Những Điều Cần Biết, bài 07
Thi-Thiên 35:1–10
Trong đời sống thường ngày ở mọi thời đại, người ta vẫn có nhiều điều không như ý, hoặc bị thiệt hại, bị hãm hại do tâm địa gian ác của người khác gây ra, thì ý nghĩ mong cho tai hoạ báo trả trên chính người ác để bù lại những gì hắn đã làm hại người khác, là quan điểm về công bằng trong tâm lý bình thường của loài người. Hầu như chẳng ai thương xót kẻ ác khi hắn bị khốn khổ vì tai hoạ, hay bị trừng phạt vì tội ác hắn đã làm ra.
Người ở thời Cựu ước đặt nặng lẽ công bằng của Chúa trên kẻ thù của họ. Những người kính sợ Đức Chúa Trời ở thời đó vẫn thường khẩn nài Chúa trừng phạt kẻ ác, báo trả hắn một cách công bằng, để người hiền lương vui sống, tin cậy và kính sợ Chúa hơn. Người ta tin điều đó vì Đức Chúa Trời đã mặc khải qua nhiều lời tiên tri rằng: Ngài là Đấng công chính và Ngài sẽ thi hành sự xét đoán chính trực trên thế gian (Thi-thiên 7:11).
Vì thế, trong Kinh-thánh Cựu-ước có nhiều lời cầu nguyện chúc dữ của các tác giả xin Chúa giáng hoạ trên kẻ thù của họ. Tâm lý và phong tục của người thời cổ tin rằng họ có thể nhờ người có khả năng tiếp xúc với cõi thần nguyền rủa kẻ thù của họ qua những lời chúc dữ, vì chúc dữ thì đồng nghĩa với nguyền rủa.
Một ví dụ điển hình là Balak, vua Moab, quá kinh hãi dân Israel đang tiến đến đóng trại ở hoang mạc Moab, vì Israel đã tiêu diệt các vua Amorite lân bang hùng mạnh. Đứng trước đà chiến thắng như chẻ tre của Israel, vua Balak sai các quan trưởng Moab tới Aram mời thầy pháp Balaam về chúc dữ và nguyền rủa dân Israel. Nhưng Đức Chúa Trời buộc Balaam nói tiên tri chúc phước cho dân Israel thay vì chúc dữ và nguyền rủa (Dân-số-ký 22–24).
Sách Thi-Thiên có nhiều bài thơ của vua David chúc dữ trên các kẻ thù của ông và cầu Chúa giáng hoạ trên họ. Nhưng lời lẽ và nghĩa của các bài thơ nói lên sự nhờm tởm của Đức Chúa Trời đối với điều ác chứ không chú trọng lắm về ý tưởng trả thù.
Khi David cầu xin: “Lạy Đức Giê-hô -va, xin bẻ răng trong miệng chúng; lạy Đức Giê-hô-va, xin bẻ nanh các sư tử tơ. Nguyện chúng tan ra như nước chảy” (Thi-thiên 58:6–7), thì ý ông là xin Chúa thi hành sự phán xét công bằng của Ngài trên những kẻ có tư tưởng và hành động ác độc. Bởi vì sự tức giận thánh trước những điều bất công hay tà ác thì phù hợp với đức công chính và thánh khiết của Đức Chúa Trời.
Bài thơ xin Chúa cứu khỏi kẻ thù của David là điển hình về mặt nầy: “Nguyện những kẻ tìm hại mạng sống con phải bị hổ thẹn và sỉ nhục; những kẻ âm mưu hại con phải thối lui và bị xấu hổ” (35:4).
Những lời cầu nguyện chúc dữ của David nói lên sự thánh khiết của Đức Chúa Trời và cũng nhấn mạnh rằng sự phán xét công nghĩa của Ngài chắc chắn sẽ đến trên kẻ làm ác. Các thi thiên của David đều dựa trên đức công chính và thánh khiết của Đức Chúa Trời bày tỏ lòng công phẫn thánh thiện đối với các hành vi bạo tàn của kẻ ác; cho nên các thi thiên ấy đều có những lời chúc dữ và nguyền rủa, thích hợp với quan điểm của dân Chúa ở thời Cựu ước.
