Houston, Nov.15, 2009

Thời Tận Thế

Hội Thánh Được Đem Đi

1Têsalônica 4:15–18

Nói về việc Đức Chúa Giêxu Christ trở lại thế gian để tiếp rước Hội Thánh của Ngài thì có người lẫn lộn giữa việc Chúa đến rước Hội Thánh với lần Ngài cùng Hội Thánh trở lại đoán xét thế gian. (Khải 19:11–14) nói rằng đạo binh của Chúa, là Hội Thánh, sẽ theo sau Chúa mình trở lại xét đoán thế gian ngay sau khi cơn đại nạn chấm dứt; 1Tês. 4:15–18 thì mô tả sự kiện Hội thánh thình lình được rước đi để gặp Chúa. Tiếng Anh gọi sự đem đi thình lình là ‘Rapture’ ra từ tiếng Latinh rapare hay raptus, dịch từ chữ Hylạp hazpazo trong nguyên bản Tân Ước, nói về sự tóm, giật đi. Hiểu biết nầy là quan trọng vì nó làm nền tảng để chúng ta hiểu những việc khác sẽ xảy ra sau sự kiện nầy.  Kinh Thánh cho biết rằng mọi mắt đều trông thấy lần Đức Chúa Giêxu tái lâm trong vinh quang để đoán xét thế gian, kể cả mắt của kẻ đã đâm Ngài, mặc dù việc ấy cũng diễn ra cách bất ngờ; nhưng khác hẳn với sự kiện Hội Thánh được đem đi thình lình.

Có người thắc mắc: ‘Vậy thì những diễn tiến trong ngày Chúa trở lại sẽ ra sao?’ Theo phần 1Tês.4 nói trên thì đang lúc Đức Chúa Giêxu đến với Hội-Thánh sẽ có tiếng hô lớn, tiếng của thiên sứ trưởng, rồi tiếng kèn của Đức Chúa Trời.  Lúc ấy những tín hữu đã qua đời sẽ sống lại, rồi cùng với mọi tín hữu đang sống được cất lên không trung mà gặp Chúa.  Sự kiện nầy diễn ra trước khi thế gian bị phán xét.  Hãy để ý phần Kinh Thánh nầy nói rằng Chúa sẽ gặp con dân Ngài ở chốn không trung (4:17); đồng thời (5:4) cũng nói rằng dù cho ‘Chúa sẽ đến thình lình giống như kẻ trộm trong ban đêm, nhưng vì chúng ta không ở trong bóng tối nên việc ấy không là sự bất ngờ, đột ngột.’  Như vậy, không phải mọi người trên thế gian đều nhận ra lần đến nầy.

Ngoài khúc Kinh Thánh nói trên, có nhiều câu Kinh Thánh khác hỗ trợ cho quan điểm Hội Thánh được đem đi thình lình trước cơn đại nạn. – (Giăng 14:1–3) Trong đêm chịu bị bắt, Đức Chúa Giêxu phán cùng các môn đồ rằng Ngài sẽ đi để sắm sẵn cho họ một chỗ trên thiên cung rồi sẽ trở lại để tiếp rước họ đi ở luôn với Ngài.  Ở Mathiơ 24:42 Chúa phán rằng “Vậy hãy cảnh giác, vì các con không biết ngày nào Chúa mình đến.”  24:44 “Vậy nên các con phải sẵn sàng, vì Con Người sẽ đến vào giờ các con không ngờ.”  1Tês.5:9 “Vì Đức Chúa Trời không định cho chúng ta chịu cơn thịnh nộ, nhưng được hưởng ơn cứu rỗi, nhờ Đức Chúa Giêxu Christ chúng ta.”  Rôma 8:1 “Cho nên hiện nay chẳng còn có sự đoán phạt nào cho những kẻ ở trong Đức Chúa Giêxu Christ.”  Khải Thị 3:10 “Vì con vâng giữ lời Ta dạy: phải nhịn nhục, nên Ta sẽ bảo vệ con trong giờ thử thách sắp xảy ra trên khắp thế giới…”

(1Côr.15: 51–54) Có một sự biến hóa vinh quang khi Hội Thánh được cất lên thiên đàng: “Đây tôi tỏ cho anh em một lẽ huyền nhiệm: không phải chúng ta sẽ chết, nhưng tất cả chúng ta đều sẽ được biến hóa, trong khoảnh khắc, trong chớp mắt, khi tiếng kèn cuối cùng trổi lên.  Vì kèn sẽ thổi, người chết sẽ sống lại, thân thể không còn hư nát, và chúng ta sẽ được biến hóa.  Thân thể hư nát nầy sẽ mặc lấy sự bất diệt, thân thể chết chóc nầy sẽ mặc lấy sự bất tử, lúc đó lời Kinh Thánh nầy sẽ được ứng nghiệm: ‘Trong cuộc chiến thắng, sự chết đã bị nuốt mất’”

