Tâm Linh Trưởng Thành, 23

2Cô-rinh-tô 7:1

Tâm linh của một người được tái sinh ngay lúc người đó tiếp nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời qua Đức Chúa Jesus Christ. Nhưng tâm trí, tư tưởng, tức là nếp suy nghĩ, lập trường, thành kiến, và mọi thói quen của tính tình, thì phải được biến đổi theo sự đổi mới tâm linh vừa nhận được.

Sự biến đổi nầy là một tiến trình lâu dài, khó khăn và kiên nhẫn mới đạt tới. Tất cả những ai muốn nhận được ‘rhema’ từ Chúa đều phải qua tiến trình ấy. Bởi vì, dù sự đổi mới trong tâm linh người tin Chúa sẽ diễn ra tức khắc, nhưng tâm tánh trong cảm xúc, lý trí và ý chí, thuộc phần hồn, thì chưa biến đổi kịp với tâm linh mới.

Quyền tự do lựa chọn của tín hữu chịu đầu phục hay bất phục tùng ý muốn của Đức Chúa Trời, nằm ở chỗ nầy. Thuyết ‘được cứu rỗi do tiền định’ là rất sai lầm vì khiến người ta không chịu tu tỉnh tánh tình vốn bị nhiễm độc từ văn hoá, tập quán, phong tục, thói quen, với môi trường xã hội tội lỗi quanh họ. Những người tin thuyết nầy sẽ không thể đối mới tâm tánh nổi.

Có nhiều tín hữu tuy đã tiếp nhận Chúa, tâm linh được tái sinh, mà tâm tính con người cũ vẫn còn nguyên chỉ vì chưa hiểu lẽ đạo cực kỳ quan trọng nầy. Những người như vậy không thể nhận được ‘rhema,’ là các ý tưởng của Đức Chúa Trời ban cho người tin. Lý do họ không thể nhận được là vì không hòa nhập tư tưởng của mình phù hợp với các tư tưởng của Đức Chúa Trời.

Vì thế, Đức Thánh Linh, Đấng đóng ấn trong tâm linh họ khi họ tiếp nhận ơn cứu độ (Êphêsô 1:13), không thể tự do vận hành trong nếp suy nghĩ của họ, bởi vì họ không chịu phục tùng, mà Ngài thì không ép buộc ai.

Chúng ta tiếp xúc với Đức Chúa Trời qua tâm linh; nhưng tâm linh chỉ hoạt động hữu hiệu trong một trí não có khả năng suy nghĩ. Nghĩa là ‘rhema’ từ Chúa khiến trí não nhận biết để truyền đến tâm linh chúng ta. Cho nên, sự ‘nghe’ ‘rhema’ thật ra là cảm nhận lời ấy trong trí, rồi trí khôn bắt đầu suy nghĩ, phân tích, nhận diện để biết chắc lời ấy từ Chúa đến cho mình.

Rhema đó mới tạo đức tin của Đức Chúa Trời trong tâm linh ta, đức tin ấy điều khiển tâm trí đang được đổi mới, để tâm trí đó sẵn sàng vâng theo những gì mình nhận được từ ‘rhema’ ấy. Rất hiếm có người nào nghe ‘rhema’ qua thính giác. Bởi vì cách Đức Chúa Trời truyền ý tưởng hay lời của Ngài đến cho loài người thường là qua sự cảm nhận trong tâm trí của người nhận.

Vì thế cho nên, nếu tâm trí tín hữu chưa đổi mới (Rôma 12:2), tức là phần hồn chưa theo kịp phần linh, thì Đức Chúa Trời không truyền ý tưởng từ Ngài đến người đó. Ai muốn bước đi gần gũi với Chúa thì phải đổi mới nếp sống tư tưởng, là cách suy nghĩ của mình. Nếu Chúa không vào tâm trí người ấy để trò chuyện, là vì Ngài không ngự trong một tư tưởng bị ô nhiễm thói nết xấu xa của tâm tính xác thịt. Đây là nguyên nhân chính khiến vô số người chưa nhận ra tiếng Đức Thánh Linh.

Chúng ta phải đổi mới tâm trí mình để đức tin có môi trường mà phát triển. Đức tin đến khi tư tưởng chịu phối hợp cộng tác. Trước tiên lời Chúa đến cho chúng ta nghe qua trí não suy nghĩ của mình. Qua sự suy nghĩ đó, ý tưởng của Chúa truyền đến tâm linh và tạo thành đức tin cần thiết. Vì thế: “Đức tin đến bởi những điều người ta nghe” (Rôma 10:17).

Đổi mới tư tưởng, quan niệm, thói quen, và tập quán là phần quan trọng nhất của tiến trình thánh hoá. Lập trường của tín hữu về tội lỗi phải thay đổi hoàn toàn. Vì Đức Chúa Trời chỉ ban sự công nghĩa khi chúng ta bằng lòng để Ngài cất bỏ mọi điều bị Ngài xem là ô uế, dù mình ưa thích.

Phải từ bỏ hết mọi điều gian dối bên trong, giả trá bề ngoài, cùng các ảo tưởng mình vẫn theo đuổi. Nếu ai bắt đầu chịu từ bỏ vài điều không đẹp ý Chúa, thì Ngài sẽ chỉ dẫn những điều phải từ bỏ kế tiếp; dù đó là nhiều thứ mình vẫn quý chuộng. Khi ta đã thấy rõ con người thật của ta, thì phương diện gây tởm lợm nhất không phải là các tội lỗi xác thịt, mà là bản chất kiêu căng chống nghịch Đức Chúa Jesus trong bản ngã của chúng ta.

