Theo Dõi Tận Thế, bài 21
Khải Huyền 1:12–20
“Tôi quay lại để xem tiếng đã nói với tôi. Vừa quay lại, tôi thấy bảy chân đèn bằng vàng, giữa những chân đèn có ai giống như Con Người mặc áo dài, thắt đai bằng vàng ngang ngực. Đầu và tóc Ngài trắng như lông chiên, trắng như tuyết; mắt Ngài như ngọn lửa; chân như đồng đánh bóng đã được luyện trong lò; tiếng Ngài như tiếng nhiều dòng nước. Tay phải Ngài cầm bảy ngôi sao; từ miệng Ngài lộ ra một thanh gươm hai lưỡi thật sắc; mặt Ngài như mặt trời chiếu sáng cực độ. Khi thấy Ngài, tôi ngã quỵ xuống chân Ngài như chết vậy. Nhưng Ngài đặt tay phải của Ngài trên tôi và bảo: ‘Đừng sợ, Ta là Đấng Đầu Tiên và là Đấng Cuối Cùng, là Đấng Sống; Ta đã chết, hiện nay Ta sống đời đời, cầm chìa khóa của Sự chết và Âm phủ. Vậy, hãy ghi chép lại những gì con đã thấy, những gì hiện có và những gì sau nầy sẽ xảy đến. Đây là sự mầu nhiệm về bảy ngôi sao mà con thấy trong tay phải Ta, và bảy chân đèn bằng vàng: Bảy ngôi sao là các thiên sứ của bảy Hội Thánh, còn bảy chân đèn là bảy Hội Thánh.‘“
Nhiều người đọc sách Khải Huyền vẫn thường thắc mắc về vấn đề tại sao Đức Chúa Jesus chỉ gửi thư cho bảy Hội Thánh trong lúc thời ấy đang có nhiều Hội Thánh khác, nhất là hai Hội Thánh rất nổi danh là Jerusalem và Antioch. Vị trí địa dư của bảy Hội Thánh nhận thư tạo thành một vòng hình bầu dục; vòng tròn thường tượng trưng cho chu kỳ. Vậy, việc ấy rõ ràng có ý nghĩa đặc biệt mà Chúa muốn con cái Ngài phải hiểu khi đọc sách Khải Huyền. Có nhiều cách suy đoán: Trước hết, có bảy hội chúng ở bảy thành phố đó. Hai là, bảy Hội Thánh ấy tiêu biểu cho bảy loại hội chúng hay tín đồ từ lúc Hội-Thánh được khai sinh cho tới khi vai trò của Hội-Thánh chấm dứt.
Ví dụ có Hội thánh nóng cháy như Êphêsô, có giáo hội đầy lễ nghi nhưng chẳng khác ngoại giáo là bao, hay có Hội Thánh mang hình thức khô cứng chẳng chút sinh khí gì, hoặc có Hội Thánh hâm hẩm nhưng đã chết như Laodicea. Ba là, sách Khải Huyền nói tiên tri về những việc sẽ đến. Về vị trí các Hội Thánh nằm trên một vòng tròn thì có lẽ đó là ý Chúa không muốn một Hội Thánh ở địa phương nào có thẩm quyền bề trên đối với Hội Thánh ở địa phương khác.
Ngày nay, khi nhìn lại lịch sử của Hội Thánh, thì bảy tình trạng của bảy Hội Thánh được nói ở đây hoàn toàn ăn khớp với bảy giai đoạn của Hội Thánh chung được phân chia như sau: Êphêsô là tình trạng của Hội-thánh ở thế kỷ thứ nhất AD; Smyrna tiêu biểu cho Hội Thánh ở thế kỷ 2 và 3; Pergamum là giai đoạn từ năm AD 312 tới AD 590; Thiatira là thời ám thế (dark age) từ AD 591 tới 1517; Sardis tiêu biểu cho phong trào cải cách từ AD 1517 tới 1750; Philadelphia nói về tình trạng của Hội Thánh truyền giáo từ AD 1750 tới 1905; Laodicea là tình trạng của Hội thánh từ 1906 tới trước cơn đại nạn. Chúng ta sẽ thấy chi tiết các giai đoạn nầy trong hai đoạn 2 và 3.
Trở lại việc Giăng thấy bảy chân đèn bằng vàng gợi cho người đọc nhớ lại hình ảnh các chân đèn ở gian thánh của Đền Thờ. Bảy chân đèn thật ra là bảy nhánh mọc ra từ thân đèn; 3 nhánh mỗi bên đối xứng nhau và một nhánh ở đỉnh. Mỗi nhánh là một vòi dẫn dầu đỡ một chén đựng tim đèn. Cho nên bảy chân đèn đều dính vào cùng một thân, cung cấp ánh sáng cho gian thánh. Bảy chân đèn tiêu biểu cho điều mà Đức Chúa Trời muốn dân tộc Israel phải trở nên đối với thế giới. Đó là ánh sáng của Ngài cho thế gian. Bây giờ khi bảy chân đèn đó được áp dụng cho Hội Thánh, thì chứng tỏ ý Chúa muốn Hội Thánh thi hành nhiệm vụ của mình giữa thế gian như Đức Chúa Jesus đã phán “Các ngươi là sự sáng của thế gian” (Mathiơ 5:14).
