Theo Dõi Tận Thế, bài 31
Khải Huyền 3:7–13
“Hãy viết cho thiên sứ của Hội Thánh Philadelphia: Đây là lời phán của Đấng Thánh và Chân Thật, là Đấng có chìa khóa của David, là Đấng mở thì không ai đóng được, đóng thì không ai mở được: ‘Ta biết các công việc của con. Nầy, Ta đã mở trước mặt con một cái cửa không ai có thể đóng được, vì con có ít năng lực mà vẫn vâng giữ lời Ta và không chối danh Ta. Nầy, Ta ban cho con một số người thuộc về nhà hội của Satan, những kẻ tự xưng là người Do Thái mà thực sự không phải, vì chúng nói dối. Nầy, Ta sẽ khiến chúng đến phủ phục dưới chân con, và chúng sẽ biết rằng Ta đã yêu thương con. Vì con đã vâng giữ lời Ta dạy về lòng kiên nhẫn nên Ta cũng sẽ giữ con khỏi giờ thử thách, là giờ sắp đến trong khắp thế gian, để thử nghiệm những người sống trên đất. Ta đến nhanh chóng; hãy giữ vững điều con đang có để không ai đoạt mất mão triều thiên của con. Người nào thắng, Ta sẽ cho làm cột trụ trong đền thờ của Đức Chúa Trời Ta; và người ấy sẽ không ra khỏi đó nữa. Ta sẽ viết trên người ấy: Danh của Đức Chúa Trời Ta, danh của thành Đức Chúa Trời Ta — là Jerusalem mới ở trên trời, từ Đức Chúa Trời mà xuống — và Danh mới của Ta. Ai có tai, hãy nghe lời Thánh Linh phán với các Hội Thánh.’“
Vào khoảng năm 189 B.C., vua Eumenes II của Pergamon, Hy-lạp, xây dựng một thành phố mới để truyền bá ngôn ngữ và văn minh Hy lạp cho dân còn man dã ở địa phương đó. Ông có một người em là Attalus rất yêu thương anh mình. Cho nên, khi thành ấy được xây lên thì đặt tên là Philadelphia, nghĩa là “tình yêu thương anh em.” Bây giờ nơi đó thuộc Thổ nhĩ kỳ, người Thổ gọi là Alashehir. Vào thời sứ đồ Giăng còn sống thì toàn vùng ấy rất là phức tạp, và dân ở đó tuyệt đối trung thành với đế quốc La mã. Sau đời Attalus được hai trăm năm mươi năm, Phúc Âm của Đấng Christ đã rao truyền tới Philadelphia. Đức Chúa Jesus đã mở một cái cửa không ai đóng được trước mặt Hội Thánh Philadelphia ít năng lực nhưng trung thành với Ngài và kiên nhẫn truyền giáo.
Thư của Đức Chúa Jesus gửi cho Hội Thánh ở Philadelphia là một bức thư chỉ toàn lời khen. Ngài không quở trách hay lên án một ai trong Hội Thánh rất hạnh phúc nầy. Bởi vì đây là một Hội Thánh đầy kết quả: “Con có ít năng lực mà vẫn vâng giữ lời Ta và không chối danh Ta” (8). Lời khen nầy có nghĩa gì? Hoàn toàn vâng lời Chúa và nhất quyết trung thành với Chúa của mình. Có lẽ tín hữu nào cũng mong nhận được lời Chúa khen như vậy, nhưng tại sao ít có ai được Chúa khen ngợi? Sự vâng lời và trung tín phải được tỏ ra khi bị chống đối và bắt bớ, là chọn lối đi khó thay vì cuộc sống bình an và dễ dàng tạm bợ, là kiên nhẫn dù kết quả nhỏ. Những người không vâng lời, cũng không trung tín thường thấy cái cửa cơ hội trước mặt mình đóng kín, không mở được.
Để tưởng thưởng con cái yêu dấu của Ngài, Đức Chúa Jesus hứa ban cho họ phước lành diệu kỳ không ai dám nghĩ tới. Trước hết Ngài hứa sẽ làm cho họ được vinh dự trước mặt kẻ thù mình (9) “Nầy, Ta ban cho con một số người thuộc về nhà hội của Satan, những kẻ tự xưng là người Do Thái mà thực sự không phải, vì chúng nói dối. Nầy, Ta sẽ khiến chúng đến phủ phục dưới chân con, và chúng sẽ biết rằng Ta đã yêu thương con.” Những người Do-thái giả trong nhà hội chống đối Phúc Âm của Chúa, bị Ngài gọi là những người của nhà hội Satan, sẽ đến phủ phục dưới chân Hội Thánh Philadelphia. Chẳng phải họ tự ý làm, nhưng bị Chúa buộc vì họ biết Đức Chúa Jesus yêu thương Hội Thánh Ngài tại Philadelphia. Trước đó, những người trong nhà hội Do-thái tại đây không tin Đức Chúa Jesus là Đấng Cứu Thế Messiah. Họ đã làm mọi cách trong quyền lực của họ để diệt trừ đạo Chúa nhưng bị thất bại. Chúa hứa: “Ta sẽ khiến chúng đến phủ phục dưới chân con.” Đó là lời hứa thứ nhất.
