Các Vấn Đề Căn Bản, bài 12

Mác 9:2–10

Một số khá nhiều người đã theo đạo một thời gian, thường đọc và suy gẫm Kinh-thánh; tuy vậy, vẫn thấy nhiều lời Kinh-thánh rất khó hiểu.

Ngày xưa, các môn đồ của Đức Chúa Giêxu được ở gần bên Ngài, trực tiếp nghe Ngài dạy, là một diễm phúc mà Chúa nói cho họ biết: “Vì Ta bảo các con, có nhiều nhà tiên tri và vua chúa ước ao thấy điều các con thấy mà không được thấy, ước ao nghe điều các con nghe mà chẳng được nghe” (Luca 10:24). Nghĩa là họ đã được chứng kiến, nghe nhiều việc và những lời dạy chưa từng có trước đây.

Thế mà dù nghe trực tiếp, dù được ở gần bên Chúa, chứng kiến nhiều việc Chúa làm, họ vẫn không hiểu nổi; cho nên, họ thắc mắc về lời Chúa dặn “không được nói lại với ai những điều mình đã thấy cho đến khi Con Người từ cõi chết sống lại,” họ hỏi nhau “từ cõi chết sống lại nghĩa là gì?” (Mác 9:9–10).

Đức Chúa Giêxu biết họ không hiểu nhiều lời dạy của Ngài, nhưng Ngài không giải nghĩa cho họ hiểu. Ngài phán: “Ta đã nói những điều nầy cho các con trong lúc Ta còn ở với các con. Nhưng Đấng An-Ủi, tức là Đức Thánh Linh mà Cha sẽ nhân danh Ta sai đến, Ngài sẽ dạy dỗ các con mọi điều, và nhắc các con nhớ tất cả những gì Ta đã phán với các con” (Giăng 14:25–26).

Ngài cũng giải thích: “Ta còn nhiều điều để nói với các con, nhưng bây giờ các con không thể hiểu nổi. Khi Thần Chân Lý đến, Ngài sẽ dẫn các con vào mọi chân lý” (Giăng 16:12–13).

Như vậy, để có thể hiểu những lời phán của Đức Chúa Giêxu cùng với nhiều điều khác trong Kinh-thánh, thì người đọc Kinh-thánh phải có sự soi sáng của Đức Thánh Linh ở trong lòng; mà lúc ấy thì các sứ đồ chưa có đủ điều kiện tiếp nhận Đức Thánh Linh để hiểu lời Chúa phán dạy.

Để mỗi con dân Chúa có thể đạt đến một đời sống đạo hiểu biết được Lời Chúa, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu những lý do nào cản trở khả năng hiểu biết của mình.

Lời Kinh-thánh và các sự dạy dỗ của Đức Chúa Giêxu đều thuộc về thế giới tâm linh (Giăng 6:63); chữ đề cập các lãnh vực trừu tượng gọi là phạm trù. Cách hiểu trong phạm trù tâm linh khác xa cách suy nghĩ của các sự việc thuộc phạm trù tâm tánh xác thịt, tức là khác với những phản ứng bình thường của chúng ta đối với những sự việc diễn ra trong cõi vật chất chung quanh mình.

Vì thế, nhiều phản ứng hay cách suy nghĩ, hoặc sự đáp ứng trong cõi vật chất của chúng ta đối với cõi tâm linh thì không ăn khớp hay rất mâu thuẫn với những việc, hay hành động, mà lẽ ra chúng ta phải làm.

Hãy lấy phản ứng về các môi trường sống khác nhau để làm ví dụ: Người sống vùng núi non sẽ gặp nhiều khó khăn khi bị giao cho công việc chèo chống một chiếc thuyền trên sông nước; hay người thạo nghề sông nước bị giao cho công việc đốn những cây cổ thụ trên núi thì sẽ không thể hoàn thành công việc được.

Những người chuyên nghề thủ công, mặc dù rất khéo tay, nhưng sẽ không biết đánh máy chữ nếu không được tập luyện.