Thật vậy, kể từ ngày có mặt Hội Thánh của Đức Chúa Jesus, thế giới đã được soi sáng và dần dần thoát khỏi tình trạng tăm tối dã man. Lịch sử cho thấy rằng khi Hội Thánh lãng quên hoặc lơ là nhiệm vụ nầy ở xã hội nào thì xã hội ấy lại rơi vào tội lỗi hắc ám và hỗn loạn. Thời ám thế, lịch sử Hội Thánh cận đại và bây giờ đều chứng minh chân lý ấy.
Các câu 13–16 “giữa những chân đèn có ai giống như Con Người mặc áo dài, thắt đai bằng vàng ngang ngực. Đầu và tóc Ngài trắng như lông chiên, trắng như tuyết; mắt Ngài như ngọn lửa; chân như đồng đánh bóng đã được luyện trong lò; tiếng Ngài như tiếng nhiều dòng nước. Tay phải Ngài cầm bảy ngôi sao; từ miệng Ngài lộ ra một thanh gươm hai lưỡi thật sắc; mặt Ngài như mặt trời chiếu sáng cực độ,” mô tả hình dạng Đức Chúa Jesus đang bước đi giữa các chân đèn. Đây là chỗ duy nhất trong Tân Ước mô tả rõ hình dạng của Ngài. Như câu 20 cho biết bảy chân đèn tức là bảy Hội Thánh, thì việc Đức Chúa Jesus đi giữa các chân đèn có nghĩa là Ngài luôn ở giữa Hội Thánh trong suốt lịch sử như lời Ngài hứa: “Nơi nào có hai ba người nhân danh Ta nhóm nhau lại, thì Ta ở giữa họ” (Mathiơ 18:20).
Áo dài là biểu tượng về chức tế lễ thượng phẩm và quan án. Đối với tín hữu thì Đức Chúa Jesus là thầy tế lễ thượng phẩm làm công việc cầu thay lên Đức Chúa Trời để dân sự được tha thứ và ban phước; nhưng đối với người không tin thì Ngài sẽ là quan án xét xử họ. Như vậy Ngài là nguồn phước vô tận của chúng ta, cũng là Đấng định tội cho người từ chối Ngài. Đai vàng ngang ngực là biểu tượng của Vua. Đức Chúa Jesus là Vua trên mọi vua. Tóc trắng tinh như tuyết nói về tri thức vô hạn và tư tưởng thanh khiết. Mắt như ngọn lửa nhìn thấu và dò xét thấy rõ nơi sâu kín nhất của tư tưởng. Chân như đồng sáng đã luyện trong lửa là biểu tượng về sự phán xét. Vào thời Cựu Ước, mọi khí dụng tại bàn thờ dâng của lễ thiêu đều được làm bằng đồng (sinh tế thiêu nơi bàn thờ là biểu tượng về hình phạt của luật pháp Đức Chúa Trời đối với tội lỗi). Tiếng như tiếng nước lớn (ầm ầm, ào ào như thác nước lớn) là tiếng nói sáng tạo của Đấng Tạo Hoá.
Giăng thấy Chúa cầm trong tay bảy ngôi sao là bảy ‘thiên sứ‘ của bảy Hội Thánh ấy (c.20). Chữ thiên sứ trong tiếng Hy-lạp được dịch là “sứ giả,” thường nói về mục sư. Như vậy ai được gọi vào chức vụ mục sư thì được ở gần Chúa biết bao. Trong thực tế, ít người nhận thức rõ hạnh phúc tột bậc đó, nên vẫn than thở và cảm thấy mình cô đơn. Đương nhiên là cũng có mục sư không được gọi vào chức vụ, mà do giáo hội phong chức, hoặc tự phong hoặc tự dấn thân. Đời sống, thánh vụ và quan điểm thần học của vị mục sư sẽ biểu lộ có phải ấy là người được Chúa kêu gọi hay không. Nếu biết rõ ấy là người được Chúa kêu gọi thì hãy hết sức cẩn thận về việc đối xử hoặc phê phán người đó; không có nghĩa là tín hữu không được góp ý phê bình xây dựng, nhưng phải nâng đỡ, góp ý xây dựng khi thấy mục sư có sự sai lầm (vì tấn công người được xức dầu thì nguy hiểm).
