Tín Đồ Của Chúa, bài 35

Ê-phê-sô 3:1–12

Sau khi Đức Chúa Jesus đã về trời và Đức Thánh Linh đã giáng xuống trên một nhóm môn đồ để thành lập Hội-thánh của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jesus, các sứ đồ và môn đồ trong nhóm đầu tiên vẫn đinh ninh rằng Tin Mừng về ơn cứu độ chỉ dành riêng cho người Do-thái; cho nên họ chỉ truyền giáo quanh quẩn ở thành Jerusalem và các vùng phụ cận (Công vụ 5:16).

Có lẽ họ nghĩ rằng phải làm cho cả thành Jerusalem và xứ Giu-đê tiếp nhận Đức Chúa Jesus trước rồi mới tiến sang xứ Samaria, sau cùng là khắp thế giới (Công vụ 1:8).

Thánh Linh của Đức Chúa Trời phải sai sứ đồ Phierơ đến nhà của Cornelius, người Ý, đội trưởng của một đội quân La mã, giãi bày Tin Mừng cho một nhóm người không theo Do-thái-giáo, để ông biết rằng Đức Chúa Trời không chỉ ban sự cứu rỗi cho người Do-thái mà thôi (Công vụ 10:22, 28).

Tuy vậy, Đức Chúa Trời phải sai sự bách hại đến, các môn đồ mới chạy tản lạc rao truyền đạo Chúa khắp nơi (Công vụ 11:19-20).

Đức Chúa Jesus phải hiện ra bằng ánh sáng chói loà, làm mù mắt ông Saul, một tín đồ hung hăng của Do-thái-giáo, để đem ông đến sự cứu rỗi nhờ đức tin, chẳng phải bởi việc làm (Êphêsô 2:8-9), và mặc khải cho ông biết lẽ mầu nhiệm của Đấng Christ, tức là lẽ mầu nhiệm của tin mừng từ Đức Chúa Trời (Êphêsô 3:3).

Cho nên, Saul, đã đổi tên thành Phao-lô, tiết lộ lẽ mầu nhiệm nầy trong thư gửi cho các tín hữu ở Ê-phê-sô, để khi đọc đến điều đó thì họ có thể nhận thức được sự hiểu biết của ông “về lẽ mầu nhiệm của Đấng Christ, là điều chưa từng tiết lộ cho con cái loài người trong các thế hệ trước, nhưng bây giờ được Thánh Linh bày tỏ cho các sứ đồ thánh và các nhà tiên tri của Ngài” (Êphêsô 3:4-5).

Phao-lô cho biết tiếp sự mầu nhiệm đó là: Nhờ Tin Lành, dân ngoại được trở nên những chi thể của cùng một thân, thừa kế, chia sẻ lời hứa trong Christ (3:6).

Trong bối cảnh Cơ-đốc-giáo ngày nay, hầu hết người theo đạo đều ít biết hay chẳng hiểu một chút gì về vấn đề nầy, cũng chẳng có bao nhiêu người quan tâm nghiên cứu; bởi vì, theo cách suy nghĩ của chúng ta, việc Đấng Christ chuộc tội và đem chúng ta vào ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời là một lẽ đương nhiên, Chúa phải làm vì yêu thương nhân loại.

Sự suy nghĩ ấy đến từ tri thức nhỏ nhoi về giao ước của Đức Chúa Trời với ông Abraham và dòng dõi Israel của ông; cũng biết quá ít về các thuộc tính của Đức Chúa Trời nữa.

Có học biết các điều nầy, chúng ta mới hiểu được sự kết hợp thần tánh và nhân tánh trong Đấng Christ để thực hiện ơn cứu chuộc đã giấu kín từ ngàn xưa, bây giờ được bày tỏ cho ông Phao-lô để rao báo cho nhân gian biết rằng: Sự mầu nhiệm của Đấng Christ là cách giải quyết ổn thoả và tuyệt diệu trong việc tiêu trừ tội lỗi cho loài người.

