Nắm Vững Niềm Tin, bài 19

Rôma 8:18–39

Sứ đồ Phaolô bày tỏ trong phần trước (17b) rằng: Người nào đã chịu khổ với Đấng Christ thì sẽ được hưởng vinh quang với Ngài. Trong phần nầy ông nói về mười hai niềm hi vọng mà những người ấy sẽ được hưởng. Người không có Đức Thánh Linh thì chẳng có chút hi vọng gì, bởi vì họ không thuộc hàng ngũ những người sẽ hưởng các ơn phước đặc biệt. Phaolô nói rằng “những đau khổ hiện tại không đáng so sánh với vinh quang tương lai sẽ được tỏ ra cho chúng ta” (18); ông cũng đã trình bày về trình tự được cất lên của tín hữu khi Chúa trở lại (1Tês. 4:13–17), và thân thể sống lại được biến hóa như thế nào (1Côr. 15:50–54). Những việc ấy sẽ xảy ra trong tương lai khi thế giới kết thúc. Hi vọng đầu tiên là con dân Chúa sẽ được hưởng một tương lai vinh quang.

Không phải chỉ loài người mong đợi mà cả cõi tạo vật cũng mong mỏi được giải thoát khỏi sự hư nát (19–22). Sự chết đã vào thế gian do tội lỗi của Adam (5:12), và sự chết cũng đã lan trên vạn vật. Vì thế, cõi tạo vật đều mong mỏi con cái Chúa được vinh quang để chúng cũng được giải thoát khỏi sự than thở, quặn thắt. Ông Phaolô đã ví muôn vật như phụ nữ mang thai mong chờ ngày sinh nở; tức là mong được trở lại thời kỳ hạnh phúc khi chưa có sự chết và sự hư nát, như lúc Chúa mới dựng nên thế giới và loài người. Đặc điểm của thời kỳ ấy là không có đau đớn hay bệnh tật. Niềm hi vọng thứ nhì là được hưởng ngày vinh quang đó, thoát khỏi tình trạng hiểm nguy thời bây giờ.

Niềm hi vọng thứ ba là được cứu chuộc thân thể (23–25). Dù đã nhận lãnh Đức Thánh Linh và được làm con của Đức Chúa Trời, chúng ta cũng trông chờ ngày mặc lấy thân thể vinh quang như thân thể của Đức Chúa Jesus (Philip 3:21). Sau khi biến hóa rồi thì đâu cần phải hi vọng nữa. Nhưng vì hiện nay chúng ta chưa thấy điều mình hi vọng, tức là được biến hóa thành thân thể vinh quang, thì chúng ta vẫn kiên nhẫn chờ mong ngày đó đến. Trong thời hiện tại đang khi chúng ta chờ đợi, thì Đức Thánh Linh là Đấng giúp đỡ và cầu thay cho chúng ta (26–27). Ngài giúp đỡ như thế nào?

Sự yếu đuối mà chúng ta thường không nhận thức được, ấy là cảm thấy bất lực, không có khả năng tìm đủ lời để cầu xin trong lúc khó khăn, hoạn nạn. Một tình trạng yếu đuối nữa mà chúng ta có thể biết, ấy là không có sức để chịu đựng. Lúc ấy Đức Thánh Linh sẽ ban sức lực, niềm vui kín đáo và hi vọng; rồi Ngài sẽ thay ta mà cầu nguyện với Đức Chúa Cha. Vì vậy, Ngài “dùng những sự thở than không thể diễn tả bằng lời mà cầu thay cho chúng ta” (26b). Ấy là niềm hi vọng thứ tư.

Không phải chỉ có Đức Thánh Linh ở trong lòng tín hữu để giúp đỡ, thở than và cầu thay cho con cái Ngài, nhưng Đức Chúa Trời vẫn làm chủ tình hình và cai quản cả vũ trụ (28). Niềm hi vọng thứ năm nầy dành cho những ai yêu mến Đức Chúa Trời, tức là những người được Ngài gọi theo ý định của Ngài để được cứu rỗi hoặc làm việc gì đó cho Ngài. Ai thuộc về Hội Thánh và là con cái thật của Chúa, ấy là người được Ngài gọi ra khỏi quá khứ vô vọng để bước vào tương lai đầy hi vọng. Mọi sự hiệp lại gồm có cả điều tốt lẫn điều xấu. Điều tốt làm ích lợi thì không có gì lạ, nhưng Chúa có quyền dùng điều xấu để làm ích lợi mà con cái Ngài thường không nhận ra, cho đến khi nhìn lại thì mới biết ấy là chương trình và bàn tay của Chúa đã hành động vì mình.

Niềm hi vọng thứ sáu thì cực kỳ hạnh phúc, vì tín hữu được Chúa định sẵn cho giống như Con Ngài, được xưng công chính và được làm cho vinh quang (29–30). Tin Chúa chẳng phải để lên thiên đàng, nhưng để được trở nên giống như Đức Chúa Jesus và sẽ vinh quang như Ngài. Chương trình nầy vượt quá sự suy tưởng của loài người chúng ta! Nhưng để được trở nên giống như Đấng Christ, chúng ta phải biến đổi con người bề trong của mình; vì đó là phần rất cứng cỏi, khó uốn nắn nhất. Nếu con cái Chúa thực sự hiểu niềm hạnh phúc mình đang có trong Đấng Christ, thì chẳng điều gì trong thế gian có thể đánh đổi được. Vì vậy, chẳng lẽ chúng ta không gắng sức để được như Chúa?

