Những Điều Cần Biết, bài 06

Công vụ 4:13–31

Chúng ta đã xét qua nhiều loại cầu nguyện khác nhau; nhưng hầu hết các sự cầu nguyện của con cái Chúa diễn ra trong nơi kín đáo riêng tư giữa họ với Đức Chúa Trời. Nhiều người đắc ý với lời khuyên của Đức Chúa Jesus:

Khi con cầu nguyện, hãy vào phòng riêng, đóng cửa lại, rồi cầu nguyện với Cha của con, Đấng hiện diện trong nơi kín đáo; và Cha của con, Đấng thấy trong nơi kín đáo, sẽ ban thưởng cho con” (Mathiơ 6:6); vì cầu nguyện riêng tư thì dễ dàng, thích hợp với nhiều người và nhiều hoàn cảnh khác nhau.

Rất ít người muốn bị người khác nghe lời xưng tội của mình với Đức Chúa Trời; bởi vì bản chất của người ta là tốt khoe xấu che. Rất hiếm có anh chị em tín hữu nào dám nhìn nhận con người thật của mình trước mặt các tín hữu khác vì sợ bị xấu hổ.

Trong những buổi cầu nguyện chung của Hội-thánh thì bình thường rất an toàn, vì không ai bị bắt buộc phải phơi trần lòng mình trước mặt Chúa. Hơn nữa, trong buổi cầu nguyện chung, dù tín hữu nào có được mời cầu nguyện, thì cũng chưa phải là thời gian để người ta đối diện với Chúa bằng con người thật bề trong của mình.

Có một số tín hữu không dám tham dự các buổi nhóm cầu nguyện của Hội-thánh vì sợ chẳng may ‘bị’ mời cầu nguyện thì không biết phải nói sao cho đúng, hoặc vì chưa quen nói trước đám đông. Hoặc nghe người nào đó cầu nguyện quá thông suốt, ngôn từ quá hay, đôi khi lời cầu nguyện như là có lửa nữa, thì người nhút nhát càng cố trốn tránh. Thái độ và tâm trạng đó rất là sai lầm; vì không ai có thể bám vào người khác để về thiên đàng.

Người sợ cầu nguyện ở đám đông là người ở nhà không thường xuyên trò chuyện với Chúa, hoặc chưa bao giờ cầu nguyện với Ngài quá năm phút.

Hễ là bạn thân gặp nhau thì người ta có thể nói chuyện từ ngày nọ qua ngày kia không hết chuyện; còn hai người xa lạ hay không thân thiết gặp nhau thì chỉ nói chuyện qua loa một chút là không còn gì để nói. Những người bạn thân với nhau sẵn sàng chia sẻ, bày tỏ nỗi lòng của mình cho người kia, chứ không thể nào tâm sự với người mình không thân hay chưa tin cậy đủ.

Vì thế, chúng ta có thể dùng cách mình cầu nguyện với Chúa làm thước đo mối liên hệ giữa mình với Ngài. Nếu ai cầu nguyện với Chúa chỉ vì các nhu cầu, chứ không thể dành thì giờ lâu dài suy gẫm lời Chúa để chờ Ngài nói chuyện với mình, thì tình trạng tâm linh người đó rất bấp bênh vì chưa có khả năng nghe tiếng Đức Thán Linh.

Các buổi cầu nguyện chung của Hội-thánh vẫn chưa phải là cầu nguyện đồng thanh, vì ý của mỗi người khác nhau, lời lẽ cũng khác nhau. Một số giáo hội dùng các bài kinh nhật tụng và đọc chung để thay thế cho sự cầu nguyện đồng thanh, thì đã trở thành hình thức lễ nghi vô hồn không được Chúa chấp nhận.

Bài cầu nguyện Chúa dạy, mà chúng ta thường đọc chung vào lúc kết thúc buổi nhóm, có thể được xem như sự cầu nguyện đồng thanh, nhưng khi chúng ta đọc nó như một thứ nghi lễ, thì sự cầu nguyện đồng thanh đó chẳng có giá trị gì.