Người ta phải hiểu rằng sở dĩ Đức Chúa Trời lập giao ước đặc biệt với Abraham, vì trong cả nhân loại chỉ một mình ông là người có đức tin mà Đức Chúa Trời đòi hỏi.

Qua giao ước nầy, chỉ dòng dõi đức tin của Abraham mới được ban phước: “Ta sẽ ban phước dồi dào cho con, làm cho dòng dõi con đông như sao trời, nhiều như cát biển, và dòng dõi con sẽ chiếm được cổng thành quân địch. Tất cả các dân tộc trên thế giới đều nhờ dòng dõi con mà được phước, vì con đã vâng lời Ta” (Sáng thế 22:17-18).

Còn tất cả các dân tộc khác, trong đó có người Việt chúng ta, bị xem là dân ngoại, không được cắt bì, không có quyền công dân Israel, xa lạ đối với giao ước của lời hứa không có hi vọng, không có Đức Chúa Trời (Êphêsô 2:12).

Nghĩa là đối với luật pháp của Chúa thì ngoài dân Israel ra, chẳng dân tộc nào sẽ được đem vào nơi yên nghỉ của Đức Chúa Trời. Luật pháp và giao ước đã được lập và ban bố qua Môi-se, là người trung gian, để ai giữ được luật pháp thì nhờ đó mà sống (Galati 3:12; Lêviký 18:5).

Thế nhưng trong cả nhân loại, kể cả dân tộc ở trong giao ước, chẳng ai giữ trọn được luật pháp, vì sự yếu kém của bản chất xác thịt trong mỗi người, khiến cho tội lỗi thống trị trên cả nhân loại.

Những người nhận lãnh luật pháp trong giao ước, hàng năm được thầy tế lễ thi hành nghi thức chuộc tội bằng máu của sinh tế để tạm thời che lấp tội lỗi, vì máu thú vật không thể cất bỏ tội lỗi đi được (Hêbơrơ 10:4).

Vậy nên, dù người ở dưới giao ước, hoặc người không có giao ước, đều sẽ bị trừng phạt theo luật pháp thánh nghiêm minh của thiên đàng.

Nhưng Đức Chúa Trời là Đấng giàu lòng thương xót, vì yêu chúng ta bằng tình yêu cao cả, nên ngay khi chúng ta đã chết vì những vi phạm, thì Ngài khiến chúng ta cùng sống với Đấng Christ – ấy là nhờ ân điển mà anh em được cứu” (Êphêsô 2:4–5).

Sự mầu nhiệm của Đấng Christ được bày tỏ ra bằng cách Ngôi Lời của Đức Chúa Trời giáng sinh xuống thế gian làm người, mang cả thần tánh lẫn nhân tánh; để qua thân xác ấy, chỉ một lần  chịu chết thay thế, Ngài có thể chuộc tội cho cả loài người.

Vì “qua thân xác mình, Ngài đã huỷ bỏ luật pháp với các điều răn và quy tắc, để từ hai nhóm Ngài tạo dựng thành một nhân loại mới trong chính Ngài, như vậy sự bình an được thực hiện” (Êphêsô 2:15). Thế thì “sự mầu nhiệm đó là: Nhờ Tin Lành, dân ngoại được trở nên những người thừa kế, những chi thể của cùng một thân và những người cùng chia sẻ lời hứa trong Đấng Christ Jesus” (Êphêsô 3:6).

Nếu không có sự chết hi sinh của Đức Chúa Jesus, tất cả ‘dân ngoại’ không có cách gì được vào trong giao ước Đức Chúa Trời đã lập với Abraham và Israel; sự mầu nhiệm ấy đã được giữ kín qua các thời đại trong Đức Chúa Trời, Đấng tạo dựng muôn vật (Êphêsô 3:9), để các thế lực chống nghịch đều bị ngỡ ngàng.

