Đời Sống trong Thánh Linh, bài 04

Galati 5:16–18

Vậy tôi nói, hãy bước đi theo Thánh Linh, đừng thỏa mãn những dục vọng xác thịt. Vì xác thịt có những dục vọng trái ngược với Thánh Linh, và Thánh Linh có những ước muốn trái ngược với xác thịt; hai bên đối nghịch nhau như vậy, nên anh em không làm được điều mình muốn. Nhưng nếu anh em được Thánh Linh dắt dẫn thì chẳng ở dưới luật pháp đâu.

Sứ đồ Phaolô được Đức Thánh Linh dạy dỗ và truyền lại cho chúng ta rất nhiều nguyên tắc quý báu về cách sống đạo như thế nào. Điều trước tiên là ông thông báo rằng người tin Đức Chúa Jesus đã được giải thoát thành người tự do, không còn bị nô lệ luật pháp Do-thái-giáo nữa

(Galati 5:1–2) “Đấng Christ đã giải thoát cho chúng ta được tự do. Vậy hãy đứng vững, đừng đặt mình dưới ách nô lệ một lần nữa. Tôi, Phao-lô, nói với anh em rằng nếu anh em phải chịu cắt bì thì Đấng Christ không ích gì cho anh em cả.

Sự khẳng định nầy khiến nhiều tín hữu Do-thái bối rối; bởi vì phép cắt bì cho dòng dõi của ông Abraham là giao ước vĩnh viễn (Sáng Thế 17:13–14) “Cả người được sinh ra trong nhà lẫn người được mua về bằng tiền đều buộc phải cắt bì. Như thế, giao ước của Ta trên thân thể các con là giao ước đời đời. Người nam nào không chịu cắt bì, tức là không cắt da quy đầu, thì sẽ bị trục xuất khỏi dân chúng, vì người đó đã phá vỡ giao ước của Ta.” Cho nên, các tân tín hữu gốc Do-thái-giáo tin rằng tín hữu gốc dân ngoại phải nhận phép cắt bì thì mới được cứu rỗi, trong khi đó Phaolô và Banabas kịch liệt chống lại lý thuyết ấy.

(Công vụ 15:1–2) “Có mấy người từ Judea đến và dạy các anh em rằng: ‘Nếu anh em không chịu cắt bì theo luật Môise thì không thể được cứu.’ Bấy giờ, có sự bất đồng ý kiến và cuộc tranh luận dữ dội xảy ra giữa Phaolô và Banabas với mấy người ấy. Vì thế, Phao-lô và Banabas cùng với vài người trong họ được chỉ định đi lên Jerusalem, đến với các sứ đồ và trưởng lão để hỏi về việc nầy.

Việc đó đưa tới hội đồng đầu tiên để thảo luận vấn đề. Ở đó, Đức Thánh Linh dạy: Tín hữu không bị buộc phải cắt bì (Công vụ 15:28-29) “Vì Đức Thánh Linh và chúng tôi đã đồng ý rằng chẳng nên chất thêm gánh nặng cho anh em, ngoại trừ những điều cần yếu nầy: Phải kiêng của cúng thần tượng, huyết, thú vật chết ngộp, và chớ gian dâm. Anh em giữ mọi điều ấy là tốt. Kính chào tạm biệt!

Cho nên, sứ đồ Phaolô nói rằng: “Đấng Christ đã giải thoát cho chúng ta được tự do” khỏi sự trói buộc của luật Môise (5:1a). Nhưng không phải ai cũng hiểu và áp dụng đúng nghĩa. Vì vậy ông phải dặn: “Thưa anh em, anh em đã được gọi để hưởng tự do; chỉ có điều là đừng dùng tự do ấy như một cơ hội để sống cho xác thịt” (Galati 5:13). Rồi ông lại dặn thêm: “Vậy tôi nói, hãy bước đi theo Thánh Linh, đừng thỏa mãn những dục vọng của xác thịt” (5:16). Câu hỏi đặt ra là sự hưởng tự do có nghĩa gì? Và dùng tự do như một cơ hội để sống cho xác thịt là như thế nào? Khi đọc các lời phân giải của sứ đồ Phierơ về việc người tin được cứu và được ban Đức Thánh Linh bởi đức tin chứ không phải do tuân giữ các luật lệ tôn giáo

