Tâm Linh Trưởng Thành, 25

Giăng 16:1–15

Nguyên tắc căn bản để nhận Rhema là phải có sự hiện diện của Ba Ngôi Đức Chúa Trời ở trong lòng để việc nghe tiếng Chúa không bị cản trở nữa. Tuy vậy, chúng ta phải biết rõ nền tảng mà trên đó mình dựa vào nguyên tắc ấy để thiết lập, duy trì mối tương giao nồng thắm, gắn bó và bền chặt với Chúa của mình; thiếu yếu tố nầy, việc nghe rhema rất khó xảy ra.

Bởi vì nếu rhema do Thánh Linh phán từ trong lòng để trí não phân tích, rồi chuyển vào tâm linh tạo nên đức tin cần thiết cho ta lập quyết định, thì môi trường thanh sạch của đời sống đang được thánh hoá phải có sẵn, để Đức Thánh Linh không bị tâm trí ô nhiễm tội lỗi của chúng ta cản trở.

Mỗi chúng ta cần hiểu là không ai có khả năng tự thánh hoá; bởi vì không ai có thể tự chuộc tội. Cũng chẳng người nào có thể làm cho cái sai trở thành đúng, hoặc làm thanh sạch những điều ô uế, hay khiến hành vi tội lỗi được kể là thánh thiện. Chỉ Đức Chúa Trời mới có quyền năng biến đổi lòng người ác thành thiện mà thôi. Và Ngài đã thực hiện việc bất khả nầy qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus.

Nhưng, được Đức Chúa Jesus chuộc tội không phải là trải nghiệm duy nhất trong đời tín đồ. Nó là ơn cứu độ vĩ đại mà Đức Chúa Trời thực hiện; phần của chúng ta là xây dựng đức tin mình trên nền tảng ơn cứu độ vĩ đại ấy. Vậy, nền tảng ấy là gì? Đó là vì không ai có khả năng tự làm sạch tội, Đức Chúa Trời đã ban Ngôi Lời của Ngài làm sinh tế toàn hảo có đủ hiệu lực chuộc tội cho toàn thể nhân loại. Ai tin và tiếp nhận ơn chuộc tội đó đều được tha tội và được kể là công chính, tức là vô tội.

Ở chỗ nầy có hai loại phản ứng của những người nhận ơn cứu độ. Thứ nhất là người theo đạo để mong có một cái vé bảo đảm lên thiên đàng. Những người nầy chỉ có mặt ở Hội Thánh để duy trì tư cách thành viên, nghe giảng cách lơ đãng, không hiểu rõ, cũng chẳng ghi nhớ gì nổi vì tâm trí bị vướng chuyện trần gian của bản thân; thực chất đời sống đức tin của họ chẳng có mối tương giao gì với Chúa.

Thứ nhì là những người rất hoan hỉ sau khi được cứu thoát khỏi bản chất xác thịt tội lỗi, được tiếp xúc với sự thanh sạch khi lòng được tha tội và tâm linh được tái sinh bởi quyền phép của Đức Thánh Linh.

Những người nầy rất sợ bị rơi trở lại thói hư tật xấu cũ, nên họ hiểu rằng đời sống đức tin của họ phải được xây dựng trên nền tảng ơn cứu độ mà nhờ đó họ được tha tội. Vậy, sự xây dựng đức tin mình trên nền tảng của ơn cứu độ ấy là phải giữ gìn tính chất vô tội mà mình đã nhận được, không để bị sa vào tội lỗi một lần nữa.

Đến đây thì có hai cách hành xử khác nhau để duy trì tính chất thanh khiết khi đã được sạch tội. Cách thứ nhất là rất nhiệt thành với tôn giáo của mình, dùng nỗ lực bản thân thực hiện các phương pháp, hay bí quyết chú trọng vào các bổn phận để đạt tới sự thánh khiết mà thiên đàng đòi hỏi. Cách suy nghĩ ấy rất khác với nguyên tắc của Chúa đòi hỏi là lòng chúng ta tin cậy vào những điều Ngài đã thực hiện.

