Chúa Nhật, December 7th, 2014
Mùa Giáng Sinh, 01
Lu-ca 1:26–35
Từ trước vô cùng, trước khi tạo nên vũ trụ, Đức Chúa Trời đã thiết lập kế hoạch nối lại mối tương giao yêu thương với loài người mà Ngài sẽ tạo dựng; vì biết trước rằng kẻ thù, là satan sẽ xen vào phá hoại, khiến mối tương giao ấy bị cắt đứt ngay tại vườn địa đàng Ê-đen.
Theo cách nhìn của loài người ở trần gian, thì việc tái lập mối tương giao có lẽ khá đơn giản. Theo suy nghĩ của chúng ta thì Đức Chúa Trời chỉ cần bỏ qua những lỗi lầm của người trên đất, rồi việc nối lại mối tương giao chẳng có gì khó khăn cả.
Nhưng sự tha tội và nối lại mối tương giao theo nguyên tắc thiên đàng không đơn giản như cách chúng ta nghĩ. Bởi vì Đức Chúa Trời không thể tự mâu thuẫn với bản thể thánh khiết và công chính của Ngài mà chấp nhận đem tội lỗi vào trong đoàn thể thánh dân Ngài, bằng cách cứ chấp nhận bừa bãi mọi thứ ô uế của người trần gian.
Những người quen sống cạnh núi rác lâu ngày thì không còn thấy không khí họ hít thở hàng ngày là hôi thối nữa. Nhưng khi người từ một xã hội quen mùi thơm tho, hít thở không khí trong lành, đến bên núi rác thì không chịu nổi mùi hôi ấy; đồng thời, ai đem áo quần có mùi hôi hám từ núi rác vào nhà sạch sẽ của mình, thì sẽ làm cho nhà mình bị ô nhiễm mùi hôi của núi rác.
Đấy là môi trường vật chất; nhưng trong cõi tâm linh thì vấn đề khác hẳn cõi trần. Không thể dùng biện pháp thể chất hay hành động của cõi trần để bôi xoá sự ô nhiễm của tội lỗi trong tâm linh.
Ngày nay người ta bị tiêm nhiễm, chấp nhận, và ra sức phổ biến ý niệm đạo đức tương đối, vì cho rằng chẳng ai trên đời hoàn toàn đạo đức; cho nên, người đời sẵn sàng chấp nhận tiêu chuẩn thấp kém; thậm chí tôn vinh, quý trọng những người cầm quyền đã bị bắt quả tang phạm những hành vi vô đạo đức.
Đức Chúa Trời dạy rằng để được làm con dân của Ngài, người ta phải “biệt mình ra thánh và phải thánh, vì Chúa là thánh” (Lê-vi ký 11:44b). Mọi người đọc Kinh thánh đều biết rằng Đức Chúa Giêxu đã giáng sinh để chịu chết chuộc tội cho loài người. Việc ấy mặc dù là vô cùng khốn khó và đau đớn đối với Linh thánh khiết của Đức Chúa Trời, nhưng Ngài đã phải quay mặt chịu đựng, không nhìn Người Con yêu dấu của mình bị những tội đồ đóng đinh treo lên thập tự giá, chỉ vì tình yêu thương của Ngài dành cho nhân loại (Giăng 3:16).
Tuy vậy, những người được Đức Chúa Giêxu chuộc tội vẫn khó tương giao với Đức Chúa Trời nếu không đạt đến tiêu chuẩn thánh khiết thiên đàng đòi hỏi. Nói thế không có nghĩa là quyền phép chuộc tội của huyết Chúa chưa đủ để đưa dắt tội nhân đến nhận ân sủng tha thứ của Đức Chúa Trời; nhưng nói đến tâm linh phải được biến đổi của người nhận ân sủng, nghĩa là phải được Con Đức Chúa Trời thành hình trong lòng trước đã (Ga-la-ti 4:19), rồi mới xứng đáng bước vào Nơi Chí Thánh của Chúa.
Đọc các chuyện tích giáng sinh của Đức Chúa Giêxu, chúng ta thấy rằng việc bà Mary mang thai đang khi còn là một người nữ đồng trinh, là quyền phép trực tiếp của Đức Chúa Trời trên bà (Lu-ca 2:34–35). Đối với mọi người được gọi là thánh đồ của Đức Chúa Trời cũng giống như vậy; sự sống của Con Đức Chúa Trời phải được thành hình trong lòng chúng ta bởi hành động quyền năng trực tiếp của Ngài trên lòng ta.
