Hiểu Biết Các Điều Căn Bản, bài 17

Êphêsô 4:11–15

Chính Ngài đã ban cho một số người làm sứ đồ, một số người làm nhà tiên tri, một số người khác làm nhà truyền giảng Tin Lành, một số người khác nữa làm mục sư và giáo sư, để các thánh đồ được trang bị cho công tác phục vụ và xây dựng thân thể Đấng Christ, cho đến khi tất cả chúng ta đều đạt đến sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự hiểu biết Con Đức Chúa Trời, để trở nên người trưởng thành, đạt đến tầm vóc đầy trọn của Đấng Christ. Như vậy, chúng ta sẽ không còn là trẻ con, bị dồi dập và cuốn theo luồng gió học thuyết, bởi sự xảo quyệt của con người và những mánh khóe lừa dối của họ. Nhưng Ngài muốn chúng ta nói ra sự thật trong tình yêu thương, để chúng ta được tăng trưởng trong mọi phương diện hướng đến Đấng Christ, là đầu.

Kể từ khi Đức Chúa Trời phục hồi sự tuôn đổ Đức Thánh Linh một cách ào ạt trên buổi nhóm ở Los Angeles vào năm 1906, rồi các hệ phái mới được thành lập nhằm quảng bá quyền năng Đức Thánh Linh và đẩy mạnh sự truyền giáo giống như thời sơ lập của Hội Thánh Chúa ở thế kỷ đầu tiên của kỷ nguyên Chúa giáng sinh, thì bộ mặt của Hội Thánh chung đã có nhiều sự thay đổi lớn. Phong trào Ngũ Tuần, tức là những người hăng hái hoạt động theo chiều hướng mới có ân tứ tiếng lạ, chữa bệnh, đuổi quỷ, đã làm cho tinh thần của con cái Chúa trở nên vô cùng sôi nổi; nhưng các giáo phái có sự chia rẽ sâu sắc. Tới giữa thế kỷ 20, một phong trào nữa gọi là làn sóng ân tứ Thánh Linh dấy lên và lập ra một số hệ phái mới với thánh ca đầy sinh khí mới vào sự thờ phượng Chúa.

Vào năm 2006, tại lễ kỷ niệm 100 năm ngày Đức Thánh Linh tái thăm viếng Hội Thánh của Ngài, bản tổng kết số thành viên của các hệ phái Ngũ Tuần và Ân Tứ Thánh Linh ở khắp thế giới đã lên tới hơn 550 triệu người, trở thành phái Tin Lành phát triển nhanh và mạnh nhất trong lịch sử của Hội Thánh Chúa trên thế gian; chưa kể khoảng 150 triệu tín hữu thuộc làn sóng thứ ba, tức là thành viên của các giáo phái truyền thống đã nhận lãnh ân tứ Thánh Linh nhưng không rời bỏ giáo phái của họ. Theo các sử gia Cơ-đốc, thì các nhà thờ Ngũ Tuần và Ân Tứ Thánh Linh hiện nay là các Hội Thánh trung thành nhất với nền tảng Kinh Thánh. Chính họ đã truyền giáo có hiệu quả và khiến cho đạo Chúa tăng trưởng rất nhanh ở Á Châu, Phi Châu, và Mỹ Châu La Tinh.

Tuy vậy, câu hỏi hiện nay là khi nói rằng Đức Thánh Linh đang tuôn đổ trên nhiều Hội Thánh thì các việc ấy có đúng với Kinh Thánh không? Khi so sánh các việc quyền năng ở sách Công vụ với những lần được xem là Đức Thánh Linh đang thăm viếng Hội Thánh thời nay, thì thấy có tương đồng về khuôn mẫu và mục đích. Vào thời sơ lập của Hội Thánh, quyền năng Đức Thánh Linh đã tác động và làm thay đổi thế giới thời ấy. Thì thời nay những sự thay đổi tương tự như vậy đã diễn ra qua các đầy tớ của Chúa được đầy dẫy Đức Thánh Linh thực hiện. Tội nhân được nhận ơn cứu rỗi, người bệnh được chữa lành, quỷ bị đuổi khỏi những người bị nó nhập. Tuy chúng ta chưa thấy sự thức tỉnh tâm linh ào ạt như chúng ta muốn, nhưng các kết quả ấy là điều đáng phải vui mừng.

Một câu hỏi khác cần được giải đáp là: “Có phải sự nói tiếng lạ là dấu chỉ chứng nhận sự báp têm bằng Đức Thánh Linh không?” Câu trả lời là Kinh Thánh không nói như vậy, mà nói rằng khi Đức Thánh Linh giáng trên người nào, thì người đó nhận được quyền năng để làm chứng về Đức Chúa Jesus. Quyền năng như thế nào thì đã được chép ở:

Công vụ 3:6–8 Nhưng Phierơ nói với anh: Tôi không có vàng bạc gì cả, nhưng điều tôi có thì tôi cho anh: Nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ người Nazareth, hãy đứng dậy và bước đi!Phierơ nắm tay phải anh và đỡ dậy. Lập tức hai bàn chân và mắt cá anh trở nên cứng vững. Anh liền nhảy lên, đứng thẳng và bước đi cùng hai ông vào đền thờ, vừa đi vừa nhảy, vừa ca ngợi Đức Chúa Trời.

