Ngày Chúa Tái Lâm, bài 13

Luca 13:1–9

Tín hữu đọc Kinh Thánh đều biết mình sẽ phải ứng hầu trước tòa án Đấng Christ sau khi được đem lên thiên đàng (2Côrinhtô 5:10) “Vì tất cả chúng ta đều phải trình diện trước tòa án Đấng Christ để mỗi người nhận lãnh tùy theo điều thiện hoặc ác mình đã làm lúc còn trong thân xác.” Còn những người bị ở lại tới ngày cuối cùng, hoặc qua đời trước khi tận thế mà không được sống lại để cất lên gặp Đức Chúa Jesus, không được phán xét và không được dự tiệc cưới Chiên Con, thì sẽ phải ứng hầu trước Ngai lớn và trắng để bị kết án hay được xét tha về những tội đã phạm rồi chết mà chưa kịp ăn năn dưới thời kỳ ân điển (Khải Huyền 20:11–12) “Bấy giờ tôi thấy một ngai lớn và trắng với Đấng ngồi trên ngai. Trước mặt Ngài đất trời đều trốn hết, không còn tìm thấy chỗ nào cho chúng. Tôi thấy những người chết, cả lớn lẫn nhỏ, đều đứng trước ngai, và các sách được mở ra. Một sách khác là sách sự sống cũng được mở. Những người chết bị phán xét tùy theo công việc họ làm, căn cứ trên những điều đã ghi trong các sách ấy.” Đó là sự tóm tắt về hai tòa phán xét cuối cùng. Vậy thì đang khi còn sống đây và được cùng nhau học những sự hiểu biết cần thiết cho đời tín đồ của Chúa, tất cả chúng ta đều phải như những cây được trồng có kết quả. Bởi vì nếu không kết quả gì hết thì sẽ bị chủ vườn ra lệnh đốn bỏ.

Ẩn dụ Đức Chúa Jesus kể cho đoàn dân mà chúng ta vừa đọc là phần tiếp theo lời Chúa cảnh cáo về những người không chịu ăn năn sẽ bị trừng phạt (Luca 13:3, 5) “Nếu các ngươi chẳng ăn năn thì tất cả sẽ bị hư mất như vậy.” – Trong ba năm liên tiếp, người chủ vườn đã tới thăm cây vả mình trồng để hái trái, nhưng chẳng thấy cây ra được trái nào. Đức Chúa Jesus kể ẩn dụ nầy cho người Do-thái khi Ngài đi hành đạo lúc còn ở thế gian. Theo sự giải thích của các thần học gia thì cây vả

là biểu tượng về dân Israel. Đức Chúa Jesus thi hành thánh vụ của Ngài ở xứ Do-thái trong khoảng ba năm rưỡi. Trong ba năm rưỡi ấy Ngài đã đi khắp các làng, các thành thuộc xứ Galilee giảng Tin Lành về Vương quốc Đức Chúa Trời cho người Judah. (Mathiơ 9:35–36) “Đức Chúa Jêsus đi khắp các thành, các làng, dạy dỗ trong các nhà hội, rao giảng Tin Lành về vương quốc thiên đàng và chữa lành mọi thứ bệnh tật. Khi thấy những đoàn người đông đảo, Ngài động lòng thương xót vì họ khốn cùng và tan lạc như chiên không có người chăn.