Cho nên, lòng nhiệt thành do bị thúc giục bởi sự hiểu biết sai trật sẽ tạo nên một tâm lý nỗ lực đạt tới sự thánh khiết riêng dựa vào kinh nghiệm tâm linh mình đã trải qua. Tâm lý đó sẽ khiến người như vậy có đời sống không phù hợp với Kinh-thánh, hoàn toàn tách rời với người khác, chỉ chú trọng nỗ lực sống đời thánh sạch riêng của mình nhưng không quan tâm tới ai khác.

Nhưng, sự thánh sạch mà nhiều người có thể đang hãnh diện ấy nếu không đặt nền tảng trên ơn chuộc tội của Đức Chúa Jesus thì chẳng có chút giá trị gì đối với Đức Chúa Trời. Những ai hành xử kiểu dốt nát ấy chỉ làm người khác khó chịu. Bất cứ việc gì không đặt nền tảng trên ơn chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ thì Đức Chúa Trời không đẹp lòng; bởi vì sự công chính và thiện hảo nhất của người đều bị Ngài xem như “miếng giẻ bẩn thỉu” (Ê-sai 64:6).

Cách hành xử thứ nhì là rất biết ơn Chúa và biết rõ bản chất nhân loại của mình là bất toàn và bất năng trong việc duy trì tình trạng thánh khiết vô tội mình đã nhận được. Sự hiểu biết ấy khiến cho con cái thật của Chúa hết sức gìn giữ mối tương giao với Đấng cứu chuộc mình, nương cậy sự chỉ dẫn và giúp sức của Đức Thánh Linh trong mọi quyết định của đời sống, không dám cậy sức riêng.

Cho nên, để đạt được sự công chính trong mắt của Đức Chúa Trời, cũng gọi là được xem như vô tội, loài người phải nhận lãnh sự tha tội qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ đã thực hiện trên thập tự giá. Không có lối nào khác. Và sự thánh khiết mà chúng ta nhận sau khi được Đức Thánh Linh sanh lại và biến đổi, phải được thể hiện qua nếp sống thực tế mỗi ngày một cách thành thật, không giả trá, bằng cách vâng theo sự chỉ dẫn của Đức Thánh Linh trong từng việc lớn nhỏ.

Nếu Đức Chúa Trời bắt tín đồ phải nỗ lực tìm kiếm sự chỉ dẫn của Đức Thánh Linh thì tất cả chúng ta đều sẽ tuyệt vọng; bởi vì dùng nỗ lực của loài người để đạt đến sự hiểu biết thuộc về thượng giới chỉ là chuyện ‘đội đá vá trời, hoàn toàn không thể đạt tới.

Nhưng Ngài đã chuẩn bị mọi điều cần thiết mà chúng ta cần để nhận được sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh. Chương trình cứu chuộc toàn hảo của Đức Chúa Trời được thực hiện qua Đức Chúa Jesus là để tạo điều kiện cho mọi con dân Ngài nhận mọi sự chỉ dẫn họ cần cho bước đường thánh hoá.

Đức Chúa Jesus biết các môn đồ rất buồn và thất vọng khi được Ngài cho biết sẽ không còn ở bên cạnh họ nữa (16:56). Những điều Chúa nói trước đó khiến họ rất hoang mang vì chưa hiểu ý nghĩa về việc Ngài sẽ rời họ và Đức Chúa Cha sẽ sai Đấng An Ủi đến để ở với họ đời đời là gì. Ngài cũng nói họ có biết Đấng An Ủi đó, vì Đấng ấy đang ở với họ (14:1617) làm họ ngạc nhiên thêm.

