Truyền Giáo Vững Vàng, bài 10

2 Sử Ký 29:3–19

Vào đời A-cha, vua Giu-đa, Đền Thờ của Đức Chúa Trời bị bỏ bê và chứa đầy các món ô uế. Khi Ê-xê-chia lên ngôi kế vị vua cha đã qua đời, vua thanh tẩy Đền Thờ và lập lại cuộc thờ phượng Đức Chúa Trời. Lòng sốt sắng của Ê-xê-chia tạo nên một cuộc phấn hưng tôn giáo mạnh mẽ cho toàn dân Giu-đa.

Tuy nhiên, chúng ta cũng nên tìm hiểu tại sao A-cha chẳng những bỏ bê sự thờ phượng Đức Chúa Trời mà còn bắt chước các vua Israel đúc tượng thần Baal, xông hương trong thung lũng Ben Hinom và thiêu con cái mình làm tế lễ theo thói tục ghê tởm cúa các dân mà Đức Giê-hô-va đã đuổi khỏi dân Israel (2Sử ký 28:2-3).

Ông nội của A-cha làm vua Giu-đa, tên là Ô-xia, cháu mười đời kể từ vua Solomon, được kể là người hết lòng tìm kiếm Đức Chúa Trời (2Sử 26:5).

Nhưng khi đã được Chúa ban cho sự cường thịnh thì vua sinh lòng kiêu ngạo, không còn tôn trọng Đền thờ, tự ý vào xông hương trên bàn thờ xông hương, là việc Đức Chúa Trời đã chỉ định rõ trong luật pháp là chỉ dành cho các thầy tế lễ thuộc dòng A-rôn (2Sử 26:16–21).

Sự khinh thị của vua Ô-xia truyền xuống đến cháu nội mình là vua A-cha. Đền Thờ Đức Chúa Trời tại Jerusalem được gọi là nơi Ngài ngự, nơi đặt Danh Ngài, thì gian chí thánh trong Đền Thờ được kể là nơi chứa sự hiện diện của Ngài.

A-cha khinh thường Đền Thờ của Đức Chúa Trời đến nỗi “ thu góp các vật dụng trong đền thờ Đức Chúa Trời và đập vỡ hết, rồi đóng các cửa của đền thờ Đức Giê-hô-va. Sau đó, vua lập cho mình những bàn thờ trong mọi ngõ ngách của Jerusalem” (2Sử 28:24).

Kinh Thánh Tân ước công bố rằng Đức Chúa Trời không còn ngự trong nhà do người ta xây cất, nhưng ngự trong lòng người (1Côrinhtô 3:16-17; 6:19). Vua A-cha khinh thị đền thờ vì ông chẳng có mối tương giao nào với Ngài.

Chuyện tích lịch sử có thật ấy là bài học để chúng ta thời nay tự xét và biết các nguyên nhân khiến đời sống tâm linh mình bạc nhược và xa cách Chúa. Vì khi chúng ta bỏ bê đền thờ của Đức Chúa Trời trong lòng mình, hoặc xem thường đền thờ ấy, thì việc bị xa cách Chúa, không được hiệp thông với Ngài là điều phải xảy ra thôi.

Khi Ê-xê-chia lên ngôi, thì Đền thờ đã trở thành một cái kho chứa đồ. Một trong các việc đầu tiên mà Ê-xê-chia làm là quan tâm chăm sóc Đền thờ Đức Chúa Trời: “Vào tháng Giêng năm thứ nhất đời trị vì, vua mở các cửa đền thờ Đức Giê-hô-va và sửa chữa lại” (2Sử 29:3).

Trước khi lập lại cuộc thờ phượng Đức Chúa Trời, vua Ê-xê-chia bắt đầu sửa chữa những sự sai trật từ ngoài cửa đền thờ dần vào trong. Ứng dụng hình ảnh biểu tượng nầy, chúng ta nên giải quyết những trục trặc bên ngoài trước, sửa chữa những điều sai trật mà trước đây mình chưa thấy chúng là nan đề cho đời sống đức tin.

