Tìm Biết Ý Chúa, 21

1Giăng 5:1–5

Nếu nếp sống đức tin của chúng ta luôn êm đềm như dòng sông xuôi chảy, thì chẳng có điều chi đáng nói. Nhưng vì có rất nhiều Cơ-đốc-nhân luôn bị trục trặc trong đời sống đạo do các nền móng xấu họ tự tạo ra, nên chúng ta cần phải hiểu các nguyên tắc Kinh-thánh làm nền tảng cho sự giải quyết loại nền móng xấu mà nhiều Cơ-đốc-nhân tự tạo sau khi đã hưởng ơn cứu chuộc từ ân sủng của Đức Chúa Trời.

Loại nền móng nầy khác với thứ nền móng bị nguyền rủa do tổ tiên vi phạm luật pháp thiên đàng. Chúng là thứ nền móng ọp ẹp khác do tội lỗi và các sự vi phạm từ tánh tình của người có linh hồn chưa chịu bước đi trên con đường thánh hoá. Ơn tái sinh chưa xảy ra trong tâm linh của lớp tín hữu nầy; dù là người tân tòng hay đạo nòi cũng vậy.

Ơn tái sinh do Đức Thánh Linh thực hiện trên người tiếp nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời nhằm mục tiêu giải thoát họ khỏi dòng giống cũ để được sinh ra trong dòng giống mới, một dòng giống mang bản chất mới thánh thiện. Sự tái sinh nầy phải hữu hiệu vĩnh viễn. Nhưng sự tái sinh chưa thể xảy ra khi ta chưa được tha tội.

Tái sinh là biến cố thay đổi hẳn số phận của người được hưởng ơn đó. Tâm linh bên trong chúng ta được sinh lại thành tâm linh mới mang bản chất thánh thiện của thiên đàng, khi chúng ta hiểu rõ rằng mình là người có tội do bản tính xác thịt của phần hồn, cộng thêm tội lỗi di truyền từ tổ tiên; rồi tin rằng Đức Chúa Jesus, là Đức Chúa Trời, đã xuống trần làm một người vô tội để chịu hình phạt án chết thay thế cho cả nhân loại, trong đó có mình; rồi qua lòng tin, thì mình chắc chắn được ban cho ơn cứu rỗi và tái sinh từ Đức Chúa Trời.

Tuy nhiên, lòng tin phải có sự ăn năn tội lỗi kèm theo để được huyết hi sinh của Đức Chúa Jesus rửa sạch hết tội lỗi, tức là nhận được sự tha tội. Nhưng không người nào biết hết tội lỗi mình đã phạm trong quá khứ để mà ăn năn; cho nên, sự ăn năn ở thời điểm tiếp nhận ơn cứu rỗi chỉ là một sự công nhận tổng quát về tội lỗi của cá nhân do thừa hưởng bản chất xấu của nhân loại, chứ chưa xét kỹ các nhược điểm và hành vi phạm tội hoặc tính tình nào của mình cần phải được biến đổi.

Vì thế, nơi điều khiển lý trí, ý chí và cảm xúc ở trong hồn người vẫn tiếp tục điều khiển các phản ứng của chúng ta đối với mọi diễn biến chung quanh mình, tức là cá tính của từng người vẫn còn nguyên.

Dù cho người ấy đã dứt khoát từ bỏ các giao ước của tổ tiên đã lập với thế giới tối tăm, nền móng ác hiểm từ tổ phụ đã bị huỷ bỏ, nhưng bởi cá tính chưa được biến đổi, nền móng xấu do người đó tự tạo vẫn tiếp tục gây vấp váp trên bước đường thánh hoá.

Nền móng ấy phải bị loại bỏ thì chúng ta mới có thể thiết lập nền móng mới cho đời mình và con cháu mai sau thoát khỏi quyền lực của tội lỗi.

