Những Điều Cần Biết, 23
Mathiơ 1:18–2:23
Số người trong Hội thánh có hiểu biết một cách chính xác về thời điểm giáng sinh của Đức Chúa Jesus thì không nhiều, người chưa tin lại càng không biết.
Xưa nay, người ta lầm tưởng rằng năm thứ nhất của Công-nguyên Tây-lịch đúng là năm Đức Chúa Jesus giáng sinh. Nghĩa là biến cố Chúa giáng sinh theo cách tính của họ thì tới nay đã trải qua 2017 năm, theo lịch được áp dụng chung cho cả thế giới, gọi là lịch Gregorian 1582 Công-nguyên (CE = Common Era), vì nó được đặt theo danh hiệu giáo hoàng La-mã Gregory XIII.
Năm 525, Dionysius đặt thêm các chữ BC (Before Christ) và AD (La-tinh Anno Domini = Năm của Chúa) ngay sau niên đại để phân biệt các sự kiện xảy ra trước hoặc sau năm Đức Chúa Jesus giáng sinh. Việc đặt thêm các chữ BC và AD là dùng sự kiện Chúa giáng sinh làm một cái mốc chia đôi dòng lịch sử.
Khoảng hơn 30 năm trước đây, giới vô thần và những người theo các tôn giáo hung hăng chống đối Cơ-đốc-giáo đã không dùng AD (Anno Domini) và BC (Before Christ) nữa, mà dùng chữ công nguyên CE và BCE để định niên đại. BCE = Before Common Era, là trước công-nguyên thay thế cho BC (trước Đấng Christ).
Ngày nay, dù thế giới có dùng BCE và CE, họ cũng phải công nhận mốc lịch sử Đức Chúa Jesus giáng sinh là sự kiện không chối cãi được. Từ cách tính số năm theo BCE và CE, có người còn tính rằng phải có năm 0 nằm chen giữa năm 1 BCE với năm 1 CE. Đa số sử gia không chấp nhận có năm số 0; chỉ năm 1 trước và năm 1 sau mà thôi.
Nhưng vấn đề đặt ra là: Có phải Đức Chúa Jesus giáng sinh vào năm 1 công nguyên hay không? Trái với sự lầm tưởng của nhiều người, khi lấy các sự kiện ghi chép trong sách Phúc-âm Mathiơ, so với một số sự kiện lịch sử của thời Chúa giáng sinh, người ta thấy có một số biến cố đã xảy ra không trùng hợp theo cách lịch Gregorian lấy năm AD 1 làm năm sinh của Chúa.
Sách Phúc-âm Mathiơ cho biết Đức Chúa Jesus giáng sinh nhằm triều đại Herod đại đế (Mathiơ 2:1). Nhiều sử gia hiện đại đã nghiên cứu kỹ lịch sử La-mã, trong đó có lịch sử của Herod đại đế, vì Herod được hoàng đế La-mã phong tước hiệu ‘Bạn của Caesar.’
Theo sự nghiên cứu sách sử ký của sử gia lừng danh thời thế kỷ thứ nhất AD, Josephus, thì Herod chết vào khoảng giữa lần nguyệt thực xảy ra vào đêm 9 rạng 10, tháng Một, trước lễ Vượt-qua của năm 1 BC. Ngày nay người ta tính ra Herod chết 18 ngày sau nguyệt thực (Mathiơ 2:19).
Một sự kiện lịch sử nữa diễn ra quanh sự giáng sinh của Chúa chúng ta là sắc lệnh điều tra dân số của hoàng đế La-mã Augustus, mà bác sĩ Luca ký thuật là diễn ra vào lúc Quirinius đang tạm thời giữ chức vụ tổng-đốc xứ Syri (Lu-ca 2:1–2).
Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng sử sách La-mã và các sách ghi chép của sử gia Josephus, các thần học gia và sử gia ngày nay đều đồng ý là cuộc điều tra dân số ấy xảy ra vào năm 3 hay 2 BC; bởi vì Quirinius có trở lại làm tổng đốc xứ Syri một lần nữa vào năm AD 6.
