Tìm Biết Ý Chúa, bài 20
Cô-lô-se 2:12–15
Giống như nền móng hư lún sẽ làm sập căn nhà xây cất trên nó, nền móng xấu từ tổ tiên hay do chính mình tạo nên, mà người ta hoàn toàn không biết, sẽ làm cho đời sống tâm linh lẫn thể chất của tín hữu gặp nhiều khó khăn, thậm chí bị nhiều tai hoạ cho cả gia đình hay dòng tộc, mà không ai biết nguyên nhân.
Giống như trước khi xây dựng các toà nhà nhiều tầng, người ta phải thiết lập một nền móng rất sâu và vững chắc, cũng vậy, muốn có một đời sống suôn sẻ, tốt đẹp và thành công, con cái Chúa cần phải biết cách huỷ bỏ nền móng xấu, rồi biết cách thiết lập nền móng vững chắc cho mình và con cháu mai sau.
Trước hết hãy nói về cách huỷ bỏ nền móng xấu từ tổ tiên truyền lại; sau đó sẽ giải quyết nền móng do chính mình tạo nên. Rồi sẽ bàn tới cách lập nền móng vững chắc cho tương lai.
Nền móng xấu do tổ phụ gây ra vì các thứ tội thờ cúng hình tượng, hoặc thù ghét Chúa cách vô cớ, hoặc do các hành vi gian ác áp bức, hãm hại oan sai người cô thế, hoặc làm đổ máu người lương thiện, hay buôn gian bán lận, lường gạt cướp bóc láng giềng, người nghèo, vv., là các giao ước do tổ phụ lập với thế giới tối tăm.
Mà lũ tà thần, tà linh không bao giờ bỏ qua giao ước do tổ tiên người ta đã lập với chúng. Các giao ước đó là nguồn gốc bị luật pháp Đức Chúa Trời nguyền rủa.
Con cháu của tổ tiên phạm tội bị thừa hưởng hậu quả một cổ hai tròng: Vừa nợ giao ước với ma quỉ, vừa bị án nguyền rủa của luật pháp Chúa; cho nên, để huỷ bỏ các nền móng tai hại đó thì trước hết phải được giải thoát khỏi giao ước với ma quỉ, rồi sau đó được giải thoát khỏi sự rủa sả của luật pháp Đức Chúa Trời. Nhưng xưa nay không ai trong nhân loại tự thực hiện được.
Loài người có thể giải quyết một số điều thuộc thế giới vật chất hữu hình, nhưng hoàn toàn bất lực đối với các nan đề thuộc thế giới vô hình. Mà hai nan đề nói trên thì chỉ có thể giải quyết bằng các biện pháp của linh giới.
Đức Chúa Trời đã chuẩn bị sẵn phương pháp giải quyết vấn đề khó khăn ấy bằng án tử hình của Đức Chúa Jesus trên thập tự giá. Huyết vô tội của Đức Chúa Jesus là nền tảng pháp lý để chuộc người có tội ra khỏi hình phạt của tội lỗi.
Sau khi đã nhận được sự cứu rỗi rồi, tín hữu có nền tảng pháp lý để huỷ bỏ giao ước cũ với lũ tà linh, tà thần của thế giới tối tăm; bởi vì nếu không có mối liên hệ căn bản đó thì sẽ không có nền tảng pháp lý để tranh chấp với thế lực tối tăm đang giữ giao ước mà tổ phụ, hay chính chúng ta, đã lập với chúng ở một thời điểm nào đó trong quá khứ do sự vi phạm luật pháp thánh. Như Kinh thánh có chép:
“Khi trước anh em đã chết bởi tội lỗi và xác thịt không chịu cắt bì, thì Đức Chúa Trời đã khiến anh em cùng sống với Đấng Christ, vì đã tha thứ mọi tội lỗi của chúng ta. Ngài đã huỷ bỏ giấy nợ chống lại chúng ta với những luật lệ ràng buộc chúng ta. Ngài loại bỏ bằng cách đóng đinh nó vào thập tự giá. Ngài đã phế bỏ các quyền thống trị, các thế lực, dùng thập tự giá chiến thắng chúng, và bêu chúng ra giữa thiên hạ” (Cô-lô-se 2:13–15).
Sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus tạo một nền tảng pháp lý rất vững chắc cho người nào chịu tiếp nhận ơn cứu độ của Ngài. Huyết vô tội của Đức Chúa Jesus sẽ chuộc người tin ra khỏi các giao ước với ma quỷ. Nghĩa là Ngài đã chịu án chết thay thế cho tội nhân có các giao ước đó.
Người nào tin Ngài, hiểu các lợi ích do huyết chuộc tội ấy đem lại, tiếp nhận ơn cứu độ tha tội, công khai từ khước các khế ước với ma quỷ, thì các giao ước ấy liền bị thập tự giá huỷ bỏ, không còn hiệu lực.
Hơn thế nữa, người tin còn được chuộc ra khỏi án rủa sả của luật pháp. Vì Đức Chúa Jesus chịu bị chết treo trên thập tự và chịu bị rủa sả thay cho mọi người tin: “Đấng Christ đã chuộc chúng ta khỏi sự rủa sả của luật pháp khi Ngài chịu rủa sả thế cho chúng ta, vì có lời chép:‘Đáng rủa thay cho kẻ bị treo trên cây gỗ’” (Galati 3:13).
Như vậy, phương pháp giải quyết duy nhất là chúng ta phải được huyết chuộc tội của Đức Chúa Jesus chuộc ra khỏi án nguyền rủa của luật pháp vì có các giao ước với ma quỷ, thì mới huỷ bỏ được nền móng xấu.
Sở dĩ nhiều con cái Chúa vẫn tiếp tục bị nền móng hư lún cũ tác quái trong đời sống, khiến họ không trưởng thành nổi trong nếp sống đạo; bởi vì họ chưa bao giờ được dạy để hiểu biết vấn đề nghiêm trọng nầy.
Tân tín hữu nghe giảng Tin Lành thì vui mừng tiếp nhận ơn cứu rỗi, nhưng chưa hiểu biết bao nhiêu về quyền năng của thập tự giá đã chuộc họ khỏi sự rủa sả của luật pháp; nên không biết rằng họ phải tuyên bố nhận món quà cứu chuộc ấy, để mọi khế ước nghịch lại họ phải bị thập tự giá huỷ bỏ.
Nhiều nơi dạy cho tân tín hữu rằng: “Tiếp nhận Chúa và chịu báp têm là đương nhiên được đầy dẫy Đức Thánh Linh.” Nhưng tân tín hữu sớm nhận ra là họ vẫn phải chống trả với tội lỗi một cách khổ sở, chưa biết cách thiết lập mối liên hệ thân mật với Đức Chúa Trời. Người ta bảo họ cứ về đọc Kinh-thánh và cầu nguyện thì sẽ lớn lên trong Chúa. Nhưng các vị dạy lời ấy chưa bao giờ trưởng thành trong Chúa vì không biết cách nào.
Tân tín hữu được bảo phải ăn năn tội lỗi, nhưng đại đa số không biết mình đã phạm tội gì để có thể ăn năn! Đáng lẽ ra Hội-thánh phải dạy cho họ biết các tội lỗi chống nghịch Chúa trong nếp sống cũ là như thế nào thì mới có thể thật lòng ăn năn từ bỏ con đường tà vạy.
Họ phải được giải thích sự tiếp nhận ơn cứu chuộc có nghĩa là tự nguyện từ bỏ các hành vi tội lỗi trước kia để được tha tội, là điều kiện phải có để nhận sự tái sinh. Mà trong các hành vi tội lỗi ấy có cả những giao ước do tổ tiên và chính mình đã lập với ma quỷ khi thờ cúng các thần tượng ngoại giáo.
Cho nên, những ai chưa ăn năn và chưa từ khước các giao ước cũ thì chưa được tha tội vì chưa thật sự tiếp nhận món quà cứu chuộc; vì thế họ không đủ tư cách pháp lý để huỷ bỏ hay đình chỉ giao ước cũ với thế giới tối tăm.