Nghĩa là trong khi vẫn phải sống giữa thế gian đầy tội lỗi vây quanh, con cái thật của Chúa vẫn không bị tiêm nhiễm các quan điểm ô uế và gian tà của xã hội nhớp nhúa, nhờ đã hiểu biết các nguyên tắc thánh khiết của thiên đàng và lòng được Đức Thánh Linh hướng dẫn, gìn giữ.

Để đạt tới trình độ đó, chúng ta phải hiểu rằng khi tiếp nhận ơn cứu chuộc của Đức Chúa Jesus, thì tất cả những khế ước, giao ước mà mình đã lập với ma quỉ do vô tình hay cố ý đều đã bị thập tự giá của Đức Chúa Jesus huỷ bỏ rồi. Tức là nền móng xấu ác do thừa hưởng từ tổ tiên và do chính mình tạo nên vì bản tính và các hành vi tội lỗi, thì bởi sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus, nền móng ấy đã bị phá huỷ (Rôma 3:25a; Ê-phê-sô 1:7).

Như vậy, chúng ta phải theo đuổi nếp sống mới trong Chúa. Tức là tránh xa và từ bỏ mọi thứ tà tình, tư dục cũ mà mình vốn có. Ví dụ như dễ bị chạm tự ái, ích kỷ, ưa phóng đại sự việc, tham lam, không thành thật, háo sắc, háo danh, ưa khoe khoang, không có lòng thương xót, vv.

Như sứ đồ Phaolô dạy tín hữu đừng tiếp tục sống theo ý tưởng hư không của người ngoại đạo nữa, lột bỏ người cũ thuộc về lối sống vốn bị hư hỏng bởi những sự ham muốn tầm thường và ô uế trước kia để mặc lấy người mới được tạo dựng theo hình ảnh của Đức Chúa Trời trong chân lý công chính và thánh khiết, nhờ tâm trí được Đức Thánh Linh đổi mới mà sống thanh sạch (Ê-phê-sô 4:17–24).

Những việc cụ thể phải làm là: Loại bỏ sự giả dối, nói thật với nhau, khi nóng giận thì đừng phạm tội, cũng đừng thù dai, không trộm cắp nhưng lấy tiền mình làm ra giúp đỡ người thiếu thốn, tránh nói lời độc ác, khi đáng nói hãy nói lời xây dựng, loại bỏ sự cay đắng, phẫn nộ, la lối, lăng mạ, cùng mọi điều hiểm độc; cư xử với nhau cách nhân từ và dịu dàng, tha thứ nhau như đã được Đức Chúa Trời tha thứ nhờ ở trong Đấng Christ (Ê-phê-sô 4:25–32).

Nhưng mọi điều vừa nêu thì rất khó thực hiện; vì khi con người chưa có lòng yêu thương từ thiên đàng để chiến thắng thế gian, thì không thể thắng nổi bản ngã, tức là cái tôi, vốn cai trị mọi người trong nhân loại. Mà muốn có lòng yêu thương từ thiên đàng để đắc thắng thế gian thì phải được Đức Chúa Trời sinh ra (1Giăng 5:4).

Vì vậy, hãy tìm hiểu các nguyên tắc nào để được Đức Chúa Trời sinh lại.

Người ta tưởng việc được Đức Chúa Trời sinh ra thì không khó, bởi vì chỉ cần tin Đức Chúa Jesus là Đấng Christ: “Ai tin Đức Chúa Jesus là Đấng Christ thì sinh bởi Đức Chúa Trời” (1Giăng 5: 1a).

Nhưng ít chú ý tới điều kiện theo sau “ai yêu thương Đấng sinh thành thì cũng yêu thương người được Đấng ấy sinh ra” là điều khó hơn; bởi vì để có thể yêu thương những tín hữu với đủ thứ tính khí khác nhau, chúng ta phải thể hiện tình yêu chân thành đối với Đức Chúa Trời và làm theo các điều răn của Ngài.

