Theo Dõi Tận Thế, bài 38

Khải Huyền 8:1–13

Lúc Chiên Con mở ấn thứ bảy thì trên trời yên lặng độ nửa giờ (8:1). Người ta đoán có lẽ vì ba lý do: 1. Im lặng là dấu hiệu tỏ ra sự khiếp đảm của vạn vật trước sự hiện diện của Vị Chánh Án Tối Cao trên toàn vũ trụ trong phiên tòa cuối cùng, quan trọng nhất, xét xử muôn loài (Sôphôni 1:7b; Habakuk 2:20) 2. Cuộn sách án trừng phạt của Đức Chúa Trời được phô bày trọn vẹn lần đầu tiên. Vạn vật chỉ biết khiếp đảm và không thể thốt nên lời; vì vậy nửa giờ nghiêm trang yên lặng để xem xét mọi việc đã bày ra trước sự công nghĩa của Đức Chúa Trời. 3. Cả thiên đàng yên lặng vì tính nghiêm trọng của những việc phải tới qua bảy tiếng loa và bảy bát thịnh nộ, sự phán xét quá kinh hoàng hơn những gì vũ trụ từng biết (Mác 13:19). Sự im lặng nầy nghẹt thở vì khiếp đảm.

Một cách diễn tả khác là sự im lặng trên thiên đàng được xem như cảnh không gian tĩnh lặng trước cơn giông. Vì thiên đàng im lặng nín thở là dấu hiệu sự phán xét kinh khủng của Đức Chúa Trời sắp giáng xuống; thiên đàng biết rất rõ mức độ khủng khiếp mà cơn thịnh nộ ấy sẽ đem đến trái đất. Có lẽ Đức Chúa Trời đã dựng nên vũ trụ có trái đất của chúng ta vì sự vui thích của Ngài. Sự vĩ đại, kỳ diệu của vô số thiên hà trong vũ trụ khiến người ta kinh ngạc và không thể hiểu nổi chương trình của Đức Chúa Trời. Thế mà Ngài sẵn lòng xuống thế gian hi sinh gánh chịu tất cả tội lỗi gớm ghiếc, thô bỉ, nhờm tởm nhất của loài người, chỉ nhằm cứu vớt họ. Nhưng người ta chẳng những đã không thèm tiếp nhận ơn cứu rỗi ấy, lại tiếp tục khinh bỉ, phỉ nhổ thiện ý của Ngài và miệt mài trong sự phạm tội; cho nên cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời sẽ rất khủng khiếp.

Ngay sau đó, có bảy thiên sứ ra đứng trước mặt Đức Chúa Trời và họ được trao cho bảy chiếc kèn (2). Một thiên sứ khác cầm bình hương bằng vàng đến đứng bên bàn thờ và được ban cho nhiều hương để dâng lên cùng với những lời cầu nguyện của các thánh đồ trên bàn thờ bằng vàng trước ngai (3). Thiên sứ được ban nhiều hương để hòa lẫn với lời cầu nguyện của các thánh đồ mà dâng lên trước mặt Đức Chúa Trời hầu cho các lời cầu nguyện ấy được nhậm. Bình xông hương trong Đền Thờ Đức Chúa Trời không giống các loại lư hương của ngoại giáo. Khói hương từ tay thiên sứ bay lên ở đây là hương thánh (4) không phải trầm hương hay khói nhang đền chùa ngoại giáo. Hương thánh của Do-thái-giáo là phép hòa hương của tô hiệp hương, loa yểm hương, phong chi hương, và thanh nhũ hương (Xuất 30:34). Người đọc sách Khải Huyền cần phải hiểu ý nghĩa của lời cầu nguyện và khói hương phải được thiên sứ hòa với nhau để dâng trên bàn thờ.