Trên đây chỉ là những ví dụ về các lãnh vực khác nhau trong cõi vật chất mà còn lúng túng như thế, huống chi áp dụng sự khác nhau giữa cõi vật chất và cõi tâm linh, thì hậu quả không hiểu hay nhầm lẫn là điều không thể tránh.

Vậy thì, sự khó hiểu hay chưa đủ khả năng hiểu biết lời Kinh-thánh là do chúng ta chưa khai thác đúng hay chưa thiết lập các nền móng căn bản, để tạo điều kiện thích hợp cho việc xây dựng cái sườn của căn nhà đời sống tâm linh vững vàng cho mình.

Ví dụ như sườn nhà bằng sắt thép không thể đứng vững trên nền đất lún, mà phải được gắn chặt trên nền bê-tông đã được làm sẵn cho nó. Cũng vậy, Đức Chúa Trời chỉ ban Đức Thánh Linh cho những tấm lòng nào đã có sự sống phục sinh của Đức Chúa Giêxu làm nền tảng.

Không phải Đức Chúa Trời giấu giếm sự hiểu biết Lời Ngài đối với chúng ta, vì “Ngài đã không tiếc chính Con mình, nhưng vì tất cả chúng ta mà phó Con ấy cho, thì Ngài lại không ban mọi sự cùng với Con ấy cho chúng ta sao?” (Rôma 8: 32); nhưng vì chúng ta chưa sẵn sàng để hiểu, cho tới chừng nào đời sống tâm linh chúng ta đã có đủ điều kiện thích hợp cho sự hiện diện của Đức Thánh Linh, thì chúng ta sẽ hiểu.

Mà điều kiện để tiếp nhận Đức Thánh Linh là sự sống phục sinh của Đức Chúa Giêxu phải ở sẵn trong lòng chúng ta rồi. Hãy nhớ lại lời Đức Chúa Giêxu nói cho các môn đồ Ngài: “Ta còn nhiều điều để nói với các con, nhưng bây giờ các con không thể hiểu nổi. Khi Thần Chân Lý đến, Ngài sẽ dẫn các con vào mọi chân lý” (Giăng 16:12–13).

Để Đức Chúa Trời có thể ban Thần Chân Lý vào tâm linh ta, lòng và ý chí của chúng ta phải hợp nhất với Đức Chúa Giêxu trong sự chết và sự sống lại của Ngài. Một tâm linh như vậy mới chịu nhìn nhận sự thật mà Chúa phơi bày về con người bề trong của mình.

Tâm lý của mọi tín hữu ở tất cả các Hội-thánh là không muốn cho ai biết con người thật của mình như thế nào hết. Vì người ta vẫn thường sợ bị mất mặt.

Hãy lấy ví dụ về bài học bốn loại địa thế mà Giăng Baptist được sai đến để chỉnh đốn: Trũng thấp, núi đồi, quanh quẹo, và gập ghềnh; là hình ảnh tiêu biểu cho bốn loại tâm tánh của tín đồ đã cản trở người chưa tin đến với Chúa.

Mặc dù một số người biết rõ mình thuộc loại quanh quẹo, gập ghềnh hay núi đồi, nhưng khi ta tập trung vào nhóm trũng thấp để che giấu sự thật con người bề trong của mình, thì chẳng lẽ Chúa không thấy hay sao?

Việc chưa đủ can đảm chấp nhận thực trạng vì sợ bị xấu hổ, là bằng cớ chưa có sự sống phục sinh của Chúa trong lòng. Vì nếu ai chưa chịu hợp nhất với Chúa trong sự chết của Ngài, thì chưa thể hưởng vinh quang sự sống phục sinh của Đức Chúa Giêxu (Rôma 8:17).

Chúng ta phải quyết tâm đánh bại sự bạc nhược của ý chí đối với các đòi hỏi của thể xác, trước khi có khả năng chịu hợp nhất với sự chết của Chúa.

