Thử Nghiệm Đức Tin, bài 05

Luca 1:26–38

Đối với sự giáng sinh của Đức Chúa Jesus thì quan điểm và sự hiểu biết của người ta không đồng đều. Đại đa số nghe nói rằng Ngài giáng trần để chịu hình phạt thay thế cho nhân loại, dù tin hay không tin cũng đều được hưởng ân sủng ấy; người là tín hữu thì biết thêm rằng ngoài sự chết chuộc tội, Đức Chúa Jesus đã đến để người nào tiếp nhận ơn chuộc tội ấy được tái sinh, tức là tâm linh được tái tạo, và được hưởng phước thiên đàng.

Những người có hiểu biết sâu hơn về đời sống đức tin thì hiểu rằng Ngài đến để những người tin có cơ hội được thánh hoá, để nối lại mối tương giao với Ngài bị cắt đứt ở vườn Eden vì tội không vâng lời của tổ tiên Adam và Eva.

Nhưng, khi đã tương giao thân mật với Chúa sâu hơn nữa và nghiên cứu đời sống đức tin của tổ phụ Abraham, ông tổ đức tin của mọi tín hữu, thì hiểu biết về biến cố giáng sinh của Chúa tiến lên một mức mới: Ngài đến để thực hiện giao ước mà Ngài đã lập với Abraham và dòng dõi của ông.

Sự hiểu biết nầy giải thích rõ hơn lời phán của Đức Chúa Jesus: “Đừng tưởng Ta đến để bãi bỏ luật pháp hay lời tiên tri; Ta đến, không phải để bãi bỏ nhưng để hoàn tất. Vì thật, Ta bảo các con, trước khi trời đất qua đi thì một chấm, một nét trong luật pháp cũng không thể qua đi được, cho đến lúc mọi sự được hoàn tất” (Mathiơ 5:17-18).

Quan điểm thần học về Đức Chúa Jesus giáng sinh để thực hiện giao ước phải được giải thích kỹ lưỡng để con dân Chúa càng hiểu thì càng biết ơn và yêu mến Chúa của mình nhiều hơn nữa.

Tuy nhiên, vấn đề sự chết chuộc tội cho nhân loại của Đức Chúa Jesus có thể gây nhiều thắc mắc nếu không được giải thích thoả đáng. Nếu nói rằng Ngài đã chịu chết đền tội cho cả nhân loại thì có phải mọi người đều được miễn tố, kể cả những người đã qua đời trước khi Đức Chúa Jesus bị đóng đinh trên thập tự giá? Hay sự được tẩy sạch tội chỉ áp dụng cho người tin mà thôi?

Nếu tín hữu và người giảng dạy chỉ lập nền tảng thần học của mình dựa trên một hay vài câu Kinh thánh, thì sẽ gặp rất nhiều trở ngại không vượt qua nổi khi gặp những câu Kinh thánh khác không yểm trợ cho lập luận trước.

Ví dụ, ông Giăng Baptist giới thiệu về Đức Chúa Jesus: “Kìa Chiên Con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi của thế gian đi” (Giăng 1:29); hoặc câu “Đấng Christ đã đến trong thế gian để cứu vớt kẻ có tội; đó là điều chắc chắn, đáng đem lòng tin trọn vẹn mà nhận lấy” (1Timôthê 1:15); thì có khuynh hướng thần học đã dựa trên vài câu đó để giảng dạy rằng Đức Chúa Jesus đã chịu chết để mọi người ở thế gian đều được tha tội.

Thế nhưng nhiều câu khác cho biết sự cứu rỗi của Chúa đòi hỏi người nhận phải có lòng tin. Ví dụ, “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai Tin Con ấy thì không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16).

Thế thì, lập luận của phía nào đúng? Sứ đồ Phao-lô viết thư cho người Rôma ghi rõ: “Đó là sự công chính của Đức Chúa Trời, bởi đức tin nơi Đức Chúa Jesus Christ, ban cho mọi người có lòng tin, không phân biệt ai cả” (Rôma 3:22).

