Các Vấn Đề Căn Bản, bài 14

Công Vụ 1:1–11

Mọi biến cố xảy ra trong thánh vụ của Đức Chúa Giêxu trên đất đều là quan trọng. Nhưng có vài biến cố trọng đại hơn nhiều biến cố khác; chúng có liên quan và ảnh hưởng tới chương trình cứu rỗi và an cư cho tất cả con cái Ngài. Hầu như ít có người quan tâm đến biến cố sau cùng của Đức Chúa Giêxu trên đất, đó là sự thăng thiên của Ngài.

Ngày nay người ta chỉ chú trọng tới việc họ nhận được ơn gì từ các lời Chúa phán hay những việc Chúa làm liên quan đến sự cứu rỗi của linh hồn họ. Mặc dù các điều ước muốn đó là chính đáng, nhưng nếu người ta theo Chúa chỉ vì chừng ấy mà thôi, thì sự trưởng thành của đời sống tâm linh bị hạn chế rất nhiều, rất khó vươn tới nhiều sự hiểu biết có tầm mức cao xa mà Chúa muốn con cái Ngài phải đạt tới.

Không việc gì Đức Chúa Giêxu đã làm ở thế gian mà không có ý nghĩa cứu độ nhân loại. Từ biến cố giáng sinh, chịu báp têm, chịu bị cám dỗ, thi hành thánh vụ rao giảng Tin Mừng về Nước Trời, chữa bệnh, đuổi quỷ, chịu bị nhục hình, chịu bị chôn, sống lại, và thăng thiên, tất cả những việc ấy đã diễn ra theo chương trình Đức Chúa Trời đã sắp sẵn. Con dân Chúa ngày nay cần phải hiểu những sự kiện quan trọng ấy liên quan tới số phận tâm linh của mình như thế nào.

Nhiều bài học đã được trình bày về các vấn đề phổ thông mà ai cũng biết; nhưng ít thấy ai nghiên cứu một vài biến cố thường bị xem là ít quan trọng trong đời sống của Đức Chúa Giêxu trên trần gian.

Người ta giảng nhiều về Đấng quyền năng từ cõi vô hạn bước vào thế gian hữu hạn để mang thể xác mong manh của loài người. Nhưng ít có bài giải thích nguyên do nào Đức Chúa Giêxu lại tình nguyện chịu báp têm dưới nước, một nghi lễ biểu lộ sự ăn năn tội, mặc dù Ngài hoàn toàn vô tội.

Khi ông Giăng Baptist nói rằng: “Chính tôi mới cần Ngài làm báp-têm cho, sao Ngài lại đến với tôi?” Đức Chúa Giêxu bảo: “Bây giờ cứ làm đi, vì chúng ta cần phải hoàn tất mọi việc công chính” (Mathiơ 3:14–15).

Như vậy, vì là người, Ngài đã chịu báp-têm để làm trọn bổn phận đối với luật pháp của Đức Chúa Trời và hoàn thành nó: “Đừng tưởng Ta đến để bãi bỏ luật pháp hay lời tiên tri. Ta đến, không phải để bãi bỏ nhưng để hoàn tất” (Mathiơ 5:17).

Sau khi chịu báp-têm và từ dưới nước lên, dù đã được Đức Thánh Linh lấy hình chim bồ câu ngự xuống đậu trên Ngài và có tiếng nói xác nhận từ trời: “Đây là Con yêu dấu của Ta, đẹp lòng Ta hoàn toàn,” nhưng Đức Chúa Giêxu vẫn phải trải qua sự cám dỗ.

Vì Ngài đã thắng sự cám dỗ trong vai trò Con Người, nên sự chết hi sinh của Ngài mới hoàn toàn có giá trị của một người vô tội.

Vô số bài học cũng đã được rao giảng về các thánh vụ giảng dạy, chữa bệnh, đuổi quỷ, và sự nhân từ của Ngài; rồi hàng năm Hội-thánh của Chúa ở khắp nơi đều rao giảng về sự thương khó, sự chết, chôn, và ngày phục sinh huy hoàng của Đức Chúa Giêxu.

Nhưng ngày kỷ niệm sự thăng thiên của Chúa thường lặng lẽ trôi qua, chẳng được mấy ai nhắc tới. Hôm nay chúng ta cần phải nhắc lại biến cố hóa hình của Đức Chúa Giêxu (Mathiơ 17:1–9) để mọi người có thể hiểu ý nghĩa sâu nhiệm của biến cố thăng thiên đối với thiên mệnh của mình.