Mặc dù người Israel nô nức chạy theo Ngài để được chữa bệnh, đuổi quỷ, và có lúc được Ngài làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho họ ăn no; nhưng số người tin Ngài thì không nhiều. Ngài mong đợi họ ăn năn để trở nên kết quả; vậy mà sau hơn ba năm Ngài không thấy cây vả ấy sinh trái như lòng Ngài mong mỏi. Nhất là những người trong giới lãnh đạo Do-thái-giáo. Thay vì tìm hiểu Ngài để biết nguyên nhân nào Ngài có quyền năng, họ im lặng theo dõi xem Ngài có vi phạm luật ngày Sabath của họ hay không (Mác 3:2) “Họ theo dõi xem Ngài có chữa cho người đó trong ngày Sabát không, để tố cáo Ngài.” Thái độ đó làm cho Đức Chúa Jesus rất buồn và giận (Mác 3:5) “Ngài đưa mắt nhìn họ, vừa giận vừa buồn vì lòng họ cứng cỏi, rồi phán với người teo tay: ‘Hãy giơ tay ra.’ Người ấy giơ ra, thì tay được lành.” Chúng ta ngày nay, những người đã tiếp nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời và đặt đức tin vào Đức Chúa Jesus, thì được kể là dòng dõi Abraham (Galati 3:6–7)

Như Abraham tin Đức Chúa Trời, và ông được kể là công chính. Vậy, anh em hãy nhận biết rằng những ai có đức tin là con cháu của Abraham;” nhưng chúng ta có kết quả gì không?

Sự kết quả theo ý nghĩa của phần Kinh Thánh nầy là quyết định ăn năn, từ bỏ lối sống, lời ăn tiếng nói, cách cư xử, và những sự ham muốn không phù hợp với tiêu chuẩn thánh khiết của thiên đàng. Vì Đức Chúa Jesus nhắc hai lần về hậu quả của lòng không ăn năn trước khi kể ẩn dụ cây vả không có trái “Nếu các ngươi chẳng ăn năn thì tất cả sẽ bị hư mất như vậy” (Luca 13:3, 5). Những dấu hiệu nào chứng minh người có lòng ăn năn? (2Côrinhtô 7:10) “Vì sự đau buồn theo ý Đức Chúa Trời sinh ra sự ăn năn để được cứu rỗi; điều nầy không có gì phải hối tiếc; nhưng sự đau buồn

theo thế gian thì dẫn đến sự chết.” Đau buồn theo ý Đức Chúa Trời là tinh thần dẫn tới quyết tâm phải thay đổi mọi cách hành xử, tánh tình, nếp suy nghĩ, và phản ứng đối với tất cả các sự việc.

Vua David bày tỏ lòng thống hối thánh thiện qua những lời thơ (Thi Thiên 51) “6 Nầy, Chúa muốn sự chân thật trong tâm hồn; Chúa sẽ dạy con sự khôn ngoan trong nơi sâu kín của lòng con. … 10 Đức Chúa Trời ôi! Xin dựng nên trong con một lòng trong sạch và làm mới lại trong con một tâm linh ngay thẳng. … 17 Sinh tế đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là tâm linh đau thương; Đức Chúa Trời ôi! Lòng đau thương thống hối Chúa không khinh dể đâu.” Sự ăn năn sinh ra nỗi khổ tâm, đau đớn trong lòng, không biết làm thế nào để xóa bỏ quá khứ xấu hổ. Đó là lý do vua David chạy đến với Chúa xưng nhận ông đã phạm tội nghịch lại luật pháp thánh khiết của Ngài. Ông kêu xin (51:1–4a) “Đức Chúa Trời ôi! Xin thương xót con theo lòng nhân từ của Chúa; xin xóa các sự vi phạm con theo đức bác ái của Chúa. Xin rửa sạch hết mọi gian ác và thanh tẩy tội lỗi con. Vì con nhận biết các sự vi phạm con, và tội lỗi con hằng ở trước mặt con. Con đã phạm tội với Chúa, chỉ với một mình Chúa thôi và làm điều ác dưới mắt Chúa.