Sách Khải Huyền là nguồn tài liệu quan trọng để nghiên cứu về các thiên sứ và thánh vụ của họ. Cựu Ước đề cập nhiều về các thiên sứ, nhưng ngày nay một số giáo hội không tin các thiên sứ hiện hữu; hoặc nếu có thì cho rằng họ đang phục vụ Đức Chúa Trời ở thiên đàng, không can thiệp chi vào đời sống con cái Chúa ở thế gian. Hai chữ thiên sứ và mục sư khác hẳn nhau. Tính chất chung của hai chữ nầy là làm sứ giả. Sách Khải Huyền đề cập tới các thiên sứ 55 lần; vì vậy, ấy là các chi tiết để người đọc suy gẫm về những thiên sứ của Đức Chúa Trời.
Hình dạng và diện mạo của Đức Chúa Jesus mà Giăng thấy ở đây sẽ là hình ảnh thật của Ngài khi Ngài đến tiếp rước chúng ta. Mặt Ngài sáng như mặt trời khi soi sáng hết sức có nghĩa là sức sống dư dật tuôn tràn và vinh quang chói lọi đem sự sống đến và xua đuổi hết bóng tối tăm. Một thanh gươm hai lưỡi sắc bén ở miệng Ngài là biểu tượng của Lời Đức Chúa Trời “là lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến đỗi chia hồn, linh, cốt, tuỷ, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng” (Hêbơrơ 4:12). Ai chịu tiếp nhận lời sống và linh nghiệm ấy thì được ích lợi, vì lời Chúa đem đến sự cứu rỗi, chữa lành tâm linh và tiêu trừ bệnh tật.
Ở câu 17, “Khi thấy Ngài, tôi ngã quỵ xuống chân Ngài như chết vậy. Nhưng Ngài đặt tay phải của Ngài trên tôi và bảo:” Giăng nói là vừa thấy Ngài thì ông ngã xuống dưới chân Ngài và trong người không còn sức lực nữa, như người chết vậy. Đức Chúa Jesus cúi xuống trấn an Giăng rằng: “Đừng sợ, Ta là Đấng Đầu Tiên và là Đấng Cuối Cùng, 18 là Đấng Sống; Ta đã chết, hiện nay Ta sống đời đời, cầm chìa khoá của sự chết và âm phủ.” Hãy để ý rằng Chúa không phán với Giăng bằng giọng êm dịu nhỏ nhẹ, nhưng tiếng Ngài ầm ầm như tiếng của nhiều dòng thác lớn đang chảy.
Hai câu 19 và 20 “Vậy, hãy ghi chép lại những gì con đã thấy, những gì hiện có và những gì sau nầy sẽ xảy đến. Đây là sự mầu nhiệm về bảy ngôi sao mà con thấy trong tay phải Ta, và bảy chân đèn bằng vàng: Bảy ngôi sao là các thiên sứ của bảy Hội Thánh, còn bảy chân đèn là bảy Hội Thánh,” là bí quyết mà Đức Chúa Jesus giải nghĩa cho Giăng biết cách hiểu sách Khải–Huyền. Đọc hai câu ấy, người đọc sẽ hiểu đây là chìa khoá để biết bố cục của sách tiên tri nầy. Chúa bảo Giăng hãy viết về ba thời kỳ: những gì đã thấy tương ứng với đoạn 1; nay hiện có nói về các sứ điệp gửi cho bảy Hội Thánh ở đoạn 2 và 3, và sau sẽ đến tức là từ đoạn 4 cho đến hết sách. Chúa cũng cho biết ý nghĩa mầu nhiệm của bảy ngôi sao và bảy chân đèn vàng tức là bảy loại Hội Thánh, bảy hạng mục sư, và đặc điểm của bảy giai đoạn lịch sử Hội Thánh từ lúc ấy cho đến ngày được cất lên thiên cung gặp lại Ngài.
Muốn hiểu sách Khải Huyền, người đọc phải dựa trên lời giải nghĩa của Đức Chúa Jesus về ý nghĩa mầu nhiệm của bảy chân đèn vàng và bảy ngôi sao, cùng sự phân chia ba thời kỳ: đã thấy, những gì hiện có, và sau nầy sẽ xảy đến, là bố cục của sách. Nhờ đó nắm vững các diễn tiến của lời tiên tri theo từng giai đoạn lịch sử. Sau nầy sẽ xảy đến trong tiếng Hylạp ở đây là meta tauta, nghĩa là sau những việc nầy. Từ đoạn 4 tới hết 22, Giăng được thấy những sự kiện về tương lai, những điều diễn ra sau khi Hội Thánh đã hoàn thành sứ mạng trên đất và được đem đi. Học sách Khải Huyền giúp con dân Chúa sự bình an vững chắc trong lòng, sự khôn ngoan và ơn phước từ trời được hứa ban cho những ai đọc, nghe, và giữ theo sách nầy.
TheoDoiTanThe21.docx
Rev. Dr. CTB