(Công vụ 15:8-11) “Đức Chúa Trời là Đấng biết lòng mọi người, đã chứng tỏ Ngài chấp nhận họ khi ban Đức Thánh Linh cho họ cũng như cho chúng ta. Ngài chẳng phân biệt chúng ta với dân ngoại đâu, nhưng Ngài tẩy sạch lòng họ bởi đức tin. Vậy bây giờ, tại sao anh em dám thử Đức Chúa Trời, gán cho các môn đồ cái ách mà tổ phụ chúng ta hoặc chính chúng ta cũng không thể mang nổi? Trái lại, chúng ta tin rằng nhờ ân điển Chúa là Đức Chúa Jêsus, chúng ta được cứu cùng một cách như họ vậy,” thì chúng ta hiểu việc được gọi để hưởng tự do là đời sống theo Chúa được giải thoát khỏi sự ràng buộc khắt khe của luật Môise.

Còn việc đừng dùng tự do ấy như một cơ hội để sống cho xác thịt thì có nghĩa là viện cớ mình không còn phải giữ luật Môise để làm những việc ô uế, trái đạo đức; tức là mượn từ ngữ để biện minh cho các hành vi làm thỏa mãn các sự ham muốn của xác thịt. Vậy chúng ta hãy hiểu rõ nghĩa của từ ngữ “bước đi” là tượng trưng cho cách sống thực tế trong đời sống mỗi ngày của chúng ta. Đời tín đồ của Chúa giống như một cuộc hành trình, mà trên hành trình đó chúng ta phải trưởng thành đều đặn. Quy tắc của Kinh Thánh cho mọi tín hữu là phải đồng hành với Đức Thánh Linh (5:25) “Nếu chúng ta nhờ Thánh Linh mà sống thì hãy bước theo Thánh Linh.” Vì mọi con cái Chúa đều phải được Ngài dẫn dắt (Rôma 8:14) “Vì tất cả những ai được Thánh Linh của Đức Chúa Trời dẫn dắt đều là con của Đức Chúa Trời.” Bởi vì Đức Thánh Linh ban cho chúng ta sự sống mới qua sự sinh lại, nên chúng ta phải tiếp tục sống theo sự dẫn dắt của Ngài.

Bước đi theo Thánh Linh nghĩa là làm theo sự điều khiển của Ngài, dành cho Ngài quyền tác động hoặc tạo ảnh hưởng, dẫn chúng ta đi theo hướng Ngài muốn chúng ta tới. Ai theo sự chỉ dẫn của Ngài thì đời sống sẽ sinh ra các hoa trái của Đức Thánh Linh. Ai không chịu theo thì sẽ đầy các tính xấu do xác thịt sinh ra.

(Galati 5:19–21) “Công việc của xác thịt thật rõ ràng, đó là: Gian dâm, ô uế, buông tuồng, thờ hình tượng, phù phép, thù oán, gây gổ, ghen ghét, giận dữ, ích kỷ, bất bình, phe đảng, ganh tị, say sưa, chè chén, và những việc tương tự khác.

Theo lời dạy bảo của sứ đồ Phaolô, mà chúng ta biết là do Đức Thánh Linh chỉ dẫn, thì ai muốn có thể sống một đời đẹp ý Đức Thánh Linh, tức là bước đi theo Ngài, thì người đó phải tránh sự thúc giục của xác thịt đòi thỏa mãn các sự ham muốn sai trật của nó (5:16) “Vậy tôi nói, hãy bước đi theo Thánh Linh, đừng thỏa mãn những dục vọng của xác thịt.” Những ai đã từng trải qua kinh nghiệm sống từ thời tuổi trẻ đến khi tuổi đã lớn đều biết rằng sức thúc giục của các sự ham muốn từ xác thịt là rất mạnh và rất khó cưỡng lại.

