Theo Dõi Tận Thế, bài 35

Khải Huyền 5:1–14

Tới phần nầy, ông Giăng mô tả một cảnh trạng khác ở thiên đàng chuyển từ sự phụng thờ tôn vinh Đức Chúa Trời sang một cuộn sách đặc biệt có niêm bảy ấn: “Rồi tôi nhìn thấy trong tay phải của Đấng ngồi trên ngai một quyển sách viết cả trong lẫn ngoài, được niêm bằng bảy ấn. Tôi cũng thấy một thiên sứ đầy uy lực lớn tiếng công bố rằng: Ai là người xứng đáng mở quyển sách và tháo các ấn nầy?Không một ai ở trên trời, dưới đất hoặc bên dưới đất có thể mở hoặc nhìn vào quyển sách. Tôi khóc nức nở, vì không ai xứng đáng mở hoặc nhìn vào quyển sách” (1–4). Ý nghĩa của cuộn sách trong tay Đấng ngồi trên ngôi là rất quan trọng; vì nếu hiểu sai ý nghĩa về cuộn sách ấy thì người đọc sẽ hiểu sai toàn thể ý nghĩa của sách Khải Huyền. Vậy, sách đó là sách gì mà khi nghe rằng không có ai xứng đáng mở nó ra hoặc nhìn xem nó thì ông Giăng khóc nức nở?

Ngày xưa, sách làm bằng giấy hay da thuộc lạng mỏng cuộn quanh lõi gỗ gọi là quyển. Ở thời Cựu ước, quyển sách bị niêm lại bằng bảy cái ấn là một thứ bằng khoán về chủ quyền cơ nghiệp đất đai đã bị bán cho người khác. Trong viký 25:23–28, luật về đất đai của Chúa truyền cho người Do-thái rằng đất không được bán đứt. Khế ước bán đất và quyền chuộc lại được viết trước mặt những người chứng; khi mỗi điều khoản được viết xong thì đóng ấn niêm điều khoản ấy lại. Lúc điều khoản cuối cùng đã được niêm, thì viết bên ngoài cuộn sách tên của khế ước hoặc bằng khoán đó là gì? Giữa những ai? Ai là người làm chứng? Khế ước ấy được sao ra một bản phụ do người chủ mới giữ, còn bản chánh thì gửi vào văn khố của Đền Thờ. Về sau, ai muốn chuộc đất lại thì lục tìm bản chánh trong văn khố Đền Thờ và mở ra trước mặt những người chứng.

Thuở xưa, vì ông Adam đã trao quyền quản trị thế giới vào tay Satan, nên không một ai đủ tư cách để chuộc lại, dù là thiên sứ trên trời, vĩ nhân trên đất, hoặc các ác thần. Vì lúc ấy ông là một người đang trong tình trạng vô tội làm mất chủ quyền, thì chỉ một người vô tội khác mới có quyền chuộc chủ quyền ấy lại được, mà mọi người đều có tội. Đức Chúa Jesus đã xuống trần, Chiên Con thánh khiết không tì vết của Đức Chúa Trời làm lễ vật hi sinh chịu bị giết để thỏa mãn những điều kiện của khế ước mà Đức Chúa Trời đã thiết lập. Ông Giăng khóc vì ông thấy rằng nếu không ai xứng đáng mở sách thì nhân loại sẽ mãi mãi nằm dưới quyền quản trị của vương quốc tối tăm. Một trưởng lão đã an ủi Giăng, cho ông biết rằng sư tử của chi tộc Giuđa đã đủ tư cách để mở sách.

Nhưng một trong các trưởng lão nói với tôi: Đừng khóc, kìa, Sư tử của chi tộc Judah, hậu tự của David, đã đắc thắng nên có thể mở quyển sách và mở bảy ấn ra.Tôi thấy Chiên Con như đã bị giết đang đứng giữa ngai, vây quanh bởi bốn sinh vật và các trưởng lão. Chiên Con có bảy sừng và bảy mắt, tức là bảy linh của Đức Chúa Trời sai đi khắp đất” (5–6).

Tại sao vị trưởng lão nói hậu tự của David là “Sư tử của chi tộc Judah,” nhưng khi ông Giăng nhìn theo hướng vị trưởng lão chỉ thì không thấy sư tử đâu hết, chỉ thấy một Chiên Con như đã bị giết đang đứng giữa ngai? Như vậy, quan điểm thiên đàng xem Đức Chúa Jesus là sư tử của chi tộc Judah, biểu tượng của vị Chúa Tể vô địch. Nhưng khi ông Giăng nhìn từ quan điểm trần gian thì chỉ thấy đó là Chiên Con đã bị giết. Sự mầu nhiệm về hình ảnh Chiên Con bị giết đã vượt xa sự hiểu biết và suy tưởng của cõi vật chất lẫn cõi linh. Đấng Chúa Tể vũ trụ đã sẵn lòng làm Chiên Con làm tế lễ bị giết để chuộc lại sản nghiệp mà Adam đã làm mất. Satan biết đức công chính của Đức Chúa Trời không thể kể kẻ có tội là vô tội, biết rõ quyền lực của tội lỗi, và biết tội lỗi là phạm trù không ai chạm tới được; nên hắn yên chí rằng không ai có thể chuộc tội được hết.

