Các Vấn Đề Căn Bản, bài 27
Ê-xê-chi-ên 28:14–15, 18a
Điều ác từ đâu mà có là một sự thắc mắc của nhiều nhà đạo đức học và hàng hà sa số người có lòng hướng thiện khác trải qua hàng ngàn đời nay.
Nguyên nhân của sự khó khăn trong vấn đề nầy là tầm hiểu biết của loài người về các lãnh vực vô hình thì rất giới hạn. Thậm chí người trần gian không biết định nghĩa điều ác sao cho đúng.
Tâm lý chung của loài người cho rằng điều ác là nghịch lại điều thiện; hoặc cái gì không phải thiện thì chắc chắn là ác. Thế nhưng, quan niệm về thiện và ác của người trên thế giới thì khác nhau tùy theo văn hóa, tín ngưỡng và thời đại nữa.
Cho nên, để có thể định nghĩa điều ác thật chính xác, chúng ta cần biết nguồn gốc của điều thiện, rồi sẽ nhận diện điều gì nghịch lại điều thiện, thì biết chúng là ác.
Theo điều chúng ta tin thì Đức Chúa Trời, Đấng tạo dựng muôn loài vạn vật theo ý định tốt lành của Ngài, là nguồn gốc của mọi điều thiện. Vì bởi ơn cứu độ mà Ngài đã thực hiện qua Ngôi Lời nhập thể, là Đức Chúa Chúa Jesus Cứu Thế, người nào đã tiếp nhận ơn ấy thì đều được thức tỉnh tâm linh để biết bản tính thiện lành trong Ngài.
Do đó, chúng ta tin lời Kinh-thánh chân thực cho biết về Ngài: “Mọi ơn lành tốt đẹp và tặng phẩm hoàn hảo đều đến từ thiên thượng, được ban xuống từ Cha của sự sáng; trong Ngài không có sự thay đổi, cũng chẳng có bóng của sự chuyển dịch” (Gia-cơ 1:17).
Từ nhận thức căn bản đó, chúng ta nhận ra sự ác là bất cứ điều gì cong queo, méo mó khi so sánh với đường lối ngay thẳng và toàn hảo của Chúa.
Chúng ta cũng đọc lại lời Kinh-thánh mô tả nguồn gốc của Satan, vị thiên sứ trưởng Lucifer, một chê-rúp che phủ đầy vinh quang và uy quyền ở chốn thiên đàng, đã sa ngã chỉ vì sự gian ác xuất hiện trong tư tưởng:
“Ngươi là một chê-rúp được xức dầu đang che phủ;…Đường lối ngươi trọn vẹn từ ngày ngươi được dựng nên, cho đến khi thấy sự gian ác trong ngươi” (Ê-xê 28:14–15).
Tư tưởng gian ác của Lucifer được bày tỏ như sau: “Chính ngươi đã nói trong lòng rằng: ‘Ta sẽ lên trời, ta sẽ nhấc ngai ta lên cao hơn các ngôi sao của Đức Chúa Trời. Ta sẽ ngồi trên núi hội kiến xa tít về phương bắc. Ta sẽ lên cao hơn các đám mây, làm cho ta giống Đấng Rất Cao’” (Ê-sai 14:13–14). Vì tư tưởng và dự định kiêu căng đó, Lucifer trở thành kẻ bắt nguồn cho sự ác.
Kinh-thánh nhiều lần đề cập đến tính gian ác (iniquity) và điều ác (evil). Tội lỗi là hậu quả từ cái gốc gian ác trong con người. Có thể định nghĩa tính gian ác là tổng số của tất cả điều ác cộng lại.
Khi chúng ta hiểu biết vấn đề nầy, chúng ta mới hiểu gốc rễ của vô số nan đề đã khiến chúng ta bị đau khổ trong đời.
Điều ác là hột giống của ma qủy gieo vào lòng của dòng giống người mà từ đó sinh ra tính ác độc trong loài người.