Rồi Ngài lại hứa: “Ta không để các con mồ côi đâu, Ta sẽ đến với các con” (14:18). Ngài giải thích: “Nhưng Đấng An Ủi, tức là Đức Thánh Linh mà Cha sẽ nhân danh Ta sai đến, Ngài sẽ dạy dỗ các con mọi điều, và nhắc các con nhớ tất cả những gì Ta đã phán với các con” (14:26).

Nhiều người thắc mắc về những lời Chúa phán ở chỗ nầy. Vì Chúa hứa sau khi rời các môn đồ và sửa soạn xong chỗ ở cho họ rồi, Ngài sẽ trở lại đem họ đi với Ngài; Chúa cũng hứa ban Đấng An Ủi đến thay chỗ Ngài và sẽ ở với họ vĩnh viễn.

Sau đó Ngài lại phán: “Ta nói thật với các con: Ta đi là ích lợi cho các con. Vì nếu Ta không đi thì Đấng An Ủi sẽ không đến với các con. Nhưng nếu Ta đi, Ta sẽ sai Ngài đến” (16:7).

Khi chưa hiểu việc Đức Chúa Trời biểu lộ chính Ngài cho thế gian qua ba thân vị khác nhau, thì người ta dễ kết luận sai lầm vì thấy những lời Đức Chúa Jesus phán thật là khó hiểu và vô lý. Bởi vì nếu Ngài sẽ trở lại, tại sao cần phải có Đức Thánh Linh đến ở vĩnh viễn với các môn đồ?

Xem xét mối liên quan giữa ‘logos‘ với ‘rhema‘ qua những lời dạy dỗ nầy, chúng ta thấy nhiều điều rất quan trọng. Đức Chúa Jesus là ‘Logos‘ của Đức Chúa Trời. ‘Rhema‘ là lời Đức Thánh Linh dùng ‘Logos‘ để phán và khiến Logos sống động trong tâm linh chúng ta tạo nên đức tin của Đức Chúa Trời.

Việc đó diễn ra như thế nào? Đức Chúa Jesus đến thế gian trong thân thể nhân loại với mục đích chịu bị giết để đền tội cho loài người (12:27). Khi Ngài sống lại dù bằng một thân thể đã biến hoá có thể di chuyển xuyên qua vật chất, nhưng vẫn còn là thân thể xương thịt (Luca 24:39–43).

Vì vậy, Đức Chúa Jesus không ngự vào lòng mọi người bằng thân thể ấy. Mặc dù Ngài có tất cả thuộc tính của Đức Chúa Cha, nhưng trong thể xác loài người Ngài vẫn ở trong không gian và thời gian.

Qua sự chết, sống lại rồi thăng thiên, Đức Chúa Jesus, Logos, mở đường cho Đức Thánh Linh ngự vào lòng người dùng Logos ban rhema cho chúng ta. Và Đức Thánh Linh chỉ có thể ban rhema cho người nào bằng lòng tiếp nhận và cộng tác với Logos trong tiến trình thánh hoá đời sống của người ấy.

Đức Chúa Jesus phải về trời để Đức Thánh Linh, là Thần, có thể đến ngự trong lòng người tin. Con Người Jesus chỉ phán rhema cho một người hay nhóm người nào đó ở một thời điểm. Nhưng chẳng một giới hạn nào cản trở được Đức Thánh Linh phán Rhema từ Đức Chúa Trời cho mọi con cái Ngài ở mọi lúc, mọi nơi trên thế giới.

Hãy suy gẫm về hạnh phúc vô biên mà sự chết hi sinh của Chúa chúng ta đã mang tới cho con cái Ngài. Ngài đã chết, đã sống lại, đã về trời, rồi ban Đức Thánh Linh sống trong lòng chúng ta, giúp chúng ta được thánh hoá và phán lời rhema để chúng ta có đức tin. Vậy, hãy tỉnh thức khỏi những sự mê muội vì lo lắng việc đời, sự thiếu hiểu biết, hay nếp sống tâm linh biếng nhác, để có thể nhận Rhema.

TamLinhTruongThanh25.docx

Rev. Dr. CTB