Làm sao để nhận ra mình đã có sự sống mới trong lòng? Dấu hiệu rõ ràng nhất là Kinh thánh trở nên dễ hiểu! Trước hết, sự sống phục sinh của Đức Chúa Giêxu sẽ giúp chúng ta can đảm xác nhận thực trạng con người bề trong của mình và bằng lòng cho nó bị đóng đinh.

Nghĩa là sẽ chịu cho bản ngã bị phơi bày công khai, như tác giả thư Hêbơrơ khuyên giục: “Vậy nên, chúng ta hãy đi với Ngài ra bên ngoài trại quân để đồng chịu sỉ nhục với Ngài” (Hêbơrơ13:13).

Đức Chúa Giêxu chịu bị sỉ nhục công khai để chúng ta được tha tội. Người được tha tội là người sẵn lòng ăn năn tội lỗi, chịu nhục nhã lột bỏ con người cũ của mình để được mặc lấy người mới (Êphêsô 4:22–24).

Một tâm hồn biết ăn năn thống hối về bản ngã trong con người xấu xa của mình thì mới dám mở lòng ra để tiếp nhận sự sống phục sinh của Đức Chúa Giêxu. Một khi sự sống ấy đã xuất hiện và chiếm ưu thế trong lòng, thì chúng ta sẽ hiểu lời Kinh-thánh một cách dễ dàng.

Người nào tạo điều kiện thích đáng cho con người bề trong của mình được tăng trưởng, thì sẽ có thể hiểu sự dạy dỗ của Đức Chúa Giêxu, mà trước đây mình không hiểu nổi. Ngược lại, sự cứng lòng và bảo thủ ý kiến riêng của mình sẽ là nguyên nhân ngăn chặn để Chúa không thể bày tỏ điều gì cho người như thế.

Khi nào ta chịu từ bỏ lối suy nghĩ sai trật, thì sự sống phục sinh của Đức Chúa Giêxu sẽ tìm được lối vào lòng chúng ta, tạo điều kiện cho Đức Thánh Linh dạy dỗ và soi sáng.

Đức Chúa Giêxu đã nói rõ rằng Đức Thánh Linh chỉ có thể đến với các môn đồ sau khi Ngài sống lại từ cõi chết và phải rời họ để trở về thiên đàng: “Ta đi là ích lợi cho các con. Vì nếu Ta không đi thì Đấng An-Ủi sẽ không đến với các con. Nhưng nếu Ta đi, Ta sẽ sai Ngài đến” (Giăng 14:7).

Thì chúng ta cũng phải hiểu rằng, điều kiện để nhận lãnh Đức Thánh Linh là cần phải hiểu rõ vai trò của Đức Chúa Giêxu trong chương trình của Đức Chúa Trời cứu chuộc nhân loại, trong đó có sự phục sinh khải hoàn của Ngài từ cõi chết để xưng công chính cho người tin (Rôma 4:25).

Rồi ý thức rằng mình phải trưởng thành trong nếp sống đức tin, không còn bị lệ thuộc vào những đòi hỏi ấu trĩ về dấu kỳ phép lạ, tức là Đức Chúa Giêxu phải ở cạnh bên, không được rời xa, thì mới giữ vững được đức tin. Mặc dù các phép lạ là cần thiết, nhưng nếu phép lạ không xảy ra thì cũng chẳng sao. Chúng ta vẫn biết rõ mình đã được cứu và đổi mới.

Người được nếm trải sự sống phục sinh của Đức Chúa Giêxu lại có thêm phước hạnh nữa là có năng lực chống trả loại tội lỗi mà trước kia mình luôn luôn thua.

Sự hiểu biết Lời Chúa giúp giải đáp được nhiều câu hỏi khó, khiến người tin an tâm trong bất cứ hoàn cảnh nào, và nhờ hiểu biết những điều sâu nhiệm thì sẽ biết cẩn thận tránh né tội lỗi và có đủ khả năng rao truyền Tin Mừng của Chúa hiệu quả hơn.

Bởi vì đời sống đạo sẽ là bằng cớ cho những lời chứng chân thật.

VanDeCanBan12.docx
Rev. Dr. CTB