Theo Dõi Tận Thế, bài 64

Khải Huyền 21:3– 22:5

Thành Jerusalem Mới có 12 cửa mang tên 12 chi tộc Israel, và 12 nền mang tên 12 sứ đồ của Đức Chúa Jesus. Sứ đồ Phaolô cho biết: Con dân Chúa được xây dựng trên nền của các tiên tri và sứ đồ (Êphêsô 2:20). Như vậy, các tín hữu thật của Hội Thánh ngày nay, sẽ là Jerusalem mới trong trời mới đất mới, cũng là vợ mới của Chiên Con, xinh đẹp rực rỡ không chi sánh bằng. “Mười hai cửa làm bằng mười hai viên ngọc trai, mỗi cửa là một viên ngọc nguyên khối” (21:21). Những hột cát nhỏ lọt vào trong lớp vỏ con sò trai cọ sát vào thân làm nó đau xót. Để giảm sự cọ sát, thân con sò-trai tiết ra chất xà cừ bọc lấy hột cát, lâu dần thành ngọc trai. Nhưng hạt ngọc ấy lớn dần theo thời gian cứ làm xốn thân thể con trai, nên nó lại tiết ra nhiều xà cừ hơn thành hột ngọc lớn.

Mỗi hột ngọc nguyên khối đủ lớn để làm một cái cửa, thì phải thành hình qua sự đau đớn của con sò trai sống nhiều ngàn năm. Các viên ngọc trai làm cửa thành thánh là đức tin và nước mắt của hàng triệu thánh dân đã chịu thống khổ vì lòng tin và đức nhẫn nại trải qua biết bao thời đại. Ai xứng đáng được vào thiên đàng qua cổng bằng ngọc trai nguyên khối là những người đã vững đức tin qua bao khổ nạn. Lòng tin của họ quý báu như hạt học trai thành hình qua nhiều ngàn năm.

Lời phán: “Nầy, Ta làm mới lại hết thảy muôn vật,” là nền tảng mà chúng ta dựa vào để hiểu biết những sự khải thị cuối cùng. Khi nói về thành thánh Jerusalem-Mới xuống từ nơi Đức Chúa Trời, sửa soạn như tân nương trang điểm để ra mắt chồng mình, thì làm thế nào Jerusalem-Mới vừa là thành thánh vừa là nàng dâu của Đấng Christ? Khi người ta nói về một thành phố là đề cập cả hai phần của nó: Diện tích thành phố với các kiến trúc trong đó và cư dân của nó. Ví dụ khi nói về Los Angeles rộng lớn và đẹp là nói về lãnh thổ, nhà cửa, cảnh trí…, nhưng khi nói Los Angeles, một thành phố tội lỗi, là nói về cư dân của thành phố nầy. Vì thế Jerusalem-Mới vừa là thành thánh vừa là nàng dâu của Chiên Con; cho nên, có một điều mới nữa, ấy là:

4) Cư dân mới trong Jerusalem-Mới. Có tiếng từ ngai nói: “Kìa, đền thánh của Đức Chúa Trời ở với loài người! Ngài sẽ ở với họ họ sẽ làm dân Ngài; chính Đức Chúa Trời sẽ ở với họ.” (21:3) Mỗi lần nhắc đến tên Jerusalem trên thế giới, người ta nghĩ ngay đến xứ Do-thái và cư dân cũ của thành phố đó. Bây giờ cư dân của Jerusalem-Mới đông vô cùng, từ mọi dân tộc, mọi thứ tiếng, mọi màu da. Họ là con cái của Vua trên trời. Mối liên hệ giữa cư dân của Jerusalem-Mới với Vị Vua của trời đất mới là một sự tương giao mới. Mối tương giao đã bị đổ vỡ tại vườn Eden bây giờ được tái lập toàn hảo; chẳng còn Satan ở đó để phá khuấy. Đức Chúa Trời bây giờ ở giữa loài người sau khi trời đất cũ đã bị xoá bỏ.

Nhóm chữ “ở với loài người” hoặc “ở với họ” được nhắc lại ba lần, để nhấn mạnh về sự hiệp thông phước hạnh và vĩnh viễn giữa Chúa với người, vì: “Ta vui vẻ với thế giới có người ở của Ngài, và vui thích với dòng dõi loài người” (Châm Ngôn 8:31), là ý muốn của Đức Chúa Trời từ ngày Ngài dựng nên muôn vật. Bây giờ, việc ấy đã xảy ra, Chúa đã đem những người tin và tiếp nhận Ngài làm Chúa và Chủ của họ vào Jerusalem-Mới để trở thành cư dân mới của cõi đời đời. Kết quả của mối tương giao hiệp thông quý báu nầy là một thế giới không có nước mắt buồn rầu nữa, vì: “Ngài sẽ lau ráo nước mắt trên mắt họ. Sẽ không có sự chết, cũng không tang chế, than khóc hoặc đau đớn nữa, vì những sự thứ nhất đã qua rồi” (21:4).

Tiên tri Êsai ghi lại lời Đức Chúa Trời phán cho ông biết trước về tình trạng của trời mới, đất mới, Jerusalem-Mới, và cư dân mới như sau: “Ta sẽ tạo dựng trời mới đất mới; những việc trước kia sẽ không còn được nhớ đến. Không còn nhắc đến trong tâm trí nữa” (Êsai 65:17). Vấn đề không còn nhớ tới những việc của thế gian cũ rất quan trọng. Loài người về thiên đàng vẫn đem theo mọi cảm xúc của họ vốn có từ trước. Nếu Chúa không giúp chúng ta quên những việc cũ, thì làm sao ta yên tâm khi nhớ lại những người ruột thịt, bạn bè thân yêu đang quằn quại chịu khổ vĩnh viễn trong hoả ngục? Lòng trắc ẩn và thương nhớ đó sẽ không ngừng dằn vặt tâm linh chúng ta ở cõi đời đời. Vì thế Chúa sẽ lau ráo hết nước mắt đau khổ vì yêu thương, và mọi ký ức sẽ bị xoá hết.