Bởi vì nếu mặt trước của ngôi nhà chưa có bề ngoài đẹp đẽ đàng hoàng, đạo đức, thì bề trong vẫn còn nhiều ác uế.

Ví dụ như các thói quen có từ thời còn trẻ đến nay chưa thay đổi: Bợm nhậu phải chấm dứt các cuộc nhậu nhẹt; lời ăn tiếng nói thô tục phải bỏ hẳn; người bỏ bê gia đình phải trở lại chung thuỷ chăm sóc gia đình mình; người đang làm ăn lươn lẹo phải trở lại ngay thẳng; nếu cách cư xử với mọi người chung quanh là thô lỗ, bất lịch sự thì chấn chỉnh cho thích hợp; người thường ba hoa khoác lác sẽ không còn nói nhiều về các điều không có thật mà trước kia mình vốn thường khoe khoang; vv.

Những điều vừa nói mới chỉ là sự tô điểm bề ngoài; cho nên, để thay đổi những điều sai trật và chuẩn bị cho sự thờ phượng một cách xứng hợp với Đức Chúa Trời thánh, chúng ta phải xem xét kỹ lòng mình để dọn dẹp bề trong của linh và hồn chúng ta, giống như “Các thầy tế lễ đi vào bên trong đền thờ Đức Giê-hô-va để thanh tẩy. Họ đem mọi thứ ô uế tìm thấy trong đền thờ Đức Giê-hô-va bỏ ra ngoài hành lang của đền thờ, rồi người Lê-vi lấy đem ném ra ngoài thung lũng Xết-rôn” (2Sử 29:16).

Khi xem xét để dọn dẹp từ bỏ một điều gì đó, chúng ta phải biết tại sao mình làm như vậy. Làm mà không hiểu lý do tại sao mình phải làm, thì việc làm ấy chẳng có hiệu quả gì hết. Vua Ê-xê-chia biết điều ông làm là để cơn thịnh nộ của Chúa lìa khỏi Giu-đa (2Sử 29:10).

Vua Ê-xê-chia quyết tâm “lập một giao ước với Giê-hô-va Đức Chúa Trời” khi ông tẩy sạch bên trong đền thờ. Tín hữu thời nay thường chần chờ không lập quyết định vì còn đang cân nhắc sự thiệt hại về vật chất khi các mối liên hệ không đẹp lòng Chúa phải bị cắt bỏ; hoặc không thực hiện quyết định mình đã lập; nghĩa là không thật tâm sửa đổi những điều sai trật bên trong, chưa chịu đem hết những đồ ô uế ra ngoài để ném bỏ chúng.

Người ta có thể bắt chước cách ăn nói có vẻ thánh thiện của các tín đồ lâu năm, nhưng bề ngoài không thể che đậy được sự thật trong lòng.

Khi người Lê-vi đem tất cả các thứ ô uế trong đền thờ ra ngoài, người ta mới thấy những món ô uế nào mà A-cha chứa bên trong. Nếu chúng ta tự dọn dẹp và tẩy rửa những điều Đức Chúa Trời xem là ô uế, thì hành động ấy được Chúa vui lòng và khen ngợi; sẽ không bị hổ thẹn vì điều ô uế bị phơi bày. Đức Thánh Linh sẽ moi chúng từ các ngóc ngách kín đáo và ném bỏ ra ngoài xa.

Thờ phượng là làm sạch lòng mình trước hết. Hành động dọn dẹp đòi hỏi một quyết tâm sẵn sàng từ bỏ những điều bị Đức Chúa Trời chỉ ra là ô uế.

Lòng của anh chị em chỉ có thể được làm sạch khi nhường cho Đức Thánh Linh soi xét, không tìm cách tự biện hộ. Việc ấy cũng sẽ không phải là nhanh chóng sau vài phút suy nghĩ; vì người Lê-vi cần đến mười sáu ngày để dọn dẹp hết tất cả các món đồ ô uế mà vua A-cha đã đem vào đền thờ Đức Chúa Trời (2Sử 29:17). Vì số người Lê-vi tham gia vào sự dọn dẹp không phải là ít, mà họ cần tới mười sáu ngày để hoàn thành cuộc thanh tẩy đền thờ, thì những món ô uế bị A-cha đem vào chứa trong đền thờ phải là nhiều lắm.

