Tín Đồ Của Chúa, bài 19
Công vụ 5:12-16
Bất cứ tổ chức xã hội hay tôn giáo nào muốn tăng trưởng và phát triển đều phải có một động lực thúc đẩy họ vận động trong nội bộ, vạch kế hoạch, rồi chung sức thực hiện điều họ mong đạt tới.
Đối với Hội thánh của Chúa cũng vậy. Nhưng chương trình có thành công hay thất bại lại thuộc về sự ban ơn của Đức Chúa Trời chứ không phải khả năng của con người.
Công tác truyền giáo của Hội-thánh Chúa thời sơ lập tại Jerusalem, sau khi Đức Thánh Linh giáng lâm ban những ơn đặc biệt cho các sứ đồ, thì sự hiện diện quyền năng thiên thượng và lòng chân thành yêu mến Chúa, vừa là động lực thúc đẩy, vừa là yếu tố dẫn tới những sự thành công ngoài mức mong đợi hay tưởng tượng của họ.
Có thể nói rằng lúc ấy các sứ đồ chỉ hối hả chạy theo sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh, chứ họ chưa kịp vạch ra một kế hoạch cụ thể nào hết.
Từ một nhóm 120 người lo chuyên tâm cầu nguyện, chờ đợi và không biết chuyện gì xảy ra khi họ sẽ được báp têm bằng Đức Thánh Linh, như lời Đức Chúa Jesus hứa trước khi Ngài được cất lên trời; bất thình lình họ được Đức Thánh Linh giáng trên họ cách đầy dẫy, rồi nhóm của họ đột ngột tăng thêm ba ngàn người chỉ trong một ngày.
Mặc dù quá vui mừng, nhưng các sứ đồ và môn đồ bị đặt trước một tình trạng hoàn toàn mới, mà họ chưa từng biết cách giải quyết các vấn đề nẩy sinh từ kết quả của bài giảng kêu gọi người ta ăn năn tội lỗi trở lại với Đức Chúa Trời rồi nhân danh Đức Chúa Jesus chịu báp têm, nhận lãnh Đức Thánh Linh (Công vụ 2:41).
Các sứ đồ và môn đồ vô cùng bỡ ngỡ khi phải điều động, chỉ dẫn, tổ chức, và dạy dỗ ba ngàn tín đồ mới.
Nếu suy xét theo thực tế vào thời đó, thì mọi sự truyền dạy của các sứ đồ cho các tân tín hữu thì hoặc là trong các nhóm nhỏ tại nhà, hoặc những nơi có thể tập trung đông người mà không bị nhà cầm quyền La-mã hay giáo quyền Do-thái-giáo gây khó dễ.
Vì phần lớn tân tín hữu là người từ xa về Jerusalem dự lễ, nên các vấn đề sinh hoạt ngủ nghỉ thì chắc họ phải tự lo; còn chỗ nhóm lại thờ phượng Chúa thì vẫn là Đền Thờ. Địa điểm mà các sứ đồ cùng tất cả tín hữu thường nhóm họp được bác sĩ Luca ghi lại là hiên cửa Solomon tại Đền Thờ ở Jerusalem (Công vụ 5:12b).
Vì lúc bấy giờ các sứ đồ chưa được Đức Thánh Linh ban sự chỉ dẫn nào về cách thờ phượng Chúa theo lề lối mới, nên họ vẫn tới Đền Thờ mỗi ngày để cầu nguyện theo giờ giấc quy định trong Do-thái giáo (Công vụ 3:1). Một phép lạ chữa lành người què từ lúc chào đời đã xảy ra (Công vụ 3:2-10).
Khi đám đông đổ xô đến hành lang Solomon để xem người què được chữa lành, thì Phi-e-rơ dùng cơ hội ấy để tôn vinh Đức Chúa Jesus, dùng thành quả phép lạ chữa lành không thể chối cãi đó để chứng minh Ngài đã sống lại từ cõi chết (3:11-15).
Ông nhấn mạnh hai lần rằng: “Chính đức tin trong danh Ngài đã làm cho người mà anh em thấy và biết đây được vững mạnh. Chính Danh Ngài và đức tin nơi Ngài đã khiến người nầy hoàn toàn khoẻ mạnh như tất cả anh em đã thấy” (3: 16).