Sự giáng sinh của Đức Chúa Giêxu, Ngôi Lời nhập thể, tuy đã diễn ra chỉ một lần trong lịch sử, nhưng đối với mỗi người tin nhận Ngài, thì sự thành hình Con Đức Chúa Trời trong lòng đều phải tái diễn. Vì nhờ đó, tín hữu mới có thể kinh nghiệm về sự biểu lộ các đặc tính thánh khiết, đơn giản và hiệp nhất với Đức Chúa Cha, do sự sinh thành Con Đức Chúa Trời trong lòng mình là thể nào.
Để được Đức Chúa Giêxu giáng sinh trong lòng, chúng ta phải nhận diện và loại trừ vô số sự cản trở đầy phức tạp trong lòng, mà chúng ta không thể thấy bằng sự nhận định bình thường. Sự cản trở lớn nhất là bản ngã của mỗi người đều đòi hỏi mình phải có quyền định đoạt đời mình.
Kinh-thánh không tuyên bố Đức Chúa Trời trừng phạt nhân loại vì tội lỗi của một người. Ngài chỉ trừng phạt bản chất của tội lỗi. Và bản chất đó từ một người đã xâm nhập vào cõi nhân loại. Bản chất ấy tuyên bố với Chúa rằng: ‘Tôi phải có quyền định đoạt số phận của đời tôi, Chúa không có quyền can thiệp!’
Bản chất của tội lỗi không phải là vô đạo đức hay những hành động sai trái, nhưng là tâm lý xem mình là thần tượng của chính mình, mà không thấy bản chất của tội lỗi bên trong mình. Bản chất ấy bộc lộ cả trong các hành động đạo đức lẫn trong các hành động vô đạo đức. Bởi vì sự chú trọng vào cái tôi của chúng ta đem quyền riêng của mình lên cao hơn tất cả.
Điều nầy vẫn luôn bộc lộ trong những lời nói kín đáo khoe khoang thành tích nào đó của mình, hoặc thầm kín ước ao được người khác ca tụng qua những dự định phục vụ nào đó của chúng ta trong Hội-thánh hoặc ngoài xã hội.
Khi Đức Chúa Trời nhìn chúng ta, cả những người có bề ngoài sạch sẽ, đạo đức và chính trực, hay những người đầy sự gian ác trong lòng, thì Ngài không quan tâm tới sự đồi bại của một người nào đó, hoặc thành tích đạo đức của người kia. Ngài nhìn vào chỗ mà chúng ta không thấy được: Đó là bản chất của lòng người (Giăng 2:23–25).
Tội lỗi là một thứ, một lãnh vực, dính với chúng ta khi chúng ta được sinh ra, mà chẳng ai có thể chạm tới nó. Chỉ một mình Đức Chúa Trời mới có thể chạm tới tội lỗi qua sự chuộc tội.
Thập tự giá của Đức Chúa Giêxu là cách thức Đức Chúa Trời chuộc toàn thể nhân loại ra khỏi sự trừng phạt vì bị di truyền tội lỗi. Ngài không định tội một ai vì người đó bị di truyền tội lỗi, cũng chẳng quy trách nhiệm cho người nào bị nhiễm sự di truyền ấy.
Người ta bị kết tội khi đã biết rằng Đức Chúa Giêxu đã đến để giải thoát mình ra khỏi ảnh hưởng di truyền của tội lỗi, nhưng từ khước sự giải thoát của Ngài.
Có người vì mê thích vinh hoa của thế gian, người khác thì tin rằng mình có thể tự giải thoát qua cách tu hành hay làm việc thiện. Nhưng chính giây phút người đó từ chối ơn cứu độ của Chúa, và quyết định làm theo ý riêng, thì đã tự đóng ấn cho án phạt họ sẽ chịu.
Thế thì thái độ và hành động tội lỗi không bị căn cứ trên các việc làm sai trái, nhưng căn cứ trên tình trạng của quyết định trong lòng sẽ làm điều sai trái. Nghĩa là một quyết định cố ý độc lập đối với Đức Chúa Trời.