Hiện tượng ngôi sao lạ xuất hiện ở Đông-phương dẫn đường cho ba nhà thông thái phương xa đến xứ Do-thái tìm kiếm vị đế vương mới ra đời (Mathiơ 2:1–12), cũng là một dấu hiệu khá rõ ràng để xác định năm Đức Chúa Jesus giáng sinh.
Các học giả thiên văn không truy ra được một ngôi sao chổi nào đặc biệt xuất hiện vào khoảng thời gian đó theo như Mathiơ tường thuật. Tuy vậy, họ tìm thấy vào ngày 14 tháng Chín, năm 3 BC, Mộc-tinh ở trên trời, được gọi là sao Vua, nằm kề bên ngôi sao Regulus trong chòm sao Leo (cũng được xem là hoàng gia), ánh sáng của hai thiên thể tạo thành một sự kết hợp sáng rực rỡ.
Vào ngày 17 tháng Sáu, năm 2 BC, Mộc-tinh và Kim-tinh xuất hiện như chạm vào nhau tạo thành một hiện tượng tựa như quả cầu chiếu sáng. Sự kiện nầy chắc không thoát khỏi sự quan sát của các nhà thông thái Đông-phương.
Vì Herod ra lệnh “giết tất cả các bé trai từ hai tuổi trở xuống theo đúng ngày tháng mà các nhà thông thái đã cho vua biết” (Mathiơ 2:16), thì có lẽ lúc đó Đức Chúa Jesus khoảng chín tháng tuổi. Bởi vì có lẽ các nhà thông thái đã cho Herod biết ngày tháng ngôi sao xuất hiện trong năm trước đó; cũng là độ dài thời gian mà họ phải đi đường từ xứ mình tới Jerusalem.
Mathiơ không nói ngôi sao xuất hiện trong suốt hai năm. Ông chỉ nói là khi các nhà thông thái rời khỏi Jerusalem, thì ngôi sao lạ họ thấy bên đông phương lại xuất hiện, dẫn đường cho họ (Mathiơ 2:9–10).
Như vậy, sau khi xem xét, phối hợp, đối chiếu, cộng, và trừ thời gian của các biến cố và sự kiện lịch sử, chúng ta có thể khẳng định năm sinh của Đức Chúa Jesus không phải là năm AD 1. Bởi vì Herod đã chết vào ngày 28 tháng 1 năm 1 BC, sau khi ra lệnh tàn sát tất cả bé trai từ hai tuổi trở xuống ở Bết-lê-hem và các vùng phụ cận.
Mathiơ thuật lại rằng: “Sau khi họ đi rồi, một thiên sứ của Chúa hiện ra bảo Giô-sép trong giấc chiêm bao: ‘Hãy thức dậy, đem Con Trẻ và mẹ Ngài lánh qua Ai-cập, và cứ ở lại đó cho đến khi nào tôi báo tin cho ông, vì Hê-rốt sắp tìm giết Con Trẻ’ (Mathiơ 2:13). Nghĩa là Chúa vào đời lúc Herod đang là vua chư hầu trị vì xứ Giu-đê. Hơn nữa, cuộc điều tra dân số (Luca 2:1–2) cũng đã diễn ra vào năm 3 hoặc 2 BC.
Năm 1 BC cộng thêm hai năm trước là 3 BC. Hầu hết các sử gia và các giáo phụ của Hội-thánh từ các thế kỷ đầu của lịch sử Hội-thánh, đều tin rằng Đức Chúa Jesus đã giáng sinh khoảng năm 2 hoặc 3 BC. Sắc lệnh điều tra dân số thời Quirinius làm tổng đốc Syri cũng vào các năm 3 và 2 BC.
Hiện tượng thiên văn bất thường Jupiter với Regulus đúng vào ngày 14 tháng Chín, năm 3 BC, rồi Jupiter và Venus mọc sát nhau trên vòm trời vào ngày 17 tháng Sáu, năm 2 BC, cũng là một hiện tượng thiên văn bất thường được xem như ngôi sao soi đường cho các nhà thông thái đi tìm Chúa. Bởi vì ngôi sao chính đó vẫn là Mộc-tinh (Jupiter).