Vậy, chúng ta phải làm thế nào để thành công trong sự chống trả những sự thúc giục của xác thịt? Tại sao sứ đồ Phaolô nói về các hoa trái của Thánh Linh ở chỗ nầy? Chúng ta hãy cùng nhau xem xét vấn đề, mặc dù trước đây Hội Thánh đã có lần học sơ lược qua 9 trái của Đức Thánh Linh. Nhưng trước khi nói tới vấn đề nầy, hãy hiểu các điều kiện đòi hỏi nào để có thể bước đi với Đức Thánh Linh. Điều kiện đòi hỏi đầu tiên là phải hợp nhất với Đức Thánh Linh thì mới thật được làm tín đồ của Đức Chúa Jesus (Rôma 8:9) “Nhưng nếu Thánh Linh của Đức Chúa Trời thật sự ở trong anh em thì anh em không sống theo xác thịt, mà sống theo Thánh Linh; còn ai không có Thánh Linh của Đấng Christ thì người ấy chẳng thuộc về Ngài.” Điều đó có nghĩa gì? Chúng ta phải biết nương cậy Ngài trong từng việc lớn nhỏ của đời sống, tức là xin Ngài hướng dẫn trong ý nghĩ, lời nói và hành động; nhờ đó, chúng ta mới không đi sai ý muốn của Đức Chúa Trời.

Nhưng việc chống trả với bản tính xác thịt thì hoàn toàn không đơn giản, bởi vì tâm tánh chúng ta vốn yếu đuối; cho nên, ai hợp nhất với Đức Thánh Linh, thì Ngài sẽ sản sinh trong người đó các hoa trái cần thiết để giúp chúng ta chiến thắng sự yếu đuối. Ai bước đi theo Đức Thánh Linh thì sẽ sống và đối xử với mọi người theo đức nhân ái. Người nào biết ơn và yêu thương Đức Chúa Trời thì mới có thể sống trong tình yêu thương đối với người khác. Không yêu mến Chúa là Đấng mình không thấy thì không thể yêu thương những người mình thấy (1Giăng 4:20) “Nếu có ai nói: Tôi yêu thương Đức Chúa Trời mà lại ghét anh em mình thì người ấy là kẻ nói dối. Vì người nào không yêu thương anh em mình thấy thì không thể yêu thương Đức Chúa Trời mà mình không thấy được.” Trái yêu thương sẽ bộc lộ qua cách chúng ta hành xử với người chung quanh. Đây là đức tính không ai có thể giả vờ được; bởi vì sự yêu thương bằng đầu môi chót lưỡi sẽ bị bộc lộ qua hành động (1Giăng 3:18) “Hỡi các con bé nhỏ, chớ yêu thương bằng lời nói và miệng lưỡi, mà phải yêu bằng việc làm và sự chân thật.

Sự vui mừng chân thật cũng là một thứ trái không thể giả mạo. Người bước đi theo Đức Thánh Linh có sự vui mừng thật vì đã tin Chúa, biết chắc những gì Ngài đã làm để giải thoát mình ra khỏi tội lỗi, những gì Ngài đang làm để mình có thể sống đời thanh sạch, và những gì Ngài sẽ thực hiện để mình sống một đời mỗi ngày càng được thánh hóa nhiều thêm. Hơn nữa, chúng ta vui vì biết rõ phần thưởng mình sẽ được là vô cùng lớn; sự vui vẻ về Chúa cũng là sức mạnh của con dân Ngài (Nêhêmi 8:10b) “Đừng buồn thảm vì sự vui vẻ về Đức Giêhôva là sức mạnh của anh em.” Chưa kể tới các trái khác, ba thứ trái yêu thương, vui mừng và bình an là ba loại vũ khí chống tội lỗi rất hiệu nghiệm. Vì tình yêu thương không muốn làm hại người khác (Rôma 13:10) “Tình yêu thương không làm hại người lân cận; vì vậy, yêu thương là làm trọn luật pháp;” cũng không ai muốn phạm tội vì sẽ mất niềm vui. Còn bình an thì bảo đảm ta được ở trong Chúa.

