Khởi Đầu Mới, 06
Châm Ngôn 2:1–5
“Hỡi con ta, nếu con tiếp nhận lời ta dạy và trân trọng tuân giữ các điều răn của ta, lắng tai nghe điều khôn ngoan, hướng lòng con về sự thông sáng; phải, nếu con cầu xin sự thông sáng và cất tiếng khẩn nài sự hiểu biết, nếu con tìm nó như tìm tiền bạc, kiếm nó như kiếm báu vật kín giấu, bấy giờ con sẽ hiểu biết sự kính sợ Đức Giê-hô-va và tìm được tri thức về Đức Chúa Trời.”
Mọi người, bất cứ ai, đều muốn được hưởng phước lành chứ không ai mong tai họa. Nhưng ít người để ý một thực tế là người khôn ngoan chuẩn bị sẵn sàng thì được bình an hoặc ít bị thiệt hại khi có tai họa chung xảy ra. Còn những người dại thiếu chuẩn bị phải chịu nhiều thiệt hại đáng lẽ ra có thể tránh được. Ví dụ, người khôn luôn đổ đầy bình xăng cho xe của mình,vì tới khi phải di tản thì chạy xa hơn xe gần hết xăng. Người sắm sẵn máy phát điện sẽ không bị bối rối khi khu vực mình ở bị cúp điện lâu dài. Hoặc người có máy phát điện có thể dùng gas làm nhiên liệu thì yên tâm hơn người mua máy chỉ có thể dùng xăng; bởi vì khi có biến động thì xếp hàng mua xăng vừa vất vả, và thường thì lúc ấy các trạm bán xăng không có đủ để bán cho mọi người có nhu cầu.
Vì vậy, Kinh Thánh nói rằng “Phước cho người nào tìm được sự khôn ngoan và nhận được sự thông sáng. … Sự khôn ngoan quý báu hơn châu ngọc. Tay phải sự khôn ngoan cầm nắm sự trường thọ, còn trong tay trái có sự bình an và danh vọng” (Châm Ngôn 3:13, 15–16). Khôn ngoan và thông sáng khác với sự thông minh. Thường thì thông minh là khả năng thiên phú để học giỏi, hiểu nhanh, giải quyết các bài toán khó cách mau lẹ. Còn khôn ngoan là khả năng áp dụng tri thức, kinh nghiệm, và phán đoán khéo léo trước các hoàn cảnh khó khăn, phức tạp. Chữ thông minh được áp dụng cho học thức và cách suy nghĩ hợp lý. Còn khôn ngoan là vốn hiểu biết, khả năng phân biệt giữa đúng với sai, biết điều gì nên làm và điều gì không nên làm, vv.
Có hai loại khôn ngoan, một là khôn ngoan trong cách sống và biết giải quyết các nan đề; hai là khôn ngoan trong kinh nghiệm của người đã phải đối phó nhiều hoàn cảnh khó. Cho nên, người thông minh, học giỏi chưa chắc khôn ngoan hơn những người nhiều kinh nghiệm. Bởi vì tri thức của người có học vấn, mà chưa biết nhiều kinh nghiệm sống ở đời, thì không áp dụng được vào rất nhiều hoàn cảnh cần phải có sự khôn ngoan và kinh nghiệm. Ví dụ, khả năng giải toán thần sầu, tri thức sâu rộng về khoa học, cũng bị thúc thủ khi vào rừng tự mưu sinh. Trong khi đó, những người thợ rừng có sự khôn ngoan thứ hai đầy kinh nghiệm biết cách thoát hiểm, tránh thú dữ, thích nghi với sự biến đổi thời tiết, và mưu sinh dễ dàng ở nơi hoang dã, thì không gặp khó khăn gì.
Cả hai sự khôn ngoan phán đoán trong đời sống và sự khôn ngoan do kinh nghiệm đều rất quý báu. Nhưng sự khó khăn mà nhiều người phải đối phó là không biết làm thế nào để được Chúa ban cho sự khôn ngoan từ Ngài. Kinh Thánh dạy rằng (Châm Ngôn 9:10) “Sự kính sợ Đức Jehovah, ấy là khởi đầu sự khôn ngoan, sự nhận biết Đấng Thánh, đó là sự thông sáng.” Đây là sự thật mà người đời không thể biết. Tuy nhiên, anh chị em con cái Chúa có thể thắc mắc: “Sống như thế nào thì sẽ được coi là kính sợ Đức Chúa Trời?” Khúc Kinh Thánh Châm Ngôn 2:1–4 dạy cho chúng ta biết cách thức sống ra sao thì được xem là kính sợ Chúa. Có ba điều cần phải suy gẫm để làm theo:
1. Chịu tiếp nhận lời khuyên dạy và tuân giữ các điều răn có nghĩa gì? Hãy cùng nhau xem xét (Châm 2:1) “Nếu con tiếp nhận lời ta dạy và trân trọng tuân giữ các điều răn của ta.” Khi có người hỏi Đức Chúa Jesus điều răn nào lớn nhất, thì Chúa trả lời tóm tắt là Kính Chúa và Yêu Người (Mathiơ 22:37–39) “Đức Chúa Jêsus đáp: ‘Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết tâm trí mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi. Ấy là điều răn thứ nhất và quan trọng hơn hết. Còn điều răn thứ hai cũng giống như vậy: Ngươi phải yêu người lân cận như chính mình.’” Bởi vì người kính sợ Chúa sẽ không dám phạm tội. Hơn nữa, Đức Chúa Jesus truyền dạy một điều răn rất rõ ràng là anh chị em trong Chúa hãy yêu thương nhau như Ngài đã yêu chúng ta (Giăng 15:12) “Đây là điều răn của Ta: Các con hãy yêu thương nhau, như Ta đã yêu thương các con.” Hãy suy nghĩ về vấn đề nầy. Lâu nay chúng ta sống ra sao? Có quan tâm chút nào tới các thành viên khác trong Hội Thánh hay không? Hãy tuân theo các mệnh lệnh của Chúa, rồi hãy nghĩ tới chuyện cao xa khác. 2. “Lắng tai nghe điều khôn ngoan và hướng lòng về sự thông sáng” (2). Mọi bài giảng Kinh Thánh đều là lời khôn ngoan từ Chúa chỉ dạy. Lắng tai nghe tức là để ý nghe thật kỹ, suy gẫm, rồi làm theo những gì được dạy.
