fearthelordCác Vấn Đề Căn Bản, bài 30

Châm ngôn 8:11–14

Trong chuyện tích sáng tạo vũ trụ và nguồn gốc của loài người, Kinh-thánh chép rằng: “Đức Chúa Trời phán: ‘Chúng Ta hãy tạo nên loài người theo hình ảnh Chúng Ta và giống như Chúng Ta’” (Sáng Thế 1:26).

Khôn ngoan là một trong các thuộc tính vô cùng quý báu của Đức Chúa Trời (Châm ngôn 3:19), và sự khôn ngoan ấy tự xưng như một thân vị ở trong Đức Chúa Trời (Châm ngôn 8:22–31).

Cho nên, khi Đức Chúa Trời dựng nên loài người và hà sinh khí của Ngài vào người đầu tiên trên đất, để người trở nên một loài sinh linh, tức là một sinh vật có linh của thần ban cho, thì trong linh của người, có một phần gọi là khôn ngoan, vì người được tạo nên giống như Đức Chúa Trời.

Phần nầy kết hợp với lương tâm và hiệp thông trở thành cốt lõi của nhân linh. Khôn ngoan là một ‘cơ quan’ vừa nhận biết, vừa cung cấp thông tin cho lương tâm và hiệp thông nữa.

Hai ông, A.W. Tozer và J.I. Packer, vừa là mục sư, vừa là giáo sư thần học, đã định nghĩa sự khôn ngoan như sau:

Khôn ngoan trong Kinh-thánh khi dùng bởi Chúa và những người kính sợ Ngài thì luôn luôn mang nặng ý nghĩa đạo đức. Nó được xem là thanh sạch, yêu thương, và thiện hảo.… Khôn ngoan, giữa những điều khác, là khả năng tạo ra cứu cánh toàn hảo và đạt đến cứu cánh đó bằng phương tiện xuất sắc nhất. Từ khởi đầu, nó đã biết hồi kết thúc mà không cần phải phỏng đoán hay ước lượng. Khôn ngoan nhìn rõ mọi việc, mỗi việc liên hệ thích đáng với nhau; nhờ đó nó có thể thực hiện việc hướng tới các mục tiêu đã định trước với sự chính xác toàn hảo. Khôn ngoan là năng lực để nhìn thấy rõ và là thiên hướng lựa chọn mục tiêu tốt nhất và cao nhất, cộng với cách làm chắc chắn nhất để đạt tới mục tiêu đó. Thật ra, khôn ngoan là mặt thực tiễn của sự tốt lành về đạo đức.” (Cứu cánh có nghĩa là mục tiêu cuối cùng của sự theo đuổi nào đó).

Khôn ngoan là biết cách làm dựa trên tri thức và kiến thức. Người khôn ngoan quan sát công việc và biết cách giải quyết, dù việc đó khó khăn đối với nhiều người khác. Người ta gọi đó là trí khôn hay thông minh.

Người khôn ngoan giải quyết những việc khó một cách dễ dàng; trong khi những người kém khôn ngoan thì không thể làm nổi. Kinh-thánh bao gồm khôn ngoan và tri thức chung với nhau.

Người ta không thể có sự khôn ngoan nếu không có tri thức về tất cả các sự kiện liên quan tới bất cứ kế hoạch hay mục đích nào (Giêrêmi 10:12; 51:15; Rôma 11:33; Côlôse 2:3).

Kinh- thánh chép: “Sự khôn ngoan tìm thấy trên môi người hiểu biết … Người khôn ngoan tích lũy tri thức” (Châm ngôn 10:13, 14). Mà người ta chỉ có thể thu thập được tri thức hay kiến thức qua việc học hành hay kinh nghiệm sống.

Khôn ngoan khiến người ta biết nhận ra và rút kinh nghiệm về lý do khiến họ thất bại, vì “người khôn ngoan đội vương miện bằng tri thức” (Châm ngôn 14:18b).