Nền móng cũ vẫn còn thì giáo đồ vẫn tiếp tục phạm tội và sống theo bản tính cũ.
Chúng ta phải hiểu tin Chúa là tham dự vào giao ước mới, mà Đức Chúa Jesus đã lập bằng huyết vô tội của Ngài, để chúng ta được tha tội thì mới được giải thoát ra khỏi các giao ước vô cùng tệ hại do tổ phụ truyền lại, hoặc do chính chúng ta lập với ma quỷ trước kia.
Điều kiện căn bản đầu tiên của đời sống tín đồ là phải thật sự có mối liên hệ với Đức Chúa Trời qua Đức Thánh Linh, là Đấng sẽ chỉ dẫn cho chúng ta thấy mình đang thiếu điều gì. Mà Đức Thánh Linh sẽ ngự vào lòng người nào đã được tha tội để sinh ra tâm linh mới cho người đó, gọi là sự tái sinh.
Ngài là Đấng thiết lập mối liên hệ thân mật giữa chúng ta với Đức Chúa Trời, ban cho chúng ta một vị trí mới. Vị trí mới trong linh giới, của người được tái sinh, giúp cho tín hữu có đủ tư cách pháp lý và điều kiện để giải quyết những vấn nạn, mà trước đây chúng ta không làm nổi.
Vì thế điều kiện phải có để có thể đối phó với các loại nền móng ác, là phải nhận được sự tái sinh từ Đức Thánh Linh trước đã; nhưng làm sao biết mình có nền móng xấu hay nó thuộc loại nào?
Trước hết phải xem những khó khăn mình đang gặp có phải do bản chất tánh tình, bệnh tật, tai hoạ, hay những điều rủi ro vô cớ cứ lặp đi lặp lại theo một khuôn mẫu nào đó, giáng xuống cả gia đình hoặc họ hàng dòng tộc.
Nếu đúng như vậy thì nguồn gốc nó là từ các đời tổ tiên truyền lại cho con cháu. Đối với loại nầy, nếu có thể, thì tìm hiểu nó bắt nguồn từ thế hệ nào để có thể truy tìm nguyên nhân. Biết nguyên nhân sẽ giúp chúng ta đối phó với nó nhanh chóng và hữu hiệu hơn.
Nếu không tìm ra nguyên nhân thì đối phó với nó bằng cách thay cho tổ tiên xưng tội với Chúa.
Đối với hậu quả của các hành động tội lỗi do chúng ta gây ra trước khi tin Chúa (đối với tân tín hữu), hoặc trước khi phục tùng Đức Thánh Linh (đối với tín hữu đạo dòng), thì phải áp dụng trình tự:
Ăn năn, nhân danh Chúa từ bỏ với một sự hiểu biết và ý thức rõ ràng về điều mình phải làm. Khi nào chúng ta nhân Danh Đức Chúa Jesus và cậy thập tự giá của Ngài để công khai huỷ bỏ mọi giao ước mà mình đã có với ma quỷ, trong quá khứ hay hiện tại, thì nền móng ác bị Chúa phá huỷ. Ăn năn luôn luôn là thuốc chữa trị mọi nan đề (2Sử 7:13–14).
Kế đến là xin Chúa tha tội, dù là tội cá nhân hay của tổ phụ (Nêhêmi 1:6).
Sau đó, dùng lời nói khước từ, bác bỏ các giao ước cũ với ma quỷ, trước mặt Chúa hứa nguyện từ bỏ tội lỗi hay thói xấu (Côlôse 3:1–10; 1Phierơ 3:10–12).
Cuối cùng là nhân danh Đức Chúa Jesus, Đấng toàn thắng, tuyên bố huỷ bỏ, trừ diệt các nền móng ác hiểm ấy (Côlôse 2:13–15). Rồi từ đó vâng lời Chúa trong mọi việc (Mathiơ 7:24–27).
TimBietYChua20.docx
Rev. Dr. CTB