Khởi Đầu Mới, 11
Châm Ngôn 21:2–4
“Mọi đường lối của con người đều chính đáng theo mắt mình, nhưng Đức Giê-hô-va đánh giá tấm lòng. Làm theo sự công chính và ngay thẳng được đẹp lòng Đức Giê-hô-va hơn là dâng sinh tế. Mắt tự cao, lòng kiêu ngạo, và ngọn đèn của kẻ ác đều là tội lỗi.”
Loài người thường hiểu sai hay lầm tưởng nhiều điều bên trong con người của mình. Chữ gọi sự lầm tưởng ấy là ‘ngộ nhận.’ Sự ngộ nhận phổ thông hơn hết là đánh giá sai chính mình, hoặc tưởng rằng không ai biết động lực thúc đẩy việc mình làm. Câu 2 cho biết một thực tế cần phải suy nghĩ: “Mọi đường lối của con người đều chính đáng theo mắt mình, nhưng Đức Jehovah đánh giá tấm lòng.” Để tránh được những sự ngộ nhận do hiểu sai, và biết những điều gì trong lòng bị Đức Chúa Trời đánh giá, chúng ta phải hiểu tấm lòng là gì và nằm ở đâu bên trong con người rồi phân tích những vấn đề không thấy được bằng mắt có ảnh hưởng tới số phận của mỗi người ra sao.
Chữ ‘tấm lòng‘ thường được dùng để nói tới hoạt động của tâm trí, cảm xúc và quyết định của linh hồn con người. Đôi khi chữ lòng được dùng để nói về tâm linh. Những điều diễn ra trong tâm linh thường ít thay đổi, nhưng hoạt động của tâm trí thì thất thường và khó đoán trước. Một người đang bình yên có thể nổi giận bất thình lình khi cảm thấy bị xúc phạm. Lòng người ta thích được chiều chuộng để thỏa mãn cái tôi. Mà cái tôi trong con người dễ ngả theo cảm xúc hơn là lý trí. Cái tôi cũng trốn tránh nhận mình sai và nại nhiều lý lẽ để tự biện hộ. Cái tôi của mỗi chúng ta đôi khi dẫn tới ý tưởng kỳ quặc, hành vi và lời nói lố bịch, cảm xúc cay đắng, và ý nghĩ nham hiểm ẩn giấu trong lòng. Gặp lúc bất bình thì những tư tưởng xấu xa bỗng bộc lộ ra cách bất ngờ.
Đức Chúa Jesus phân tích về tấm lòng (Mathiơ 15:19) “Vì từ trong lòng nẩy sinh những ý tưởng xấu, giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cướp, làm chứng dối, và vu khống.” Ngài cũng phán “Vì có đầy dẫy trong lòng thì miệng mới nói ra” (Mathiơ 12:34b). Từ thời thái cổ, Đức Chúa Trời đã phán (Sáng Thế 8:21b) “Tâm địa của loài người vẫn xấu xa từ lúc còn niên thiếu.” Cho nên những ai không chịu cầm giữ lòng mình thì gặp biết bao thiệt hại (Châm Ngôn 25:28) “Người nào không chế ngự lòng mình khác nào một cái thành đổ nát, không tường lũy.” Đúng vậy, tấm lòng dùng những khái niệm tự bào chữa làm đồn lũy để cố thủ. Điều đó có thể gọi là sự tự bảo vệ khi pháo đài ‘bản ngã’ bị đụng chạm và sẵn sàng phát ra những lời nói giận dữ giống như bắn các mũi tên độc.
Trong lòng của chúng ta chất chứa tánh tình, quan điểm, nếp suy nghĩ, và động lực xui khiến người ta phản ứng hay hành động. Mọi thứ đó được gọi là bản chất. Người có bản chất tốt thì hành động tốt, bản chất xấu thì hành động xấu. Có một số hành động mà giữa tốt với xấu chỉ cách nhau một kẽ hở rất nhỏ. Ví dụ, các quyết định để hành động thường dựa trên sự ích kỷ, kể cả hành động được xem là đúng như giúp đỡ những người thiếu thốn là việc thiện nên làm. Nhưng nếu mục đích giúp đỡ bị thúc đẩy bởi tâm lý muốn được nổi tiếng, thì việc làm đó bị xem là xấu xa, không phải do tâm ý thiện hảo. Người ta có thể che mắt một số người nào đó, thậm chí có thể che được nhiều người, nhưng không thể che được mắt Chúa và những người được Thánh Linh Ngài bày tỏ.
