Tín Đồ Của Chúa, bài 26

Rôma 7:14-25

Chúng ta đang thảo luận phương diện thánh khiết của Hội-thánh để được Đức Chúa Trời ban sự hiện diện quyền phép của Ngài giữa chúng ta, giúp cho việc truyền giáo đạt kết quả nhiều hơn là kiểu truyền giáo bằng lý thuyết.

Điều nầy cũng dễ hiểu; có thể ví truyền giáo bằng quyền năng giống như sử dụng cưa máy sẽ đạt hiệu quả nhanh gấp nhiều lần cưa tay và đỡ mất nhiều sức lực; bởi vì không có biện pháp nào thuyết phục người ta tin Đức Chúa Jesus là Đức Chúa Trời hơn là quyền phép thiên đàng thể hiện qua Danh Ngài (Công vụ 3:6-10).

Thế nhưng, Chúa chỉ ban sự hiện diện quyền năng của Ngài cho Hội thánh nào theo đuổi sự thánh khiết thiên đàng, vì thế chúng ta cần phải hiểu rõ các điều kiện phải có để gìn giữ sự thánh khiết đã ban cho mỗi người, khi chúng ta nhờ lòng tin vào ơn chuộc tội của Đức Chúa Jesus mà được xưng công chính.

Được thánh hoá và cách gìn giữ sự thánh khiết không quá khó như người ta vẫn tưởng. Chúa không đòi hỏi điều mà con cái Ngài không thể làm được.

Vấn đề trục trặc trong việc gìn giữ, duy trì sự thánh khiết trong đời sống nhiều tín hữu là do không hiểu rõ sự tranh chấp giữa hai khuynh hướng trong cuộc xung đột không ngừng của tâm tánh xác thịt chống lại sức thúc giục thánh của Đức Thánh Linh trên tiến trình thánh hoá:

Vì xác thịt có những dục vọng trái ngược với Thánh Linh, và các ý muốn của Đức Thánh Linh trái ngược với xác thịt; hai bên đối nghịch nhau như vậy nên anh em không làm được điều mình muốn” (Galati 5:17).

Nghĩa là người nào cứ để tâm tánh xác thịt của mình chống trả sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh, thì thiên trình của người đó có nhiều trở ngại, tiến trình thánh hoá bị khó khăn trầy trật, sức trì kéo ấy khiến đời sống đạo rất vất vả.

Bài nầy sẽ trình bày những cách giải quyết khó khăn cho các tín hữu thật lòng muốn bước theo Chúa mà bị trì kéo, chứ không thể giúp gì được cho những người theo đạo mà đời sống tâm linh luôn luôn bạc nhược.

Bởi vì những người nầy hoặc là thường xuyên phạm tội vì tự nghĩ rằng tội lỗi chẳng có gì là quan trọng, có tiếng theo đạo là đủ; hoặc là biết rõ hậu quả tai hại của tội lỗi nhưng không thắng nổi thói quen phạm tội, nên không thể theo đuổi sự thánh hoá.

Sự hiểu lầm ý nghĩa của phân đoạn Rôma 7:14-25 là cho rằng trong nội tâm con người luôn luôn có cuộc tranh chiến giữa Đức Thánh Linh với tâm tánh xác thịt. Nhưng phần ấy chẳng nhắc gì tới Thánh Linh cả, mà trình bày cho chúng ta biết rằng ở ngoài Đức Thánh Linh, điều thiện chẳng thể có trong lòng người. “Tôi biết rằng điều thiện không ở trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi” (7:18).

Không chỗ nào trong Kinh thánh nói chung, và trong các thư tín của sứ đồ Phao-lô nói riêng, mà trình bày đời sống tín đồ là cuộc tranh chấp triền miên giữa Đức Thánh Linh với xác thịt; xác thịt chống trả sự thúc giục thánh khiết của Đức Thánh Linh nhưng không bao giờ có thể thắng.