Nhưng khi hắn thành công trong việc xúi giục người Judah đòi nhà cầm quyền La mã đóng đinh Đức Chúa Jesus, hắn không biết rằng lúc Ngài bị đóng đinh giết chết trên cây thập tự, thì giá chuộc lại sản nghiệp của Đức Chúa Trời đã được trả xong. Tuy nhiên, những điều khoản của khế ước chỉ có thể được thực hiện sau khi Hội Thánh làm xong nhiệm vụ của mình để được Chúa rước về nước vinh hiển của Ngài. Những hình ảnh, sự kiện mà ông Giăng được thấy đều là biểu tượng của những việc sẽ xảy ra sau nầy, chứ không phải là những việc đã xảy ra. Lúc Chiên Con bước tới lấy quyển sách khế ước từ tay Đấng ngồi trên ngôi (7), đó là thời điểm Ngài chuộc lại thế gian, sản nghiệp Đức Chúa Trời ban cho loài người. Nhưng hiện nay việc ấy chưa xảy ra, vì chúng ta thấy nước tối tăm của Satan vẫn đang làm chủ thế giới ngoại giáo.

Những điều khoản của khế ước chỉ có thể được thực hiện sau khi Hội Thánh đã kết thúc nhiệm vụ của mình để được Chúa rước về nước Ngài. Sau đó, việc Chiên Con tháo ấn mở sách để chuộc sản nghiệp mới diễn ra được. Sứ đồ Phao-lô được Đức Thánh Linh chỉ dẫn cho biết rõ nhiệm vụ của Hội Thánh là: Phải công bố cho những kẻ cầm quyền trong linh giới biết rằng Đức Chúa Jesus Christ đã hoàn thành điều khoản cứu chuộc loài người mà khế ước đòi hỏi: “Bây giờ, qua Hội Thánh, sự khôn ngoan vô hạn của Đức Chúa Trời được bày tỏ cho những kẻ thống lĩnh, những quyền lực trong các nơi trên trời, theo mục đích đời đời mà Ngài đã hoàn tất trong Đấng Christ Jêsus, Chúa chúng ta” (Êph. 3:10–11). Nhưng, sự khôn ngoan vô hạn của Đức Chúa Trời là thế nào?

Kế hoạch khôn ngoan vô cùng của Đức Chúa Trời là cho phép ma quỷ thành công trong việc đóng đinh Đức Chúa Jesus; nhưng khi huyết hi sinh của Ngài đổ ra thì uy lực của huyết ấy đã bứt đứt mọi gông xiềng của ma quỷ trên nhân loại. Nhiệm vụ của Hội Thánh là thông báo tin mừng ấy cho thế gian và cho mọi thế lực tối tăm được biết nữa. – Sau khi Hội Thánh đã hoàn thành nhiệm vụ loan báo tin mừng, và thời gian đã tới hồi chấm dứt; lúc đó, Chiên Con tháo từng ấn và mở sách ra để công bố các điều khoản đã thực hiện xong, chuộc cả thế giới lại cho chính Ngài. Cả thiên đàng bùng lên lời ngợi ca cung kính chúc tụng Chiên Con ở giây phút mà vũ trụ chờ đợi hàng ngàn năm qua; họ công bố lý do tại sao Ngài xứng đáng cầm lấy khế ước và mở nó ra (8–10).

Bài hát của các trưởng lão nhắc đến việc Chiên Con đã dùng huyết mình để chuộc mọi người và khiến mọi thánh đồ trở nên Vương quốc và thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời; có thể bài hát đó là chứng cớ để chúng ta đoán rằng họ đại diện cho Hội Thánh. Vì qua bài ca của các thiên sứ hát tiếp sau đó, người ta quan sát thấy là họ không nhắc đến huyết, họ chỉ ca ngợi sự hi sinh của Chiên Con (11–12). Người ta có thể hiểu rằng vì họ là thần linh ở thiên đàng và không sa ngã, nên không cần đến huyết chuộc tội. Chúng ta cũng thấy thánh đồ được chuộc đều ngồi quanh ngai, còn các thiên sứ thì đứng quanh ngai; (Hêbơrơ 1:14) chép rằng: “Không phải tất cả thiên sứ là các thần phục vụ, được sai xuống để phục vụ những người thừa hưởng sự cứu rỗi hay sao?” Sau đó toàn thể tạo vật hát bài chúc tụng Đấng ngồi trên ngôi và Chiên Con: “Chúc cho Đấng ngồi trên ngai và Chiên Con được ca ngợi, tôn trọng, vinh quang và uy lực cho đến đời đời!” (13b).

Các trưởng lão, mọi thiên sứ và mọi tạo vật đồng dâng lên Chúa lời chúc tụng. Họ ca ngợi rằng Ngài đáng được ngợi khen, tôn quý, vinh quang và quyền phép cho đến đời đời; bài ca ngợi nào cũng trác tuyệt, nhưng bài ca của các thánh cao đẹp hơn hết vì bài ca ấy nhắc đến tình yêu vĩ đại của Đức Chúa Trời dành cho loài người hay phản bội bằng dòng huyết báu của Chiên Con. –  Khi các phần chuẩn bị để Chiên Con chuộc lại trái đất đã xong, thì tới phần thi hành các điều khoản ghi trong sách khế ước. Mỗi điều khoản là một tai hoạ đổ xuống thế gian để trừng phạt tội lỗi. Vì Đức Chúa Trời là Đấng công minh, nên những tai hoạ trong sách khế ước áp dụng cả cho người không tin lẫn các tín hữu có đời sống tâm linh yếu đuối do yêu mến trần tục và của cải vật chất.

Cho nên những ai nghe sách nầy phải lập quyết định để chọn hoặc cuộc sống thanh khiết yêu mến Chúa bây giờ để được đổi mới và được rước đi trước cơn đại nạn, hoặc theo đuổi lạc thú xác thịt bây giờ để sẽ chịu khổ trong cơn đại nạn, rồi phải chịu tử đạo mới mong được cứu, ấy là sự lựa chọn và quyết định riêng của mỗi người. Phần chúng ta, hãy chọn yêu mến Chúa ở thiên đàng.

TheoDoiTanThe35.docx

Rev. Dr. CTB