Nhiều tín hữu cho rằng chúng ta sẽ lên thiên đàng bằng linh hồn.  Phaolô cho biết thân thể sẽ sống lại và được biến hoá thành chất liệu bất diệt (1Côr.15:35–44).  Chất liệu đó là gì thì chưa ai biết.  Luca 20:35 nói rằng chúng ta sẽ giống như thiên sứ vậy. Kinh thánh diễn tả thiên sứ ra sao? Vào thời Cựu Ước, thiên sứ xuất hiện trên thế gian bằng thể xác giống như con người, ăn, uống và nói chuyện (Sáng 18:7–8).  Họ đẹp đến nỗi bọn dâm dục đồng tính ở Sôđôm mê mẩn (Sáng 19:4–5); họ có dáng vẻ bình thường nên người ta không ngờ rằng họ là thiên sứ (Quan Xét 13: 15–20).  Ngày nay có lẽ họ vẫn thường xuyên xuất hiện trong hình ảnh loài người nhưng không ai nhận ra (Hêb.13:2).  Thế thì thân xác chúng ta sẽ được biến hoá thành thiên sứ.

Hội Thánh được đem đi khỏi thế gian khi tiếng kèn chót trổi lên.  Tiếng kèn cuối cùng mà Phaolô nói ở đây không phải là tiếng loa thứ bảy chép ở Khải Thị 11:15. Tiếng loa ấy báo hiệu về bảy tai nạn cuối cùng sẽ trút xuống trái đất. Còn tiếng kèn chót là để báo tin Chúa trở lại và tập họp những người được chọn khắp địa cầu (Math.24:31).  Lại có thắc mắc rằng bao giờ thì việc đó sẽ xảy ra?  Đức Chúa Giêxu cho biết: “Về ngày và giờ đó chẳng một ai biết, kể cả các thiên sứ hay là Con cũng vậy, chỉ Cha biết mà thôi.” (24:36)  Nếu ai cho rằng mình tính được thời điểm Chúa trở lại thì người đó cho rằng họ biết nhiều hơn Đức Chúa Giêxu hoặc các thiên sứ trên trời.  Phaolô viết trong thư 1Tês.5:2 “chính anh em biết rất rõ là ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm giữa ban đêm.”  Nghĩa là không ai biết trước.

Có người sẽ hỏi, “Vậy thì có lời tiên tri nào hoặc điều kiện gì phải có trước khi sự tiếp rước Hội Thánh xảy ra không?” Những điều Đức Chúa Giêxu Christ phán trước về thời tận thế được ghi lại trong ba sách Phúc Âm đồng-quan có rất nhiều chi tiết. Chỉ cần điểm qua các chi tiết về chiến tranh, đói kém, dịch lệ, và thiên tai, con dân Chúa sẽ thấy bức tranh tổng thể về thời tận thế; cộng với các chi tiết về sự tái lập quốc gia Dothái 60 năm trước đây, chúng ta sẽ thấy ngày Chúa trở lại gần hơn bao giờ hết.  Lời Chúa phán rằng khi chúng ta nhận ra các hiện tượng hoặc dấu hiệu thời đại vừa đề cập, thì Ngài đang đứng trước cửa. (đọc Mathiơ 24:3–42)

Dấu hiệu trước tiên là chiến tranh.  Dù đã có nhiều thời kỳ chiến tranh trong lịch sử, nhưng thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 nầy là thời chiến tranh diễn ra liên miên ở nhiều vùng trên thế giới.  Đức Chúa Giêxu cho biết rằng điều đó phải xảy ra nhưng không phải là cuối cùng. Sẽ có những trận chiến diễn ra ở vùng Trung-đông, mà đa phần là do tinh thần thù nghịch của các nước thuộc khối hồi giáo đối với quốc gia Israel.  Nhưng theo lời Chúa thì chiến tranh sẽ xảy ra khắp nơi, chẳng phải chỉ là vùng Trung-đông.

Dấu hiệu kế tiếp là tình trạng động đất. Vào thời Đức Chúa Giêxu ở thế gian thì động đất là hiện tượng hiếm hoi.  Năm 760 trước khi Chúa giáng sinh, thời Ôxia làm vua nước Giuđa thì xứ Israel bị một trận động đất lớn (Amốt 1:1, Xach.14:5).  180 năm sau, một trận lớn xảy ra tại Âu Châu vào năm 580 BC.  Từ thế kỷ 1 tới 10 AD chỉ 2 trận động đất có cường độ mạnh. Các thế kỷ từ 11–15 có vài trận lớn, trong đó có một trận ở Trung Hoa vào năm 1117.  Người ta chỉ bắt đầu nghiên cứu về động đất khi nước Anh bị 5 trận động đất liên tiếp vào năm 1750 và trận động đất ở Lisbon, Bồ-đào-nha làm 70 ngàn người chết vào trưa Chúa Nhật 1 Nov. 1755.  Tới thế kỷ 19 thì động đất lớn diễn ra liên tiếp hầu như hàng năm ở nhiều vùng khác nhau, tới nay thì số trận động đất lớn xảy ra ngày càng nhiều với nhịp độ nhanh hơn.  Ở California hàng năm có khoảng 20,000 vụ lớn nhỏ.  Khi động đất xảy ra thường xuyên thì ký ức về các trận động đất vài chục năm trước không còn mấy ai nhớ tới.  Lời tiên báo của Đức Chúa Giêxu Christ về động đất lớn ở nhiều nơi vào thời tận thế đang ứng nghiệm.