Các phần Kinh thánh trình bày nhằm chỉ dẫn cho tín hữu nào chịu nghe lời Đức Thánh Linh và làm theo, thì sẽ thành công trên tiến trình thánh hoá. Đức Chúa Trời công chính không khi nào ép buộc tín hữu phải theo Ngài. Mỗi người đều có quyền tự do lựa chọn vâng lời hay chống trả.

Mỗi tâm linh đều phải lập quyết định khi đứng trước mọi vấn đề. Người quen vâng lời thì dễ lập quyết định vâng lời; còn người thấy khó khăn là vì tự yêu mình quá mức, lấy mình làm trung tâm nên khó theo gương hi sinh của Đấng Christ, và khó bước đi cách tự tin theo Đức Thánh Linh.

Nếu khi nào mình né tránh không nhìn nhận sự sai trật, luôn đổ trách nhiệm trên người khác hoặc trách móc người chung quanh khi mắc phải lỗi lầm, vì sợ người khác biết mình dở, thì đó là hiện tượng tâm tánh xác thịt đang chống trả Đức Thánh Linh.

Có hai ý nghĩa khác nhau về nhóm chữ “anh em không làm được điều mình muốn” (Galati 5:17b): Hoặc là không có khả năng làm điều tốt theo sự thúc giục của Đức Thánh Linh, hoặc đã biết điều đó là sai trái nên không dám làm, dù bản tánh xác thịt ưa thích.

Người nào tuy có biết luật pháp thánh của thiên đàng nhưng lòng để cho tâm tánh xấu của xác thịt tranh chấp với lương tâm hướng về điều tốt, thì người ấy sẽ chiều theo sự đòi hỏi của xác thịt và luôn luôn thua vì dập tắt sự cáo trách của Đức Thánh Linh, làm lơ sự hướng dẫn của Ngài; cho nên, không đủ năng lực thuộc linh để chiến thắng (Rôma 7:18b-20).

Vậy thì, để theo đuổi sự thánh khiết, mọi tín hữu đều cần sự giúp sức của Đức Thánh Linh vì tự mình “không có điều thiện ở trong” mình (Rôma 7:18a).

Theo ý nghĩa của Rôma 7 và 8 người nào đã quyết tâm tin nhận Đấng Christ và bước đi theo sự dắt dẫn của Đức Thánh Linh, thì cuộc sống bị xác thịt làm chủ đã chấm dứt; bởi vì dưới Giao Ước Mới, Đức Chúa Jesus và Đức Thánh Linh đã kết thúc thời đại luật pháp và xác thịt, tức là thời chúng ta sống ngoài Chúa vì chưa tiếp nhận Ngài vào làm Chủ đời mình.

Bây giờ mình đã tin nhận Đức Chúa Jesus và được ban Đức Thánh Linh vào lòng rồi thì sẽ sống theo sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh (Rôma 8:5-6). Bởi vì “người sống theo xác thịt thì không thể đẹp lòng Đức Chúa Trời” (Rôma 8:8).

Sống theo sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh không có nghĩa là sẽ không còn bị cuộc sống xác thịt cũ cám dỗ, lôi kéo. Nhưng, như người được cứu khỏi vũng sình và đã được tắm rửa sạch sẽ thì chẳng bao giờ có ý muốn trở lại vũng sình hôi thối cũ.

Sự cám dỗ luôn luôn mạnh, mỗi khi tâm trí gợi lại những kỷ niệm ấp ủ trong quá khứ mà quên mất hiện tại mình đang được thánh sạch, thì sức cám dỗ sẽ rất mạnh. Những ai đã quen vâng lời Đức Thánh Linh, thì Ngài sẽ nhắc nhở, dạy bảo, chỉ dẫn, và khuyên lơn người ấy đừng trở lại đường cũ, vì hiện tại thì sáng sủa mà tương lai thì vinh quang huy hoàng.