Lời hứa thứ nhì là: “Ta cũng sẽ giữ con khỏi giờ thử thách, là giờ sắp đến trong khắp thế gian” (10). Hội Thánh Philadelphia được hạnh phúc nầy là vì: “Con đã vâng giữ lời Ta dạy về lòng kiên nhẫn.” Nhờ vâng lời Chúa dạy giữ lòng kiên nhẫn truyền giáo, Hội Thánh Philadelphia sẽ không bị trải qua đại nạn sẽ đến trên khắp thế gian. Kiên nhẫn không phải là đức tính phổ thông của người ta. Nôn nóng, thiếu kiên nhẫn là tánh thường có của người xác thịt; vì thế, tính kiên nhẫn là hiếm hoi và quý báu. Như người kiên nhẫn sẽ thành công trên đường đời; Hội Thánh kiên nhẫn truyền giáo dù kết quả khiêm tốn sẽ được khen ngợi. Điểm đáng lưu ý là Chúa giữ con cái Ngài “khỏi giờ thử thách, là giờ sắp đến trong khắp thế gian.” Họ sẽ không bị tai họa như người khác.
Đức Chúa Jesus đã cho các môn đồ Ngài biết nhiều lần về đại nạn sẽ đến trên thế gian trước khi tận thế (Mathiơ 24:21) “Vì lúc ấy sẽ có hoạn nạn lớn, đến nỗi từ lúc sáng thế đến bây giờ chưa từng có, và về sau cũng chẳng bao giờ có như vậy.” Lời hứa thứ nhì nầy là bằng chứng rõ ràng về việc một số con cái Chúa, hoặc một phần của Hội Thánh sẽ không bị trải qua cơn đại nạn, điều được mô tả đầy đủ chi tiết từ giữa sách Khải Huyền. Người ta có thể lý luận nầy nọ, nhưng ai tin Chúa thì hãy bám chắc vào lời hứa của Ngài rằng Ngài sẽ giữ Hội Thánh thật của Ngài không bị cơn đại nạn có các tai họa kinh hoàng phủ trùm lên đời sống như người không có Chúa. Đây là lời hứa khiến chúng ta vui vẻ mừng rỡ, nhưng cũng là lời cảnh cáo nghiêm khắc cho người còn ham mê của cải thế gian. Chúa không hứa sẽ gìn giữ chúng ta an toàn trong giờ thử thách nhưng được đem đi tránh khỏi cảnh đó.
Có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề nầy (sẽ đề cập ở đoạn 4); nhưng quan điểm về việc con cái trung tín với Chúa sẽ được Ngài rước đi khỏi trần gian để tránh cơn đại nạn là quan điểm có nhiều bằng cớ cụ thể qua lời Chúa hứa, mà chỗ nầy là một trong các bằng cớ cụ thể ấy. Có hai loại ơn phước mà Đức Chúa Jesus hứa cho con cái Ngài tại Hội Thánh Philadelphia qua phân đoạn nầy. Đầu tiên là ơn phước khi họ còn sống trên đất, thứ nhì là ơn phước khi họ được về trời. Phước trên trời là được làm trụ cột trong Đền Thờ của Đức Chúa Trời. Một tương lai vinh quang chắc chắn, vì trụ cột vừa là vinh dự, vừa là được Đức Chúa Trời thường xuyên nhìn thấy và chạm tới. (12) “Người nào thắng, Ta sẽ cho làm cột trụ trong đền thờ của Đức Chúa Trời Ta; và người ấy sẽ không ra khỏi đó nữa. Ta sẽ viết trên người ấy: Danh của Đức Chúa Trời Ta, danh của thành Đức Chúa Trời Ta — là Jerusalem mới ở trên trời, từ Đức Chúa Trời mà xuống — và Danh mới của Ta.“
Không nơi nào an toàn hơn là được ở trước mặt Đức Chúa Trời, vì “người ấy sẽ không ra khỏi đó nữa.” Ở trần gian vẫn có nhiều điều bất trắc không ai mong muốn phải bị trải qua. Cherub vinh quang che phủ Lucifer đã bị đuổi khỏi thiên đàng vì sinh lòng kiêu căng;
(Ezekiel 28:14–15, 17) “Ngươi là một chê-rúp được xức dầu đang che phủ; Ta đã lập ngươi lên trên núi thánh của Đức Chúa Trời; ngươi đã đi dạo giữa các hòn đá sáng như lửa. Đường lối ngươi trọn vẹn, từ ngày ngươi được dựng nên, cho đến khi thấy sự gian ác trong ngươi. … 17 Lòng ngươi kiêu ngạo vì vẻ đẹp ngươi, và vinh quang của ngươi làm hư hỏng sự khôn ngoan mình. Ta đã xô ngươi xuống đất.“
Nhưng Philadelphia sẽ không bị như vậy; họ sẽ được vĩnh viễn ở nơi vinh quang nhất! Hãy suy nghĩ điều vinh dự nầy: Tín hữu ở Philadelphia đều là loài người; nhờ sự vâng lời, trung tín và kiên nhẫn của họ mà họ được hưởng hạnh phúc lớn hơn các thiên sứ. Hơn nữa, họ còn được mang Danh của Đức Chúa Trời, Jerusalem mới và Danh mới của Đức Chúa Jesus (12). Vậy, hạnh phúc ấy chẳng đáng cho chúng ta vâng lời Chúa, trung tín với Ngài và kiên nhẫn chờ đợi ngày Chúa trở lại hay sao?