Nhưng, quan điểm của Hội-thánh Đức Chúa Trời vào thời Tân-ước qua các lời dạy của Đức Chúa Jesus thì không giống với quan điểm của các tổ phụ thời Cựu-ước, mà đặt trên nền tảng đức nhân ái.
Tuy vậy, các giáo huấn của Đức Chúa Jesus không mâu thuẫn với quan điểm Cựu ước. Vì Cựu-ước chép “Chúa Giê-hô-va phán: ‘Chẳng lẽ Ta lại vui vì sự chết của kẻ dữ sao? Chẳng phải Ta vui vì nó từ bỏ đường lối mình để được sống sao?’” (Ê-xê-chi-ên 18:23).
Căn cứ trên những lời bày tỏ đức nhân ái của Đức Chúa Trời không muốn thấy kẻ ác bị hình phạt, mà Ngài muốn họ từ bỏ đường lối ác để được sống, thì con cái Chúa ngày nay cần phải biết rõ mục đích hay mục tiêu của những lời chúc dữ thì không nhằm nguyền rủa kẻ ác để mong họ bị diệt vong. Vì chúng ta thấu hiểu ý của Đức Chúa Trời là Ngài “không muốn một người nào chết mất mà muốn mọi người đều ăn năn” (2Phierơ 3:9b).
Vậy, tại sao ngày nay chúng ta vẫn có những lời cầu chúc dữ? Để có thể áp dụng không sai trật với đường lối của Chúa, chúng ta cần phải biết thủ phạm của sự ác là ma quỷ ẩn núp trong con người, nên lời chúc dữ phải nhắm vào chúng.
Nghĩa là ngày nay nếu ai dùng các lời cầu chúc dữ hay nguyền rủa thì chỉ có thể áp dụng cho kẻ thù của chúng ta trong linh giới mà thôi (Êphêsô 6:12). Người nào dùng các bài thi thiên nguyền rủa để chúc dữ người nghịch với mình thì không đúng với nguyên tắc yêu thương và nhân ái của Kinh thánh.
Đức Chúa Jesus dạy: “Hãy yêu kẻ thù mình, làm ơn cho kẻ ghét mình, chúc phước cho kẻ rủa sả mình, và cầu nguyện cho kẻ sỉ nhục mình” (Luca 6:27–28). Những lời dạy nầy diễn ra trong bối cảnh xã hội Do-thái, nơi mọi người đều biết kính sợ Đức Chúa Trời.
Nhưng đối với bối cảnh ngày nay, chúng ta rất khó kiên nhẫn bày tỏ lòng yêu thương đối với những người gian xảo, quỷ quyệt, đầy tớ của ma quỷ. Bởi vì chúng ta thường chỉ nhìn những con người cụ thể, mà quên rằng đằng sau họ là các thế lực tối tăm trong linh giới đang điều khiển họ.
Có thể rằng tín hữu ở các nước tân tiến ngày nay, là những nước chịu ảnh hưởng của thuyết nhân bản, suy nghĩ khác hẳn tín hữu ở các nước chậm tiến, nơi Hội thánh của Chúa vẫn bị bách hại thường xuyên, chịu khổ trăm bề để bảo vệ niềm tin của họ.
Ở những xã hội chủ trương khoan dung với người phạm các tội đại hình, nhưng thù ghét Đức Chúa Trời và Hội-thánh của Ngài, thì tình hình tội ác ngày càng gia tăng, mức độ hung tợn của tội ác càng ghê rợn hơn. Trái lại, ở các xã hội nghiêm khắc trừng trị tội phạm, thì số tội ác giảm hẳn.