Vậy thì, chúng ta hãy tìm biết ý nghĩa để hiểu cầu nguyện đồng thanh là gì và nó có ích lợi gì cho từng người và Hội thánh chung như thế nào. Mẫu mực về sự cầu nguyện đồng thanh chép trong Công vụ 4:23–31.

Hai sứ đồ Phierơ và Giăng bị hội đồng công luận của Do-thái-giáo tại Jerusalem hăm doạ và cấm không được lấy Danh Đức Chúa Jesus mà nói hay giảng dạy cho bất cứ ai (Công vụ 4:18). Sau khi được thả ra, hai ông trở về với các sứ đồ, môn đồ khác, rồi thuật lại mọi điều thầy tế lễ cả và các trưởng lão đã nói.

Các môn đồ của Đức Chúa Jesus biết rõ sự hăm doạ của hội đồng công luận là mối hiểm nguy thật; nhưng lệnh cấm không được nói sự thật ấy khơi trong lòng họ sự tức giận thánh. Những người vừa được hưởng sự đầy dẫy Đức Thánh Linh như lửa cháy trong lòng thì không thể im lặng được. Vì thế “họ đồng một lòng lớn tiếng cầu nguyện với Đức Chúa Trời” (4:24).

Nói rằng họ đồng một lòng lớn tiếng cầu nguyện thì có ba trường hợp xảy ra: 1) Họ đồng thanh cầu nguyện chung rập ràng. 2) Một hay vài người cầu nguyện, tất cả lớn tiếng Amen. 3) Mỗi người đều lớn tiếng cầu nguyện, chung một ý, nhưng lời lẽ khác nhau.

Trường hợp 2 và 3 có thể đã xảy ra, vì mọi người tham dự buổi cầu nguyện đó đều hết lòng muốn trình bày với Đức Chúa Trời sự quan tâm chung của họ.

Họ đồng một lòng lên tiếng cầu xin Đức Chúa Trời hành động vì cớ Hê-rốt, Ponce Pilate cùng với các dân ngoại và dân Israel đã tụ họp tại thành Jerusalem để chống lại Đức Chúa Jesus.

Họ cầu nguyện vì hiểu rằng không phải họ đang đương đầu với những con người xác thịt, mà đương đầu với những kẻ bị Đức Chúa Jesus gọi là dòng dõi của ma quỷ (Giăng 8:44), mà từ thời sáng thế Đức Chúa Trời đã phán lời nguyền rằng bọn đó sẽ thù nghịch với dòng dõi của người nữ, là Đức Chúa Jesus (Sáng-thế 3:15).

Họ cầu nguyện đồng thanh vì thế lực sau lưng giới lãnh đạo Do-thái-giáo chính là Satan và các thủ hạ của hắn đã nhất quyết cấm các môn đồ của Chúa, tức là Hội-thánh của Ngài, không được nhân danh Đức Chúa Jesus mà nói, giảng dạy hay thực hiện các phép lạ cho bất cứ ai; vì việc đó giày đạp đầu hắn.

Họ đồng thanh cầu xin Đức Chúa Trời xem xét lời hăm doạ của kẻ thù nghịch đạo Chúa; xin ban cho các đầy tớ Chúa sự dạn dĩ, không sợ hãi các lời đe doạ mà rao giảng lời Ngài.

Để đáp lại lệnh cấm nhân danh Đức Chúa Jesus, các sứ đồ cầu xin Đức Chúa Trời “giơ tay Ngài ra để chữa lành và làm những phép mầu, dấu lạ qua Danh Đầy Tớ Thánh của Ngài là Đức Chúa Jesus”(30).

Hãy để ý rằng các môn đồ không cầu xin gì về sự an toàn của họ. Mọi sự họ nhắm tới là cầu xin Chúa dùng cánh tay đại quyền đại năng của Ngài thực hiện các phép lạ qua danh Đức Chúa Jesus để mở mang Vương quốc của Ngài trên thế gian.

