Khởi Đầu Mới, 15
Luca 24:1–9
“Ngày thứ nhất trong tuần lễ, lúc tờ mờ sáng, các phụ nữ ấy lấy hương liệu đã chuẩn bị đem đến mộ Ngài. Họ thấy tảng đá đã lăn khỏi cửa mộ, nhưng khi bước vào thì không thấy thi hài của Đức Chúa Jêsus đâu cả. Trong khi họ còn phân vân về việc ấy, bỗng có hai người nam mặc áo sáng chói đứng bên cạnh. Đang lúc các bà sợ hãi, úp mặt xuống đất thì hai người ấy bảo họ: ‘Sao các ngươi tìm người sống giữa vòng kẻ chết? Ngài không ở đây đâu, Ngài đã sống lại rồi! Hãy nhớ lại khi còn ở miền Galille, Ngài phán với các ngươi rằng: ‘Con Người phải bị nộp trong tay kẻ có tội, phải bị đóng đinh trên thập tự giá và ngày thứ ba phải sống lại.’ Họ nhớ lại những lời Ngài đã phán. Từ mộ trở về, họ thuật lại mọi điều ấy cho mười một sứ đồ và những người khác.”
Sự phục sinh của Đức Chúa Jesus từ cõi chết là nền tảng của niềm tin về ơn cứu rỗi chúng ta. Như sứ đồ Phaolô viết: “Nếu Đấng Christ không sống lại thì đức tin của anh em cũng vô ích, và anh em vẫn còn ở trong tội lỗi mình” (1Côrinhtô 15:17). Sự biết chắc rõ ràng và nắm vững các chứng cớ về sự sống lại của Đức Chúa Jesus chẳng những giúp chúng ta biết chắc Chúa mình đang sống, nó còn khiến mối tương giao giữa chúng ta với Chúa trở nên rất thật. Trong thời đại mà mọi việc đều phải chứng minh bằng những chứng cớ cụ thể không thể bác bỏ, nhiều con cái Chúa cảm thấy bối rối vì không có cách nào bắt Chúa hiện ra bằng xương thịt để mọi người rờ được thấy được; còn lời nói thì quá mơ hồ thiếu hẳn bằng chứng xác thực khiến người khác khó tin.
Điều mà chúng ta có thể làm được là dùng những chứng cớ lịch sử không bác bỏ được đã thật xảy ra, thì mới có thể chứng minh sự sống lại của Đức Chúa Jesus là thật. Từ đó những người hoài nghi có nhiều chi tiết để so sánh và thấy rằng tìm các chứng cớ bác bỏ Đức Chúa Jesus phục sinh thì khó hơn nhiều so với các bằng cớ chứng minh Ngài đã sống lại. Có bốn điểm căn bản mà chúng ta phải biết và ghi nhớ mỗi khi muốn chứng minh sự sống lại của Đức Chúa Jesus: 1. Sự Chết và Chôn của Ngài, 2. Ngôi Mộ Trống, 3. Lòng Tin của các Sứ Đồ, và 4. Sự Quy Đạo của Phaolô.
1. Sự Chết và Chôn của Đức Chúa Jesus. Các sử gia thời nay đều công nhận vào thế kỷ thứ nhất AD có một người tên là Jesus bị đóng đinh chết trên thập tự giá. Ngoài các sách của Kinh Thánh Tân Ước, hai sử gia thế tục là Josephus và Tacitus cũng xác nhận sự kiện ấy có thật. Không có gì vẻ vang khi các môn đồ thú nhận Thầy, Đấng Messiah, của họ bị quân La Mã đóng đinh giết chết. Cũng chẳng ai tranh cãi rằng chuyện đó không có thật. Tất cả bốn sách Phúc Âm đều tường thuật sự chôn cất Đức Chúa Jesus do ông Joseph Arimathea, và ông Nicodemus, hai nghị viên Hội Đồng Công Luận Do-thái-giáo thực hiện. Nếu chuyện ấy là giả dối, thì hai người có chức vị đó đã lên tiếng phản đối và tin đồn sẽ lan ra rằng các môn đồ của Đức Chúa Jesus bịa chuyện. Nhưng vì hai vị nầy đã im lặng xác nhận, thì sự chết và bị chôn của Đức Chúa Jesus là hoàn toàn có thật.
