Truyền Giáo Vững Vàng, bài 01
Mathiơ 4:18-20
Từ trước đến nay, tất cả các Hội Thánh đã tham gia vào mặt trận truyền giáo đều thấy mình thất bại nhiều hơn thành công. Lẽ dĩ nhiên là kết quả ấy khiến chúng ta buồn, hơi ngã lòng, thắc mắc nhưng chưa tìm ra lời giải đáp cho bài toán: Làm thế nào có thể thành công trong sự truyền giáo? Để biết lý do thất bại, chúng ta hãy cùng nhau tìm xem những nguyên nhân nào đã dẫn tới tình trạng thất bại trong suốt những năm vừa qua.
Điều trước tiên cần được xét tới là thông điệp, hay vấn đề được trình bày, có đúng, thật và dễ tin hay không. Chúng ta biết chắc mình thật đã nhận được ơn cứu rỗi; vì thế, thông điệp ấy đúng và thật, nhưng vì chưa có nhiều người nghe lập quyết định tin, nên, hoặc là cách trình bày của mình khiến người ta khó tin, hoặc người nghe chưa chịu tiếp nhận, hoặc họ chưa hiểu nổi điều mình nói. Để biết, chúng ta sẽ xét cả hai mặt nói và nghe.
Về phía những người có nhiệm vụ phải nói cho người khác biết ơn cứu độ của Chúa, thì thực tế cho thấy có rất ít người sẵn lòng rao giảng, chưa chịu vâng theo mệnh lệnh rao giảng Tin Mừng của Chúa vì còn ngần ngại và sợ sệt. Nguyên nhân của tình trạng nầy là vì Hội Thánh không đào tạo một cách cẩn thận hoặc đầy đủ, khiến cho tín hữu không biết phải nói điều gì hay nói thế nào.
Thật ra, giải quyết vấn đề huấn luyện thì không khó; chỉ khó là trang bị được tinh thần truyền rao phúc âm không mệt mỏi cho tín hữu. Mặt khác, dù có nhiều người rất hăng hái rao truyền nhưng chẳng mấy thành công.
Nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng nầy: Một là cách nói dở vì quá chủ quan, tưởng rằng hễ mình nói thì người khác phải tin; hai là chưa nắm vững vấn đề cần trình bày cho đúng, thật thà và dễ tin cậy; ba là cũng vì chủ quan nên không để ý tâm lý người nghe.
Nếu chúng ta đã có thông điệp đúng, quý báu, có thật, đáng tin; chúng ta đã siêng năng hăng hai rao truyền, làm đúng hết mọi việc mà vẫn chưa thấy kết quả, thì sự trục trặc thuộc phía người nghe, tức là bên nhận. Vậy, chúng ta cần tìm cho ra nguyên nhân nào mình nói đúng mà người ta không tiếp nhận. Chúng ta không thể bắt buộc người khác phải tiếp nhận lời mình nói, vì đó là sự tự nguyện của người nghe.
Cho nên, có hai phương diện về việc nầy mà chúng ta cần xem xét kỹ càng: Một là cách thức rao truyền, hai là mục tiêu nhắm tới. Về mặt Hội Thánh thì trước nay vẫn chỉ biết bắt chước những người đã từng làm, hoặc làm theo sự huấn luyện, chỉ dẫn của các hướng dẫn viên từ các giáo hội Hoa kỳ; đó là mời thân hữu đến rồi tổ chức truyền giảng, hoặc đi gõ cửa nhà hàng xóm xin vào nói chuyện, hay chận người đi chợ phát truyền đạo đơn và truyền giáo.
Cách thức hiệu quả nhất là cá nhân chứng đạo thì rất ít người làm, vì đòi hỏi phải được huấn luyện mà thành tích có vẻ thấp. Cách các Hội Thánh thường làm thì được nhiều người ưa chuộng hơn, vì thấy thành tích có vẻ rầm rộ, tổ chức thì tưng bừng có nhiều người tham gia. Nhưng xong rồi thì hầu hết các kết quả đều rơi rụng chẳng còn gì. Tình trạng ấy cứ lặp đi lặp lại hàng năm mà không nơi nào biết cách giải quyết.
