Đời Sống trong Thánh Linh, bài 15

Êsai 58:6–11

Chẳng phải sự kiêng ăn mà Ta chọn, đó là: Tháo những xiềng gian ác, mở dây trói của ách, thả cho kẻ bị áp bức được tự do, và bẻ gãy mọi ách hay sao? Chẳng phải là chia sẻ thức ăn cho người đói, đem kẻ nghèo khổ, không nhà cửa về nhà mình, khi thấy người trần truồng thì mặc cho, và không ngoảnh mặt làm ngơ với anh em cốt nhục mình hay sao? Bấy giờ, ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương ngươi sẽ nhanh chóng được chữa lành. Sự công chính ngươi sẽ đi trước mặt ngươi, và vinh quang của Đức Giê-hô-va sẽ bảo vệ sau ngươi. Bấy giờ, ngươi cầu xin, Đức Giê-hô-va sẽ đáp lời; ngươi kêu cứu, Ngài sẽ phán: ‘Có Ta đây!’ Nếu ngươi vứt bỏ cái ách khỏi ngươi, không xỉ vả và không nói lời độc ác; Nếu ngươi dốc lòng lo cho người đói, và đáp ứng nhu cầu kẻ khốn cùng, thì ánh sáng của ngươi sẽ chiếu ra trong bóng tối, và sự tối tăm của ngươi sẽ sáng ngời như giữa trưa. Đức Giê-hô-va sẽ cứ dắt đưa ngươi, làm cho ngươi no lòng giữa nơi khô hạn lớn; làm vững mạnh các xương cốt ngươi; ngươi sẽ như vườn năng tưới, như suối nước chẳng hề khô cạn.

Điều quan trọng nhất trong nỗ lực kiêng ăn cầu nguyện là nhắm tới mục đích nào đó. Trước khi bắt đầu kiêng ăn và cầu nguyện, chúng ta phải hiểu sự kiêng ăn có ý nghĩa gì và nhằm mục đích gì? Nếu chưa biết điều nầy mà cứ thực hiện thì sẽ thất bại và nản lòng. Nguồn gốc sự kiêng ăn đã có từ lâu trong Kinh Thánh. Vua David nói rằng ông kiêng ăn để ép linh hồn mình (Thi Thiên 35:13) “Con mặc vải sô, kiêng ăn, ép linh hồn mình. Lời cầu nguyện con trở vào ngực con.” Ép linh hồn tức là hạ mình xuống trước mặt Chúa. Vào thời Cựu ước, kiêng ăn đi kèm theo những dấu hiệu chứng tỏ sự hạ mình ăn năn, than khóc. Vào thời chúng ta thì kiêng ăn là cách xin Đức Thánh Linh bày tỏ cho ta biết tình trạng tâm linh thực sự của mình là gì, để đưa đến kết quả là lòng tan vỡ, ăn năn và đời sống được biến đổi.

Một mục tiêu của sự kiêng ăn là củng cố lòng tin cậy và đức tin vào Đức Chúa Trời. Chúng ta cần tâm linh, tâm trí và sức khỏe được tươi mới. Điều quan trọng cần phải hiểu, kiêng ăn KHÔNG phải là phương pháp tốt hơn để được đáp lời cầu nguyện; nhưng là cách hạ mình nhiều hơn khi đến với Chúa. Kiêng ăn phải đi kèm theo sự cầu nguyện; kiêng ăn mà không cầu nguyện sẽ chẳng ích lợi gì hết. Kiêng ăn không phải là tuyệt thực đòi Chúa nhậm lời cầu nguyện của chúng ta.

Hãy xem xét vài gương mẫu về kiêng ăn trong Kinh Thánh để biết mục đích thật của sự kiêng ăn là gì? Tiên tri Daniel kiêng ăn cầu nguyện và xưng tội của dân tộc (Daniel 9:3–4a) “Tôi hướng mặt về Chúa là Đức Chúa Trời mà tìm kiếm, khấn nguyện, nài xin với sự kiêng ăn, quấn vải sô và rắc tro lên đầu. Vậy tôi khẩn cầu Giê-hô-va Đức Chúa Trời tôi và xưng tội với Ngài.” Nêhêmi, quan dâng rượu của hoàng đế Batư, Artaxerxes, đau buồn khi nghe về sự tủi nhục của dân tộc mình và Jerusalem bị đổ nát, ông kiêng ăn và cầu nguyện (Nêhêmi 1:4) “Khi nghe những lời ấy, tôi ngồi than khóc, đau buồn mấy ngày; tôi kiêng ăn và cầu nguyện với Đức Chúa Trời của các tầng trời.