Trước khi hoá hình, Đức Chúa Giêxu là Người như mọi người khác. Nhưng từ thời điểm hoá hình trở đi, thì đời sống của Ngài là một Người làm đại biểu, tức là sẽ dùng sinh mạng của Ngài thay thế cho vô số sinh mạng của toàn thể nhân loại.

Những việc xảy ra ở vườn Ghếtsêmanê, trên thập tự giá, rồi sự phục sinh của Ngài, đều là những sự kiện phi thường, hoàn toàn xa lạ đối với người bình thường; nhưng chúng đều là rất quan trọng đối với thiên mệnh của từng tín hữu.

Theo luật pháp thiên đàng, thì không ai trong nhân loại có thể tự mình bước vào sự sống của Đức Chúa Trời. Trong khi chờ một giao ước tốt hơn, mỗi ngày tuyển dân Isarel của Đức Chúa Trời phải dâng huyết của các sinh tế để lỗi lầm được tạm thời che khuất. Vì huyết của các con thú dùng làm lễ vật hi sinh không có hiệu lực làm sạch tội lỗi của loài người:

Luật pháp không phải là hình ảnh trung thực của những điều tốt đẹp sắp xảy ra, nhưng chỉ là cái bóng mờ của những điều đó, nên không thể làm cho những người đến thờ phượng được trọn vẹn nhờ dâng liên tục những sinh tế từ năm nầy qua năm khác. Nếu được, sao họ không chấm dứt việc dâng sinh tế? … Trái lại, năm nầy sang năm khác, các sinh tế đó nhắc người ta nhớ lại tội mình đã phạm, vì huyết bò, huyết dê không thể nào cất bỏ tội lỗi đi được. …Còn các thầy tế lễ mỗi ngày đứng hầu việc, dâng đi dâng lại các sinh tế như vậy, không thể nào cất bỏ tội lỗi đi được” (Hêbơrơ 10:1–4, 11).

Nhưng sự sống của Đức Chúa Trời đều ban cho tâm linh nào đã được Đức Thánh Linh tái sinh, nhờ chúng ta đã nhận được sự tha tội. Mà Đức Chúa Trời chỉ có thể tha tội cho chúng ta trên căn bản thập tự giá của Đức Chúa Giêxu Christ.

Như vậy, nhờ sự hi sinh cao quý của Đức Chúa Giêxu trên thập tự giá, thì thập tự giá của Đấng Christ đã trở thành một cái cửa, để qua cửa đó, mọi thành viên của nhân loại đều có cơ hội bước vào sự sống của Đức Chúa Trời.

Sự sống ấy là sự sống vĩnh cửu, do Đức Chúa Giêxu ban cho bất cứ ai tin nhận Ngài. Ngài có quyền ban cho sự sống vĩnh cửu, vì Ngài là Đấng duy nhất chiến thắng sự chết. Ngài đã sống lại từ kẻ chết để có thể ban sự sống của Đấng phục sinh cho mọi tín hữu:

Nhờ Đức Thánh Linh đời đời, Ngài dâng hiến chính mình làm Sinh-tế không tì vết cho Đức Chúa Trời. Huyết Ngài tẩy sạch lương tâm anh em khỏi những công việc chết, để anh em hầu việc Đức Chúa Trời hằng sống. Do đó, Ngài là Đấng Trung Bảo của giao ước mới, lấy cái chết mình chuộc các tội đã phạm dưới giao ước thứ nhất, để tất cả những người được kêu gọi có thể nhận lãnh cơ nghiệp đời đời theo lời hứa.” (Hêbơrơ 9:14–15).

Nếu Đức Chúa Giêxu đã trở về trời trong vinh quang của Con Đức Chúa Trời ngay từ núi hoá hình, thì chỉ một mình Ngài về trời bằng vinh quang của Con Đức Chúa Trời. Nếu thế, đối với chúng ta, Ngài chỉ là một hình ảnh vinh hiển. Nhưng Ngài đã để vinh quang của Ngài ở lại núi hoá hình, mặc lại thể xác loài người, Ngài đã xuống núi để hoà nhập chính mình vào nhân loại sa ngã.