Trong bài học tuần trước, chúng ta đã khám phá Đức Chúa Giêxu giáng sinh vào tháng Chín dương lịch. Thế thì, hiện tượng thiên văn ngày 14 tháng Chín năm 3 B.C. có gợi trong chúng ta ý nghĩ gì về mối liên quan giữa sự kiện đó với biến cố Đức Chúa Jesus giáng sinh không?
Mặc dầu chưa ai dám khẳng định chính xác ngày sinh của Đức Chúa Jesus; nhưng sau khi nghiên cứu, chúng ta có thể tin chắc rằng Chúa chúng ta được sinh ra vào tháng Chín dương lịch, tức là mùa thu năm 3 BC. Rồi khi các nhà thông thái rời Jerusalem lại thấy ngôi sao lạ, thì lúc đó đã là tháng Sáu năm 2 BC.
Về ngày sinh thì chưa có chứng cớ nào rõ ràng, mà lúc ấy bà Mari và ông Joseph không có lịch thống nhất cả thế giới như ngày nay. Họ chỉ nhớ rõ là có cuộc điều tra dân số theo sắc lệnh của hoàng đế Augustus vào thời Qyirinius làm tổng đốc xứ Syri mà thôi.
Sau khi nghiên cứu các bài học Kinh-thánh xem xét những lời ký thuật về sự giáng sinh của Đức Chúa Jesus, một điều hết sức rõ ràng nổi lên là hầu hết kiến thức tôn giáo mà anh chị em tín hữu lượm lặt được là do nghe người khác truyền lại, rồi mọi người cứ tưởng những điều họ nghe và thấy thực hiện theo truyền thống là hoàn toàn đúng.
Nhưng bây giờ, sau khi thấy có một số sự kiện không chính xác hay không hợp lý mà mình chưa từng biết, thì lỗi thứ nhất là do thiếu nghiên cứu Kinh-thánh cho riêng mình, hay đọc mà không suy gẫm kỹ càng; lỗi thứ nhì thuộc về các nhà nghiên cứu Kinh-thánh không truyền đạt, vì: hoặc là không nhận ra, hoặc là không dám phổ biến điều mình tìm được vì sợ đi ngược với truyền thống thì không được số đông chấp nhận.
Anh chị em tín hữu vẫn có thể chấn chỉnh khuyết điểm thứ nhất bằng cách dành thì giờ đọc Kinh-thánh theo kiểu suy gẫm cặn kẽ bằng cách đặt những câu hỏi hay nghi vấn mà mình thấy là các chi tiết có vẻ không hợp lý hay khó hiểu.
Hội thánh tổ chức các buổi học Kinh-thánh hàng tuần là nhằm mục đích hướng dẫn cho các thành viên của Hội thánh hiểu Lời Chúa đã ghi trong Kinh Thánh một cách rõ ràng. Trong thời đại khoa học kỹ thuật tân tiến hiện nay, những con cái Chúa không thể tới học trực tiếp ở nhà thờ thì vẫn có thể theo dõi để học qua internet. Chúa đã ban đầy đủ phương tiện mà ai vẫn tiếp tục không chịu học thì sự thiếu hiểu biết Kinh thánh hay các vấn đề thuộc đời sống tâm linh là người đó chịu trách nhiệm trước mặt Chúa.
Có lẽ một số tín hữu nào đó vẫn tin rằng họ biết Kinh-thánh khá rõ ràng vì đã trung tín đọc hàng ngày trong nhiều năm. Nhưng trong số đó có nhiều người tưởng rằng những sự tích Chúa giáng sinh đều chép trong tất cả các sách Phúc Âm của Tân ước; đến khi cần phải chứng minh các chi tiết của sự kiện giáng sinh, thì đại đa số mới khám phá ra rằng chỉ có hai sách phúc âm Mathiơ và Luca là có ghi chép các chuyện tích giáng sinh mà thôi.
Qua kinh nghiệm nầy, người thật lòng yêu mến Chúa sẽ thay đổi thái độ của mình đối với Kinh thánh. Càng học Kinh thánh nhiều chừng nào, người học càng yêu mến và kính sợ Chúa hơn chừng đó vì càng tăng trưởng thêm lên trong nếp sống đức tin.
Đó là những người hữu hiệu và ích lợi cho Vương quốc của Đức Chúa Trời.
NhungDieuCanBiet23.docx
Rev. Dr. CTB