Sứ đồ Phao-lô khuyên: “Chúng ta hãy thanh tẩy chính mình khỏi mọi vết nhơ của thể xác và tâm linh, cũng hãy làm cho sự thánh hoá được trọn vẹn trong niềm kính sợ Đức Chúa Trời” (2Cô-rinh-tô 7:1). Sở dĩ mọi người nào muốn được thánh hoá phải thanh tẩy thể xác và tâm linh như lời khuyên trên, là vì cách Đức Chúa Trời nhìn sự việc thì khác hẳn cách chúng ta quan niệm.

Chúa ban lời hứa và muốn hoàn thành các lời hứa ấy. Nhưng bất cứ ai muốn nhận lời hứa đều phải đáp ứng các điều kiện mà những lời hứa của Ngài đòi hỏi. Mọi hành động của con người đều do tư tưởng của mình thúc đẩy: Nghĩ sao, làm vậy! Cho nên, tiến trình đổi mới đời sống của chúng ta phải bắt đầu từ sự thay đổi lập trường, quan điểm sống của mình trước đã.

Không phải Đức Chúa Trời cứu rỗi rồi bỏ mặc tín hữu tự lo liệu cách thức nào để được thánh hoá. Vì thánh hoá là tiến trình Ngài làm cho Đấng Christ thành hình trong lòng chúng ta (Ga-la-ti 4:19).

Trong tiến trình nầy, Đức Thánh Linh cáo trách tội lỗi, chỉ dẫn, dạy bảo chúng ta những điều phải thực hiện để biến hoá đời sống thiên nhiên sang đời sống thuộc linh; từ thói quen của một người mang tâm tánh xác thịt luôn luôn hành động theo ý muốn của bản ngã, sang một người có chí hướng hoàn toàn khác con người cũ.

Vì thánh hoá là tách rời ta khỏi tội lỗi để chúng ta được thánh thiện trong cách nhìn của Chúa. Cho nên, con cái Chúa không thể tiếp tục chiều chuộng các thói quen tội lỗi mình vốn có.

Chúa phải thánh hoá chúng ta để thân thể của mỗi người đều trở nên đền thờ của Đức Thánh Linh (1Côrinhtô 6:19). Có nghĩa lúc nầy Chúa là Chủ của ta. Vì là Chủ nên Chúa không chỉ dạy dỗ chúng ta những việc lớn lao, quan trọng, Ngài còn chỉ dẫn từng chi tiết nhỏ của đời sống.

Điều đó sẽ khiến những thiếu sót và tội lỗi lớn hay nhỏ của ta đều bị bộc lộ; để chúng ta biết mình ô uế và bằng lòng cho Ngài tẩy rửa. Chúng ta phải cộng tác với Chúa trong việc tẩy rửa tội lỗi.

Hồn và linh của chúng ta phải bị tẩy rửa cho tới khi cả hai phần đó hoà hợp với bản thể của Đức Chúa Trời. Mục đích là khiến tâm trí và tâm linh chúng ta hoàn toàn đồng ý với sự sống của Con Đức Chúa Trời ở trong ta. Mỗi tín hữu phải lập quyết định có muốn sự sống của Đấng Christ thành hình trong lòng mình hay không, rồi thực hiện quyết định đó. Sự sống của Đấng Christ là gì?

Sự sống ấy chính là tâm tình vô cùng khiêm nhường của Đức Chúa Jesus (Philíp 2:5). Đấng Christ không đòi quyền lợi cho mình, nhưng luôn luôn duy trì một thái độ hoàn toàn vâng phục ý muốn của Đức Chúa Cha (Luca 22:42). Vì thế, bí quyết nhận rhema tạo đức tin mạnh mẽ là quyết tâm nhờ Đức Thánh Linh tẩy rửa, thánh hoá cả hồn và linh, để tâm trí Đấng Christ thành hình trong lòng.

Bước kế tiếp là giữ tâm linh mình luôn luôn thuận theo sự chỉ dẫn của Đức Thánh Linh. Chúng ta phải thuận phục Ngài vì Ngài biết mọi điều. Ngài ngăn trở khi chúng ta định làm chuyện có hại, rồi hướng dẫn chúng ta tiến lên trình độ thánh thiện cao hơn. Cho nên, nhiệm vụ “làm cho sự thánh hoá được trọn vẹn trong niềm kính sợ Đức Chúa Trời” nghĩa là theo đuổi đời thánh hoá trong sự vâng lời chỉ dẫn của Đức Thánh Linh, để người đời nhận ra Đức Chúa Jesus trong chúng ta.

Mỗi người hãy hiểu rằng việc có được nghe rhema từ Đức Thánh Linh hay không thì tuỳ theo đời sống có chịu bước trên tiến trình thánh hoá hay không. Hãy bỏ mong ước nhận rhema để biết tương lai của mình. Vì đó là tham vọng của xác thịt trong tâm trí chưa được tẩy rửa. Hãy theo đuổi sự đổi mới tâm hồn để theo kịp tâm linh đã được tái sinh. Hãy thường xuyên ôn luyện bài học thánh hoá trong niềm kính sợ Đức Chúa Trời. Đó là chìa khoá nhận rhema cho đức tin thành công vậy.

TamLinhTruongThanh23.docx

Rev. Dr. CTB