Điều mà họ cầu xin cho họ là lòng dạn dĩ đi rao giảng lời của Đức Chúa Trời. Như vậy, mục tiêu của sự cầu nguyện đồng thanh ở chỗ nầy là mở mang Vương quốc của Chúa, chứ không phải sự bình an của Hội-thánh.

Sự tức giận thánh và lòng nóng cháy rao giảng Tin Mừng: Đức Chúa Jesus đã sống lại, chính là động lực thúc đẩy buổi cầu nguyện đồng thanh. Kết quả của tinh thần đồng thanh cầu nguyện là “nơi nhóm lại rúng động, mọi người đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh, giảng lời Đức Chúa Trời một cách dạn dĩ” (31).

Qua các câu tường thuật vắn tắt của bác sĩ Luca về buổi cầu nguyện đồng thanh đầu tiên của Hội-thánh sau khi Đức Thánh Linh đã giáng lâm, ngày nay chúng ta thấy được vài động lực từ trong lòng của các sứ đồ dẫn đến sự kiện đó:

Tất cả các môn đồ đều biết Đức Chúa Jesus đã sống lại, chứng kiến lúc Ngài thăng thiên; tất cả đều đã nhận lãnh Đức Thánh Linh; họ biết họ sở hữu đại danh đầy quyền năng của Đức Chúa Jesus, và trong danh ấy có quyền phép chữa lành bệnh hoạn, tật nguyền. Có các chứng cớ tuyệt vời, người ta hăng hái đồng thanh cầu nguyện.

Ngày nay chúng ta có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để tập tành cầu nguyện đồng thanh. Máy in và giấy mực đều dư dật nên mọi người tham dự đều có thể đồng thanh đọc chung các bài cầu nguyện in sẵn ca tụng, ngợi khen và cầu nguyện chiến đấu.

Sự đồng thanh hết lòng cầu nguyện sẽ nhân sức mạnh và sự dạn dĩ lên gấp bội. Có đồng thanh cầu nguyện thì người tham dự sẽ kinh nghiệm được sự đồng lòng hiệp ý của con cái Chúa là thể nào. Đồng thời người dự cũng thấy mình được khích lệ bởi sức mạnh đoàn kết của tập thể, khác xa cảm giác chiến đấu đơn độc chống lại kẻ thù hung hãn.

Nhưng cũng cần phải hiểu là sự cầu nguyện đồng thanh không phải là bài kinh kệ thần chú đọc lên sẽ đem tới hiệu quả nào đó. Đồng thanh cầu nguyện là mời Đấng đã tạo nên trời đất muôn vật đến tiếp nhận sự tôn sùng ngợi khen và đưa tay Ngài ra giúp đỡ Hội-thánh Ngài.

Lẽ đương nhiên là ma quỷ sợ Hội-thánh của Chúa cầu nguyện đồng thanh hơn là tín hữu cầu nguyện lẻ loi ở nhà. Vì thế, nó luôn luôn tìm cách ngăn trở. Cách ngăn trở hữu hiệu nhất của hắn là nêu lên những trở ngại, bất tiện mà con cái Chúa sẽ đối diện khi tới dự những buổi cầu nguyện chung tại Hội-thánh.

Những ai muốn góp phần mở rộng Hội-thánh của Chúa giữa người Việt nam hãy xem gương cầu nguyện của các nhà thờ Đại Hàn. Các buổi cầu nguyện sáng sớm mỗi ngày ở nhà thờ thường đông nghẹt; vì thế, Hội-thánh và đất nước họ đã và đang phát triển mạnh mẽ.

Chúa vẫn luôn kêu gọi mọi con cái Ngài tỉnh thức mà cầu nguyện; vì Satan và các sứ của hắn như những con sư tử đói đang rình mò chung quanh những tâm linh bạc nhược mà chúng có thể nuốt được.

NhungDieuCanBiet06
Rev. Dr. CTB