Mạcđôchê và dân Judah ở kinh đô Susa và hoàng hậu Esther cùng các tỳ nữ kiêng ăn uống ba ngày đêm trước khi Esther liều mình vào chầu vua (Esther 4:16) “Xin triệu tập tất cả người Do Thái ở Susa lại, rồi hãy vì con mà kiêng ăn trong ba ngày đêm, đừng ăn hay uống gì hết. Con và các nữ tỳ của con cũng sẽ kiêng ăn nữa. Sau đó, con sẽ vào chầu vua là việc trái luật pháp; nhưng nếu phải chết thì con chết.” Đức Chúa Jesus kiêng ăn uống 40 ngày trước khi đương đầu với Satan (Mathiơ 4:1–2) “Sau đó, Thánh Linh đem Đức Chúa Jêsus vào hoang mạc để chịu ma quỷ cám dỗ. Sau khi kiêng ăn bốn mươi ngày và bốn mươi đêm, Ngài đói.” Các tiên tri và giáo sư ở Antioch thì kiêng ăn và thờ phượng Chúa để nghe tiếng Đức Thánh Linh phán bảo họ phải làm gì (Công vụ 13:1–3) “Trong Hội Thánh tại Antioch có các nhà tiên tri và giáo sư: Barnabas, Simeon gọi là Niger, Lucius người Cyrene, Manaen là em nuôi vua Herod, và Saul. Đang khi họ thờ phượng Chúa và kiêng ăn thì Đức Thánh Linh phán: Hãy biệt riêng Barnabas và Saul cho công tác Ta đã kêu gọi họ. Sau khi kiêng ăn và cầu nguyện, họ đặt tay trên hai người và sai đi.

Vậy, sự kiêng ăn trong Kinh Thánh không nhắm nhiều về việc Chúa sẽ đáp lời cầu nguyện như thế nào, nhưng chăm chú vào cách làm thế nào họ có thể đem lời cầu nguyện cách xứng đáng đến trước Chúa. Sứ đồ Phierơ dạy rằng “Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho người khiêm nhường” (1Phierơ 5:5b). Trong bài giảng trên núi, Đức Chúa Jesus chỉ dẫn cho các môn đồ Ngài nên làm gì khi kiêng ăn (Mathiơ 6:16–18) “Khi các con kiêng ăn, đừng tỏ vẻ âu sầu như những kẻ đạo đức giả, vì họ làm bộ thiểu não để mọi người biết họ kiêng ăn. Thật, Ta bảo các con, những kẻ ấy đã nhận được phần thưởng của mình rồi. Nhưng khi con kiêng ăn, hãy xức dầu trên đầu, và rửa mặt, để người ta không biết con đang kiêng ăn, nhưng chỉ có Cha con, là Đấng hiện diện ở nơi kín đáo biết được mà thôi, và Cha con, Đấng thấy trong nơi kín đáo sẽ thưởng cho con.

Đức Chúa Trời phán dạy dân Israel những gì không nên làm hoặc suy nghĩ tới khi kiêng ăn (Êsai 58:3–5) “Họ hỏi: ‘Chúng con kiêng ăn, sao Chúa không thấy? Chúng con hạ mình, sao Chúa chẳng biết đến?’ Nầy, trong ngày kiêng ăn, các ngươi vẫn tìm điều mình ưa thích, và áp bức những kẻ làm công cho mình. Thật ra, các ngươi kiêng ăn để cãi cọ và tranh chấp, dùng nắm tay gian ác mà đánh đấm nhau. Các ngươi đừng kiêng ăn như đã làm hôm nay, để tiếng kêu của các ngươi sẽ thấu đến nơi cao. Có phải đó là sự kiêng ăn mà Ta chọn lựa, là ngày mà người ta hạ mình xuống chăng. Có phải cúi đầu xuống như cây sậy, nằm trên vải sô và tro bụi, mà các ngươi gọi đó là kiêng ăn, là ngày được Đức Giê-hô-va chấp nhận chăng?