Ông cũng nhân dịp đó kêu gọi người Giu-đa và các giáo đồ Do-thái-giáo khác ăn năn tội lỗi, trở về với Đức Chúa Trời qua Đức Chúa Jesus, lìa bỏ đường lối gian ác của họ (3:17-26).
Giới giáo quyền Do-thái-giáo tức giận bắt giam hai sứ đồ Phi-e-rơ và Giăng, vì hai ông dám rao giảng rằng Đức Chúa Jesus đã sống lại. Vì phép lạ đó, thêm hai ngàn người nữa gia nhập Hội-thánh (4:1-4).
Sau khi đem ra xử mà không tìm được tội gì để bắt lỗi, giới giáo quyền chỉ biết cấm đoán, đe doạ hai sứ đồ rồi phải thả ra (Công vụ 4:5-22).
Đây chính là dịp mà Đức Thánh Linh dùng miệng sứ đồ Phi-e-rơ công bố tuyên ngôn nền tảng đức tin của Hội-thánh qua mọi thời đại là: “Chẳng có sự cứu độ trong đấng nào khác, vì ở dưới gầm trời nầy chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta nhờ đó mà được cứu” (Công vụ 4:12). Nghĩa là không có một thánh hay thần nào khác, ngoài Đức Chúa Jesus, đem sự cứu rỗi đến cho loài người.
Cho nên, bất cứ giáo lý nào của bất cứ giáo hội nào tôn một người lên ngang hàng với Đức Chúa Jesus, rồi tuyên bố rằng người đó đồng công với Ngài để cứu chuộc loài người, thì giáo lý ấy hoàn toàn sai lạc và giáo hội ấy là tà đạo.
Hai sứ đồ lại tuyên bố lời minh định của người đã biết rõ chân lý là thà vâng lời Đức Chúa Trời hơn vâng theo người: “Trước mặt Đức Chúa Trời có nên vâng lời các ông hơn là vâng lời Đức Chúa Trời chăng? Vì chúng tôi không thể không nói về những điều mình đã thấy và nghe” (Công vụ 4:19-20).
Lời minh định trên phải trở thành quyết tâm trong tâm linh của người thật lòng tin nhận Đức Chúa Jesus. Quyết tâm nầy có nghĩa là không vì sợ người mà không dám nói về chân lý mà mình đã biết rõ và tin.
Sở dĩ có quá nhiều người không dám nói vì chưa chịu luyện tập nói sự hiểu biết của mình về ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời, sự chết của Đức Chúa Jesus chuộc tội cho toàn nhân loại; hay cũng có thể vì chưa nắm vững niềm tin căn bản nầy.
Anh chị em hãy bắt chước các tín hữu ngày xưa; nếu chưa biết cách nói thì viết ra rồi sửa đi sửa lại nhiều lần cho thật đúng.
Ai cũng muốn Hội-thánh địa phương mình phát triển và tăng trưởng, nhưng không bao nhiêu người xin Đức Thánh Linh đặt động lực của Ngài vào lòng mình để thúc đẩy mình tiến ra truyền rao cho những người quen biết chưa tin Chúa để họ biết ơn cứu độ của Ngài. Nếu ai thấy xấu hổ vì danh Đức Chúa Jesus thì chắc rằng người đó chưa thật là môn đồ của Ngài.
Nếu ai tưởng rằng theo đạo là bảo đảm có một vé lên thiên đàng thì người ấy lầm to! Vì cái vé bảo đảm sẽ lên thiên đàng là mối liên hệ thân mật với Đức Chúa Jesus qua Đức Thánh Linh của Ngài.
Hãy xem lại tại sao các sứ đồ và môn đồ thời ấy mạnh dạn truyền giáo trong khi bị cấm đoán. Động lực nào thúc đẩy họ? Phi-e-rơ và Giăng được tha ra thì “đến với anh em mình và thuật lại mọi điều các thầy tế lẽ cả và các trưởng lão đã nói. Nghe xong, họ đồng một lòng lớn tiếng cầu nguyện với Đức Chúa Trời” (Công vụ 4:23-24). “Khi cầu nguyện xong thì nơi nhóm lại rúng động” (4:31).