Tình trạng đó dẫn đến sự khó nghĩ cho các con cái Chúa khi đứng trước số phạm nhân đang chờ bị thi hành án tử hình. Bởi vì nếu trừng trị kẻ phạm pháp theo đúng pháp luật như những lời cầu chúc dữ của nhiều thi thiên, thì sợ rằng không áp dụng đức nhân ái của Đức Chúa Jesus đã dạy. Còn khoan dung cho họ thì vô số kẻ có lòng tà ác sẽ không sợ luật pháp, mà tiếp tục gây tội ác chống người hiền lương.
Ngược lại, những tín hữu có đời sống tâm linh nóng cháy và thật lòng kính sợ Chúa thì dùng các lời cầu nguyện chúc dữ chống lại các thế lực tối tăm ẩn sau lưng những người ác.
Đối với họ, tuy công lý phải được thi hành, nhưng ma quỷ là kẻ thù thật thì phải dùng các lời chúc dữ triệt hạ chúng, để những tội phạm có cơ hội ăn năn tội lỗi và linh hồn được cứu; vì thế, sự cầu chúc dữ là một phần của chiến thuật cầu nguyện chiến đấu.
Những lời chúc dữ khi cầu nguyện chiến đấu phải nêu đích danh những thế lực tối tăm ẩn sau những con người, hay các cơ sở bị chúng sử dụng để cầm giữ vô số nạn nhân của chúng làm nô lệ cho tục thờ cúng đầy mê tín, dị đoan chẳng có chút sự thật nào.
Các lời cầu nguyện chiến đấu của Hội-thánh phải nhắm vào việc phơi trần bộ mặt thật của những mưu chước quỷ quyệt đã lừa bịp người ta từ hàng ngàn năm qua, với mục đích là giúp những nạn nhân được tháo bỏ xiềng xích và mở mắt thấy sự thật về niềm tin của họ.
Ngày nay chúng ta có thể cậy uy quyền vô địch của Danh Đức Chúa Jesus, là Danh trên hết mọi danh mà công bố những lời cầu chúc dữ đối với các thế lực tối tăm của ma quỷ.
Vì Satan sử dụng những con người thù ghét Đức Chúa Trời cách vô cớ để phá phách và ngăn trở sự mở mang Vương quốc của Ngài, nên những lời cầu chúc dữ khi cầu nguyện chiến đấu của con cái Chúa sẽ không nhắm vào sự phá huỷ cá nhân, mà triệt hạ quyền lực mà ma quỷ đang sử dụng những hạng người như vậy để lừa bịp người ta.
Vấn đề nầy hơi phức tạp, khó hiểu và khó thực hiện nếu chiến sĩ cầu nguyện chưa có cơ hội học để hiểu biết hoặc chưa được huấn luyện kỹ càng về những cách nhận định, phân biệt giữa những người gian ác với thế lực thật của ma quỷ sau lưng họ, cũng như cách trói buộc ma quỷ ở trong những con người đó, rồi cầu xin Chúa ban cho họ cơ hội tiếp nhận ơn cứu rỗi của Ngài.
Nói tóm lại, con cái Chúa cần phải học biết và thực hành một cách thuần thục về cầu nguyện chúc dữ đối với những kẻ thù của Tin Mừng; bởi vì chúng ta thường nhắm vào những con người mà mình thấy rất là đáng ghét. Mà trong sự thật thì họ là những con người đáng thương đã bị văn hoá và phong tục của truyền thống từ nhiều đời lừa bịp.
Đồng thời chúng ta cũng phải biết những con người rất xảo quyệt đã quyết chí bịt mắt đối với sự thật mà vô cớ thù ghét Đức Chúa Trời rất điên cuồng, để nhân danh Đức Chúa Jesus trói buộc những con người đó, vô hiệu hoá sự lừa bịp của họ đối với vô số người khác.
Cầu xin Chúa giúp anh chị em hiểu vấn đề quan trong nầy.
NhungDieuCanBiet07.docx
Rev. Dr. CTB