Đói kém và dịch lệ (Lu.21:11).  Nạn thiếu ăn hiện là nan đề cho cả nhân loại vào thời đại nầy, mặc dù thế giới đã có những tiến bộ vượt bậc về gia tăng sản lượng lương thực và năng suất các loại ngũ cốc. Từ giữa thế kỷ 20 đến nay, nạn đói ăn đã hoành hành ở nhiều lục địa.  Nhiều người Việt lớn tuổi vẫn còn nhớ nạn đói kinh hoàng vào năm 1945 làm chết khoảng 2 triệu đồng bào ở miền Bắc và Trung Việt Nam; rồi nạn đói 78–79 làm điêu đứng cả nước.  Mới đây nhất khu vực Phi Châu đã trải qua nhiều trận đói kinh khủng.  Nhiều trận dịch kinh hoàng đã quét qua thế giới trong lịch sử cận đại.  Dịch cúm ở Âu Châu lan khắp thế giới trong hai năm 1918-1919 đã giết từ 20 tới 40 triệu người.  Bây giờ thiên hạ mất ăn mất ngủ vì SARS, bò điên, cúm gà, cúm heo.  Bệnh dịch AIDS phát sinh từ những người đồng tính luyến ái đã lan khắp thế giới.

Luca 21: 25–26 nói rằng “dân các nước sầu não rối loạn vì biển nổi tiếng om sòm và sóng đào.  Người ta nhân trong khi đợi sự hung dữ xảy ra cho thế gian thì thất kinh mất vía vì các thế lực trên trời sẽ rúng động.”  Việc gì sẽ đến phải đến.  Ngày nay các trận bão có cường độ ngày càng mạnh và sức tàn phá lớn hơn nhiều so với thế kỷ trước.  Nhiều lời tiên tri cho biết thế giới nói chung và nước Mỹ nói riêng sẽ bị nạn sóng thần tàn phá.  Ký ức của thế giới hầu như quên lãng về cơn bão giết chết cả trăm ngàn người ở Bangladesh năm 1971.  Cơn sóng thần ngày 26 tháng 12, 2004 tại Nam Dương đã làm cho 227,248 người chết.  Cơn bão nhiệt đới hơn một năm trước xảy ra tại Miến Điện làm thiệt hại hơn 70,000 nhân mạng.  Khi thu thập dữ kiện về những cơn sóng thần, người ta nhận thấy rằng kể từ đầu thế kỷ 20 hầu như năm nào cũng có sóng thần xảy ra.  Nếu chỉ kể tới các cơn sóng thần lớn và quan trọng thì cơn sóng thần ngày 27 tháng 3, 1964 tại Alaska rất dữ dội nhưng chỉ có 124 người thiệt mạng vì dân cư thưa thớt.  Sóng thần cao 15 thước tại Papua New Guinea ngày 17 tháng 7, 2008 gây ra tàn phá rất lớn, hơn 2000 người chết.  Chỉ kể từ sau năm 2004, có 5 cơn sóng thần lớn đã diễn ra.  Như vậy, lời Đức Chúa Giêxu cho biết về sóng thần và bão tố là một trong các dấu hiệu về thời tận thế đang diễn ra.  Ngày nay có nhà ở bờ biển tới mùa bão tố không còn là lạc thú mà thành mối lo.

Đức Chúa Giêxu dặn dò con cái Ngài rằng: “Chừng nào các việc đó khởi xảy đến, hãy đứng thẳng lên, ngước đầu lên, vì sự giải cứu các ngươi gần tới.” (Luca 21:28).  Nghĩa là chúng ta cần phải biết nhận định các dấu hiệu thời đại, nắm lấy cơ hội và mạnh dạn cảnh báo cho mọi bạn bè và người thân quen về số phận của họ vào ngày tận thế, nếu học chưa tin Chúa; cũng như siêng năng rao truyền tin mừng cứu rỗi của Chúa cho họ.  Chữ ‘giải cứu’ cũng ngụ ý Chúa sẽ đem con dân Ngài ra khỏi cơn đại nạn sẽ diễn ra trên thế gian.

Tất cả những biến cố và sự kiện chính trị phải diễn ra trên thế giới mà các lời tiên tri đã nói trước thì đều đã ứng nghiệm, để báo động cho con dân Chúa về giai đoạn cuối của thời tận thế đã đến.  Nghĩa là sự kiện Hội Thánh sẽ được đem đi khỏi thế gian có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Điều mà mọi người cần được nhắc nhở là Hội Thánh sẽ được đem đi trước khi Đức Chúa Giêxu trở lại thế gian lần thứ nhì.  Chúng ta cũng cần biết những lời tiên tri về sự tái lâm đó đang ứng nghiệm trong thời đại chúng ta đang sống.  Vì việc Hội Thánh được đem đi khỏi thế gian là rất gần, con cái Chúa nên nhắc nhở nhau và chính mình phải sống cách nào để không bị bỏ lại.  A-men.