Hơn nữa, khi vua Ê-xê -chia kêu gọi người Lê-vi, ông bảo họ “Hỡi các người Lê-vi, hãy nghe ta! Bây giờ hãy thánh hoá chính mình, thánh hoá đền thờ Giê-hô-va Đức Chúa Trời của tổ phụ các ngươi, và loại những điều ô uế ra khỏi đền thánh đi” (2Sử 29:5).

Vậy, nếu anh chị em muốn thanh tẩy đời sống thân thể mình, là đền thờ của Đức Chúa Trời, thì phải thánh hoá mình trước đã. Sự sửa sang các hình thức hư hoại bề ngoài và thanh tẩy những điều ô uế bên trong phải được thực hiện đồng một lúc.

Lúc ấy, khi người Giuđa xa cách Chúa thì họ chứa đủ thứ ô uế trong đền thờ. Đền thờ thánh của Đức Chúa Trời bị làm kho chứa những thứ mà Ngài ghê tởm. Trong một thời gian dài, khi đền thờ bị làm cho ô uế thì cuộc thờ phượng cũng không thể thực hiện được, người Giuđa chẳng nhớ gì tới Chúa của họ.

Đời sống của tín hữu cũng giống như vậy; nếu lòng anh chị em còn chứa đầy rác rến trần gian thì hành động thờ phượng chỉ làm cho mình nặng tội thêm, vì Đức Chúa Trời ghê tởm những người như thế.

Người ta không cần nói cho người phạm tội biết họ là tội nhân, vì họ biết họ là ai. Tín đồ xác thịt cũng nhận biết rõ tình trạng lòng họ khi phải đối diện với Đức Chúa Trời Thánh. Cho nên, ai là người muốn thật lòng thờ phượng Đức Chúa Trời cần phải tự hỏi lòng mình vài câu hỏi dò xét có thể rất khó chịu:

Trong lòng ta đang chứa những gì; động lực nào thúc đẩy mình tham dự thờ phượng ở nhà thờ? Lãnh vực nào trong đời sống mình cần phải được Chúa tẩy sạch? Trả lời các câu hỏi nầy sẽ bộc lộ tình trạng thật của tâm linh chúng ta.

Khi ở một mình, anh chị em suy nghĩ điều gì? Sau khi ra khỏi khung cảnh phòng nhóm của nhà thờ thì mình nghĩ tới điều chi? Hãy để Chúa đến lôi ra tất cả những điều bất khiết trong lòng ta. Vì không ai có thể thờ phượng Chúa mà lòng chứa đầy ác uế của thế gian. Tất cả những thứ đó phải bị lôi ra và ném bỏ.

Sau khi làm xong mọi việc, người Lêvi tâu với vua Ê-xê-chia: “Chúng tôi đã thanh tẩy toàn thể đền thờ Đức Giê-hô-va, bàn thờ tế lễ thiêu và các vật dụng, bàn bánh cung hiến và các vật dụng. Còn tất cả các vật dụng mà lúc trị vì vua A-cha đã phản bội Chúa mà ném bỏ, thì chúng tôi đã tìm lại được, tẩy uế và sắp đặt lại trước bàn thờ của Đức Giê-hô-va” (2Sử 29:19).

Chúng ta cũng phải làm sạch lòng và đời sống mình trước khi tái lập cuộc thờ phượng Chúa. Vì nếu mình chưa giải quyết việc ấy, thì sự thờ phượng của chúng ta chẳng những vô ích mà còn đem lại tai hoạ cho chính mình, vì sự thờ phượng bất xứng sẽ bị Đức Chúa Trời trừng phạt nặng nề.

Hãy xin Đức Thánh Linh dùng lửa thánh của Ngài thiêu đốt mọi ác uế bị Chúa nhờm tởm còn ở trong ta.

TruyenGiaoVungVang10.docx

Rev. Dr. CTB