Phần tiếp theo là bảy câu hỏi liên tiếp mà sứ đồ Phaolô đặt ra để người đọc phải suy nghĩ. Câu hỏi đầu tiên nhằm tóm tắt các điều nói trên. Câu trả lời cũng là một câu hỏi (31). Không thế lực nào chống nổi Đấng bênh vực chúng ta là niềm hi vọng thứ bảy. Sự yêu mến Đức Chúa Trời đòi hỏi một đức tin mạnh mẽ; bởi vì mắt chúng ta không thấy Ngài, cũng không sờ được Ngài để tâm trí xác thịt cảm thấy vững vàng. Nhưng bởi đức tin ấy (Êphêsô 2:8) chúng ta nhận ra các việc Ngài làm để bênh vực con dân Ngài. Hãy nghĩ đến một sự thật vĩ đại hơn cả vũ trụ, ấy là Đức Chúa Trời đã vì chúng ta, không tiếc chính Con Ngài, ban cho thế gian Ngôi Lời nhập thể, thì Ngài cũng ban luôn tất cả mọi điều cùng với Đấng Christ của Ngài cho chúng ta là hi vọng thứ tám (32).

Được trở thành con cái thật của Chúa chẳng phải do công lao gì của chúng ta, nhưng do được Ngài tuyển chọn rồi kêu gọi. Bởi đức tin chúng ta được Ngài xưng là người công chính để hưởng sự sống đời đời. Sẽ chẳng ai có thể kiện cáo sự tuyển chọn nầy vì Đức Chúa Trời là Đấng lập quyết định (33). Sứ đồ Phaolô viết điều hi vọng [9] nầy để khích lệ con dân Chúa ở Rôma. Dân ngoại đạo luôn luôn tìm cách cáo kiện con cái Chúa đủ điều; vì họ thấy tín đồ của Đức Chúa Jesus không chịu thờ hoàng đế La-mã như họ, thì họ tố cáo đây là một nhóm vô thần! Rồi hễ có bất cứ thiên tai nào thì dân ngoại hùa nhau đổ thừa cho con cái Chúa là nguyên nhân khiến thiên tai xảy ra.

Sự kết án đáng sợ nhất là lời kết án từ tòa phán xét của Đức Chúa Trời. Nhưng “Ai sẽ là người kết án họ khi mà Đấng Christ Jêsus là Đấng đã chết và cũng đã sống lại, Đấng đang ngồi bên phải Đức Chúa Trời và cầu thay cho chúng ta?” (34). Không có niềm hi vọng, an ủi và hạnh phúc nào lớn hơn là được Đức Chúa Jesus làm Đấng Biện Hộ và cầu thay bên phải Đức Chúa Trời. Ấy là Đấng Biện Hộ hữu hiệu và mạnh mẽ nhất. Chúng ta có niềm hi vọng rất vững chắc là sẽ không còn sợ bị tòa phán xét của Đức Chúa Trời kết án, mặc dù đời sống tâm linh và xác thịt của chúng ta chưa khi nào được hoàn hảo [10]. Vì vậy, được làm con cái Chúa là niềm hạnh phúc vô cùng.

Một điều rất thực tế chứ không còn là niềm hi vọng; vì không có bất cứ điều gì trên thế gian hoặc linh giới có thể phân rẽ con cái Chúa khỏi tình yêu thương của Đấng Christ [11] Ai sẽ phân rẽ chúng ta khỏi tình yêu thương của Đấng Christ? Có phải hoạn nạn, khốn cùng, bắt bớ, đói khát, trần truồng, nguy hiểm, hay là gươm giáo không?Vì tôi đoan chắc rằng dù sự chết, sự sống, các thiên sứ, các bậc cầm quyền, việc hiện tại, việc tương lai, các quyền lực, chiều cao, chiều sâu, hoặc một tạo vật nào cũng không thể phân rẽ chúng ta khỏi tình yêu thương của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ Jêsus, Chúa chúng ta.” (35, 38–39).

Phaolô trích dẫn Thi Thiên 44:22 “Thật, vì Chúa mà chúng con bị giết hại suốt ngày, chúng con bị kể như chiên đem đi làm thịt.” Tình cảnh của người Do-thái trung thành với Đức Chúa Trời vẫn bị dân ngoại bắt bớ trong các thế kỷ trước. Trong thời thư Rôma nầy được viết thì tình cảnh con dân Chúa trong đế quốc La-mã không khá hơn người Do-thái thời xưa bao nhiêu(36); nhưng dù vậy, điều chắc chắn cuối cùng [12] là: “Trái lại, trong mọi sự ấy chúng ta nhờ Đấng yêu thương mình mà toàn thắng” (37). Sự toàn thắng của chúng ta là chắc chắn; vì Đấng yêu thương và bênh vực chúng ta là Đức Chúa Trời. Hi vọng của chúng ta thật tràn đầy, và hạnh phúc cũng đầy tràn.

NamVungNiemTin19.docx

Rev. Dr. CTB