Tính ác ấy lưu truyền từ đời nầy qua đời nọ sinh ra tư tưởng và ý định nghịch lại mọi điều thiện của Đức Chúa Trời như: Công chính, chân lý, thương yêu…
Bằng chứng là lời Chúa nói về sự ác trong dân Giu-đa, dòng dõi của một người được Đức Chúa Trời lập giao ước là Áp-ra-ham: “Tội lỗi của dân Giu-đa được ghi bằng bút sắt, khắc bằng mũi kim cương, trên bia lòng và trên sừng các bàn thờ của chúng” (Giêrêmi 17:1).
Tính gian ác là một phần của nhân linh, nó tác động trên cách hành xử, nó là cái khuôn tạo ra cách thành hình những ý tưởng, và nó cũng ảnh hưởng trên sức khoẻ của thể xác chúng ta nữa.
Về bản chất, tính gian ác dính liền với linh giới tối tăm. Ma quỷ dựa vào đó mà trói buộc chúng ta vào sự rủa sả của tổ tiên chúng ta mắc phải. Nó là nền tảng pháp lý mà các tai họa hay tật bệnh từ tổ tiên truyền xuống nhiều đời con cháu.
Khi nào tính gian ác chưa bị nhổ bỏ trong tín hữu, thì thường xuyên ngăn trở con cái Chúa nhận lãnh trọn vẹn các ơn phước của Ngài. Nó là cái cửa chính mà ma qủy dùng để tác động vào đời sống con người, dù là tín hữu hay người chưa tin Chúa.
Vì nó dựa vào đó để xâm nhập lòng người, đặt vào đó đủ thứ ước muốn dâm dục tội lỗi, xui giục người ta thực hành vô số hành động hết sức tởm lợm (Gia-cơ 1:14–15).
Chúng ta cần phải biết phân biệt giữa tính gian ác với tội lỗi. Tội lỗi là cái quả, phần rõ ràng bên ngoài của thứ bản chất đâm rễ rất sâu trong con người.
Tội lỗi liên quan đến tính gian ác như là những nhánh của một cái cây lớn, mà cây ấy phát triển mạnh mẽ từ rất nhiều thế hệ. Vì thế, nó chính là cái gốc của mọi điều ác bên trong chúng ta tụ họp lại với nhau.
Sự hiểu biết chân lý nầy sẽ giúp con cái Chúa biết mình phải đốn bỏ cái gốc rễ tai hại nào. Bởi vì tất cả chúng ta đều xưng tội với Chúa, nhưng rất ít người cầu xin Ngài xoá sạch bản chất gian ác trong lòng;
Cho nên, những hậu quả từ cái gốc ấy vẫn tiếp tục hoành hành, gây tai họa, mà tín hữu ngơ ngẩn không hiểu lý do của những sự rủa sả về tiền tài, bệnh tật, tai nạn, hôn nhân đổ vỡ, và những tai họa đáng lẽ không thể xảy ra dưới sự bảo vệ của Đấng Toàn Năng.
Trong lời Ngài tuyên bố khi đi qua trước mặt Môi-se, Đức Chúa Trời phân biệt rất rõ: “Giêhôva! Giêhôva! Là Đức Chúa Trời nhân từ, thương xót, chậm giận, dư dật ân huệ và thành thực, giữ lòng yêu thương đến ngàn đời, tha thứ điều gian ác, sự vi phạm và tội lỗi; nhưng không kể kẻ có tội là vô tội, mà nhân tội tổ phụ phạt con cháu đến ba bốn đời” (Xuất Ai-cập 34:6–7).
Qua lời tuyên bố nầy, chúng ta phải hiểu nguyên tắc của Chúa là Ngài không đối xử với điều ác theo cách tổng quát; mà sự đòi hỏi của Ngài rất cụ thể.
Vì thế, nếu chúng ta cầu xin sự tha thứ của Chúa cho tội lỗi của mình một cách tổng quát và chung chung, thì sẽ không giải quyết được cái gốc của vấn đề mà mình muốn giải trừ.