Vâng lời làm theo các điều răn của Chúa là dấu hiệu của sự thật lòng yêu thương anh chị em khác: “Bởi điều nầy, chúng ta biết mình yêu thương con cái Đức Chúa Trời: Đó là chúng ta yêu Đức Chúa Trời và làm theo các điều răn của Ngài. Yêu Đức Chúa Trời là chúng ta vâng giữ các điều răn của Ngài; điều răn của Ngài không phải là nặng nề” (5:2–3).

Nguyên nhân khiến người ta khó yêu thương người khác là vì cách suy nghĩ và hành xử của họ đã không giống mình mà nhiều khi còn trái ngược nữa. Hai người có hai tính khí khác hẳn nhau sẽ va chạm khi sinh hoạt chung.

Mà đã là một Hội-thánh thì không thể tránh các sinh hoạt chung đụng với người khác. Nhất là trong một sinh hoạt thảo luận mà không có một khuôn khổ luật lệ nào làm chuẩn mực, cũng không có một giới hạn thời gian cho mỗi lần phát biểu ý kiến. Xung đột giữa các cá tính là hệ quả tất yếu phải xảy ra.

Cho nên, người thật được Chúa sinh ra là người hết lòng kính mến Đức Chúa Trời. Nhờ lòng chân thành kính mến đó, người tin Chúa mới có thể làm theo điều răn của Ngài là chịu đựng và yêu thương các con cái khác của Ngài. Điều răn Ngài dạy ấy là: “Ai yêu thương Đức Chúa Trời thì cũng phải yêu thương anh em mình(1Giăng 4:21).

Sứ đồ Giăng xác định: “Nếu có ai nói: ‘Tôi yêu thương Đức Chúa Trời’ mà lại ghét anh em mình thì người ấy là kẻ nói dối. Vì người nào không yêu thương anh em mình thấy thì không thể yêu thương Đức Chúa Trời mà mình không thấy được” (1Giăng 4:20). Cho nên, để chiến thắng thế gian thì phải tin chắc rằng Đức Chúa Trời là Đấng đã bày tỏ tình yêu thương của Ngài qua Đức Chúa Jesus.

Nhờ lòng tin ấy, chúng ta biết ơn cứu độ của Ngài, rồi bày tỏ lòng biết ơn kính mến Ngài bằng cách yêu thương những anh chị em khó thương trong Hội-thánh mà mình phải chung đụng thường xuyên; như sứ đồ Giăng quả quyết: “Vì ai sinh bởi Đức Chúa Trời thì chiến thắng thế gian; điều làm cho chúng ta chiến thắng thế gian chính là đức tin của chúng ta” (5:4). Niềm tin chắc vào thiện ý và tình yêu của Đức Chúa Trời là yếu tố giúp chúng ta thành công.

Thế thì, đức tin không sai trật vào chân lý là phương cách luôn luôn hiệu quả trong sự diệt trừ nền móng xấu để lập nền móng mới vững chắc.

Sứ đồ Giăng lại nói: “Ai là người chiến thắng thế gian, nếu không phải là người tin Đức Chúa Jesus là Con Đức Chúa Trời?” (5:5). Điều ấy có nghĩa là tin Đức Chúa Jesus là tư tưởng và lời phán ra từ Đức Chúa Trời xuống trần gian làm Người, nên Ngài được gọi là Ngôi Lời Nhập Thể.

Bởi vì những đạo giáo do người trần gian thành lập tưởng rằng Đức Chúa Jesus cũng là người phàm như các giáo chủ của họ. Sự khác biệt rất rõ ràng: Đức Chúa Jesus biết rõ cõi trời và có quyền phép; các vị kia chẳng có quyền phép gì và cũng chẳng biết chi về cõi trời.

Chúng ta có thể chiến thắng thế gian, trừ bỏ được nền móng xấu, vì chúng ta có lòng tin đúng và được biến đổi để có thể yêu thương những con cái khác của Đức Chúa Trời, tức là được Ngài sinh ra vậy.

TimBietYChua21.docx
Rev. Dr. CTB