Sự kiêng ăn mà Chúa chọn lựa phải như thế nầy (Êsai 58:6–7) “Chẳng phải sự kiêng ăn mà Ta chọn, đó là: Tháo những xiềng gian ác, mở dây trói của ách, thả cho kẻ bị áp bức được tự do, và bẻ gãy mọi ách hay sao? Chẳng phải là chia sẻ thức ăn cho người đói, đem kẻ nghèo khổ, không nhà cửa về nhà mình, khi thấy người trần truồng thì mặc cho, và không ngoảnh mặt làm ngơ với anh em cốt nhục mình hay sao?” Đức Chúa Trời lại hứa người làm theo lời Ngài sẽ được: (Êsai 58:8–9a) “Bấy giờ, ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương ngươi sẽ nhanh chóng được chữa lành. Sự công chính ngươi sẽ đi trước mặt ngươi, và vinh quang của Đức Giê-hô-va sẽ bảo vệ sau ngươi. Bấy giờ, ngươi cầu xin, Đức Giê-hô-va sẽ đáp lời; ngươi kêu cứu, Ngài sẽ phán: ‘Có Ta đây!’” Để làm được những điều Chúa đòi hỏi, Ngải dạy rằng chúng ta phải biết kềm giữ mình (Êsai 58:9b–10) “Nếu ngươi vứt bỏ cái ách khỏi ngươi, không xỉ vả và không nói lời độc ác; nếu ngươi dốc lòng lo cho người đói, và đáp ứng nhu cầu kẻ khốn cùng thì ánh sáng của ngươi sẽ chiếu ra trong bóng tối, và sự tối tăm của ngươi sẽ sáng ngời như giữa trưa.

Sở dĩ chúng ta phải cầu nguyện chẳng những vì để phát triển mối liên hệ tương giao thân mật với Chúa, mà cũng trình dâng lên Ngài những điều chúng ta cầu xin và mong mỏi chúng phải sớm xảy ra. Bây giờ, chúng ta đã hiểu lý do tại sao phải kiêng ăn để cầu nguyện. Chúng ta tự nhận thấy, và Chúa cũng cho biết nếu không cầu nguyện thì tương lai của Hội Thánh Chúa sẽ không sáng sủa chút nào. Đừng tự chui vào cái vỏ ốc tự cô lập mà tưởng mình được an toàn. Hiện nay, kẻ thù của Hội Thánh đang lấn tới từng bước; để tới một ngày, những ai kêu cầu danh Chúa sẽ bị bắt nhốt vào tù và nếu ai không chối bỏ đức tin thì sẽ bị giết chết. Ở Hoa Kỳ, những kẻ thù ghét đạo Chúa đang có đông lắm. Chúng ưa thích sự dối trá và ghét sự thật. Chúng ta đang chứng kiến bọn cầm quyền cánh tả hết sức dung dưỡng bọn tội phạm, và bắt bớ những ai cản trở bọn trộm cướp phạm tội ác.

Những việc nầy không phải là chuyện giả tưởng, nó đang xảy ra tại California và New York, hang ổ của giới người thù ghét Đức Chúa Trời. Chúng ta cũng đã nghe chuyện các băng đảng buôn bán ma túy giết nhiều người đang được tự do lộng hành; và điều đáng kinh tởm chọc giận lương tâm của những người hiền lương là nạn buôn phụ nữ và trẻ em xuyên qua biên giới Mễ-Mỹ. Các tập đoàn buôn ma túy cũng công khai buôn người, mà chính phủ Mỹ làm ngơ để chúng tung hoành như chỗ không người. Công tâm không cho phép con cái Chúa yên lặng. Khi Chúa đã quyết định sử dụng Hội Thánh của Ngài để tham dự vào trận chiến chống các ác thần trong linh giới, tín hữu nào sẵn sàng tham gia trận chiến thì sẽ được phước; ai không tham dự sẽ bị hư vong (Esther 4:14) “Nếu con nín lặng trong lúc nầy thì dân Do Thái hẳn sẽ được trợ giúp và giải cứu bằng cách khác, song con và nhà cha của con sẽ bị diệt vong.