Đương nhiên là Chúa biết ý định và ước muốn của lòng chúng ta, nhưng nếu người ta cầu xin sự tha thứ mà không biết rõ mình cần được giải thoát khỏi điều gì, thì làm sao biết được cái gốc của vấn đề cần phải bị trừ khử.
Lời tiên tri đời xưa nói Đấng Mết-si-a phải chịu khổ để chúng ta được giải thoát khỏi ba thứ: Vi phạm, gian ác và tội lỗi “Người đã vì sự vi phạm của chúng ta mà bị vết, vì gian ác của chúng ta mà bị thương, bởi sự trừng phạt Người chịu, chúng ta được bình an, bởi lằn roi Người mang, chúng ta được lành bệnh”(Ê-sai 53:5).
Câu Kinh-thánh nầy được đọc thường xuyên vào mùa giáng sinh mỗi năm. Nhưng đa số con cái của Chúa trong Hội-thánh chỉ tự giới hạn mình vào ơn cứu rỗi. Không có nhiều người quan tâm hoặc suy gẫm về ơn cứu chuộc.
Nghĩa là chúng ta chỉ nghĩ tới việc mình được cứu khỏi tội lỗi, còn bao nhiêu nỗi khổ về tình cảm trong tâm hồn và bệnh tật đau đớn của thân thể, thì chỉ hi vọng mơ hồ. Nan đề của vô số tín hữu là tiếp tục mang gánh nặng của sự gian ác bị thừa hưởng từ nhiều đời tổ phụ mà không biết cách giải quyết.
Đức Chúa Jesus đã hoàn thành công việc và nhiệm vụ mà Ngài được sai đến thế gian; chúng ta có thể sống một đời sống sung mãn trong Ngài.
Nhưng lý do nào đã khiến chúng ta chưa kinh nghiệm được sự toàn thắng của Ngài trong đời sống mình? Đó là vì chúng ta chưa biết những bí quyết, chưa hiểu các điều cần được hiểu rõ, để áp dụng vào ơn cứu rỗi và cứu chuộc cả thân, hồn và linh của chúng ta.
Tín hữu nào có ý thức về tội lỗi thì chú ý vào phần xác và hồn là phần dễ bị cám dỗ phạm tội vì yếu đuối; nhưng không biết cái lực xui khiến nó là tính gian ác từ tổ phụ.
Vì thế, khi Đức Chúa Trời truyền dạy Môi-se về nghi lễ chuộc tội bằng sinh tế, thì Ngài phân biệt rõ sự gian ác với tội lỗi: “A-rôn … đặt cả hai tay lên đầu con dê đực còn sống đó, xưng tất cả gian ác của dân Israel, mọi vi phạm và tội lỗi của chúng, và chất tất cả lên đầu con thú” (Lêvi 16:21).
Thế thì, trong sự xưng tội để được quyền phép của huyết Đức Chúa Jesus tẩy sạch mọi điều gian ác, vi phạm và tội lỗi, cả ba hình thức hư hoại của nhân loại, thì chúng ta phải biết rõ chúng để xưng ra.
Nhìn vào hình ảnh của biểu tượng xưng tội mà A-rôn đặt hai tay lên đầu con dê đực, thì trước tiên ông phải xưng mọi điều suy nghĩ, tính tình, hành vi, và lời nói gian ác của dân Israel; sau đó mới xưng ra các điều vi phạm và tội lỗi tức là việc làm bị sự gian ác thúc đẩy.
Hình ảnh con dê đực bị chất lên đầu tất cả sự gian ác, vi phạm và tội lỗi, rồi bị dẫn vào hoang mạc cho Azazel, có nghĩa là chúng ta phải để cho Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm đời đời, là Đức Chúa Jesus, đem sự gian ác, các vi phạm và tội lỗi của chúng ta trả lại cho Satan, tác giả của mọi điều ác trên thế gian, thì sẽ giải quyết được rất nhiều hậu quả của sự rủa sả do tính gian ác trong ta tạo nên.
VanDeCanBan27.docx
Rev. Dr. CTB