Tín hữu cần phải thường xuyên ghi nhớ hai vai trò của Đức Chúa Giêxu khi Ngài đến thế gian. Ngài vừa là Con của Đức Chúa Trời, vừa là Con Người.

Từ lúc giáng sinh, thời thơ ấu, lớn lên làm thợ mộc, chịu phép báp têm bằng nước, phép báp têm bằng Đức Thánh Linh, chịu bị cám dỗ, và bước vào thánh vụ của Ngài, thì Ngài làm mọi việc trong vai trò Con Người.

Núi hoá hình là nơi Ngài biểu lộ vinh quang của Con Đức Chúa Trời cho các môn đồ Ngài được thấy. Sau đó, Ngài lại xuống núi nhận lại vai trò Con Người. Ngài chịu bị bắt, bị đóng đinh, chịu chết, chôn, sống lại, và thăng thiên cũng đều trong vai trò Con Người:

Ngài trở nên giống như anh em mình về mọi phương diện, để trong việc thờ phượng Đức Chúa Trời, Ngài có thể làm một Thầy tế lễ thượng phẩm đầy lòng thương xót và trung tín, có thể đền tội cho dân” (Hêbơrơ 2:17).

Sự thăng thiên trở về trời của Đức Chúa Giêxu là sự hoàn tất những gì mà biến cố hoá hình chưa kết thúc. Chúa yêu quý của chúng ta đã thăng thiên một cách ngoạn mục trước mắt các môn đồ. Ngài trở về cùng sự vinh quang mà Ngài vốn có trước khi lìa thiên đàng xuống trần gian làm người.

Vì trong đêm trước khi chịu bị bắt, Đức Chúa Giêxu đã thưa với Đức Chúa Cha: “Thưa Cha, bây giờ xin Cha lấy vinh quang Con đã có bên Cha trước khi có thế gian, mà tôn vinh Con cùng với Cha” (Giăng 17:5). Như vậy, một trong các ý nghĩa của biến cố thăng thiên là Đức Chúa Giêxu trở về với vinh quang khi trước của Ngài.

Nhưng Đức Chúa Giêxu đã thăng thiên không phải chỉ trong vai trò Con Đức Chúa Trời, mà Ngài cũng trở về với Cha mình bằng vai trò Con Người nữa. Nếu Ngài trở về với Đức Chúa Cha chỉ bằng vai trò Con Đức Chúa Trời, thì sẽ chẳng ai trong nhân loại có thể đến trực tiếp với Cha.

Nhưng vì Ngài đã trở về với Cha trong vai trò Con Người, thì bởi vai trò làm đại biểu cho những người đã tiếp nhận sự chết thay của Ngài, Đức Chúa Giêxu đã mở ra một lối cho mọi người nào mang danh của Ngài đều được đến thẳng trước ngai của Đức Chúa Cha; cho nên, từ khi ấy bất cứ người nào đã tin nhận Ngài, đều có thể được tự do đến tương giao với Cha của mình.

Đây là một huyền nhiệm được Đức Thánh Linh bày tỏ cho Hội-thánh của Chúa. Chúng ta hãy suy nghiệm về ý nghĩa sự thăng thiên của Đức Chúa Giêxu để có thể dạn dĩ và an tâm trong đời sống đạo.

Chúng ta hãy mạnh dạn đến gần ngai ân điển, để được thương xót, tìm gặp ân điển và được giúp đỡ mỗi khi có cần” (Hêbơrơ 4:16).

Khi là Con Người ở thế gian, Đấng Christ đã tự giới hạn các thuộc tính toàn tri, toàn năng và toàn tại của Ngài. Nhưng khi trở về thiên đàng trong vai trò Con Người, thì Ngài có tất cả quyền phép của Đức Chúa Trời. Bây giờ Ngài là Con Người ở thiên đàng với đầy đủ các thuộc tính và quyền phép mà chỉ Con Đức Chúa Trời mới có.

Như thế, Đức Chúa Giêxu đã mở một con đường thênh thang, để con cái Ngài trong nhân loại có thể đi theo con đường ấy đến gặp mặt Đấng Tạo Hoá của mình. Qua sự thăng thiên, Con Người Giêxu đã mở đường về trời cho tất cả chúng ta.

VanDeCanBan14.docx
Rev. Dr. CTB