Kiêng ăn và cầu nguyện là cách nuôi dưỡng tâm linh, dẹp bỏ nỗi sợ chết vì đói. Kiêng ăn giúp chúng ta tách rời khỏi thế gian, còn cầu nguyện giúp ta nối kết với Chúa. Mục đích của kiêng ăn cầu nguyện không nhằm làm giảm ký lô, mặc dù kiêng ăn nhiều ngày sẽ khiến thân thể bị ốm bớt; nhưng mục đích của kiêng ăn cầu nguyện là giúp cho tâm linh mạnh mẽ và cường tráng hơn người không bao giờ kiêng ăn cầu nguyện. Tâm linh của những người béo tốt thường không siêng năng trong sự phục vụ Chúa. Vậy, kiêng ăn là áp dụng kỷ luật thuộc linh buộc thân thể phải từ chối nhu cầu thể chất, tức là thức ăn nuôi cơ thể, để ăn nuốt những điều thuộc về Đức Chúa Trời. Kiêng ăn là quyết tâm lựa chọn nhằm chứng tỏ cho Chúa thấy chúng ta rất quý trọng mối liên hệ với Ngài.

Thường thì loài người chúng ta chăm chú vào nhu cầu của mình. Để giúp chúng ta không còn chăm chú vào sự đòi hỏi của thân thể mình nữa, thì nhất quyết kiêng ăn một thời gian nào đó. Mới đầu chỉ nên tập nhịn một bữa ăn; sau đó tăng dần lên nhiều bữa, rồi nhiều ngày. Bụng lúc nào cũng đầy đủ thức ăn thì tâm linh trở nên lười biếng rất khó nghe rõ tiếng Chúa phán. Nhưng bụng bị đói thì tâm linh rất tỉnh táo. Vậy, sự quyết định kiêng ăn là quyết tâm tạo một bước đột phá đặc biệt để phá vỡ tình trạng trì trệ, bạc nhược trong tâm linh mình. Nó không phải là một sự hãnh diện chứng tỏ mình thiêng liêng hơn người khác. Vì vậy, Đức Chúa Jesus dạy khi kiêng ăn hãy làm bề ngoài mình tươi tỉnh để không ai biết mình đang kiêng ăn, chỉ cần Đức Chúa Trời biết (Mathiơ 6:17–18) “Khi con kiêng ăn, hãy xức dầu trên đầu, và rửa mặt, để người ta không biết con đang kiêng ăn, nhưng chỉ có Cha con, là Đấng hiện diện ở nơi kín đáo biết được mà thôi, và Cha con, Đấng thấy trong nơi kín đáo sẽ thưởng cho con.

Vào thời tiên tri Zachariah, Đức Chúa Trời hỏi dân Judah thường kiêng ăn (Xachari 7:5) “Các ngươi kiêng ăn và than khóc trong tháng năm và tháng bảy suốt bảy mươi năm nay, có phải các ngươi vì chính Ta mà thật sự kiêng ăn không?” Theo gương của tiên tri Daniel và ông Nêhêmi cầu nguyện xưng tội trong lúc kiêng ăn, chúng ta cũng phải bắt chước họ. Bởi vì kiêng ăn mà không xưng tội và ăn năn về các tội lỗi của chính mình, thì sự kiêng ăn và cầu nguyện ấy chỉ là sự trang điểm lố bịch trước mặt Đấng biết rõ những sự bí mật của lòng chúng ta. Chúa là Đấng quyết định sẽ nhậm lời hay không nhậm những điều chúng ta cầu xin Ngài.

Bài học nầy chỉ nói tới vài sự hiểu biết cần thiết trước khi chúng ta tiến hành buổi kiêng ăn cầu nguyện đặc biệt. Chúng ta không muốn buổi cầu nguyện nầy trở thành nỗ lực vô ích; mà ước ao rằng Chúa sẽ đoái đến nỗi khát khao của chúng ta là Hội Thánh của Chúa tăng trưởng, có thêm nhiều người Việt tin Chúa. Mọi âm mưu ác độc của kẻ gian xảo và đồng phạm của chúng phải bại lộ và thất bại. Xã hội được lành mạnh và bình an. Nạn buôn người phải chấm dứt. Người ta thoát khỏi tình trạng mê tín và đạo lạc. Ơn cứu rỗi của Chúa sẽ lan rộng khắp nơi. Mọi con cái Chúa đều tỉnh thức, ăn năn tội, hết lòng thờ phượng Chúa và hăng hái rao truyền Tin Mừng.