Tình trạng của Hội Thánh Philadelphia trong thư nầy tiêu biểu cho Hội Thánh của Chúa trong thời kỳ từ năm AD 1750 tới 1905 của lịch sử Hội Thánh chung trên thế giới. Đây là giai đoạn Hội Thánh nỗ lực truyền rao phúc âm bằng tình tương yêu thật của Chúa đối với những người đang lạc lầm và hư mất, qua các tổ chức truyền giáo từ Mỹ châu và Âu châu đến mọi miền xa xôi ở Á châu và Phi châu. Các giáo sĩ đã xung phong tới những nơi hẻo lánh chưa được nghe đạo Chúa ở khắp thế giới. Đạo Tin Lành đã đến Việt Nam khá trễ vì lúc ấy đế quốc Pháp đã chiếm Nam kỳ, đặt ách đô hộ của họ trên khắp đất nước. Công giáo La mã được ưu tiên, còn Tin Lành bị lắm trở ngại.
Trong khoảng một thế kỷ rưỡi, Hội Thánh của Chúa đã được thấy lửa phấn hưng tràn qua các đại lục, rất nhiều xã hội ở Tây phương bị rung chuyển và thức tỉnh. Tên của các sứ giả phấn hưng như George Whitefield, Jonathan Edwards, John Wesley, Charles Finney, Charles Spurgeon, và Dwight Moody, đã trở thành quen thuộc và hầu như bất tử ở Hoa kỳ và Anh quốc. Các phong trào Methodist, Salvation Army, và Hội Thánh thanh sạch đều thành hình ở Anh và Mỹ trong giai đoạn nầy. Các giáo phái và hệ phái đều thành lập nhiều tổ chức truyền giáo. Những tổ chức nầy đã hoạt động mạnh mẽ ở những nơi nào trên thế giới Hội Thánh Chúa chưa được thiết lập hoặc còn yếu.
Con cái Chúa không nên ghép lầm công cuộc truyền giáo của Công-giáo La-mã từ Pháp, Tây- ban-nha và Bồ-đào-nha tới các thuộc địa của họ ở Mỹ châu La-tinh, Phi-châu và Á-châu, với công cuộc truyền giáo của các hệ phái Tin Lành. Bởi vì họ truyền giáo bằng mũi súng và đạn dược, khác hẳn sự truyền giáo bằng tình thương của các Hội Thánh thật của Chúa. Chúa không quở trách một Hội Thánh biết truyền giáo bằng tình yêu thương của Ngài. Nhưng hậu quả sự nguyền rủa của luật pháp Đức Chúa Trời giáng trên giáo hội nào dùng các thủ thuật tàn ác, phạm luật pháp thánh của Chúa, để gia tăng số giáo đồ chứ không phải phẩm chất thanh sạch của đời sống giáo hữu.
Người ta thấy ơn phước Chúa bày tỏ qua những cuộc phấn hưng bền bỉ của lịch sử Hội Thánh hiện đại trong thế kỷ 20 như tại lục địa Trung Hoa và nước Argentina, khi Hội Thánh Chúa ở hai nơi đó đều lấy truyền giáo làm mục tiêu chính của họ, không giống các cuộc phấn hưng ngắn ngủi ở những nơi khác. Bởi vì khi những nơi được phấn hưng quên mất công tác truyền giáo mà chỉ tập trung vào tìm kiếm, mong mỏi được vui hưởng các dấu kỳ phép lạ của Chúa xảy ra. Philadelphia là Hội Thánh kiên nhẫn truyền giáo dù họ ít năng lực nên được Chúa khen ngợi.
Về ý nghĩa tiên tri thì Philadelphia là Hội Thánh thật của Chúa vào thời tận thế, chẳng phải là một hệ phái nào cả. Đó là những nhóm người không có nhiều năng lực hoặc ảnh hưởng mạnh trên Cơ-đốc-giáo nói chung hoặc tại địa phương họ nói riêng; mà chỉ là những người trung tín giữ Lời của Đức Chúa Trời, dạy dỗ con dân Chúa theo đúng những gì chép trong Kinh Thánh không thêm bớt, không suy diễn theo ý riêng hoặc a dua theo dư luận thời thế. Chúng ta hãy trung thành với Chúa, không bao giờ chối bỏ Danh Ngài, kiên nhẫn phục vụ không mệt mỏi để hưởng phước.
TheoDoiTanThe31.docx
Rev. Dr. CTB