Niềm tin của Cơ-đốc-giáo về biện pháp cứu rỗi, hay được giải thoát khỏi tội lỗi, căn cứ mọi việc trên sự tự tin quá đáng của bản chất tội lỗi. Các tôn giáo khác tìm cách đối phó với tội lỗi, vì họ tự tin họ có thể làm được điều mà người khác không làm nổi. Cơ-đốc-giáo thì vạch rõ rằng chỉ Kinh-thánh mới có cách giải quyết tội lỗi.
Nếu ai để ý điều đầu tiên mà Đức Chúa Giêxu đương đầu với người ta, thì sẽ thấy Ngài đối phó với bản tính di truyền của tội lỗi trong những người ấy.
Quyền năng rất mạnh mẽ và sức tấn công hữu hiệu của sứ điệp Tin Mừng là phương cách giải quyết tội lỗi vô cùng công hiệu của thập tự giá Đức Chúa Giêxu. Nếu chúng ta quên đặc tính ấy của Tin Mừng, là quyền năng giải quyết tội lỗi, trong công tác truyền giáo, thì sẽ làm cho sứ điệp ấy trở thành vô hiệu.
Kinh thánh không nói rằng Đức Chúa Giêxu giáng sinh để gánh hết tội lỗi xác thịt của nhân loại, nhưng nói rằng Ngài đến để nhận lãnh trên Ngài sự di truyền của tội lỗi, mà chẳng ai trong loài người có thể chạm tới.
Kinh thánh nói rằng “Đức Chúa Trời đã làm cho Đấng không hề biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, để trong Đấng ấy chúng ta được trở nên công chính trước mặt Đức Chúa Trời” (2Côrinhtô 5:21). Nghĩa là Đức Chúa Trời đã làm cho chính Con Ngài ‘trở nên tội lỗi’ để Ngài có thể làm cho vô số tội nhân trở thành các thánh đồ.
Kinh thánh trình bày sứ điệp của Tin Mừng rất rõ ràng, nhưng rất nhiều người đọc hoặc giảng Kinh-thánh đã trình bày sai trật về tính chất sự hi sinh của Đức Chúa Giêxu; nói rằng người ta được cứu vì Chúa là yêu thương, cho nên Ngài sẽ bỏ qua sự phạm tội của người ta; hoặc, vì Chúa là tình yêu nên sẽ chẳng ném người nào xuống hỏa ngục hết.
Đức Chúa Giêxu đã đến thế gian gánh vác hết tội lỗi của nhân loại bằng sự hoà đồng (hay liên hiệp = identification) với loài người, tức là đứng trong vai trò một Người, chứ không phải là một vị thần cảm thông hoàn cảnh của chúng ta.
Khi Ngài gánh trên thân thể Ngài tất cả tội lỗi của nhân loại tích luỹ từ bao đời, thì “Ngài trở nên tội lỗi vì chúng ta.” Làm việc đó, Ngài đặt sự cứu rỗi toàn thể loài người trên nền tảng sự chuộc tội mà thôi.
Không một người nào có thể tự chuộc tội cho chính mình. Cứu chuộc là công việc chỉ một mình Đức Chúa Trời mới có thể làm được. Bởi vì Ngài vừa ở ngoài nhân loại, vừa là Đấng Tạo Hoá toàn năng. Chỉ một mình Ngài mới có thể sai Trí Tuệ, Tư Tưởng, sự Khôn Ngoan, và Lời Nói của chính Ngài xuống trần gian làm một Người vô tội để thực hiện việc mà không một ai trong nhân loại làm được, đó là hi sinh chuộc tội cho mọi người.
Vì thế cho nên, chương trình giáng sinh của Đức Chúa Giêxu là một huyền nhiệm, chẳng những không một ai trong nhân loại hiểu nổi, mà chính các thiên sứ trên trời cũng không thể hiểu hay đoán biết.
Trong mùa Giáng Sinh năm nay, anh chị em hãy tạ ơn Chúa vì huyền nhiệm giáng sinh đã đem đến sự sống đời đời cho chúng ta, là những người tin Ngài và hiểu biết huyền nhiệm ấy.
GiangSinh14a.docx
Rev. Dr. CTB