Sau đó thì họ làm gì? “Mọi người đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh, giảng lời Đức Chúa Trời một cách dạn dĩ” (Công vụ 4:31).
Thế thì, sự đồng lòng cầu nguyện, tức là đồng ý với nhau về vấn đề họ muốn cầu xin, là nguyên tắc dẫn đến kết quả: “Bây giờ, xin Chúa xem xét lời hăm doạ của họ và cho các đầy tớ Ngài dạn dĩ rao giảng lời Ngài. Xin giơ tay Ngài ra để chữa lành và làm những phép mầu, dấu lạ qua Danh Đầy Tớ Thánh của Ngài là Đức Chúa Jesus” (Công vụ 4:29-30).
Sở dĩ ngày nay không có bao nhiêu người dạn dĩ và truyền rao lời Chúa bằng sự khôn ngoan, khéo léo, vì ít người dám cầu xin Đức Chúa Trời giơ tay ra chữa lành và làm những phép mầu dấu lạ qua danh Đức Chúa Jesus.
Vì danh Đức Chúa Jesus được công bố qua miệng của người tin; cho nên, lời cầu xin Đức Chúa Trời chữa lành và làm những phép mầu, dấu lạ là xin Chúa thực hiện khi mình nhân danh Ngài.
Đức tin vào quyền phép của Đức Chúa Trời và sự thành tín của Ngài qua Danh Đức Chúa Jesus là động lực thúc đẩy sự phát triển và tăng trưởng của Hội-thánh ở mọi thời đại.
Ngày nay, sở dĩ các Hội-thánh người Việt ở quốc ngoại không tăng trưởng nổi bởi vì chẳng có chút đức tin nào vào quyền phép của Đức Chúa Trời; nếu có ai kể về các phép mầu và dấu lạ Chúa làm thì bị xúm lại gán nhãn hiệu tà giáo hoặc người làm chứng dối.
Nếu động lực để phát triển Hội thánh là đức tin vào quyền phép của Đức Chúa Trời, lại không có chút xíu nào trong các nhà thờ xưng là Hội thánh của Ngài, thì làm sao họ phát triển và tăng trưởng nổi? Nếu họ không tin rằng Đấng mà họ thờ phượng vào Chúa Nhật mỗi tuần vẫn còn ban các ơn quyền năng cho tín hữu, lại bác bỏ các ơn đó, cho rằng là tà giáo, thì làm sao Đấng ấy có thể cứu vớt họ ra khỏi cơn đại nạn sẽ diễn ra khắp thế gian trong thời gian sắp tới?
Các sứ đồ tin Chúa nên cầu xin Ngài giơ tay ra chữa lành, làm những phép mầu, dấu lạ, thực hiện lời Đức Chúa Jesus đã hứa là: “Các con nhân danh Ta cầu xin bất cứ điều gì, Ta sẽ làm cho, để Cha được tôn vinh nơi Con. Nếu các con nhân danh Ta cầu xin bất cứ điều gì, Ta sẽ làm cho” (Giăng 14:13-14).
Đức tin của họ là động lực thúc đẩy họ dạn dĩ rao giảng Tin Mừng; cho nên: “Số người tin Chúa ngày càng thêm đông đảo, gồm cả nam lẫn nữ” (Công vụ 5:14).
Động lực làm cho Hội-thánh phát triển xuyên suốt lịch sử là đức tin vào quyền phép của Đức Chúa Trời sẽ thực hiện trong Hội thánh Ngài qua những con cái Ngài là công cụ Ngài sẽ dùng.
Chính đức tin ấy đã giải thoát biết bao cuộc đời tưởng chừng tuyệt vọng vì nghiện ngập ma tuý và chìm sâu trong thế giới cờ bạc, mãi dâm ở Việt Nam. Kết quả tuyệt vời ấy không ai bác bỏ được.
TinDoCuaChua19.docx
Rev. Dr. CTB