Mặc dù người ta không phải trả tiền để mua ơn Chúa ban, cũng không phải khổ công trả một giá nào để được xưng công chính (Rôma 3:24), nhưng lòng tin vào Đức Chúa Jesus là điều kiện phải có để nhận lãnh món quà tặng miễn phí. Sự không phân biệt ở đây nói về màu da, ngôn ngữ, dân tộc, đất nước, vv., chứ không phải người cả thế gian đều được thiên đàng miễn tố như nhau dù tin hay không tin.

Vậy, câu trả lời cho cách hiểu sai lạc của người thế gian là: Đức Chúa Jesus đã giáng sinh để bất cứ ai trong nhân loại đặt đức tin vào Ngài thì sẽ được cứu thoát khỏi số phận hẩm hiu bị trừng phạt mà được nhận lãnh sự sống đời đời.

Tuy vậy, bước tiếp theo của lòng tin Đức Chúa Jesus là ăn năn tội lỗi, nhân danh Ngài nhận báp têm để được tha tội, rồi Đức Thánh Linh ngự vào lòng thực hiện công tác đổi mới tâm linh của sự tái sinh. Sự giáng sinh của Đức Chúa Jesus không dừng ở chỗ đó mà tiếp tục dẫn ta bước đi trên tiến trình thánh hoá nhờ công tác dạy dỗ và dẫn dắt của Đức Thánh Linh.

Đời sống được thánh hoá là đời sống nhìn mọi việc và mọi vật qua quan điểm từ trên cao của thiên đàng và hành xử theo nguyên tắc hướng dẫn của quan điểm ấy.

Thánh hoá là tâm tánh được biến đổi theo bản chất con người mới do Đức Thánh Linh sinh ra. Mỗi tín hữu đều phải đạt tới và bước đi trên tiến trình nầy thì mới có thể giữ gìn đời sống đã tái sinh không bị hoen ố trở lại bởi tâm tánh của người xác thịt cũ.

Người đang được thánh hoá không muốn mất mối tương giao thân mật với Đức Chúa Trời, vì nhờ đó con cái Ngài mới được Đức Thánh Linh dẫn vào các sự hiểu biết đặc biệt.

Chúng ta cần hiểu rõ là hầu như tất cả các sự kiện liên quan giữa Abraham và dân Israel với Đức Chúa Trời đều là hình bóng về mối liên hệ giữa Ngài với tín hữu thời Tân ước, tức là chúng ta ngày nay.

Ví dụ, sản nghiệp đất đai mà Đức Chúa Trời hứa ban cho dòng dõi của ông Abraham, gọi là đất hứa, tức là xứ Canaan, một vùng đất Kinh thánh mô tả là đượm sữa và mật. Trong lịch sử dân Israel thì vùng đất ấy là nỗi ước ao của một dân tộc chưa từng làm chủ một mảnh đất nào, muốn được vào để yên nghỉ sau bốn mươi năm bị lang thang, lòng vòng trong hoang mạc khô cằn, nắng cháy và không có nước uống. Nhờ sức Chúa họ đã chiếm được.

Ngày nay, mọi con cái Chúa đều ước ao được an nghỉ trong Vương quốc Đức Chúa Trời. Sự giáng sinh của Đức Chúa Jesus, là Ngôi Lời Nhập Thể, thì liên quan như thế nào với đất hứa của tín hữu thời Tân Ước?

Sách Sáng thế có thuật một giao ước đặc biệt mà Đức Chúa Trời lập giữa Ngài với Abraham và dòng dõi của ông (Sáng thế 15:7–19). Để lập một giao ước không thể thay đổi, Đức Chúa Trời bảo Abraham chuẩn bị mấy con thú làm sinh tế cho giao ước (Sáng thế 15:9-10).