Chúng ta cũng phải như vậy. Bởi vì không ai có quá khứ thanh khiết đẹp đẽ trước mắt Đức Chúa Trời. Trong ẩn dụ cây vả không sinh trái cho chủ, người Chủ vườn trong chuyện nầy ám chỉ Đức Chúa Trời. Ngài đã cho mỗi người chúng ta được trồng trong vườn của Ngài với mục đích sẽ kết quả cho Vương quốc Chúa và Hội Thánh của Ngài. Người trồng nho là Đức Thánh Linh đang chăm sóc khu vườn ấy. Đức Thánh Linh vẫn thường xuyên cầu thay cho chúng ta (Rôma 8:26–27). Khi chúng ta bị thấy là không có kết quả dù đã ở nhiều năm trong nhà của Chúa, thì Đức Thánh Linh cầu xin Đức Chúa Trời cho chúng ta một cơ hội nữa để kết quả. Vì vậy, mọi con cái Chúa phải hiểu rằng mình nếu cứ tiếp tục làm một cây không sinh trái thì sẽ bị đốn bỏ.

Đức Chúa Jesus đã dạy rõ ràng (Giăng 15:2) “Bất cứ cành nào trong Ta không kết quả thì Ngài chặt đi, còn những cành nào kết quả thì Ngài tỉa sửa để được nhiều quả hơn.” Anh chị em nên biết rõ tình trạng của mình hiện nay ra sao. Có lẽ các lý do khiến chúng ta không kết quả thì rất dễ thấy. Chỉ cần tỉnh táo bình tâm tự xét con người bề trong của mình xem có phù hợp với sự thánh khiết của thiên đàng hay không? Có thường xuyên theo đuổi các dục vọng của trần gian nữa không? Có tìm kiếm và theo đuổi những ý tưởng hay ước mơ có thể sống đẹp lòng Chúa không? Ý thích trong tâm linh chúng ta là gì? Danh vọng, của cải vật chất, sự giàu sang, hay dục vọng xác thịt có thường chiếm hữu tâm trí chúng ta hay không? Mối liên hệ giữa mình với Chúa thân mật tới mức nào?

Sự thật trong lòng người sẽ điều khiển hành vi bên ngoài. Nếu hành vi không biểu lộ được sự đổi mới con người bề trong, thì đó là tình trạng cực kỳ nguy hiểm. Bởi vì không ai biết mình sẽ bị gọi đi vào lúc nào. Cho nên, người có tâm trạng sẵn sàng sẽ không lo sợ gì cho tương lai của linh hồn. Còn ai chưa sẵn sàng thì nên lo sợ mà thật lòng chạy đến với Chúa để được ở trong giao ước mới. Không một ai đang ở trong giao ước mới do Đức Chúa Jesus thiết lập bằng huyết của Ngài, nhưng miệt mài trong tội lỗi mà hi vọng sẽ không bị loại trừ ra khỏi giao ước quý báu ấy. Bất cứ tín hữu nào chưa bao giờ có kết quả thì phải biết rằng mình chỉ còn một cơ hội cuối cùng.

Vì vậy, hãy nhận biết đức nhân từ của Chúa nhằm dẫn chúng ta đến sự ăn năn để được cứu (Rôma 2:4–6) “Hay là bạn coi thường sự dư dật của lòng nhân từ, nhịn nhục và khoan dung của Ngài? Bạn không nhận biết rằng lòng nhân từ của Đức Chúa Trời là để đem bạn đến sự ăn năn sao? Nhưng tấm lòng cứng cỏi, không ăn năn của bạn đang tích lũy cho mình sự giận dữ trong ngày thịnh nộ, là khi sự phán xét công bằng của Đức Chúa Trời được bày tỏ, vì Ngài sẽ báo ứng cho mỗi người tùy theo công việc họ làm.” Bài học nầy nhắc nhở mỗi chúng ta phải biết rõ tình trạng thật con người bề trong của mình hiện nay ra sao. Hãy làm theo lời khuyên trong Hêbơrơ 4:16

Vậy, chúng ta hãy vững lòng đến gần ngôi ân điển, để nhận được sự thương xót và tìm được ân điển giúp đỡ chúng ta kịp thời.

NgayChuaTaiLam13.docx

MS CTB