Vậy, phần chính bị đánh giá, mà Kinh Thánh gọi là tấm lòng, là động lực bên trong loài người thúc đẩy hành động của họ. Đức Chúa Trời nhìn vào lòng và tâm trí loài người để xác định nguyên nhân thúc đẩy người ta làm điều họ làm. Chữ làm ở đây bao gồm cả sự toan tính và lời nói dối hay nói thật về việc nào đó. Rất nhiều khi chúng ta được thưởng hay bị phạt là do lời nói cố ý hoặc vô ý của mình (Mathiơ 12:36–37) “Nhưng Ta bảo các ngươi, trong ngày phán xét, người ta sẽ khai trình mọi lời vô ích mình đã nói. Vì bởi lời nói, ngươi sẽ được xưng công chính; cũng bởi lời nói, ngươi sẽ bị định tội.” Tại sao có lời thiện và có lời ác? Hãy nghe lời Đức Chúa Jesus phán (Mathiơ 12:35) “Người tốt do tích lũy điều thiện nên sản sinh điều thiện; còn kẻ xấu do tích tụ điều ác nên sản sinh điều ác.” Cho nên, việc làm không phải chỉ là hành động đã thực hiện, nhưng còn là lời nói và những điều toan tính trong lòng do động lực tốt hay xấu thúc đẩy mình.
Vậy, Đức Chúa Trời đánh giá như thế nào? Vì Ngài là nguồn gốc của mọi điều thiện hảo, tốt lành, nên bất cứ điều gì thiện và tốt đều thuộc về Ngài; bất cứ điều gì xấu ác đều thuộc về thế gian. Đức Chúa Trời không đánh giá theo bề ngoài, Ngài đánh giá bản chất của con người thật bề trong. Không có gì giấu giếm được con mắt soi xét của Chúa. Nếu chúng ta hành động thành thật và ngay thẳng, kính sợ Chúa và yêu mến Ngài, thì dù có lầm lỗi vì không biết rõ sự thật trong lòng người khác, Chúa vẫn chỉ dẫn và tha thứ cho những tấm lòng biết ăn năn. Còn những ai dối trá quanh co vì không biết kính sợ Chúa cũng không có lòng yêu mến Ngài, thì sẽ phải chịu sự phán xét nghiêm khắc của Chúa. (Truyền Đạo 5:6) “Đừng để miệng con khiến con phạm tội, và đừng nói trước mặt sứ giả của Đức Chúa Trời rằng: ‘Đó là lầm lỡ.‘ Sao con làm cho Đức Chúa Trời nổi giận vì lời nói của con, và Ngài phá hủy công việc của tay con?”
Những động lực nào thúc đẩy chúng ta thực hiện điều nọ hay điều kia? Sự đánh giá của Chúa nhắm tới những điều chúng ta chú trọng và đặt lên hàng ưu tiên. Nghĩa là những gì chiếm hữu lòng ưu tư và thời gian của chúng ta chính là điều mình đặt làm ưu tiên trong cuộc sống. Chúa biết mọi điều chúng ta nghĩ trong tâm trí và theo đuổi. Mọi người đều phải luôn luôn lập quyết định, những gì nên làm hoặc không nên làm, những gì sẽ làm, khi nào sẽ làm, và tại sao phải lập quyết định ấy. Rất ít người để ý tới động lực thúc đẩy mình lập quyết định. Bởi vì không phải lúc nào mình cũng lập quyết định đúng, nhất là khi các quyết định ấy liên quan tới tâm linh của đời sống đạo. Hầu hết các quyết định bị thúc đẩy bởi vật chất chứ không phải bởi đức tin. Động lực ấy là tội lỗi.
Nếu phải trình bày ra hết các thứ động lực thúc đẩy người ta làm điều sai thì nhiều vô số không thể đếm hết được. Để tránh sự phạm tội thì hãy để ý tới tánh tình và thói quen của mình. Nếu chưa biết kính sợ Chúa thì hãy bắt đầu suy gẫm và kính sợ Ngài. Cuộc đời không phải lúc nào cũng bình lặng như dòng sông giữa đồng bằng. Chắc chắn sẽ có những lúc giông bão mà chúng ta rất cần nơi trú ẩn an toàn dưới sự bảo vệ của Chúa. Vì vậy, hãy khiêm nhường, biết rõ giá trị thật và những sự yếu kém của mình. Đừng quan tâm tới danh vọng, dù được khen ngợi hay bị chê bai, cứ tạ ơn Chúa và không hãnh diện hoặc bất bình. Chúng ta hãy tập nỗ lực yêu mến và thờ kính Chúa, để các động lực thúc đẩy chúng ta suy nghĩ, ăn nói, hay hành động đều được đẹp lòng Ngài.
KhoiDauMoi11.docx
MS CTB