Còn mục tiêu nhắm tới thì thế nào? Cách chứng đạo tại chợ hay gõ cửa nhà là nói cho bất cứ người nào hiểu ngôn ngữ của mình, không phân biệt ai hết; cách của các tổ chức truyền giáo là cứ giảng cho đám đông, giống như quăng chài bắt cá, may ra được vài người. Xem xét lại những phương pháp vừa nói, thì hiệu quả chẳng được bao nhiêu, tình hình Hội Thánh vẫn tiếp tục trì trệ, ít ỏi; tinh thần tín hữu đuối dần không còn hăng hái nữa.
Tại sao những người là mục tiêu truyền giáo của chúng ta được nghe thông điệp đúng và thật mà không chịu tiếp nhận? Tại sao quăng chài mà không bắt được cá?
Nhắc tới điều nầy, chúng ta nên suy nghĩ một chút. Nếu quăng chài mà không bắt được cá là vì những đối tượng mình nhắm tới chưa phải là cá nên không thể mắc lưới được. Các nhà truyền giáo thấy đám đông tưởng là cá nên tung lưới, mà thật ra tung vào ảo ảnh chẳng có gì hết.
Sở dĩ ví sự rao truyền phúc âm giống như đánh cá vì Đức Chúa Jesus hứa sẽ huấn luyện các môn đồ Ngài trở nên những tay biết đánh lưới người (Mathiơ 4:18-20). Cho nên, chúng ta cũng sẽ xem xét để hiểu đánh lưới người là gì?
Nếu các Hội Thánh bị lúng túng khi đứng trước nan đề truyền giáo không thành công, thì chỉ còn hai sự chọn lựa để lập quyết định, hoặc là nghiên cứu những lời dạy của Đức Chúa Jesus liên quan tới vấn đề truyền giáo, hoặc là vận dụng sáng kiến khôn ngoan từ học thức và hiểu biết tâm lý người nghe.
Nếu theo lời dạy của Chúa là an toàn nhất, thì chúng ta sẽ suy nghĩ về các lời giáo huấn của Ngài. Đức Chúa Jesus dùng hình ảnh thả lưới bắt cá để làm ví dụ dễ hiểu về truyền giáo nên Ngài gọi là đánh lưới người.
Đánh cá bằng lưới là truyền giáo kiểu quy mô nhiều người cùng hợp lực thực hiện. Chỉ những ai đã được huấn luyện nghề chài lưới mới có thể đánh cá bằng lưới. Cũng vậy, chỉ người nào đã được huấn luyện truyền giáo mới biết cách đánh lưới người.
Có bốn điều phải biết và phải có mới có thể đánh lưới: Thứ nhất là phải có một chiếc thuyền đủ sức thả lưới nơi nước sâu; thứ nhì là phải có lưới; thứ ba là phải biết thả lưới như thế nào; thứ tư là phải tìm chỗ có cá để thả lưới.
Thế thì, lâu nay tín hữu hiểu ra sao về vấn đề nầy? Suy nghĩ để hiểu thì hình ảnh chiếc thuyền chở người đánh cá, lưới và cá sẽ bắt được, tiêu biểu cho một tổ chức, nghĩa là do Hội Thánh đứng ra thực hiện. Những người hoạt động kiểu đơn lẻ không được yểm trợ thường bị thất bại, không làm việc lớn được.
Ngoài Tin Mừng cứu rỗi và quyền năng biến đổi của Thánh Linh Đức Chúa Trời, chúng ta chẳng có thứ gì khác của riêng mình dùng làm lưới cứu tội nhân vào nước Trời. Cho nên, muốn có lưới thì phải được trang bị kỹ về phúc âm cứu rỗi, tức là phải hiểu mình đã được cứu rỗi như thế nào, rồi phải có kinh nghiệm thật về đổi mới đời sống do quyền phép của Đức Thánh Linh, thì mới có thể nói cho người khác biết.