Tại sao những lời cầu nguyện của các thánh đồ phải được hòa với hương thánh? Mục đích hương thánh là biểu tượng cho lời cầu nguyện có mùi thơm được Chúa chấp nhận. Chúng ta phải biết một sự thật rằng lời cầu nguyện của các thánh đồ, tức là của chúng ta, phải được hòa thêm các thành phần thiêng liêng để được Chúa chấp nhận; bởi vì lời cầu nguyện xuất sắc nhất của thánh đồ hoàn hảo nhất vẫn mang tính yếu ớt, ô nhiễm và bất toàn. Hương để hòa vào các lời cầu nguyện không do thiên sứ cung cấp, mà được Chúa ban cho, để thiên sứ lấy hương đó hòa với lời cầu nguyện của các thánh đồ. Con cái Chúa cũng cần phải hiểu rằng bàn thờ bằng vàng nầy ở trên trời, không phải bàn gỗ bọc vàng trong Đền Thờ dưới đất. Và hương thánh chỗ nầy không biết có phải do phép hòa hương thời Môise hay không, hoặc một loại hương thánh khác của thiên đàng.

Bây giờ, bình hương của thiên sứ không còn dùng để dâng hương nữa mà thiên sứ ấy lấy lửa nơi bàn thờ bỏ đầy bình hương rồi ném lửa thiên đàng xuống đất thì có tiếng sấm, tiếng nói, những tia chớp và động đất (5). Lửa có nghĩa là sự phán xét dữ dội của Đức Chúa Trời phải giáng xuống thế gian, giáng trên những con người gian xảo, ngang ngược và phản loạn. Tiếng sấm, tiếng nói, tia chớp, và động đất đều là những hiện tượng đáng kinh sợ và tai họa kèm theo sự phán xét của Đức Chúa Trời. Ý nghĩa chỗ nầy là báo cho thế gian biết sự đáp lời của Đức Chúa Trời đối với lời cầu nguyện của con dân Ngài. Chúa sẽ báo thù đích đáng về những tội lỗi mà thế gian đã xúc phạm với con dân Chúa cũng như phạm đến chính Ngài. Thời gian đã đến hồi chấm dứt. “Bảy vị thiên sứ cầm bảy chiếc kèn chuẩn bị thổi” (6). Khi vị thiên sứ thứ nhất thổi kèn thì tai hoạ diễn ra ngay sau tiếng kèn ấy là lửa, mưa đá, trộn với máu đổ xuống đất 

Khi lửa và mưa đá trộn với máu đổ xuống đất, thì “Một phần ba đất bị thiêu cháy, một phần ba cây cối bị thiêu cháy, và tất cả cỏ xanh đều bị thiêu cháy” (7). Thế giới vào lúc đó rất cứng lòng trước án trừng phạt của sáu ấn trước. Loài người tin vào khả năng của họ có thể thắng được thiên nhiên. Sự pha trộn được mô tả ở chỗ nầy nói về sự toàn năng của Đức Chúa Trời. Ngài có quyền pha trộn bất cứ thứ gì theo ý Ngài muốn, không cần sự chấp thuận của khoa học loài người. Thiêu cháy có thể là nghĩa bóng về việc nhiều người có thế lực lẫn thứ dân đều bị diệt. “Thiên sứ thứ nhì thổi kèn thì có vật gì giống như quả núi lớn cháy rực bị ném xuống biển. Một phần ba biển biến thành máu, một phần ba sinh vật trong biển bị chết, và một phần ba tàu thuyền bị phá hủy ” (8–9).

Có lẽ đây là một thiên thạch khá lớn bay vào bầu khí quyển của trái đất cháy bừng bừng và rơi xuống biển làm đổi màu nước biển, làm chết cá và phá huỷ một số lớn tàu bè. Tuần đầu tháng 3/2008 một thiên thạch lớn bay lướt qua trái đất với khoảng cách 40 ngàn dặm. Người ta nói rằng do sức hút của tỉ trọng trái đất, thiên thạch đó theo quỹ đạo của nó có lẽ sẽ trở lại thăm trái đất một lần nữa, và lần tới thì có thể nó sẽ vào khí quyển địa cầu. Vào năm 1908 ở Siberia, một thiên thạch đã rơi xuống, phá huỷ một vùng rất lớn. Nhưng sức tàn phá của thiên thạch sẽ vào khí quyển địa cầu lúc thiên sứ thứ nhì thổi kèn sẽ lớn hơn rất nhiều, vì nó sẽ phá hủy một phần ba tàu thuyền.