Sự khôn ngoan cũng giúp cho ta biết cân nhắc lời nói. Người khôn thì nói năng cẩn thận, suy tính kỹ, hướng tới kết quả tốt đẹp; người dại thì nói theo bản năng cần nói, mà không cần biết lời nói của mình đem đến lợi ích hay tai hại gì.

Người dại mở miệng ra nói chỉ để thoả mãn nhu cầu nói; rồi quên hẳn sự sai trật để trở lại lời nói dại dột trước đó. Cho nên, khi chúng ta cẩn thận suy gẫm về cách mình diễn đạt tư tưởng và những gì mình vẫn quen nói, rồi cầu xin Chúa giúp mình ăn nói đẹp ý Ngài, thì cơ quan khôn ngoan trong tâm linh sẽ nắm quyền điều khiển cách suy nghĩ của trí tuệ, khiến cho ta rất cẩn thận trước khi mở miệng phát biểu ý kiến, vì “cái khôn của người khôn khéo là hiểu rõ đường lối mình” “Người có lòng khôn ngoan được gọi là người hiểu biết” “Lòng người khôn ngoan dạy dỗ miệng mình” (Châm ngôn 14:8; 16:21, 23).

Trong vấn đề diễn đạt ý nghĩ, tư tưởng hay lời phát biểu cho người khác hiểu, hoặc làm cách nào để truyền thông cho nhau giữa hai phía, tức là giúp cho phần hiệp thông hoạt động một cách hoàn hảo, thì khôn ngoan nắm vai trò chủ chốt.

Khôn ngoan diễn đạt ý tưởng của mình bằng loại ngôn ngữ mà đối tượng có thể hiểu một cách chính xác. Khôn ngoan nhận biết phản ứng của phía nghe lời truyền đạt của mình là như thế nào, hiểu đúng hay hiểu sai, hay đối tượng không hiểu gì hết, để từ đó điều chỉnh cách trình bày thế nào cho người nghe hiểu rõ điều mình muốn diễn đạt.

Một nửa các sự hiểu lầm, hiểu sai lạc và xung đột nhau về lời nói hay cách trình bày ý tưởng qua thư từ, sách vở trong cộng đồng loài người là do cách truyền đạt thiếu rõ ràng; một nửa còn lại là phần khôn ngoan của phía tiếp nhận chưa phát huy kịp trình độ của phía truyền đạt.

Vì thế, khôn ngoan nhận lãnh từ sự soi sáng của Đức Chúa Trời vượt trội các mưu chước của ma qủy.

Khôn ngoan cũng liên quan mật thiết với lương tâm, vì khôn ngoan biết phân biệt, nhận định phải, trái, thiện hay ác, nên khôn ngoan cộng tác và hun đúc lương tâm của tâm linh người.

Ví dụ như người chưa có Đức Thánh Linh trong lòng thì chọn điều gian lận hay phương cách lường gạt để thủ lợi rồi cho đó là khôn ngoan; lương tâm họ đã không bao giờ cáo trách, lại hài lòng về thủ đoạn của mình.

Người có tật nói dối cũng cho là họ khôn ngoan, vì giỏi giấu giếm những điều họ không muốn người khác biết. Chúng ta sẽ nghiên cứu sâu ở phần lương tâm.

Khi sứ đồ Phao-lô tiết lộ: “Tôi nài xin Đức Chúa Trời của Chúa chúng ta là Đức Chúa Jesus Christ, là Cha vinh quang, ban cho anh em linh của sự khôn ngoan và sự mặc khải, để anh em nhận biết Ngài” (Êphêsô 1:17), thì câu nầy mở ra cho chúng ta thấy hai vấn đề:

Thứ nhất, mục đích của lời cầu xin là muốn cho tín hữu ở Êphêsô có thể nhận biết rõ ràng về Đức Chúa Trời qua linh khôn ngoan và mặc khải. Nghĩa là hai cơ quan hiệp thông, nơi nhận sự mặc khải, và khôn ngoan, nơi hiểu biết sự thật, trong một nhân linh chưa nhận lãnh sự sống mới, thì người ấy không có khả năng nhận biết Đấng Tạo Hóa một cách chính xác.

