Theo Dõi Tận Thế, bài 46

Khải Huyền 12:13–18

Theo như sứ đồ Giăng đã tiết lộ chân tướng của con rồng là con rắn đời xưa, đứa đã cám dỗ bà Eva, mẹ của cả loài người; hắn cũng là ma quỷ và Satan (9). Sau một thời gian hoành hành chốn không trung có lẽ khá lâu dài so với lịch sử của loài người, con rồng và các sứ giả của hắn bị những thiên thần thiện đánh cho thua tan tác. Rồng và các sứ giả của hắn bị ném xuống đất, không còn chỗ trên trời, và biết thời gian chúng vẫn được phép hoành hành không còn bao lâu nữa; cho nên, chúng xuống trái đất với tâm lý giận hoảng để làm hại đất và biển, nơi ở của loài người (12). Việc đầu tiên mà rồng làm là rượt đuổi người phụ nữ đã sinh con (13); bởi vì hắn bị vuột mất con mồi, không nuốt được người con trai do phụ nữ ấy sinh ra.

Khi chúng ta thấy những hình ảnh hay hoạt cảnh được miêu tả trong các sách tiên tri, thì phải biết rằng chúng là biểu tượng để mô tả những việc khác, chứ không phải chính xác như những hoạt cảnh miêu tả. Trong bài của hai kỳ trước, đã có giải thích sự giải nghĩa của ba trường phái về người phụ nữ. Công giáo La mã là trường phái nói rằng đó là bà Mary, mẹ phần xác của Đức Chúa Jesus, thì bây giờ không thể cho biết hai cánh đại bàng là gì, hoang mạc là ở đâu, nước từ miệng con rồng phun ra như sông có nghĩa gì, và áp dụng thực tế như thế nào? Phái đó không thể ghép những chi tiết ấy lại cách hợp lý. Trường phái thứ nhì và phái thứ ba đương nhiên cũng giải nghĩa khác nhau. Phái thứ nhì cho rằng người phụ nữ ấy là dân Israel của Đức Chúa Trời; phái thứ ba tin đó là Hội Thánh. Phái nào đúng nhất? Chúng ta hãy xem cách giải nghĩa của hai phái ấy trong việc nầy.

Phái thứ ba cho rằng phụ nữ ấy là Hội Thánh. Rồng tấn công bắt bớ Hội Thánh vì Hội Thánh giữ các điều răn của Đức Chúa Trời và có lời chứng của Đức Chúa Jesus. Tuy nhiên, sự giải thích nầy gặp một số điều khó khăn không thể giải thích hay khắc phục nổi. Thứ nhất, nếu mọi người đều đồng ý rằng, người phụ nữ được mặt trời bao phủ, chân đạp trên mặt trăng và đầu đội mão miện bằng mười hai ngôi sao, sinh ra con trai là Đức Chúa Jesus, nhưng không phải là bà Mary, thì người phụ nữ ấy cũng không thể là Hội Thánh. Vì Hội Thánh không sinh Đức Chúa Jesus, mà chính Ngài sinh ra Hội Thánh. Thứ nhì, Hội Thánh là Tân Nương của Đức Chúa Jesus, một nàng dâu trinh khiết, không phải là một người đàn bà đã có con. Thứ ba, Hội Thánh được rước đi khỏi cơn đại nạn, vì vậy, con rồng không thể rượt theo Hội Thánh để bắt bớ được.

Vậy, còn lại phái thứ nhì giải thích người phụ nữ tượng trưng cho dân tộc Israel, thì sự giải thích ấy ra sao? Nhiều biến cố xảy ra có thể chứng minh cho việc con rồng đuổi theo người đàn bà (13). Sau khi Đức Chúa Jesus đã về trời thì dân Israel bị đế quốc La mã tấn công hai lần. Lần thứ nhất từ tháng Tư tới tháng Chín năm AD 70 để đánh dẹp cuộc khởi nghĩa của người Do-thái. Trong lần nầy, Jerusalem bị thiêu hủy dưới tay tướng Titus. Lần thứ nhì do hoàng đế Hadrian ra lệnh tiến hành từ năm AD 132 tới 136 để đánh dẹp cuộc nổi loạn của Bar Kokhba. Trong lần nầy thì toàn thể người Do-thái còn sống sót bị bán làm nô lệ và bị rải tan lạc khắp thế giới. Sự tấn công của đế quốc La mã có thể xem là cuộc rượt đuổi của con rồng để tiêu diệt dân Israel.