Kế đến là hiểu ý nghĩa của chuyện phải biết thả lưới như thế nào. Người học nghề đánh cá, ngoài việc phải được thầy, tức là người đi trước có kinh nghiệm, chỉ dẫn, người đó phải thực tập mới rành nghề được.
Thả lưới tức là đem tin mừng cứu rỗi ra trình bày một cách có thứ tự, có hệ thống hợp lý và hiệu quả. Giống như lưới dùng để vây không cho cá thoát ra ngoài, thì cách trình bày tin mừng cũng phải giúp người nghe được hiểu chân lý của Đức Chúa Trời, được chân lý thu phục, tin mừng hấp dẫn họ, và đưa đến kết quả.
Truyền giáo không phải là dùng mồi phước lành trong đời để nhử người nghe bằng lòng cho mình hướng dẫn họ cầu nguyện tin Chúa. Bởi vì mấy câu cầu nguyện nói theo sự hướng dẫn không phải là những lời nói thành thật phát xuất từ trong lòng của một người biết ăn năn tội lỗi để tiếp nhận sự tha thứ của Đức Chúa Trời.
Điểm kế tiếp là tìm chỗ có cá để thả lưới. Khi các môn đồ của Đức Chúa Jesus đi đánh cá đã thả lưới suốt đêm mà không được con cá nào, chẳng phải vì họ không có kinh nghiệm, nhưng vì ban đêm họ không thấy luồng cá nên chỉ đoán mò, đến khi Đức Chúa Jesus xuất hiện bảo họ hãy thả lưới bên hữu thuyền thì bắt được nhiều cá kéo lên không nổi (Giăng 21:3-6). Vậy, lời dạy phải thả lưới bên phải chiếc thuyền có một ý nghĩa đặc biệt cần phải áp dụng.
Bên phải nghĩa là đúng cách theo ý muốn của thiên đàng và hợp lý. Nếu công cuộc truyền giáo xem ra có điều vô lý trái khoáy, thì chắc chắn sẽ không đem tới kết quả nào hết. Bỏ địa phương, đi tìm thành tích nơi xa là một ví dụ điển hình của những nhóm người suy diễn công việc Chúa theo ý riêng, có lẽ họ tưởng không ai nhìn ra sự kiêu căng hợm hĩnh của những người phí phạm ngân quỹ Chúa ban cho.
Vậy thì, chúng ta phải áp dụng những sự hiểu biết nầy vào mặt trận truyền giáo, thu phục tội nhân để đem họ đến với Chúa. Hãy rũ bỏ tâm lý lười biếng, thụ động, đẩy trách nhiệm cho người khác để mình được thảnh thơi.
Từ ngày thành lập đến nay, Hội Thánh chúng ta vẫn kiên trì nhắm tới công tác truyền giáo và chưa bao giờ từ bỏ mục tiêu đó; bởi vì ấy là mệnh lệnh của Đức Chúa Jesus truyền cho mọi Hội Thánh và con dân Ngài (Mathiơ 28:18-20).
Thời gian không còn nhiều mà tâm lý chần chờ lại phổ quát. Hãy cùng nhau bắt đầu trang bị cho nhau mọi thứ cần thiết của việc truyền giáo có hiệu quả. Điều nầy đòi hỏi sự hi sinh thì giờ và có thể cả tiền bạc của tất cả những ai quyết định tham gia.
Chúng ta sẽ được trang bị, chúng ta sẽ thảo luận dưới sự chỉ dẫn của Đức Thánh Linh, rồi sẽ cùng nhau tiến hành theo mệnh lệnh chỉ huy của Ngài.
TruyenGiaoVungVang01.docx
Rev. Dr. CTB