hủy.” Vậy, những người thuộc về Chúa sẽ ở với Ngài ở một cõi hoàn toàn khác với cõi trần. Trong thư viết cho các môn đồ ở Philippi sứ đồ Phaolô giải thích (Philip 3:20–21) “ chúng ta là công dân trên trời; từ nơi ấy, chúng ta trông đợi Chúa và Cứu Chúa là Đức Chúa Jêsus Christ. Ngài sẽ biến hóa thân thể thấp hèn của chúng ta trở nên giống như thân thể vinh quang của Ngài, …” Đã biết sự thật nầy, ai có niềm trông đợi thân thể hèn mạt của mình được biến hóa trở nên giống như thân thể vinh quang của Chúa, người ấy sẽ không thể nghi ngờ rằng việc Hội Thánh được cất lên vào cõi vinh quang là điều mơ hồ nữa.

Tại sao sứ đồ Phaolô viết rằng Hội Thánh được cất lên gặp Chúa ở không trung, mà Đức Chúa Jesus không xuất hiện trên mặt đất? Khi xem xét và kết hợp nhiều câu Kinh Thánh của nhiều sách khác nhau, chúng ta sẽ có cái nhìn tổng quát khá đầy đủ. Jude (Giuđe) một em trai cùng mẹ của Đức Chúa Jesus viết (Giuđe 14–15) “Cũng chính vì những người nầy mà Hê-nóc là cháu bảy đời của Adam đã nói tiên tri rằng: Kìa, Chúa đến với muôn vàn đấng thánh để thi hành sự phán xét trên tất cả mọi người, và kết án tất cả những kẻ bất kính về mọi việc bất kính mà họ đã phạm, với tất cả mọi lời xấc xược mà những tội nhân bất kính đã nói nghịch với Ngài.” Muôn vàn đấng thánh từ đâu ra? Ấy là mọi con dân Chúa trong Hội Thánh là thánh đồ của Ngài đã được cất lên trời.

Sách Khải Huyền tường thuật ngày Đức Chúa Jesus trở lại thế gian để xét đoán mọi người thì có các đạo binh trên trời đi theo Ngài (Khải Huyền 19:11–14) “Bấy giờ tôi thấy trời mở ra, và kìa, có một con ngựa trắng! Đấng cưỡi ngựa có tên là THÀNH TÍN VÀ CHÂN THẬT; Ngài phán xét và chiến đấu trong sự công chính. Mắt Ngài như ngọn lửa; trên đầu Ngài có nhiều mão triều thiên, trên có đề một danh mà ngoài Ngài không ai biết được. Ngài mặc áo đã được nhúng trong máu. Danh Ngài được gọi là LỜI ĐỨC CHÚA TRỜI. Các đạo quân trên trời đều mặc vải gai mịn, trắng và tinh khiết, cưỡi ngựa trắng đi theo Ngài.” Người đọc phải hiểu rằng Đức Chúa Jesus cỡi ngựa là hình ảnh CON NGƯỜI. Các đạo quân theo Ngài cũng cỡi ngựa vì họ là người được biến hóa.

Các đạo quân cỡi ngựa trắng theo Đức Chúa Jesus không phải là thiên sứ. Các thiên sứ không cần cỡi ngựa, vì họ di chuyển như chớp. Vậy, các đạo quân ấy là ai và họ từ đâu ra? Nếu các đạo quân là Hội Thánh của Chúa, thì Hội Thánh ấy phải được cất lên trước khi trở lại thế gian với Chủ Tướng mình để xét đoán thế gian. Đến đây lại nảy sinh sự tranh cãi về thời điểm Hội Thánh được cất lên. Bởi vì sách Khải Huyền nói rõ về bảy tai họa sẽ đổ xuống trái đất, thường gọi là ‘bảy bát thịnh nộ‘ (Khải Huyền 16:1) “Bấy giờ, tôi nghe một tiếng lớn từ đền thờ bảo bảy thiên sứ rằng: Hãy đi đổ bảy bát thịnh nộ của Đức Chúa Trời xuống đất.” Sách Khải Huyền tường thuật các sự kiện sẽ lần lượt diễn ra: Chiên Con tháo bảy ấn, bảy thiên sứ thổi kèn, rồi bảy bát thịnh nộ.

Bảy tai họa ấy kết thúc cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời đối với thế gian và thế lực thù nghịch Ngài (Khải Huyền 15:1) “Tôi thấy một dấu lạ khác ở trên trời vừa vĩ đại, vừa diệu kỳ: Bảy thiên sứ cầm bảy tai họa cuối cùng, bởi những tai họa nầy, cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời kết thúc.” Bảy tai họa cuối cùng và những tai họa xảy ra cho loài người trước đó được gọi là kỳ đại nạn trên thế gian. Sách Khải Huyền ít được giảng vì rất khó giải nghĩa và khó sắp xếp thứ tự những sự kiện sẽ diễn ra theo cách hiểu bình thường của người trần gian. Hơn nữa, không chỗ nào trong sách Khải Huyền mô tả Hội Thánh được cất lên, nhưng mô tả Hội Thánh là Tân Nương của Chiên Con trong tiệc cưới ở thiên đàng, rồi thành các đạo quân cỡi ngựa trắng theo Chủ Tướng trở lại thế gian.

Vì các lý do đó nên đã có ba lý thuyết khác nhau về thời điểm Hội Thánh được cất lên. Thuyết 1 cho rằng Hội Thánh được Chúa đem đi để tránh khỏi các tai họa trong cơn đại nạn, gọi là thuyết “Tiền Đại Nạn.” Thuyết 2 cho rằng Hội Thánh phải chịu ba năm rưỡi trong bảy năm đại nạn trước khi được cất lên, gọi là thuyết “Trung Đại Nạn.” Thuyết 3 thì tin rằng Hội Thánh phải chịu đủ bảy năm đại nạn trước khi được cất lên, gọi là “Hậu Đại Nạn.” Trong bài học kỳ tới, chúng ta sẽ phân tích vấn đề dựa trên các câu Kinh Thánh mà từng phái đã viện dẫn. Nhờ đó, người nghiên cứu sẽ có sự hiểu biết chính xác và vững vàng về việc mình có được Chúa đem đi hay không.

NgayChuaTaiLam07.docx

MS CTB