Công vụ 5:12a, 15–16Bấy giờ, có nhiều phép mầu và dấu lạ được thực hiện giữa dân chúng bởi tay các sứ đồ. …… 15–16 đến nỗi người ta phải đem những người bệnh để ngoài đường phố, đặt nằm trên giường và chõng để khi Phierơ đi ngang qua, bóng của ông ít ra cũng ngả trên một vài bệnh nhân. Dân chúng ở các thành phố lân cận cũng tụ họp về Jerusalem, đem đến những người đau ốm, những kẻ bị tà linh hành hạ và tất cả đều được chữa lành.

Công vụ 16:18Cô cứ làm như vậy trong nhiều ngày khiến Phao-lô rất bực mình nên quay lại nói với quỷ rằng: ‘Ta nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ ra lệnh cho mầy phải ra khỏi người nầy.’ Ngay giờ đó, quỷ liền ra khỏi.

Tiếng lạ chỉ là một trong nhiều dấu hiệu xảy ra khi người ta được báp têm Thánh Linh. Kinh Thánh cũng mô tả là có thể những người ấy nói tiên tri, thấy khải tượng. Về phần kinh nghiệm người thời nay thì có lúc không có dấu hiệu lạ để người khác thấy được, nhưng người ấy biết vì có hơi nóng hay luồng điện chạy khắp thân thể. Nghĩa là việc xảy ra tùy theo sự ban cho của Đức Thánh Linh.

Đối với những người chờ mãi mà không cảm nhận gì hết trong khi thấy người khác nhận được nhanh chóng, thì đừng ngã lòng. Sở dĩ nó chưa xảy ra vì người ấy chưa chuẩn bị sẵn sàng để tiếp nhận sự đổ đầy của Đức Thánh Linh. Một lỗi lầm thường gặp nhất là tín hữu mong chờ nhận được ân tứ, là quà tặng, chứ không trông mong gặp Đấng tặng quà. Nghĩa là thay vì chờ mong gặp Đấng làm báp têm, thì lại mong chờ sự báp têm xảy ra cho mình. Hãy bắt chước gương của vua David khi xưa (Thi Thiên 27:8) “Khi Chúa phán: ‘Các con hãy tìm kiếm mặt Ta,’ thì lòng con thưa với Chúa rằng: ‘Đức Giêhôva ôi! Con sẽ tìm kiếm mặt Ngài.’” Đây chính là bí quyết để nhận các ơn phước từ Chúa: Hãy đặt hết sự chú tâm vào Chúa, đừng chờ đợi dấu hiệu hay sự cảm nhận bề trong.

Nếu ai có lòng nghi ngờ không dám tin chắc sự báp têm Thánh Linh có xảy ra hay không, thì người đó có thể biết chắc nó sẽ không xảy ra cho mình. Nhược điểm lớn nhất của rất nhiều tín hữu thời nay là chưa có lòng tin vững vàng vào Chúa mà họ tin. Hơn nữa, số người tin đạo để nhận sự cứu rỗi lúc nào cũng đông hơn số người tin, yêu kính Chúa vì biết ơn Ngài. Vì vậy, số người không thường đọc Kinh Thánh hoặc trò chuyện tương giao với Chúa, lúc nào cũng đông hơn người siêng năng đọc lời Ngài. Đức Chúa Trời vẫn luôn luôn mong mỏi được tương giao với con cái Ngài. Ai thân mật với Chúa, người ấy dễ được Đức Thánh Linh thăm viếng và ban cho quyền năng.

Khi những môn đồ của Chúa được báp têm Thánh Linh lần đầu tiên, thì những người chạy tới xem vì nghe tiếng động và tiếng ồn ào, quan sát họ rồi nói: “Họ say rượu mới rồi đó” (Công vụ 2:13). Trước khi có sự thăm viếng của Đức Thánh Linh trên các Hội Thánh của Chúa ở nhiều vùng trên thế giới vào thập niên 1990, thì ít người hiểu ý nghĩa thật của lời chế giễu ấy. Nhưng sau khi Đức Thánh Linh tuôn đổ sự thăm viếng mạnh mẽ của Ngài vào các năm 1994–2000, thì nhiều người mới hiểu nghĩa đen của câu nói trên. Nghĩa là rất nhiều người tham dự các buổi nhóm họp có sự hiện diện của Chúa đều có hiện tượng bị say trong Thánh Linh. Họ không thể đứng hoặc đi vững như bình thường được. Họ bị say đúng nghĩa đen của chữ say; người say nhiều, người say ít.