5) Đền Thờ mới. Ở thành phố thánh sẽ không có đền thờ nữa: “Tôi không thấy đền thờ nào trong thành, vì ChúaĐức Chúa Trời Toàn Năng và Chiên Con là Đền Thờ của thành” (21:22). Mọi điều liên quan tới Đền Tạm và Đền Thờ thời Cựu Ước đều tiêu biểu cho Đức Chúa Trời và Chiên Con. Đền thờ mà tiên tri Êxêchiên được xem trong khải tượng Chúa ban cho ông thấy trước, là trung tâm thờ phượng của một thành phố trên thế gian (Êxêchiên 40:2) theo kiểu mẫu của đền thờ trên trời, có hình thức giống như đền tạm do chính Đức Chúa Trời chỉ dẫn cho Môise trên núi Sinai (Xuất Aicập 25:9). Hình ảnh trong khải tượng ông Giăng được thấy ở Khải Huyền 15:5–6, 8 là đền thánh trên trời, kiểu mẫu của đền tạm và đền thờ dưới đất.

Tác giả thư Hêbơrơ giải thích: “Sự phục vụ của họ là mô phỏng và là cái bóng của những thực thể trên trời; vì khi Môise sắp dựng đền tạm, thì được Đức Chúa Trời phán dặn: Hãy cẩn thận, làm mọi việc theo kiểu mẫu đã chỉ cho con trên núi” (Hêbơrơ 8:5). Đền thờ là biểu tượng về sự hiện diện của Đức Chúa Trời.  Đền thờ của Chúa ở giữa loài người là chính Ngài ở với loài người. Khi Giăng nói đến hoặc mô tả đền thờ mở ra ở trên trời, thì chữ ông dùng có nghĩa là “gian chí thánh,” nơi mà thầy tế lễ thượng phẩm chỉ được vào mỗi năm một lần. Bây giờ chính Đức Chúa Trời ở giữa loài người, thì người đến với Ngài không cần phải qua thầy tế lễ thượng phẩm hoặc người trung gian nào khác; đền thờ cũng không còn cần thiết, vì mọi cư dân trong Jerusalem-Mới đều có thể thấy Chúa, nhận biết Ngài và đến thẳng với Ngài.

6) Ánh Sáng mới. Ở địa cầu, ánh sáng mặt trời là vô cùng cần thiết cho sự sống, và là ánh sáng chính soi sáng trái đất. Bây giờ ở trời mới đất mới, những thiên thể của vũ trụ cũ đều biến mất hết, Đức Chúa Trời và Chiên Con đều là sự sáng của thành, ở đó chẳng có ban đêm. Thân thể xác thịt cần phải có bóng tối để ngủ nghỉ lấy lại sức lực; thân thể thần linh không có nhu cầu nầy. Những câu Kinh Thánh chỗ nầy nói về Đức Chúa Trời và Chiên Con như hai thân vị riêng biệt nhưng chỉ là một Chúa. Huyền nhiệm nầy chỉ có thể hoàn toàn được giải đáp khi chúng ta về thiên đàng; không ai trong nhân loại có thể hiểu hoặc giải thích nổi.

7) Thiên Đàng mới. Chúng ta được biết một số chi tiết rõ ràng về thiên đàng mới. Ở trái đất, mọi dòng sông đều đổ ra biển. Thiên đàng mới có một dòng sông nhưng không có biển. Sông từ vườn Eden được nói đến lúc dựng nên thế gian ở đầu Kinh Thánh (Sáng Thế 2:10). Sông lại được nói đến ở cuối Kinh Thánh (Khải Huyền 22:1). Sông nầy chảy ra từ ngai Đức Chúa Trời, dòng nước thiêng trong như pha lê, hoàn toàn tinh khiết. Kinh Thánh cũng mở đầu bằng cây sự sống và kết thúc bằng cây sự sống khác (22:2).  Trong thiên đàng mới thì không kẻ ô uế và nói dối nào được vào. Tuy nhiên, tại sao phải dùng lá cây sự sống để chữa lành cho các dân thì vẫn còn là một bí ẩn.

Lời hứa làm mới lại muôn vật đã được chép lại vì là lời trung tín và chân thật của Cha trên trời 21:6–8. Chúa xác nhận lại Ngài là nguyên nhân sự hiện hữu của cả vũ trụ và thiên cung. Hạnh phúc vô cùng cho người giữ vững đức tin, nghĩa là thắng trận, vì được ở trong trời đất mới. Chúa cũng nhắc lại những người phải ở hoả ngục gồm có: Hèn nhát, vô tín, đáng gớm ghét, giết người, dâm loạn, phù phép, thờ thần tượng, và nói dối. Mang danh nghĩa tín đồ chưa đủ có vé vào thiên đàng; hình thức và lễ nghi không phải là phương cách để đạt tới mục tiêu. Điều kiện chính để được vào thiên đàng là mối tương giao thân mật với Đức Chúa Trời, Đấng yêu thương chúng ta.

TheoDoiTanThe64.docx

Rev. Dr. CTB