Tín Đồ Của Chúa, bài 34
Êphêsô 5:8–15
Khi chưa thật sự biết Chúa, tất cả chúng ta đều đã từng ở trong bóng tối, thích bóng tối, thoả hiệp với bóng tối, tức là hoà mình vào các việc thuộc thế giới tối tăm, hoàn toàn xa lạ với ánh sáng và mọi điều thuộc về sự sáng.
Vậy, tính chất và hành vi nào của con người tiêu biểu cho bóng tối? Ý tưởng hư không, tâm trí tối tăm, lòng mê muội chai lì, mất ý thức công chính, buông mình trong truỵ lạc, tham muốn mọi thứ ô uế (Êphêsô 4:17–19); gian dâm, bất khiết, tham lam, ăn nói tục tĩu, nhảm nhí, thô bỉ, giả dối, dễ căm giận, ham muốn những điều hão huyền, gian lận, không cư xử ngay thẳng, cay đắng, phẫn nộ, la lối, lăng mạ, vu khống, cùng mọi điều hiểm độc, vv.
Những điều vừa liệt kê đều thuộc về các tính chất của người ở trong bóng tối. Không phải ai cũng phạm tất cả những điều xấu đó, nhưng mọi người đều có ít nhất vài điều như vậy trong tâm tính của mình.
Sở dĩ người chưa có Chúa bị ở trong bóng tối vì ô nhiễm ảnh hưởng của sự tối tăm trọn linh hồn bên trong con người. “Nhưng bây giờ trong Chúa, anh em là ánh sáng” (5:8).
Nếu sự tối tăm làm cho tâm linh mù quáng và dốt nát về các điều công nghĩa, thì tâm linh được soi sáng bởi Lời thiêng liêng của Chúa và sự khôn ngoan của Đức Thánh Linh sẽ được dẫn đến ánh sáng về sự hiểu biết Đức Chúa Trời và Đấng Christ.
Khi biết các điều thiêng liêng, thanh sạch của thiên đàng rồi, thì ý tưởng được biến đổi, người tin không thể nào tiếp tục hành xử theo thói quen cũ nữa.
Chúng ta cần hiểu rõ rằng ánh sáng mình có hiện nay là vì được ở trong Chúa. Đấng Christ đã ban cho chúng ta sự thánh khiết, thanh sạch, đức tin, và sự hiểu biết các vấn đề tâm linh.
Đức Chúa Jesus tuyên bố: “Ta là ánh sáng của thế gian, người nào theo Ta sẽ chẳng đi trong bóng tối” (Giăng 8:12). Vậy nên, ánh sáng được ban cho người nào ở trong Đức Chúa Jesus và hết lòng theo Ngài.
Nếu tối tăm là sự mù quáng về tính chất thanh sạch hay thánh khiết trong mọi vấn đề của đời sống, thì ánh sáng là con mắt của sự hiểu biết được khai sáng để thấy rõ tính chất cực kỳ ô uế của tội lỗi trong lòng cũng như trong đời sống; cùng hiểu biết tính chất đúng và chân thật của sự công nghĩa và các đức hạnh của luân lý qua sự sống thật và ơn cứu rỗi của Đấng Chirst đem tới.
Ánh sáng từ Chúa còn giúp cho người tin nhìn thấy một thoáng vinh quang của cõi vô hình và những điều có thật của thế giới tương lai. Ánh sáng ấy quá lớn và quá mạnh, nên chẳng những khai sáng mà còn làm cho người nhận lãnh trở thành ánh sáng.
Do đó, người đã được nhận lãnh ánh sáng mới có thể bước đi như các con của ánh sáng; tức là không còn cư xử như người chưa biết chân lý và sự thánh khiết của Chúa, vẫn còn sống trong tội lỗi của trí óc tăm tối mù quáng; mà cách cư xử bình thường của người tin sẽ phô bày ánh sáng mình đang có qua đời sống mỗi ngày.