Chính tôi và vợ tôi được chứng kiến tận mắt thấy người thân của mình và tín hữu ở Hội Thánh mình bị say xiểng niểng nhưng họ vui mừng hoan hỉ được ở trong cảnh ngộ đó; tuy vậy, tất cả đều được Chúa nhắc nhở rằng hãy chú trọng vào việc được Chúa ngự vào đầy ngập trong lòng, thay vì chú tâm tới những biển chuyển của cảm xúc. Bởi vì khi Đức Thánh Linh hành động trong lòng thì sẽ sinh ra các hoa trái của Ngài. Những hoa trái ấy mới chứng nhận sự thăm viếng của Ngài trong lòng chúng ta. Yêu thương, vui mừng, và bình an là ba thứ quả sinh ra ngay lập tức. Trong những ngày ấy, mọi người tham dự đều thấy như đang được ở trong không khí thiên đàng. Hãy xem các lời mô tả của sách Công vụ 2:42–47 để thấy tinh thần hào hứng sôi nổi trong Thánh Linh của tín hữu.

Các tín hữu chuyên tâm giữ lời dạy của các sứ đồ, mối thông công với anh em, lễ bẻ bánh, và sự cầu nguyện. Mọi người đều kính sợ vì có nhiều phép mầu và dấu lạ được thực hiện qua các sứ đồ. Tất cả tín hữu đều hiệp lại với nhau và lấy mọi vật làm của chung. Họ bán hết tài sản, của cải mình có mà phân phát cho nhau tùy theo nhu cầu của mỗi người. Ngày nào họ cũng chuyên tâm đến đền thờ; và từ nhà nầy đến nhà khác, họ bẻ bánh và dùng bữa cùng nhau với lòng vui vẻ, chân thành, ca ngợi Đức Chúa Trời và được ơn trước mặt mọi người. Mỗi ngày, Chúa thêm số người được cứu vào Hội Thánh.

Sau khi đã chứng kiến cảnh Đức Chúa Jesus được tiếp rước về trời trong thân thể Con Người, các môn đồ vui mừng trở về và cùng nhau cầu nguyện Công vụ 1:9–14Sau khi phán những điều ấy xong, Ngài được cất lên trong lúc các môn đồ đang nhìn xem Ngài. Có một đám mây tiếp Ngài khuất đi khỏi mắt họ. Đang khi họ chăm chú nhìn lên trời lúc Ngài ngự lên, kìa, có hai người nam mặc áo trắng đứng gần họ và nói: Hỡi người Galilê, sao các ông cứ đứng nhìn lên trời như thế? Đức Chúa Jêsus nầy đã được cất lên trời khỏi các ông, cũng sẽ trở lại như cách các ông đã thấy Ngài lên trời vậy. Sau đó, các môn đồ từ núi gọi là Olive trở về thành Jerusalem. Núi ấy gần Jerusalem, cách một quãng đường đi một ngày sabath Khi đã vào trong thành, họ lên một phòng cao, nơi họ đang trú ngụ. Những người đó là Phierơ, Giăng, Giacơ, Andre, Philip, Thomas, Barthelemy, Mathiơ, Giacơ con của Aphê, Simon Zelot, và Judah con của Giacơ. Tất cả những người ấy đều đồng tâm hiệp ý với các phụ nữ và Mari là mẹ Đức Chúa Jêsus cùng các em trai Ngài mà cầu nguyện.

Những người ấy đã vui vẻ hiệp nhau cầu nguyện trong mười ngày, trước khi Đức Thánh Linh giáng lâm. Sở dĩ người ta tính được số ngày cầu nguyện là mười ngày, vì Đức Chúa Jesus sống lại vào ngày thứ nhất sau lễ Vượt Qua (Giăng 20:1) “Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, Mary Magdalena đến mộ, thấy tảng đá đã được dời khỏi mộ.” Từ lễ Vượt Qua tới lễ Ngũ Tuần là năm mươi ngày. Ngay sau khi sống lại, Đức Chúa Jesus đã hiện đến với các môn đồ trong bốn mươi ngày (Công vụ 1:3) “Ngài cũng dùng nhiều cách chứng tỏ cho các sứ đồ rằng Ngài đang sống sau khi đã chịu chết, và hiện đến với họ trong bốn mươi ngày, phán dạy về vương quốc Đức Chúa Trời.” Vậy, số ngày còn lại để các môn đồ cầu nguyện cho tới lễ Ngũ Tuần là mười ngày. Vì mọi người đều sẵn sàng mở lòng họ ra, kể cả các em của Chúa đã hết nghi ngờ anh mình, nên tất cả đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh.

Ngày nay, chúng ta vẫn có thể được đầy dẫy Đức Thánh Linh bất cứ lúc nào, không cần phải chờ tới lễ Ngũ Tuần. Điều mà chúng ta cần là có động lực đúng và trong sạch, thật lòng muốn tiếp nhận báp têm Thánh Linh, sẵn sàng vâng phục ý Chúa và trải lòng mình ra để được Ngài tẩy sạch. Đức Chúa Trời muốn tất cả con cái Ngài đều được báp têm Thánh Linh để Ngài có thể ban quyền năng làm chứng nhân cho Ngài ở mọi nơi mình sinh sống.

HieuBietCacDieuCanBan17.docx

Rev. Dr. CTB