Tiếng kèn của vị thiên sứ thứ ba cho thấy hình ảnh của một thiên thạch khác nữa (10–11). Phần lớn những sự tường thuật trong sách Khải Huyền có tính cách biểu tượng, không phải nghĩa đen. Vì thế, người ta suy diễn rất nhiều ý nghĩa khác nhau. Hầu hết các thần học gia nhiều thế kỷ trước đều cho rằng đây là nghĩa bóng về sự sụp đổ của các vương quyền thuộc đế quốc La-mã trước kia, nhưng họ không thể giải thích được tại sao đế vương sụp đổ mà làm hại các nguồn nước giết chết người uống. Bây giờ, những thần học gia thời nay thấy sự giải nghĩa sai của những người đi trước nên không dám khẳng định một ý nghĩa đặc biệt nào hết. Có người giải thích rằng đây là một thiên thể mang ký hiệu thiên văn là PX (Planet X), một sao chổi đang trên đường tiến tới địa cầu (chưa có bằng cớ khoa học nào chứng minh). Câu 11 cho biết tên nó là ngải cứu, làm cho nước trở thành đắng. Có thể là một loại vũ khí làm nhiễm độc nguồn nước các sông suối, giết chết rất nhiều người.  

Việc một phần ba sự sáng của mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao bị giảm sau tiếng kèn của vị thiên sứ thứ tư (12), một hiện tượng vũ trụ, thì không ai dám giải thích. Vài nhà giải kinh tìm cách dùng khoa học để giải thích các việc Kinh Thánh cho biết sẽ xảy ra, cho rằng bốn tai hoạ mà bốn tiếng loa của bốn vị thiên sứ đã thổi đều tượng trưng cho hệ quả của vũ khí hạt nhân, vũ khí hoá học, hoặc vũ khí vi trùng. Tuy nhiên, theo bản dịch tiếng Anh thì mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao bị “đánh,” hoặc bị “hại.” Không phải là các thiên thể ấy va chạm mạnh theo bản dịch Việt ngữ hiệu đính. Bởi vì tất cả các thiên thể đều có quỹ đạo cố định do Đức Chúa Trời đặt cho chúng phải chuyển động tuần hoàn rất lâu từ thuở tạo thiên lập địa. Chúng ta sẽ xem xét mọi lời giải thích nào hợp lý để có thể hiểu những lời bí hiểm của sách Khải Huyền. Tuy nhiên, chúng ta tin rằng Đấng Toàn Năng có quyền làm mọi điều Ngài muốn.

Chim nói tiếng người là điều bình thường (13). Nhưng xưa nay chưa có chim đại bàng nào nói tiếng người. Vị cherub thứ tư ở bên cạnh ngai của Đức Chúa Trời có hình dạng như chim đại bàng đang bay (Khải Huyền 4:7). Vì vậy, chim đại bàng đang bay giữa trời mà sứ đồ Giăng thấy ở chỗ nầy rất có thể chính là vị cherub ở bên ngai Chúa. Vị ấy biết trước những gì sẽ xảy đến khi ba vị thiên sứ còn lại sẽ thổi kèn: “Khốn thay! Khốn thay! Khốn thay cho những cư dân trên đất khi tiếng kèn mà ba thiên sứ khác sắp thổi lên.” Đến giai đoạn nầy số người còn sống trên đất không nhiều như thời trước khi Chiên Con tháo các ấn của sách khế ước. Họ run rẩy chờ ba tiếng kèn nữa sẽ thổi.

TheoDoiTanThe38.docx

Rev. Dr. CTB