2. Ngôi Mộ Trống – Nếu đã công nhận Đức Chúa Jesus thật đã bị giết chết và an táng bởi hai nghị viên Hội Đồng Công Luận, thì người ta sẽ hỏi: Sau khi Đức Chúa Jesus chết và chôn rồi thì chuyện gì đã xảy ra? Bốn sách Phúc Âm đều tường thuật rằng vào ngày thứ ba sau khi chôn, tức là ngày đầu tiên trong tuần lễ, các người đàn bà đi thăm mộ đều kinh hãi khi không gặp xác Ngài mà thấy các thiên sứ cho biết Ngài đã sống lại (Mác 16:8) “Vừa ra khỏi mộ, các bà đều chạy trốn vì quá kinh ngạc và run sợ. Họ chẳng dám nói gì với ai vì quá khiếp đảm.” Sự ghi chép của cách sách Phúc Âm tường thuật về lời làm chứng của những người đàn bà là chuyện bất bình thường. Vào thế kỷ AD-1, thân phận của đàn bà trong xã hội Do-thái vô cùng thấp kém; đến nỗi những lời chứng của họ không ai thèm nghe. Nếu các môn đồ bịa đặt chuyện Ngôi Mộ Trống, thì họ không dùng lời chứng của phụ nữ.
Chính các sử gia vô thần nhìn nhận rằng xác của Đức Chúa Jesus thật không còn trong ngôi mộ ấy nữa; vì không một người đàn ông Do-thái nào chịu dùng lời chứng của những người đàn bà để xác nhận việc giả dối. Nhưng các sách phúc âm đều tường thuật những lời kể của các phụ nữ về việc thi thể Đức Chúa Jesus biến mất. Hai người đàn ông là Phierơ và Giăng vội vàng chạy đến mộ và xác nhận lời những người đàn bà nói là thật. Chính những lời chứng của các phụ nữ trong cả bốn sách phúc âm đã khiến cho bằng cớ về ngôi mộ trống trở thành rất mạnh, vì điều đó là thật. Một chi tiết nữa là những kẻ thù của Đức Chúa Jesus dù có lính canh gác ngôi mộ cũng không thể tìm ra xác Ngài để tố cáo sự gian dối (Mathiơ 27:65–66) “Philat nói với họ: ‘Các ngươi có lính canh, hãy đi canh mộ cẩn thận theo ý các ngươi.‘ Vậy họ đi niêm phong mộ Ngài và cắt lính canh giữ nghiêm nhặt.” Bởi vì Ngài đã thật sống lại và ra khỏi mộ.
3. Lòng Tin của Các Môn Đồ – Nhiều môn đồ của Đức Chúa Jesus kể lại họ đã thấy và gặp lại Vị Thầy đã bị giết của họ. Những lần gặp, thấy và trò chuyện với Thầy không phải chỉ một lần, nhưng là nhiều lần ở nhiều hoàn cảnh khác nhau. Cũng không phải chỉ một vài ngày, nhưng các lần Đức Chúa Jesus hiện ra gặp họ đã kéo dài vài tuần lễ trước khi Ngài thăng thiên (Công vụ 1:3) “Ngài cũng dùng nhiều cách chứng tỏ cho các sứ đồ rằng Ngài đang sống sau khi đã chịu chết, và hiện đến với họ trong bốn mươi ngày, phán dạy về Vương quốc Đức Chúa Trời.” Người ta thường không đồng ý với nhau về việc nào đó không rõ ràng, như ông Thomas đòi phải rờ Chúa thì mới tin (Giăng 20:24–25) “Lúc Đức Chúa Jêsus đến thì Thomas gọi là Didim, một trong mười hai sứ đồ, không có ở đó với họ. Các môn đồ khác nói với ông: ‘Chúng tôi đã thấy Chúa.‘ Nhưng Thomas đáp: ‘Nếu tôi không thấy dấu đinh trong bàn tay Ngài, nếu tôi không đặt ngón tay tôi vào chỗ dấu đinh, và không đặt bàn tay tôi vào sườn Ngài thì tôi sẽ không tin.‘” Nếu Chúa không sống lại, chắc chắn sẽ có môn đồ tố cáo chuyện gian dối ấy; nhưng tất cả môn đồ đều xác nhận Thầy mình đã sống lại. Mặc dù lúc ấy họ sẽ bình an nếu giữ im lặng không nói gì về sự phục sinh khải hoàn của Thầy mình; nhưng họ sẵn lòng chịu bắt bớ để làm chứng cho sự thật. Vì không ai chịu hi sinh để bảo vệ những điều họ biết chắc là dối trá.