Theo tục lệ lập giao ước của người Chaldee, các con thú hi sinh bị xẻ ra làm đôi, đặt nằm hai bên trên mặt đất, mỗi bên một phần; hai phía giao ước cùng nhau bước qua lối đi ở giữa, vừa đi vừa đọc tất cả các điều khoản của giao ước; nếu phía nào vi phạm giao ước thì sẽ giống như con thú đã bị giết và xẻ đôi vậy.

Như Đức Chúa Trời nói với dân Giu-đa vi phạm giao ước với Ngài: “Những kẻ đã vi phạm giao ước Ta, không tuân giữ các điều khoản trong giao ước đã lập trước mặt Ta, thì Ta sẽ làm cho chúng như con bò tơ mà chúng mổ làm đôi và đi qua giữa hai phần” (Giêrêmi 34:18).

Abraham tưởng rằng Đức Chúa Trời sẽ đến để cùng đi với ông qua xác các con thú đặt trên mặt đất. Nhưng cách Ngài xác nhận giao ước mà Ngài lập khác với cách Áp-ram mong đợi.

Đức Chúa Trời dùng hai hình ảnh (17) “một lò lửa đang bốc khói và một ngọn đuốc cháy rực đi ngang qua giữa các con vật đã bị xẻ đôi.” Lò lửa bốc khói là biểu tượng của sự thiêu huỷ; ngọn đuốc cháy rực là biểu tượng về ánh sáng cứu rỗi.

Khi lò lửa cùng ngọn đuốc đi ngang qua giữa những thây xẻ đôi của các con vật, thì lửa đó đã thiêu các lễ vật để xác nhận giao ước và sự chấp nhận của Đức Chúa Trời. Nhưng, Đức Chúa Trời không đi với Áp-ram giữa các con thú xẻ đôi; Ngài đi một mình.

Chúng ta cần phải hiểu tại sao Đức Chúa Trời làm như vậy. Chúa đã hoàn thành phần giao ước của Ngài trong lịch sử Israel. Nhưng về phần của Áp-ram thì Israel không thực hiện nổi. Họ vi phạm liên miên. Theo luật lệ của giao ước thì họ phải bị tuyệt diệt.

Bấy giờ, người ta mới hiểu tại sao Đức Chúa Trời đi một mình. Ngài đại diện cho cả hai bên để lập giao ước; mặc dù Ngài biết trước chắc chắn Israel sẽ vi phạm. Mà dù phía nào vi phạm giao ước thì Ngài cũng phải chịu hình phạt hết. Nếu Áp-ram cùng đi qua với Chúa, Israel sẽ phải bị tiêu diệt.

Để thay cho phía dòng dõi Áp-ram hoàn thành giao ước, Ngôi Lời của Đức Chúa Trời đã phải giáng sinh làm người Do-thái, Đức Chúa Jesus vừa thay mặt dòng dõi Áp-ram chịu hình phạt để hoàn thành giao ước, vừa chịu chết đền tội thế chỗ cho toàn thể loài người.

Ôi, chương trình khôn ngoan của Đức Chúa Trời sâu nhiệm biết bao! Tình yêu thương của Ngài bao la, bát ngát, vĩ đại biết bao! Đi qua giao ước cô đơn một mình; chịu chết rồi một mình bị chôn trong mộ đá cũng vô cùng cô đơn.

Đức Chúa Trời lập giao ước với Áp-ram, người duy nhất trong nhân loại có đức tin trọn vẹn vào thời đó. Nhưng giao ước ấy cũng áp dụng cho tất cả những ai có đức tin như Abraham (Galati 3:7, 9). Vì chúng ta tin Đức Chúa Trời, tin những lời hứa tốt lành của Ngài, nên chúng ta đều là dòng dõi đức tin của Abraham.

Đức Chúa Jesus giáng sinh để thay chúng ta hoàn thành giao ước ấy.

ThuNghiemDucTin05.docx

Rev. Dr. CTB