Ba đặc tính sẽ được thể hiện qua cách cư xử để chứng minh mình đã thực sự nhận được ánh sáng và trở nên con cái của ánh sáng là mọi điều nhân từ, công chính và chân thật (5:9).
Đây là sự ví sánh bằng nghĩa bóng để xem ánh sáng giống như một cái cây sinh ra những quả tốt lành. Bởi vì nếu ai muốn cách hành xử của mình là thiện hảo, thì người ấy phải được đổi mới tâm tính; nhờ tâm tính được đổi mới, người ta mới có thể cư xử thiện hảo.
Mà ánh sáng có quyền năng sản sinh ra mọi điều nhân từ, công chính và thành thật, là những hành vi khi được phô bày công khai cho mọi người thấy thì sẽ không có gì phải giấu giếm, xấu hổ.
Con cái Chúa sẽ tự nhiên hành xử theo tâm tính đã được đổi mới của mình, không chút gì gượng gạo, giả dối. Nhân từ trái ngược với ác tâm; công chính trái ngược với bất công, bạo ngược và bịp bợm; chân thật đối nghịch với dối trá, sai lầm và đạo đức giả.
Chúng ta chỉ cần xem xét cách hành xử của đám tả phái thì hiểu vấn đề.
Sự xem xét đòi hỏi phải chú ý nhìn và quan sát một cách cẩn thận. Mua một chiếc xe cũ mà chỉ nhìn bề ngoài, không chịu kiểm soát kỹ lưỡng máy móc, dấu hiệu khung sườn từng bị tai nạn nặng, màu nhớt, sự vận hành của hộp số trong khi chạy thử, và các dấu vết xe bị ngâm nước lụt, thì người mua tốn tiền đem một của nợ về nhà mình, mọi sự hối hận đã quá trễ.
Cũng vậy, trong mọi việc liên quan và có ảnh hưởng tới đời sống tâm linh, thì chúng ta cũng phải xét thử xem nó có làm cho Đấng yêu thương chúng ta buồn lòng hay không; dù đó là hành động, lời nói, cách cư xử, phản ứng, và sự suy nghĩ mà mình đã quyết định.
Bởi vì có rất nhiều lúc phản ứng của chúng ta trước một sự việc nào đó chỉ nhằm thoả mãn sự bực dọc trong lòng, không cần biết có gây tổn thương trong lòng người khác hay không, vì có rất nhiều lần chúng ta đã phản ứng cách sai trật.
Vậy, chúng ta phải xem xét những gì được gọi là đẹp lòng Chúa (5:10)? Đương nhiên là mọi điều thuộc về các việc Đức Chúa Jesus thi hành ý muốn của Đức Chúa Cha, và mọi việc Ngài đã làm trên đất vì nhân loại thì đều đẹp lòng Đức Chúa Trời.
Còn chúng ta thì sao? Hàng ngày, mọi người đều phải đối diện nhiều quyết định mình phải lập. Đối với những việc rõ ràng là xấu xa đồi bại, thì sự lập quyết định không khó khăn gì; nhưng có rất nhiều điều nằm giữa lằn ranh đúng sai hay khó quyết định.
Ví dụ như đối phó ra sao với những tín hữu đang giở trò vu khống nhằm gây tai hại cho mình, trả đũa bằng cách đem ra công luận hoặc kín đáo cảnh cáo, hay cứ làm ngơ như không có chuyện gì xảy ra, hoặc cầu xin Chúa làm cho những lời vu khống đổ lại trên người đó?
Một chọn lựa khác là làm ơn cho người ấy để khiến người ấy khổ sở vì bị cáo trách (Rôma 12:20)? Sở dĩ khó quyết định là vì bất cứ cách nào cũng có cái giá phải trả.