Thánh khiết là biết lấy các giá trị mới do Đức Thánh Linh ban cho so với các giá trị và quan điểm mình vốn có trước khi tiếp nhận Chúa, để thấy chúng xa cách nhau một trời một vực, thì sẽ vô cùng xấu hổ.

Người bị tâm tánh xác thịt điều khiển sẽ không nhận ra sự ô uế, chỉ thấy các đòi hỏi của xác thịt là chính đáng và cần thiết đối với họ, nên luôn thua sự cám dỗ.

Cũng cần nhắc lại ý nghĩa của sự thánh hoá là được ở trong Đức Chúa Jesus nhờ đã được tha tội và chuộc ra khỏi án phạt của tội lỗi, được sống dưới luật mới của Đức Thánh Linh (Rôma 8:2), quyền năng mới từ Đức Chúa Trời (2Côrinhtô 10:4) và mục đích mới cho đời sống (Philip 3:8-10).

Ai muốn tiếp tục tăng trưởng trong sự thánh hoá thì phải thay đổi cách suy nghĩ bằng cách tiếp nhận tư tưởng mới từ Đức Chúa Trời qua sự dạy dỗ của Ngài trong Kinh thánh.

Sở dĩ cách suy nghĩ cũ của xác thịt dám chống lại Đức Thánh Linh vì chúng ta chưa hiểu đúng về sự thánh khiết. Mà sự thiếu sót đó là hậu quả của việc tín hữu ngày nay hầu như quên bẵng tính cách oai nghi của Đức Chúa Trời.

Không một vương quyền hay quyền lực nhà nước nào trên thế gian có thể so với một mảy vinh quang oai nghi của Vị Chúa Tể trời đất. Ai hiểu điều đó thì biết thánh khiết là gì.

Vậy, để có thể luôn luôn chiến thắng con người xác thịt cũ vẫn thường ngóc đầu dậy tác quái, chúng ta cần phải trở lại học biết về Đức Chúa Trời, sự oai nghi của vinh quang Ngài cao xa hơn trình độ chúng ta biết về Ngài hiện nay, là tình trạng một số giáo hội đã hạ Ngài xuống ngang với sự tầm thường của họ.

Người ta luôn luôn kính sợ người có quyền lực lớn và được dân chúng tôn trọng. Vô số giáo đồ của các giáo hội sa bại chưa bao giờ được nghe biết sự thánh khiết, uy nghi, cao sang, và tôn quý của Đức Chúa Trời như thế nào. Đó cũng là nguyên nhân chính của sự thiếu kính sợ và thiếu tôn trọng Đức Chúa Trời trong vòng vô số tín hữu.

Nghĩa là người ta chưa có sự hiểu biết đúng về Đức Chúa Trời. Hãy tự hỏi, mỗi lần nhắc đến Chúa, chúng ta nghĩ về Ngài như thế nào? Hiểu và biết đúng sự thật về Đức Chúa Trời sẽ khiến chúng ta sống thánh khiết.

Giống như người của xã hội văn minh và vệ sinh không thể trở lại kiểu ăn ở dơ bẩn của thời còn lạc hậu, hoặc chẳng ai trong thời đại máy móc lấy hòn đá mài giũa thành vật dụng trong nhà của họ, thì người đã biết Đức Chúa Trời, sự vinh quang oai nghi của Ngài, sự thánh khiết và tình yêu vô bờ bến của Ngài, sẽ không bao giờ để cho xác thịt lôi kéo trở lại con đường tội lỗi cũ hay những thói quen bị Đức Chúa Trời nhờm tởm.

Vậy, để thắng cuộc tranh chấp của xác thịt chống lại sự thúc giục và dạy dỗ thánh khiết của Đức Thánh Linh, là trở lại học hiểu để có sự hiểu biết chính xác về Đức Chúa Trời mà chúng ta đang thờ phượng.

TinDoCuaChua26.docx

Rev. Dr. CTB