4. Sự Quy Đạo của Phaolô – Những kẻ chống báng Cơ-đốc-giáo và hoài nghi sự sống lại của Đức Chúa Jesus đều bị cứng họng trước lịch sử quy đạo của sứ đồ Phaolô. Nhất là câu chuyện ly kỳ ấy do chính Phaolô tường thuật trong nhiều thư tín do ông viết (Galati 1:13–14) “Anh em hẳn đã nghe về lối sống của tôi trước đây khi tôi còn theo Do Thái giáo là thể nào. Tôi đã thẳng tay bắt bớ và cố tiêu diệt Hội Thánh của Đức Chúa Trời. Trong Do Thái giáo, tôi vượt xa nhiều người Do Thái cùng thời với tôi, vì tôi đã quá hăng say với các truyền thống của tổ phụ mình;” hoặc chính miệng ông thuật lại (Công vụ 26:13–15) “Trên đường đi, muôn tâu, vào lúc giữa trưa, tôi thấy có ánh sáng từ trên trời chói lọi hơn mặt trời, chiếu chung quanh tôi và những người cùng đi. Khi tất cả chúng tôi ngã xuống đất, tôi nghe tiếng phán với tôi bằng tiếng Hêbơrơ rằng: ‘Hỡi Saul, Saul, sao ngươi bắt bớ Ta? Đá vào mũi nhọn thì thật khó chịu cho ngươi.’ Tôi thưa: ‘Lạy Chúa, Chúa là ai?’ Chúa đáp: ‘Ta là Jêsus mà ngươi đang bắt bớ.‘” Khác với tất cả các sứ đồ, Phaolô vốn không phải là một môn đồ đi theo Đức Chúa Jesus khi Ngài thi hành thánh vụ của Ngài. Hơn nữa, ông là kẻ thù không đội trời chung với các môn đồ của Hội Thánh Chúa thời sơ lập (Công vụ 8:3) “Nhưng Saul tàn hại Hội Thánh, xông vào từng nhà bắt cả đàn ông lẫn đàn bà bỏ tù.” Cho nên, sự quy đạo bất ngờ của ông là một biến cố làm đau đầu giới lãnh đạo Do-thái-giáo và những người Judah thù ghét Hội Thánh của Chúa. Dân Judah căm hờn Phaolô nhất vì ông xác nhận Đức Chúa Jesus thật đã sống lại.
Làm sao dân Do-thái có thể chịu nổi một người vốn vô cùng nồng nhiệt với Do-thái-giáo bỗng đột ngột trở ngược xác nhận người bị họ mượn tay quân La-mã giết chết vì căm ghét đã thật sống lại và Ngài chính là Đấng Thiên Sai mà dân Do-thái hằng mong đợi. Không có một lý lẽ nào giải thích nổi sự thay đổi lập trường một cách dứt khoát, nếu Phaolô không thật sự gặp Chúa phục sinh một cách cá nhân. Ông tiết lộ rằng “Tin Lành mà tôi đã công bố không đến từ loài người đâu; vì tôi không nhận và cũng không học Tin Lành đó từ một người nào, nhưng bởi sự mặc khải của Đức Chúa Jêsus Christ” (Galati 1:11–12). Vì thế, hơn 40 người Judah thề nguyện giết chết Phaolô để bịt miệng ông (Công vụ 23:12–13) “Đến sáng, người Do Thái lập mưu và thề với nhau rằng họ chẳng ăn chẳng uống cho đến khi giết được Phao-lô. Có hơn bốn mươi người đã dự vào âm mưu đó.” Vì vậy, Phaolô là bằng cớ hùng hồn nhất xác nhận Chúa đã sống lại.
Chỉ cần nắm vững 4 điểm căn bản mà lịch sử xưa đã chi chép, chúng ta biết chắc Đấng chúng ta tin và tôn thờ đã thật sự phục sinh. Tuy nhiên, bằng cớ chứng minh mạnh mẽ hơn hết phải là sự biến đổi thành người mới bên trong chúng ta. Vì ngoài Chúa ra, không quyền lực nào làm nổi việc đó. Người chưa tin Chúa sẽ được con người đã đổi mới bên trong chúng ta thuyết phục họ rằng Đức Chúa Jesus hiện đang sống trong lòng những người tin Ngài.
KhoiDauMoi15.docx
MS CTB