Một sự chọn lựa nữa mà rất nhiều tín hữu không biết phải giải quyết ra sao liên quan tới việc “đừng tham dự vào những công việc vô ích của sự tối tăm; tốt hơn, nên quở trách chúng” (5:11).
Các hành vi hoặc sinh hoạt tội lỗi như cá độ, bài bạc, vui chơi tại hộp đêm–sòng bài, các buổi tụ họp bạn bè có sinh hoạt không lành mạnh, vv, thì dễ quyết định; nhưng tín hữu thường bị bối rối khi phải đứng trước các cảnh ngộ mà mình chưa được dạy dỗ, hoặc đã nghe vài kiểu lý luận khác nhau từ các mục sư mà không biết ai đúng, ai sai.
Ví dụ như các dịp cộng đồng tế lễ quốc tổ bằng cúng kiến, nhang khói, thì con cái Chúa có nên tham dự không? Hoặc, những dịp cầu siêu tại các chùa phật giáo cho người thân quá cố chưa tin Chúa, thì mình có được phép tham dự hay không?
Câu trả lời rất rõ nằm trong câu Kinh thánh nầy: “Đừng tham dự vào những công việc vô ích của sự tối tăm,” vì ta có thể gây vấp phạm cho người khác (1Côrinhtô 8:10-11).
Bất cứ sinh hoạt cúng kiến nào của ngoại giáo đều là công việc vô ích do quyền lực ma quỷ lập ra để dẫn người ta vào chốn hư vong của chúng. Nếu mình không thể can thiệp gì được, đừng tham dự mà mắc tội với Chúa. Vì nhiều tín hữu chưa được dạy, chưa bị quyền lực tối tăm tấn công để biết chúng mạnh như thế nào.
Những tội lỗi lén lút cũng thuộc về các công việc vô ích của thế giới tối tăm, và chúng ta được khuyên là chẳng nên nhắc tới chúng (5:12). Phương diện nầy là rất nhiêu khê nên cần nhiều thời gian nghiên cứu, học hỏi và áp dụng.
Vì không phải ai cũng có khả năng nghiên cứu, cho nên, để biết chắc điều gì là đúng hay sai thì hãy phơi bày nó dưới ánh sáng của Lời Chúa. Vì, “tất cả những gì được phơi bày dưới ánh sáng đều được sáng tỏ, vì chính ánh sáng làm cho mọi việc được thấy rõ ràng” (5:13).
Người ta có thể dùng đủ thứ lý luận để biện hộ cho việc họ làm; nhưng khi so với lời Chúa trong Kinh thánh, mọi việc trở nên rõ ràng.
“Hỡi người đang ngủ, hãy thức dậy” (5:14a). Dù cho nhiều tín hữu vẫn đi nhà thờ, đọc Kinh-thánh, cầu nguyện, và làm tất cả bổn phận của một người tín đồ, nhưng vẫn bị Chúa kể là người đang ngủ. Bị kể là đang ngủ vì những vấn đề không phải là khó hiểu mà vẫn không biết rõ, hoặc hiểu một cách sai lầm về ý muốn của Đức Chúa Trời, áp dụng lời Kinh thánh cách sai trật, tham dự vào những công việc vô ích của sự tối tăm.
Nhiều tín hữu mặc dù không bị vướng vào những lỗi lầm ấy, nhưng hoàn toàn xa lạ với những việc quyền năng mà Đức Thánh Linh đang thi hành để khích lệ các con cái trung tín với Chúa, cảnh tỉnh những tín hữu chưa quen biết Ngài, thì cũng là những người đang ngủ, nằm chung với những tín hữu có tiếng sống mà là chết (Êxêchiên 37:11), không có một chút hi vọng gì về quyền phép của Đức Chúa Trời hiện nay.
Nhưng nếu chịu thức dậy, Đấng Christ sẽ chiếu sáng, tức là sẽ ban ánh sáng khôn ngoan để hiểu biết Ngài.
TinDoCuaChua34.docx
Rev. Dr. CTB