Người có tính nhẫn nại là người biết nhẫn nhịn, không nhạy giận; mà không dễ bị chọc giận thì cũng khó phạm tội hoặc có ý nghĩ, toan tính hay hành vi làm Đức Thánh Linh buồn lòng. Nhẫn nhịn như vậy là vũ khí hiệu quả chống lại sự cám dỗ; cũng giống như các trái nhân từ, hiền lành, trung tín, khiêm nhu, và tiết độ đều giúp chúng ta bước đi cách thuận hòa với Đức Thánh Linh. Vì ma quỷ rất khó chọc hay dẫn dụ người nhân từ và hiền lành phạm tội. Hai thứ trái nầy giúp cho tín đồ của Chúa bước đi với Đức Thánh Linh cách vững vàng. Họ sẽ không muốn làm hại ai hết; hơn nữa, họ càng không muốn thấy các toan tính hay hành vị của mình làm cho Chúa buồn lòng. Người nhân từ và hiền lành mau trưởng thành trong sự hiểu biết Chúa và cũng biết hướng dẫn người khác.

Các loại trái trung tín, khiêm nhu, và tiết độ vừa là vũ khí, vừa là lớp giáp bảo vệ cho các chiến binh thập tự. Tại sao các trái nầy có hiệu quả như vậy? Bất cứ ai đã quyết định xem như mình chết đối với tội lỗi và đang sống cho Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jesus Christ, thì họ sẽ không cho tội lỗi cai trị trên họ. Họ sẽ không chiều theo dục vọng của thể xác. Họ cũng sẽ không hiến thể xác mình làm công cụ gian ác cho tội lỗi; bởi vì tội lỗi không còn chút quyền cai trị nào trên họ nữa (Rôma 6:11–14) “Vậy, anh em cũng phải kể mình đã chết đối với tội lỗi và đang sống cho Đức Chúa Trời trong Đấng Christ Jêsus. Vậy, đừng để tội lỗi cai trị trong thân thể hay chết của anh em, khiến anh em phải chiều theo dục vọng của nó. Đừng hiến chi thể mình làm công cụ gian ác cho tội lỗi, nhưng hãy hiến chính mình cho Đức Chúa Trời như những con người từ cõi chết sống lại, và dâng chi thể mình làm công cụ công chính cho Đức Chúa Trời. Vì tội lỗi sẽ không còn cai trị anh em đâu, bởi anh em không ở dưới luật pháp mà ở dưới ân điển.

Vậy, bí quyết hoặc phương pháp để vững bước đi theo Thánh Linh và tiến mạnh mẽ trên con đường thánh hóa, là vâng lời Chúa để Ngài sinh ra trong tâm linh chúng ta những trái quý báu của Đức Thánh Linh. Bởi vì hoa trái trong lòng là kết quả của tâm hồn biết vâng lời Chúa.

Nói cách khác, bước đi theo Thánh Linh là được Ngài đầy dẫy trong lòng; (Êphêsô 5:18–20) dạy chúng ta cách để được đầy dẫy Đức Thánh Linh “Đừng say rượu, vì rượu dẫn đến buông tuồng, nhưng phải đầy dẫy Thánh Linh. Hãy dùng thi thiên, thánh ca, và những linh khúc mà đối đáp với nhau; hãy hết lòng ca hát, chúc tụng Chúa. Trong mọi việc, hãy luôn nhân danh Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ mà dâng lời cảm tạ Đức Chúa Trời, là Cha.” Một cách nữa được dạy trong (Côlôse 3:16) “Cũng hãy để lời của Đấng Christ sống sung mãn trong lòng anh em; hãy dùng tất cả sự khôn ngoan để dạy và khuyên bảo nhau, dùng thi thiên, thánh ca, linh khúc để hát cho Đức Chúa Trời với lòng biết ơn.

Đây là những bí quyết vô cùng quý báu cho mọi người nào muốn thành công trên bước đường theo Chúa. Đối với những người tin đạo mà không muốn được theo Chúa cách thành công và vững mạnh, thì theo đạo để làm gì? Vì vậy, hãy học các bí quyết đã được chỉ dẫn rõ ràng trong Kinh Thánh để chúng ta có thể bước đi theo Đức Thánh Linh cách vững vàng.

DoiSongtrongThanhLinh04.docx

Rev. Dr. CTB