Hướng lòng về sự thông sáng nghĩa là áp dụng sự hiểu biết trong lòng mình về bài giảng Kinh Thánh mà mình đã chú ý nghe. Nếu ai nghe lời giảng một cách thụ động thì không thể hiểu mình cần phải áp dụng những gì. Một thực tế rất buồn là không có bao nhiêu người chịu lắng nghe giảng rồi áp dụng những điều đã được giải thích. Bởi vì nếu chịu lắng nghe và áp dụng, thì đa số thành viên của Hội Thánh đã đem được ít nhất một người đến với Chúa. Mọi mệnh lệnh từ Chúa đều là sự khôn ngoan. Nếu không áp dụng gì hết thì chỉ nghe một cách vô ích.
3. Tìm nó như tìm tiền bạc và kiếm nó như kiếm báu vật kín giấu (4) là một bí quyết khác. Mọi người đều muốn có nhiều tiền; nếu có thể làm ra tiền thì cố gắng hết sức. Nhưng chỉ có ít người tìm kiếm sự khôn ngoan. Vì vậy, lời khuyên ở đây là hãy làm mọi cách để nhận được sự khôn ngoan giống như mình ra sức kiếm tiền hoặc bỏ công đi tìm kho tàng đầy kim cương vậy. Nếu chúng ta chịu áp dụng những điều trên thì kết quả là gì? “Bấy giờ con sẽ hiểu biết sự kính sợ Đức Giêhôva và tìm được tri thức về Đức Chúa Trời” (Châm Ngôn 2:5). Tại sao đạt được sự hiểu biết đó? Ai đọc Lời Chúa và suy gẫm hàng ngày, người ấy biết rõ điều mình phải làm, cách mình phải sống, và lòng mình đối với Chúa phải như thế nào. Nghĩa là người nào đọc và làm theo những điều Kinh Thánh dạy sẽ tránh không phạm những việc bị nghiêm cấm và biết cách sống sao cho được đẹp lòng Chúa. Chúng ta sẽ thấy sự đổi mới trong cách ứng xử của mình đối với mọi người, nó khác hẳn con người cũ trước kia.
Nhưng tìm được tri thức về Đức Chúa Trời thì như thế nào? Tri thức là sự hiểu biết rõ vấn đề. Sự hiểu biết mới đầu tiên về Chúa là Ngài vô cùng thánh khiết. Sự biết nầy khiến chúng ta xét lại mình và từ bỏ mọi điều ô uế để có thể đến gần Chúa. Chúng ta sẽ không còn ỷ lại vào đức nhân từ của Chúa mà cố ý phạm tội. – Điều kế tiếp là biết chương trình và đường lối của Ngài không giống như mình suy diễn theo tư tưởng phàm tục. Sự hiểu biết đó giúp chúng ta không còn ưa thích các thứ lý luận sai trái và xảo quyệt. Dù lý thuyết con người đưa ra có vẻ rất hấp dẫn nhưng khi so với đường lối thánh khiết của Đức Chúa Trời, thì thấy nó không hợp với con người mới bên trong mà Chúa đã ban cho mình – đồng thời cũng biết nhửng điều Ngài ghét nữa.
Tri thức về Đức Chúa Trời cũng giúp chúng ta biết cách sống thể nào để được Ngài ban phước và biết cách để tiếp nhận các ơn phước ấy. Những người thường xuyên dâng hiến cho Chúa cách vui lòng thì được Ngài ban ơn tài chánh cách dồi dào; rồi được Ngài bảo vệ và chữa lành các tật bệnh. Hơn nữa tri thức về Chúa khiến chúng ta biết nhiệm vụ mình phải làm và làm cách thành công. Cho nên, ai muốn được Chúa ban cho sự khôn ngoan từ Ngài thì hãy áp dụng các bí quyết: Tiếp nhận lời dạy, trân trọng tuân giữ các điều răn, lắng tai nghe điều khôn ngoan và hướng lòng về sự hiểu biết cách áp dụng, nỗ lực trong đời sống tâm linh để được khôn ngoan, giống như cật lực làm việc kiếm tiền, đồng thời quý trọng và ước ao nó như tìm kho tàng chứa đầy báu vật.
Hãy sống ngay thẳng và chính trực, kính sợ Đức Chúa Trời, nhận biết sự thánh khiết của Ngài và quý trọng sự thánh khiết ấy, vâng lời Chúa trong cách sống mỗi ngày để tạo ảnh hưởng trên mọi người mà mình tiếp xúc, giống như lời dạy của Chúa là phải cư xử như muối và ánh sáng tạo ảnh hưởng ở mọi nơi nó có mặt. Người nào chịu làm như vậy sẽ được Chúa ban cho sự khôn ngoan mà người đời không thể đạt tới được.
KhoiDauMoi06.docx.
MS CTB