Thứ nhì, dù cho tín hữu có nhận được sự mặc khải mà không có linh khôn ngoan hoạt động hữu hiệu, thì chắc sẽ sa vào sự mê tín trầm trọng.

Phần khôn ngoan trong tâm linh người có chứa thêm trực giác, người ta gọi là linh tính. Trực giác, hoặc linh tính, là sự cảm nhận bí ẩn báo cho người ta biết những điều ẩn dưới bề mặt không thấy được rõ ràng. Người đời gọi đó là giác quan thứ sáu.

Trực giác có thể báo trước một số việc sẽ xảy ra qua sự nhận xét của bộ máy khôn ngoan. Những khi phần hiệp thông nhận tín hiệu mặc khải từ Đức Thánh Linh, hay thiên sứ hộ vệ cho biết việc sẽ xảy ra; hiệp thông chuyển tin tức ấy cho trực giác của cơ quan khôn ngoan phân tích và dự trù cách đối phó.

Trực giác giống như một ăng-ten thu tín hiệu từ linh giới, những điều không thể thấy bằng mắt trần tục. Trực giác làm cho người ta cảm nhận sự hiện diện của thần linh, tà linh hoặc nhân linh lẩn quất quanh họ.

Trực giác kết hợp với ơn mặc khải của hiệp thông để phân biệt các thứ linh. Vì vậy, ơn phân biệt các linh là hoạt động của trực giác trong bộ máy khôn ngoan cộng tác với ơn khải thị của bộ máy hiệp thông để nhận biết các thứ linh nào đang ẩn sau một số biểu hiện hay hoạt động nào đó.

Đối với nhiều tín hữu chưa có cơ hội phát triển về mặt nầy, thì không thể thấy hay nhận biết ranh giới giữa con người với các hoạt động của linh giới. Nhưng người nào đã được sự sống của Chúa kích hoạt cho phần hiệp thông của tâm linh hoạt động một cách linh hoạt, thì dễ dàng nhận ra lằn ranh phân cách giữa hoạt động của trần giới với linh giới. Chính vì ơn mặc khải và trực giác hoạt động phối hợp nhịp nhàng, nên được gọi là ơn phân biệt các linh (1Côrinhtô 12:10).

Người đời hiểu vấn đề nầy rất lờ mờ; nhưng nhờ ơn Chúa, con cái của Ngài được ban cho sự hiểu biết cặn kẽ để áp dụng cho đời sống phục vụ Chúa và tiến bước vững chắc trên đường thánh hoá.

Người ngoài Chúa nhưng có lòng hướng về Ngài thì cũng nhận biết một cách lờ mờ về tiếng nói từ thiên đàng. Lãnh tụ tinh thần của người Ấn-độ, Mahatma Gandhi, sau khi nghiên cứu Kinh thánh đã muốn tiếp nhận Chúa, nhưng khi phải đối phó với chính sách của thực dân Anh miệt thị người Ấn độ, thì ông đã bỏ ý định tin Chúa. Ông viết: “Thượng Đế phán với chúng ta mỗi ngày, chúng ta chỉ không biết cách nào để nghe mà thôi.

Tóm lại, khôn ngoan là một thành phần của nhân linh; nhưng thành phần ấy chỉ sống và hoạt động mạnh mẽ khi tín hữu có mối liên hệ thân mật với Đức Thánh Linh.

Vì ơn mặc khải của hiệp thông chuyển ý muốn Đức Chúa Trời cho khôn ngoan để điều khiển ý chí sống đạo của tín hữu.

VanDeCanBan30.docx
Rev. Dr. CTB