Kinh thánh gọi kế hoạch Đức Chúa Trời cứu độ loài người qua Đức Chúa Jesus Christ là sự mầu nhiệm, tức là điều bí ẩn không ai biết; bởi vì không một vị thống lĩnh hay kẻ cầm quyền nào trong các nơi trên trời biết một mảy may nào về chương trình vĩnh cửu của Đức Chúa Trời dùng Ngôi Lời của Ngài thực hiện việc mang những người có đức tin trong các dân ngoại vào gia đình Ngài, hợp với người Israel có đức tin để cùng thừa kế cơ nghiệp Ngài ban cho con cái Ngài được trở nên những chi thể của cùng một thân.

Những kẻ thống lĩnh và cầm quyền trong linh giới đều không biết điều bí ẩn đó, nên ngày nay Chúa dùng Hội thánh bày tỏ cho chúng biết (Êphêsô 3:10) sự khôn ngoan vô hạn của Đức Chúa Trời là Ngài dùng sự chết của Đức Chúa Jesus đánh bại quyền lực của sự chết và tội lỗi, Hội thánh của Chúa từ nay trở đi có uy quyền trên toàn linh giới, vì Hội thánh là thân thể của Đức Chúa Jesus, Đấng chiến thắng.

Sứ đồ Phao-lô cũng nói rằng những người trưởng thành về mặt thuộc linh cần phải hiểu biết sự khôn ngoan vô hạn của Chúa, vì đó không phải là sự khôn ngoan của đời nầy, hay của các nhà lãnh đạo ở thế gian, mà là “sự khôn ngoan, mầu nhiệm và kín giấu của Đức Chúa Trời, ….. được Đức Chúa Trời định sẵn từ trước các thời đại cho sự vinh quang của chúng ta” (1Côrinhtô 2:6-7).

Sở dĩ Satan và các chủ quyền, thế lực phản nghịch trong linh giới thúc đẩy giới lãnh đạo Do thái giáo đòi giết Đức Chúa Jesus cho bằng được vì chúng không hề biết chương trình khôn ngoan vô hạn mầu nhiệm của Đức Chúa Trời.

Nếu chúng biết là dòng huyết chuộc tội của Đức Chúa Jesus sẽ giải thoát vô số người tin ra khỏi xiềng xích của chúng, phá tan ngục tù và làm cho quyền lực  của chúng bị vô hiệu trên người có đức tin, đồng thời đem vô số dân ngoại vào nước vinh quang của Đức Chúa Trời, thì chúng đã không xúi giục những kẻ ác đóng đinh Đức Chúa Jesus.

Chúng ta vui mừng học và hiểu sự mầu nhiệm của Tin Mừng. Vì chúng ta là dân ngoại, nhờ đức tin vào Đức Chúa Jesus mà được đồng kế tự với Đấng Christ, được xem là các chi thể của một thân, được dự phần chia xẻ lời hứa vô cùng quý báu đã lập trong Đức Chúa Jesus, thay vì bị loại ra ngoài, không được hưởng giao ước hạnh phúc mà còn không biết chút gì về giao ước ấy nữa.

Thay vì bị hư vong vĩnh viễn, chúng ta được sự mầu nhiệm của Tin Mừng đem vào sự sống vĩnh cửu vinh quang; thay vì bị sống tuyệt vọng trong tội lỗi, chúng ta được lời hứa về đời sống thánh khiết và thực sự được hưởng đời sống ấy trong sự vui mừng.

Nhờ sự mầu nhiệm đó, chúng ta còn được cậy vào uy quyền của Đức Chúa Jesus, đầu của Hội-thánh, chiến thắng mọi sự tấn công của thế giới tối tăm, giải thoát vô số nạn nhân ra khỏi quyền ma quỷ, dẫn họ đến sự sống và sự sáng thật trong Tin Mừng của Đức Chúa Jesus Christ.

Vậy, hãy hiểu biết để hành động theo ý Chúa trong công tác truyền giáo. Hầu cho sự truyền giáo sẽ hiệu quả và có nhiều kết quả tốt, thành công thay vì thất bại.

TinDoCuaChua35.docx

Rev. Dr. CTB