Nhưng Israel được tiếp cứu hoặc là bằng biến cố đã xảy ra từ thế kỷ AD 2, bị phân tán ra khắp thế giới. Họ bị tan biến không ai còn để ý tới dân tộc ấy nữa. Hoặc là biến cố nầy sẽ xảy ra trong tương lai vào giai đoạn thứ nhì của bảy năm đại nạn. Nhiều người cho rằng, đôi cánh đại bàng (14), mà người phụ nữ được ban cho, tượng trưng cho Hoa Kỳ là nước sẽ đến tiếp cứu; vì biểu tượng của Hoa kỳ là con chim đại bàng. Một số người cho rằng hoang mạc mà một phần còn sót của dân Israel được đưa đến là khu vực thành phố cổ Petra đục trong các khe đá sâu và hiểm trở phía nam của nước Jordanie. Nhiều người Mỹ đã đem thức ăn khô có thể bảo quản lâu ngày vào chứa sẵn ở trong các hang động nầy. Tuy nhiên, hai câu tiếp theo chứng tỏ cách giải nghĩa nầy không đúng.

Con rắn phun nước từ miệng ra như sông đằng sau người phụ nữ để cuốn nàng đi” (15). Để hiểu biểu tượng “nước … như sông” là gì, thì chúng ta phải tìm sự giải nghĩa trong chính sách Khải Huyền nầy: 17:15Rồi thiên sứ nói với tôi: Những dòng nước mà ngươi thấy kỹ nữ ngồi lên trên là các dân tộc, các nhóm người, các nước và các thứ tiếng.” Bởi vì nước như sông có nghĩa là các dân tộc, các nhóm người, các nước và các thứ tiếng, cho nên Satan dùng đế quốc La mã đày dân Do-thái ra rất nhiều dân tộc và quốc gia trên thế giới để tận diệt, không tồn tại nữa. “Nhưng đất tiếp cứu người phụ nữ bằng cách há miệng ra và nuốt dòng sông mà con rồng đã phun ra từ miệng nó” (16). Những dân tộc mà con rồng định dùng để diệt người Do-thái lại bị bại trận trước các dân tộc khác. Các hình ảnh biểu tượng nầy là một lịch sử khá lâu dài, có thể là 1260 năm.

Khi Satan thấy hắn thất bại vì dân Israel được bảo vệ một cách kỳ diệu, thì hắn quay sang tấn công Hội Thánh, là dòng dõi của Israel, tức là những người tin Đức Chúa Jesus do Hội Thánh đầu tiên từ Jerusalem truyền rao ra khắp thế giới: “Con rồng nổi giận với người phụ nữ và đi giao chiến với phần còn lại của dòng dõi nàng, là những người vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời và có lời chứng của Đức Chúa Jêsus” (17). Nếu người trong thế gian, các tôn giáo của loài người, và thậm chí những giáo hội tự xưng là Cơ-đốc-giáo, tấn công những con cái thật của Chúa, thì không có gì đáng ngạc nhiên. Sự bắt bớ, tấn công, vu khống, nói xấu, tìm cách hãm hại của những người và tổ chức đó đối với Hội Thánh, càng chứng tỏ rằng họ chỉ làm theo sự chỉ đạo của con rồng.

Ngày nay, việc tấn công, dèm pha, chế nhạo, hãm hại, quấy phá Hội Thánh và con cái thật của Chúa, và mức độ hiểm độc của bọn đầy tớ con rồng càng lúc càng gia tăng cường độ. Qua những biểu tượng khác mà chúng ta sẽ nghiên cứu tiếp theo, người đọc sách Khải Huyền sẽ nhận rõ thời đại chúng ta đang sống là thời nào. Đoạn nầy kết thúc bằng hình ảnh “Rồi con rồng đứng trên bãi cát của biển” (18); mặc dù một số bản dịch đã chuyển câu nầy sang đầu đoạn 13. Vì hình ảnh biển được nhắc lại, chúng ta xem lại một phần của câu (12) nói rằng: “Nhưng khốn thay cho đất và biển.” Đất là nơi người ta sinh sống, cũng là đối tượng mà ma quỷ cố sức lôi kéo và lừa gạt, nhưng biển thì như thế nào? Biển cả cũng chịu khổ vì cơn giận hoảng của ma quỷ. Những cơn bão biển dữ dội chưa từng thấy trước kia, bây giờ đang diễn ra càng ngày càng nhiều thêm.

Biển chẳng những tượng trưng cho nhân loại, mà dân sống ở vùng bờ biển thường phóng túng và thù nghịch với Hội Thánh của Chúa, chống trả Phúc Âm của Đức Chúa Trời. Chỉ cần quan sát các tiểu bang có bờ biển ở miền đông và tây nước Mỹ, người ta nhận ra lý do con rồng đứng ở đó.

TheoDoiTanThe46.docx

Rev. Dr. CTB